| Hotline: 0983.970.780

Những câu chuyện về loài sâm số 1 thế giới: Duyên nợ của ông chủ trẻ

Thứ Sáu 09/04/2021 , 07:53 (GMT+7)

Khởi nghiệp với sâm Ngọc Linh khi mới ngoài 20 tuổi, từng thất bại, trắng tay, nhưng anh không nản lòng, lùi bước. Nay anh đã là một “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc”.

Đó là Trần Ðức An, sinh năm 1987, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum. Tôi ấn tượng khi lần đầu gặp, nghe An thao thao nói về sâm Việt Nam. An nhấn mạnh là “sâm Việt Nam”, bởi theo anh “đã là “Quốc bảo”, sao lại gọi nó bằng một cái tên địa phương?”.

Lỳ nhưng không liều

Lần đầu gặp, nhìn cặp kính cận và dáng vẻ thư sinh của An khiến tôi liên tưởng đến một thầy giáo hơn là một doanh nhân. Nghe tôi nói cảm nhận này, Trần Đức An cười toe, một lát mới đáp: “Chắc anh nghe ai nói rồi nên mới hỏi như thế? Đúng là tôi từng đứng trên bục giảng”.

Rồi An kể, năm 2009, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán kiểm toán, trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM với kết quả xuất sắc, An được giữ lại trường. Đây là phần thưởng mà nhiều sinh viên khác mơ ước. Tuy nhiên, khi đó An đã mơ hồ cảm nhận được rằng đây có thể không phải là công việc mình sẽ gắn bó cả đời.

Trần Đức An bên vườn giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: Phúc Lập.

Trần Đức An bên vườn giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: Phúc Lập.

“Do công việc nhàm chán hay lương thấp?”, tôi hỏi. “Đều không phải. Công việc cũng hấp dẫn, thú vị chứ không đến nỗi nào. Còn lương không quan trọng, vì kinh tế gia đình ổn, không phải giàu, nhưng đủ lo cho tôi. Có lẽ khi đó tôi vẫn đang trên đường tìm kiếm chính mình”.

Tôi hỏi: “Khi quyết định nghỉ ở trường, chuyển sang làm doanh nghiệp, gắn bó với sâm Ngọc Linh, có phải An đã tìm được hướng đi và công việc sẽ gắn bó với mình?”. An đáp: “Khi đó tôi không chắc, nhưng có lẽ là vậy. Hồi đó, mỗi khi về thăm nhà (An sinh ra và lớn lên ở thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, Kon Tum), thấy mẹ hay mua sâm của người đi rừng về bán lại, mà lúc đó chưa có nhiều người biết đến sâm Ngọc Linh, nên khó bán, giá rẻ. Sâm tươi mà để lâu nó héo, ngót nước, giảm trọng lượng. Mà mỗi lạng hao là mất tiền triệu. Tôi xót nên nghĩ cách giúp mẹ, giới thiệu người quen, đăng lên Facebook. Không ngờ đăng chưa lâu đã bán hết veo. Mà bán giá cao hơn mẹ bán nữa. Sau lần đó, mẹ cứ gom sâm, tôi phụ trách bán hàng.

Phần lớn thời gian An ở ngoài vườn sâm, cùng các cộng sự tìm tòi, nghiên cứu. Ảnh: Phước Vinh.

Phần lớn thời gian An ở ngoài vườn sâm, cùng các cộng sự tìm tòi, nghiên cứu. Ảnh: Phước Vinh.

Nhưng chính những ngày về giúp mẹ bán sâm này đã làm tôi bừng tỉnh, khi thấy người ta vào rừng đào bới, tìm sâm, cây to cây nhỏ gì cũng lấy. Nếu cứ tình trạng này, một ngày không xa, sâm trên núi Ngọc Linh sẽ tuyệt chủng. Tôi cần làm gì đó để giữ lại những sản vật quý mà thiên nhiên ban tặng. Đó là lý do tôi quyết định nghỉ ở trường, về làm bạn với cây sâm, với núi rừng quê hương”.

“Là người địa phương, lại gắn bó và hiểu biết tương đối về sâm Ngọc Linh, chắc An khởi nghiệp suôn sẻ, thành công ngay từ đầu?”, nghe tôi hỏi, An lại cười to, đáp: “Hoàn toàn ngược lại. Trước khi đạt kết quả như hôm nay, tôi thất bại mấy lần, trắng tay”. “Thất bại như thế nào?”, tôi hỏi.

An trầm ngâm một lát rồi kể: “Lần đầu tôi thuê đất trồng thử nghiệm sâm ở Đăk Glei, nhưng phần lớn hạt không nảy mầm, mọt số ít nảy mầm nhưng chưa được bao lâu cũng chết sạch. Toàn bộ vốn ban đầu mấy trăm triệu mất trắng. Lần thứ 2, tôi chuyển về Tu Mơ Rông, gần dãy Ngọc Linh, nơi cây sâm sinh trưởng rất tốt. Tưởng chắc ăn, ai ngờ một trận mưa lũ lớn, cuốn sạch vườn sâm vừa nhú, nguyên nhân là do quy trình tạo độ dốc, kỹ thuật lên liếp (luống) sai. Toàn bộ vốn liếng mấy tỷ bạc vay của cha mẹ mất sạch.

Bữa ăn cùng đồng nghiệp ngay tại lán. Ảnh: Phước Vinh.

Bữa ăn cùng đồng nghiệp ngay tại lán. Ảnh: Phước Vinh.

Khi thất bại lần thứ 2, mẹ khuyên tôi đừng làm nữa, nhưng tôi nghĩ, nếu mới thất bại 2 lần mà đã buông tay thì sau này còn dám làm gì nữa? Thực sự là trong lòng tôi không hề nản, mà còn quyết tâm hơn. Tôi lỳ nhưng không liều, vì linh tính mách bảo, rằng mình chưa đủ kinh nghiệm thôi, cứ làm rồi sẽ thành công. Rồi tôi động viên, thuyết phục mẹ để bà yên tâm.

Lần thứ 3 đầu tư, vốn không còn, tôi phải vay mượn bạn bè, người thân, chỉ được mấy trăm triệu. Có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Suốt mấy năm trời, tôi tự đi tìm mua cây sâm của người dân, vừa mua từng hạt, tích cóp dần. Vườn sâm cứ lớn dần theo thời gian”.

Trăn trở và khát vọng

Hiện nay, Công ty Cổô phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum đã có 48ha sâm Ngọc Linh, trong đó có 4ha trồng phủ, lứa sâm đầu tiên được 12 năm tuổi. Ngoài ra, công ty còn có 8 sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh như trà sâm hòa tan, rượu sâm, nước uống collagen, dưỡng chất sâm Ngọc Linh mật ong, viên nang mềm sâm Ngọc Linh, dầu gió thượng đẳng nhân sâm…

“Sâm Việt Nam có giá rất cao, người bình thường khó có cơ hội dùng nó. Cho nên, tôi đang thực hiện từng bước, từ nhà trồng, khai thác đến trực tiếp chế biến nhằm hạ thấp tối đa mức giá để nhiều đối tượng có thể sử dụng, để sâm Việt Nam không còn là loại thảo dược ngoài tầm với của nhiều người, nhất là người nghèo, người già, ốm đau, bệnh tật. “Người Việt phải được dùng sâm Việt”, đó là mục tiêu lớn của tôi”, An tâm sự.

Sau nhiều nỗ lực, nếm trải nhiều thất bại, năm 2019, An đã nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau nhiều nỗ lực, nếm trải nhiều thất bại, năm 2019, An đã nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiện nay, rất nhiều người hỏi mua sâm thô, nhưng An không bán, chỉ khai thác nhỏ giọt để chế biến. Còn lại, anh muốn giữ để nhân giống. Khi nghe hỏi về dự định tương lai, về những khát vọng, An chia sẻ: Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã công bố kết quả nghiên cứu, giải mã toàn bộ hệ gene phiên mã của sâm Ngọc Linh, phân loại các con đường chuyển hóa dựa trên các đặc điểm của hệ gene phiên mã.

Theo kết quả nghiên cứu này, sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có có khoảng 25 saponin. Từ những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố, danh sách saponin của sâm Ngọc Linh cũng được điền thêm lên tổng cộng 52 loại.

Sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Là người con của núi rừng Ngọc Linh, tôi muốn dùng hết tâm huyết của mình vào việc bảo vệ loài cây quý này. Tôi biết là “một cây không thể nên non”, nên cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Tôi nói như vậy vì tôi biết có nhiều người mua sâm giống mang từ một số tỉnh phía Bắc, hoặc giống Trung Quốc vào. Họ trồng chung với cây sâm Ngọc Linh thuần chủng. Đây là việc làm cần lên án, ngăn chặn. Nếu không, mai này không còn sâm Ngọc Linh thứ thiệt nữa.

Trần Đức An, Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum năm 2019. Ảnh: Phúc Lập.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum năm 2019. Ảnh: Phúc Lập.

Một trong những việc An vẫn làm lâu nay là lặn lội khắp các thôn làng, tìm gặp từng người dân để năn nỉ họ bán lại khi nghe tin họ mới tìm được trong rừng về trồng. “Tôi cố gắng mua cho được, vì những cây sâm này mới chuẩn, thuần chủng núi Ngọc Linh. Nhưng không phải lúc nào họ cũng bán, vì biết mình cần nên họ chần chừ, mục đích là muốn nâng giá, cũng có trường hợp họ muốn trồng”, An kể.

“Trên các trang mạng, thấy người ta rao bán sâm “Ngọc Linh” tràn lan, đó có phải sâm Ngọc Linh thật không? Làm sao phân biệt được thật giả?”, tôi hỏi. An phân tích: “Đó 99% không phải sâm từ núi Ngọc Linh. Vì những củ sâm to như thế, trên núi Ngọc Linh rất hiếm, nếu không muốn nói là không còn. Với lại, chỉ cần có người đào được sâm lâu năm trên núi Ngọc Linh, giới chơi sâm biết ngay, không có cơ hội để con buôn rao trên mạng như thế đâu. Còn sâm Ngọc Linh trồng, hiện số lượng khai thác chưa nhiều, không phải muốn mua lúc nào cũng có. Những củ sâm họ rao bán trên mạng, thực chất cũng là một dạng sâm, cũng có thành phần saponin, chỉ là hàm lượng thấp”. (Hết)

"Khi sâm Việt Nam đã được coi là “Quốc bảo” rồi thì nhà nước cần có chế tài. Ví dụ sâm rao bán trên mạng cũng phải có nguồn gốc, xuất xứ, có chỉ dẫn địa lý. Nếu anh không có giấy tờ chứng minh, tức hàng của anh là hàng giả. Cơ quan chức sẽ có biện pháp xử lý cứng rắn. Nếu làm được như vậy, thì không lo hàng giả. Sâm Việt Nam mới có vị thế trên thị trường thế giới", Trần Đức An, Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.