Tuy nhiên, sau hàng loạt đợt ra quân, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm vẫn chưa thể chấm dứt.
Liên tiếp bắt quả tang
Mới đây, chiều 13/7, Thanh tra Bộ NN-PTNT kết hợp cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu và Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn đang tiến hành bơm tạp chất vào tôm.
Vừa qua Đoàn kiểm tra liên ngành lại bắt được 2 cơ sở bơm tạp chất vào tôm tại Bạc Liêu |
Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ kiểm tra cơ sở thu mua bán tôm do Trần Quốc Trung (SN 1983, ngụ ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), bắt quả tang 3 công nhân đang bơm tạp chất CMC vào tôm sú nguyên liệu. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 60kg tôm sú nguyên liệu (trong đó, 30 kg tôm đã được bơm tạp chất CMC), 1 máy cao áp dùng để bơm CMC vào tôm và khoảng 20 lít CMC đã được pha sẵn.
Cũng khoảng thời gian trên, đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ ập vào cơ sở kinh doanh của Trần Quốc Khải (SN 1980, ngụ cùng địa chỉ trên). Tại đây, đoàn bắt quả tang 5 nhân công đang bơm tạp chất Agar và CMC vào tôm sú. Đoàn kiểm tra thu giữ khoảng 100kg tôm sú nguyên liệu (khoảng 40kg tôm sú đã được bơm tạp chất Agar và CMC vào bên trong), 1 máy cao áp, 5 đầu dây, khoảng 150 lít Agar và CMC.
Bước đầu cả hai người khai nhận, bột Agar nhờ người khác mua ở tại TP Hồ Chí Minh (có giá khoảng 2,1 triệu đồng/kg), thường thì 400 gam bột pha khoảng 8 lít nước và được bơm vào khoảng 50 kg tôm, mục đích là để tăng trọng lượng và kích thước tôm.
Trước đó, vào ngày 29/5, Cục Cảnh sát Môi trường (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), Thanh tra Bộ NN-PTNT và cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang một cơ sở kinh doanh trên địa bàn đang tiến hành bơm tạp chất vào tôm.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành I, Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết: Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra tổng cộng 36 vụ bơm, vận chuyển, sản xuất và chế biến tôm tạp chất. Ngoài ra, còn phát hiện một số vụ việc khác ở các tỉnh trong khu vực như: Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản hành chính và tạm giữ toàn bộ số tôm đã bơm tạp chất, cùng những tang vật có liên quan để điều tra làm rõ.
Thực trạng trên đã đến mức báo động |
Theo ông Dũng, việc bơm tạp chất Agar hoặc CMC vào tôm nguyên liệu bên cạnh tác hại có thể gây bệnh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu còn làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín chất lượng của tôm Việt Nam hiện nay.
Cần quản lý từ gốc
Là người có kinh nghiệm nuôi tôm tại địa phương, ông Sáu Ngoãn (phường 7, TP Bạc Liêu) cho biết: Thực trạng tôm tạp chất đã tồn tại từ rất lâu. Nhiều năm nay đã có những đợt càn quét nhưng không giải quyết triệt để được vấn đề.
Theo ông Sáu Ngoãn, người dân không bao giờ biến con tôm sạch mình làm ra thành tôm bẩn. Nếu người dân nuôi tôm bơm tạp chất vào tôm, thương lái sẽ phát hiện ngay và không bao giờ thu mua loại tôm này. Hành vi bẩn trên chủ yếu do bộ phận tư thương và doanh nghiệp thực hiện.
"Tại sao? Vì lợi nhuận quá khủng, có cầu mới có cung. Tôi theo dõi vấn đề này nhiều năm nay, lâu lâu chúng ta chộp một vụ, toàn những cơ sở nhỏ lẻ. Những cơ sở này làm cho ai, chúng ta đều biết. Cứ quản lý từ ngọn sẽ còn hoài. Muốn chặn đứng phải đánh từ gốc. Không có doanh nghiệp tiêu thụ tôm tạp chất, thì tôm tạp chất bán đi đâu? Quản lý được từ gốc tự nhiên vấn nạn trên sẽ chấm dứt", ông Sáu Ngoãn bức xúc.
Để giải quyết triệt để vấn đề, cần quản lý từ gốc |
Còn theo một lãnh đạo Thanh tra Sở NN-PTNT Bạc Liêu, bơm tạp chất vào tôm là hành vi gian lận thương mại. Đường đi của tôm tạp chất chủ yếu được xuất qua Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Thậm chí bộ phận thương lái Trung Quốc qua nước ta đặt hàng bơm tạp chất để mang về. Từ đó, vấn nạn trên mới nhức nhối như hiện nay.
Các địa phương chỉ quản lý được phần ngọn, có mạnh tay tới đâu cũng chỉ bắt được 1- 2 vụ là bị đánh động. Sau đó, lắng xuống và đâu lại vào đó, do lợi nhuận quá khủng.
"Tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề kiểm nghiệm mẫu tôm để được xuất đi. Bất kỳ ở vùng nào đều có các trung tâm kiểm định chất lượng. Muốn đi, phải được cấp phép dù đi bằng con đường tiểu ngạch hay chính ngạch. Vậy tại sao tôm tạp chất vẫn tồn tại được? Phải xiết chặt ngay từ gốc. Tôm nhiễm tạp chất không cấp giấy thì làm sao lọt qua hàng loạt chặng đường để đi ra nước ngoài được?”, vị này đặt vấn đề.