| Hotline: 0983.970.780

Những bông hoa tỏa sáng giữa đời thường: [Bài 1] Bức tranh mới ở làng biên giới

Thứ Hai 19/08/2024 , 07:00 (GMT+7)

Để có bức tranh toàn cảnh về nông thôn mới đẹp như hôm nay, nhân dân và cán bộ tỉnh Bình Phước đã vào cuộc, cùng với sự chung tay của nhiều nhân tố tích cực.

Làng biên giới Thanh Hòa

Một ngày giữa hè, chúng tôi theo chân lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện Bù Đốp lên thăm khu dân cư biên giới Thanh Hòa, xã Thanh Hoà, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước trong cái nắng nóng như đổ lửa.

Tiếp chúng tôi tại quán nước ngay góc ngã ba vào khu dân cư của gia đình bà Mạc Thị Nâng, anh Nguyễn Trọng Khải, Phó Ban Chỉ huy quân sự xã Thanh Hòa, khoe: “Cuộc sống của bà con ở khu dân cư biên giới đang ngày càng ổn định và tốt lên. Cơ sở hạ tầng như các anh thấy, được đầu tư khang trang như một khu phố, 51 hộ gia đình trong khu đã có nhà cửa kiên cố, vật dụng bên trong đầy đủ”.

Bà Mạc Thị Nâng, một trong những cư dân lâu đời nhất ở làng biên giới Thanh Hòa. Ảnh: Hồng Thủy.

Bà Mạc Thị Nâng, một trong những cư dân lâu đời nhất ở làng biên giới Thanh Hòa. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Khải chỉ vào bên trong căn nhà của bà Nâng, chủ quán nước nói: “Gia đình bà Nâng đây là một trong số 51 hộ của khu dân cư biên giới, bên trong không thiếu gì, cửa hàng tạp hoá cũng bán đủ thứ. Ngoài đầu tư cửa hàng tạp hoá, bà Nâng còn mở quán nước giải khát, phía sau nhà nuôi mấy chục con dê, đàn gà, vịt cũng vài chục con.

Năm nay 71 tuổi, “đứng chân” ở vùng biên giới Thanh Hòa đã hơn 30 năm, bà Nâng kể: “Tôi quê ở Hưng Yên, đi kinh tế vào đây từ năm 1986. Lúc đó Nhà nước đưa chúng tôi vào đây làm cao su, lo cho từ miếng ăn, nước uống, nhưng vất vả quá nên nhiều người cũng bỏ đi vì không chịu được. Lúc đó vất vả cũng chưa sợ bằng vấn đề an ninh, vì chỗ này cách biên giới chỉ vài trăm mét, rừng cây rậm rạp, đủ thành phần xấu từ bên kia sang, rồi có cả những đối tượng trốn truy nã, lẩn trốn ở đây, nên lâu lâu chúng tôi lại phải tiếp mấy “khách không mời”. Tụi nó cứ thấy có nhà là mò vào, xin ăn, uống. Tôi bảo chúng nó xem trong nhà có gì cứ lấy. Rồi lâu lâu lại nghe tiếng súng nổ, sợ lắm. Còn bây giờ, ở đây chẳng khác gì ngoài phố, bình yên lắm”.

Bên trong làng biên giới Thanh Hòa. Ảnh: Hồng Thủy.

Bên trong làng biên giới Thanh Hòa. Ảnh: Hồng Thủy.

Ở bên kia đường, trước một dãy nhà mới tinh, có 2 người đàn ông, 1 già, 1 trẻ, đang ngồi trên ghế đá trò chuyện rôm rả. Tôi bước qua làm quen. Người đàn ông lớn tuổi giới thiệu tên Nguyễn Văn Lý, năm nay 67 tuổi, cho biết, ông có nhà ở Bình Dương, lên đây thăm cháu rồi “mắc kẹt” lại, phần vì thích sự bình yên ở vùng biên giới này, phần vì muốn giúp con gái trông cháu ngoại. “Con gái tôi lấy chồng ở Thanh Hoà, vì chưa có nhà ở nên được xã xét cấp nhà ở đây. Nhờ vậy mà giờ vợ chồng nó ổn định cuộc sống. Tôi ở nhà cũng rảnh nên lên thăm cháu, ai dè thấy chúng nó neo người quá, đi làm tối ngày, mấy đứa nhỏ không được chăm, tôi xót cháu nên không nỡ về. Mà ở đây yên tĩnh, ở riết tôi thích luôn rồi”, ông Lý cười.

Nhà văn hoá ở khu dân cư biên giới. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhà văn hoá ở khu dân cư biên giới. Ảnh: Hồng Thủy.

Người đàn ông trẻ hơn, ngồi bên cạnh ông Lý là anh Nguyễn Tiến Hưng, 39 tuổi, lên cùng đợt với gia đình con gái ông Lý, và là 2 trong số những hộ đầu tiên được cấp nhà tại khu dân cư này, cho biết. “Tụi tôi lên đây cũng được 5 năm rồi. Hồi mới lên, đường sá, điện nước chưa hoàn chỉnh, sóng điện thoại không có, nên cũng vất vả lắm. Được cái là chính quyền địa phương, các đơn vị bộ đội, Quân khu 7 rất quan tâm, nhất là những ngày lễ, tết. Còn bây giờ, anh thấy đấy, có đủ mọi thứ như dưới phố rồi, từ điện, đường, trường trạm, đến nhà văn hoá, trung tâm thể dục thể thao. Mà ở đây không khí trong lành, yên tĩnh, sống khoẻ lắm”.

“Khu dân cư biên giới có 51 hộ, 177 nhân khẩu, trong đó có 6 hộ đồng bào. Được xây dựng năm 2019, hoàn thành năm 2022. Tiêu chuẩn mỗi hộ được cấp 360m2, có sẵn 1 căn nhà, sân và một ít vườn. Ngoài hệ thống đường bê tông, nhựa khang trang, khu dân cư còn có nhà văn hoá, trường mẫu giáo, trạm y tế và khu sản xuất tập trung”, ông Lê Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp.

Đổi đời ở vùng đất mới

Đó là cuộc sống của những người dân ở khu tái định cư 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập). Kể từ khi về đây định cư, cuộc sống của họ đã sang trang mới.

Theo lãnh đạo xã Phú Nghĩa, cư dân khu tái định cư 119 đa số là Việt kiều Campuchia, sinh sống bằng nghề chài lưới ở vùng Biển Hồ. Khi cuộc sống nơi xứ người ngày càng khó khăn hơn, họ rủ nhau hồi hương. Về Việt Nam, cuộc sống của họ cũng chẳng khá hơn, vẫn cứ bấp bênh, quanh năm “gật gấu vá vai”.

Nhằm giúp dân ổn định cuộc sống, năm 2013, tỉnh Bình Phước đã quyết định giao đất cho huyện Bù Gia Mập, phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đóng trên địa bàn triển khai xây dựng khu dân cư Hai Căn, giúp dân ổn định cuộc sống.

Khu tái định cư Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Ảnh: Hồng Thủy.

Khu tái định cư Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Ảnh: Hồng Thủy.

Gặp chị Thị Đúp, 45 tuổi, ở khu tái định cư, lúc chị đang cho cặp bò trong chuồng ăn, chị cười tủm tỉm, kể: “Trước đây nhà nghèo lắm, không có vườn rẫy nhưng lại 4 miệng ăn. Đói thì không đói nhưng có khi chưa biết no là gì. Chồng bệnh tật, nhà có gì cũng bán để chữa cho ổng, nhưng tốn bao nhiêu tiền rồi ổng cũng chết, mẹ con tôi buồn lắm.

Cách nay 3 năm, cán bộ đến đưa ba mẹ con về đây, cho nhà, cho đất rồi cho nhiều thứ trong nhà nữa, hồi tết rồi lại cho thêm 2 con bò này. Tôi giờ vừa nuôi bò vừa đi làm thuê nuôi 2 đứa con đi học, đứa lớn lớp 8, đứa nhỏ lớp 4. Lúc nào không học chúng nó đi làm thêm kiếm tiền phụ mẹ nó. May mà có nhà nước giúp nên ba mẹ con tôi giờ cũng sống được rồi”. 

Một hàng xóm của chị Thị Đúp là bà Huỳnh Thị Vân, 65 tuổi, và con trai Huỳnh Công Phúc, 41 tuổi, từ Campuchia trở về Việt Nam không có nhà cửa, đất đai, cuộc sống nay đây mai đó, công việc không ổn định, bữa đói bữa no, nay được cấp nhà đất tái định cư đã ổn định cuộc sống ở khu Hai Căn. “Vì già không đi làm công ty được nên tôi lấy điều về bóc vỏ lụa, còn con tôi đi phụ hồ, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, không như trước đây khó khăn triền miên”, bà Vân nói.

Ông Điểu Đé (bên phải), Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn và anh Điểu Tứ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Điểu Đé (bên phải), Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn và anh Điểu Tứ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Một trong những hộ khá giả nhất ở khu Hai Căn phải kể đến gia đình anh Điểu Tứ, 52 tuổi. Vốn tính siêng năng, chí thú làm ăn, nay anh đã xây dựng được cơ ngơi khá bề thế. Sau khi chia tài sản cho 4 người con ra ở riêng, hiện gia đình anh còn 6ha cao su, điều. Thu nhập của gia đình anh Điểu Tứ mỗi năm cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn có 0,5ha đất trồng hoa màu, vừa để ăn vừa bán rẻ, nhà nào trong xóm khó khăn quá anh cho không lấy tiền. “Được như hôm nay là nhờ bao nhiêu năm tích cóp, được đồng nào tôi lại dồn hết vào mua đất, mua vườn”, anh Điểu Tứ nói.

Ngày xưa ở đây chỉ có 2 căn nhà, một của ông Điểu Đanh và căn còn lại là của gia đình tôi. Vì thế nên người ta gọi là Sóc Hai Căn. Sau khi có khu tái định cư, đổi thành thôn Hai Căn, tổng số 370 hộ dân. Hai Căn nay tốt hơn xưa nhiều lắm, đường đẹp, điện sáng, nước sạch, trường cho con em học cũng gần, chỗ chăm sóc sức khỏe cũng gần khu dân cư”, ông Điểu Đé, Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.