| Hotline: 0983.970.780

Những câu chuyện về loài sâm số 1 thế giới

[Kỳ 2] Nhớ thời vào rừng một buổi, có cả gùi sâm

Thứ Ba 06/04/2021 , 08:45 (GMT+7)

Sâm Ngọc Linh vốn được người Xê Đăng biết từ rất lâu đời. Khi đó chỉ cần ra rừng là có. Còn bây giờ, để có được nó, đôi khi phải đánh cược mạng sống.

Một gùi sâm đổi một chiếc áo

Từ thập kỷ 90 thế kỷ 20 trở về trước, loài cây mang tên “Sâm Ngọc Linh” (tên sau này được giới khoa học đặt, theo địa chí là núi Ngọc Linh) vốn được đồng bào Xê Đăng sống quanh dãy Ngọc Linh gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc gấu.

Loài cây này có “công năng thần kỳ”, phục hồi sức khỏe nhanh chóng, phối hợp với một số cây lá rừng khác, có thể chữa được nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền của đồng bào. Khi đó, loài cây này mọc rất nhiều, chỉ cần vào rừng chừng 1 canh giờ là mang về một gùi nặng.

Già làng A Veng. Ảnh: Phúc Lập.

Già làng A Veng. Ảnh: Phúc Lập.

Trong kháng chiến chống Mỹ, sâm Ngọc Linh chính thức "bị phát hiện” khi góp phần rất lớn trong việc bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội. Năm 1973, khu Y tế Trung Trung bộ cử đoàn cán bộ lên núi Ngọc Linh điều tra về loài cây thần kỳ này. Sau nhiều ngày vượt suối băng rừng, lên đến độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, đoàn đã tìm thấy một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh.

Sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán, đoàn công tác xác định đây là loài sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Sau khi sâm được phát hiện, Khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu ở Hà Nội nghiên cứu.

Tháng 10/1978, một tổ công tác thứ hai lên vùng núi Ngọc Linh với nhiệm vụ ước lượng sơ bộ diện tích sâm. Kết quả chuyến đi là việc tìm ra được một vùng dài hàng chục kilômét, có trữ lượng khoảng 6.000 - 7.000 cây sâm mọc dày đặc tại vùng núi này.

Nǎm 1979, Ty Y tế Quảng Nam tổ chức điều tra ở 5 xã của huyện Trà My với sự hỗ trợ của Đại học Y Dược TP.HCM. Kết quả đợt điều tra là việc tìm thấy 1.337 cây trong 211 ô tiêu chuẩn. Trọng lượng trung bình thân rễ sâm là 5,26 gam; số thân có trọng lượng trên 25 gam là 7,39% và số thân rễ có trên 10 sẹo (ước tính trên 8 năm tuổi) là 36,9%.

Đợt điều tra này đã thu được 1 thân rễ có tới 52 sẹo (ước tính cây trên 50 năm tuổi), đường kính 1,2cm, tuy đây chưa phải là thân rễ sống lâu nhất. Trong những đợt tìm kiếm, điều tra về sau còn phát hiện ra những cây có tuổi đời lên đến cả tăm năm, với rễ, củ và thân rễ dài hơn gần 1m.

Nhưng thật buồn là kể từ lúc loài sâm này được phát hiện, công bố và nghiên cứu, nguồn sâm Ngọc Linh tự nhiên cạn kiệt dần.

Ông Hồ Văn La trong một chuyến đi rừng tìm cây thuốc gấu. Ảnh: Phước Vinh.

Ông Hồ Văn La trong một chuyến đi rừng tìm cây thuốc gấu. Ảnh: Phước Vinh.

“Hồi đó sâm mọc trên núi Ngọc Linh nhiều lắm, ra rừng đi một hồi là thấy, dưới những tán cây cổ thụ, khe suối, mọc nhiều lắm. Hồi đó mình còn bé, thấy cha mẹ hay phơi khô, nấu nước uống, củ nào to thì mang xuống chợ bán, đổi mắm muối, có khi một bịch sâm to chỉ đổi lấy đôi dép Lào.

Có lần mình gùi một bao sâm Ngọc Linh đi cả trăm cây số, xuống dưới trung tâm của tỉnh, thấy cái áo đẹp, mình đổi luôn”, già làng A Veng, ở làng Moza, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, kể.

Già làng A Veng bảo, không biết từ khi nào, thấy người ta đổ xô lên núi tìm cây thuốc giấu: “Hồi đó tôi nghe nói một bao cây đổi được cả mấy con trâu. Thế là bà con bỏ cả nương rẫy, vào từng tìm cây thuốc.

Có lúc thấy cả những người không biết nói chuyện, họ đi theo mấy người khác, mình hỏi gì họ cũng không biết, nói gì cũng nói với mấy người kia. Lúc đầu cây thuốc nhiều, dễ tìm, đi nửa ngày là được cả gùi nặng. Rồi sau đó thì cây mọc không kịp, người ta bắt đầu phải đi xa, lên núi cao”.

Đánh cược mạng sống

Sau khi sâm Ngọc Linh "bị phát hiện”, từng đoàn người đổ xô lên núi Ngọc Linh săn lùng sâm, bất chấp hiểm nguy, đánh cược mạng sống. “Khoảng những năm 1990 trở về trước, từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, khi sâm rừng bắt đầu trổ hoa đỏ chói, người dân Xê Đăng bắt đầu đeo gùi lên núi Ngọc Linh tìm sâm. Mỗi chuyến đi dài từ vài ngày đến cả chục ngày. Nhưng cây sâm n gày càng hiếm, người ta càng phải đi sâu vào rừng, lên cao hơn, nguy hiểm lắm. Nhiều người đi mãi không thấy về”, già làng A Veng kể.

Ngồi bên cạnh, anh A Hải, theo cha vào rừng tìm sâm đến nay cũng gần 20 năm, kể có lần cha con anh bị lạc giữa rừng mấy ngày. Do không có suối để bắt cá, cha con anh phải tìm đủ thứ lá cây, trái trong rừng ăn chống đói. May đến ngày thứ 4 thì tìm thấy mấy cây sâm, cả 2 nhổ cây nhai kỹ cả thân, hoa lá, chỉ ít phút sau, sức khỏe hồi phục nhanh chóng. Lúc này mới đào được củ sâm nằm sâu dưới đất cứng.

“Người dân Xê Đăng trước khi đi khai phá nơi tìm sâm mới sẽ chặt vỏ cây để đánh dấu đường về. Nhưng núi rừng Ngọc Linh toàn cây cổ thụ dày đặc, lối đi cây dây leo giăng kín nên chuyện lạc đường không tránh khỏi”, A Hải nói.

A Hải (bìa trái), người từng theo cha vào từng tìm sâm từ khoảng 20 năm trước. Ảnh: Phúc Lập.

A Hải (bìa trái), người từng theo cha vào từng tìm sâm từ khoảng 20 năm trước. Ảnh: Phúc Lập.

Theo già làng A Veng, đỉnh Ngọc Linh cao chót vót và rất nhiều thác ghềnh nguy hiểm, như thác Ngôm gần 100m, để vượt qua thác, phải bám rễ cây, du leo như con khỉ. Chỉ cần sẩy tay, tuột tay là rơi xuống thác mất xác ngay.

“Cách đây cũng khoảng chục năm, có anh A Mui, đi rừng tìm sâm, vượt thác cao hơn 40m, không may rơi xuống dưới. Đầu bị đập vào đá, chết tai chỗ. Còn đi rừng mang về được gùi sâm, không có người nào lành lặn hết cả. Không nặng thì nhẹ, đều có chấn thương”, già làng A Veng nói.

“Nguy hiểm thế sao cứ phải đi?”, tôi hỏi. “Biết là nguy hiểm, có khi phải bỏ mạng ở núi rừng, nhưng vì miếng cơm manh áo, nhất là cây thuốc gấu có giá cao, được nhiều tiền. Nếu thần rừng thương, cho nhìn thấy củ to, thì bằng làm cả mùa rẫy”, già làng đáp.

Nổi tiếng với biệt tài băng rừng, vượt thác khắp đỉnh Ngọc Linh, mỗi chuyến đi rừng, ông Hồ Văn La, ở làng Moza thường gùi sâm nặng trĩu về nhà. Ông bảo xưa sâm Ngọc Linh nhiều lắm, mỗi chuyến ít nhất vài kg, hôm nhiều đầy gùi. Sâm đưa về nhà xắt lát mỏng phơi khô đem bán, hoặc đổi lấy gạo, mắm muối. Ông La có 5 người con, vơ mất sớm, cuộc sống luôn thiếu thốn. Để có cái ăn, đến mùa tìm sâm, ông ở riết trong rừng sâu tìm sâm.

A Hải: 'Bây giờ, để tìm được sâm, phải đi rất xa, lên núi cao, có khi phải đánh cược cả mạng sống, nguy hiểm lắm'. Ảnh: Phước Vinh.

A Hải: "Bây giờ, để tìm được sâm, phải đi rất xa, lên núi cao, có khi phải đánh cược cả mạng sống, nguy hiểm lắm'. Ảnh: Phước Vinh.

“Hồi xưa cây thuốc gấu nhiều, dễ tìm, mà rẻ lắm. Có củ phơi khô còn cả ký, mà bán chỉ được vài nghìn đồng. Giờ mà tìm được củ sâm ấy, cả nhà không phải lên rẫy cả năm. Nhưng giờ hết rồi”, ông La tiếc nuối kể.

Cũng theo lời ông La, ngày xưa, người dân Xê Đăng đào củ sâm rừng xong dùng dao cắt khúc mầm trồng lại đúng vị trí vừa đào lên, chỉ mang củ về. Họ ý thức cho cây sâm phát triển để sau này còn khai thác. Nhưng dòng người ở khắp nơi, từ Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, chon đến cả những người người các tỉnh phía Bắc, đổ xô về núi Ngọc Linh tìm sâm.

“Sau này, còn có cả người từ Trung Quốc sang nữa. Họ mua hết, to nhỏ gì cũng lấy. Vì thế nên cây thuốc gấu ngày càng hiếm, giờ thì cạn kiệt rồi”, ông La nói.

Người ta từng ví Ngọc Linh là “núi vàng", vì có loài sâm quý. Không chỉ thế, nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại thảo mộc quí mà vùng khác không có, như các loại dược liệu: Sâm Ngọc Linh, Hồng đảng sâm (còn gọi là củ sâm dây), Ngũ vị tử, Sơn tra, Sa nhân, Quế... Bởi vậy mới có câu: "Người Xê Đăng nhai thuốc như cơm". Cây cỏ ở đây cũng có một màu xanh thẫm rất riêng. Nhưng bây giờ, cái gì cũng hiếm...

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sóc Trăng có hơn 600 kênh thủy lợi là 'hồ thuận thiên' trữ nước ngọt

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 613 kênh cấp I, II, III, khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Hệ thống này là thế mạnh trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn.