Tình trạng trộm cắp vỏ cây quế ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái lại gia tăng với thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh hơn trước.
Vườn quế bị kẻ gian "thu hoạch" hộ
Theo chân anh Đàm Văn Trường ở thôn Tân Việt, xã Quy Mông (huyện Trấn Yên), phóng viên vào tận rừng quế của gia đình anh nằm cách xa đường bê tông khoảng 1 km. Nhìn những thân cây quế bị kẻ gian bóc trắng phần gốc, anh Trường xót xa nói: thời gian gần đây xảy ra khá nhiều vụ trộm quế trong khu vực. Rừng quế 9 năm tuổi của gia đình đang trong thời kỳ bóc tỉa, vài năm nữa là được thu hoạch trắng.
Thế mà kẻ xấu đã bóc trộm 16 cây quế to, mỗi cây chúng thường bóc từ 4 – 5 khoanh vỏ phần gốc, tùy theo chiều cao sải tay, nếu gia đình không phát hiện sớm sẽ khiến cây chết dần, vì vậy gia đình anh Trường đã phải chặt hạ những cây quế này để tận thu những gì còn lại. Khi bóc trộm thì kẻ xấu lại chọn những cây to và thẳng nhất. Vấn nạn trộm vỏ quế cả chục năm nay vẫn diễn ra. Thi thoảng lại nghe người dân phản ánh bị mất trộm quế, ngay cả nhà trưởng thôn cũng vừa bị bóc trộm. Mỗi lần bị mất trộm, thì các hộ dân báo chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa bắt được kẻ gian, một số hộ dân quá chán nản, mất cũng không còn trình báo nữa.
Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên đến thăm đồi quế của gia đình bà Lê Thị Thuấn ở thôn Tân Cường, xã Quy Mông. Cách đây, khoảng 10 ngày, nhà bà phát hiện bị mất gần 20 cây quế to sắp đến tuổi khai thác. Những cây quế còn bị kẻ trộm chặt hạ và bóc trắng như người dân đi thu hoạch bình thường. Theo bà Thuấn, kẻ gian bóc trộm quế của nhà mình trong 3 ngày liên tục vào khoảng giữa trưa. Ngày gần nhất phát hiện thì thì kẻ trộm đã tẩu thoát để lại tại hiện trường có một số cây quế đang được khoanh vỏ và mới chặt hạ còn chưa kịp bóc trộm.
Nhà bà bị bóc trộm mất gần 1 tạ quế vỏ, những cây này sau được gia đình tận thu để giảm bớt thiệt hại. Sự việc xảy ra nhưng gia đình bà Thuấn cũng không báo với chính quyền. Hiện nay, ngày nào các thành viên trong gia đình bà cũng phải thay ca đi tuần tra vào thời điểm 4 – 5 giờ sáng, tầm giờ trưa và chiều muộn để phòng kẻ gian tiếp tục ăn cắp.
Mặc dù giá trị bị mất trộm chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng, tuy nhiên việc bóc trộm là hành vi phá hại sản xuất, nếu không phát hiện kịp thì cây quế bị khoanh gốc sẽ chế khô, chỉ có thể làm củi đun.
Người dân trông đợi sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Không riêng gì ở xã Quy Mông, vấn nạn bóc trộm vỏ quế theo kiểu phá hoại còn xảy ra ở một số địa phương khác trong huyện như Kiên Thành, Tân Đồng. Vỏ quế có giá trị nên những đồi quế lâu năm, ở khu vực xa dân cư là những miếng mồi béo bở cho các đối tượng trộm cắp lộng hành.
Ngày 6/9, gia đình anh Thái Doãn Dương ở thôn Sài Lương, xã Tân Đồng được hàng xóm đi làm đồi gọi điện báo là đồi quế của gia đình bị bóc trộm rất nhiều. Tá hỏa chạy lên đồi thì thấy hàng loạt cây quế 12 năm tuổi của nhà mình bị kẻ trộm khoanh gốc bóc vỏ. Kẻ trộm đã lấy đi khoảng gần 2 tạ quế vỏ, nếu bán ra thị trường giá hiện nay sẽ thu được khoảng hơn 4 triệu đồng.
Nhìn đồi quế chăm sóc hơn chục năm, đang sắp đến ngày thu trái ngọt thì bị bóc trộm, phá hoại tan hoang nên gia đình rất bức xúc. Sau đó lại phải huy động nhân công lên bóc lại những phần xương xẩu để vớt vát thiệt hại, anh Dương chua chát nói.
Gia đình cũng đã báo công an xã vào lập biên bản điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Vì các đối tượng thực hiện hành vi bóc trộm vào rạng sáng nên khi trích xuất camera an ninh trên các tuyến đường cũng không tìm được.
Theo bà Trần Thị Kiều Nhung – Chủ tịch UBND xã Tân Đồng cho biết: xã có địa bàn rộng, lại là địa bàn giáp danh với xã Cảm Ân (huyện Yên Bình) và có tuyến đường nối tỉnh lộ 163 với đường Quốc lộ 70 nên khó khăn trong công tác tuần tra, quản lý. Chính quyền xã đã chỉ đạo lực lượng công an lập biên bản, điều tra. Nhưng đến nay chưa có vụ việc nào bắt được kẻ gian.