| Hotline: 0983.970.780

Những câu chuyện về loài sâm số 1 thế giới

[Kỳ 3] Sâm Ngọc Linh dỏm tràn lan

Thứ Tư 07/04/2021 , 08:34 (GMT+7)

'Bây giờ tìm được cây thuốc giấu thật khó lắm, phải lên gần đỉnh núi, mà chưa ai lên được cả. Mấy cái người ta bán không phải cây thuốc giấu Ngọc Linh đâu'.

Già làng A Veng (phải) đang giải thích về sâm Ngọc Linh thật, giả. Ảnh: Phúc Lập.

Già làng A Veng (phải) đang giải thích về sâm Ngọc Linh thật, giả. Ảnh: Phúc Lập.

Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Ngọc Linh, gắn bó cả đời với cây thuốc giấu (sâm Ngọc Linh), nay lại đang liên kết trồng sâm Ngọc Linh với một công ty, già làng A Veng, ở làng Moza, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), khẳng định như thế.

Đừng tin vào cam kết

Già làng A Veng bảo, từ khoảng 15 năm trở lại đây, người ta đổ xô vào rừng săn lùng sâm, củ nhỏ bằng ngón tay út cũng lấy. Thấy rừng bị đào bới tan nát, đồng bào xót xa lắm, nhưng chẳng làm gì được. Họ lấy mãi cũng hết, bây giờ bà con mới tỉnh ngộ, vội vàng vào rừng tìm cây về trồng, vừa làm kinh tế vừa bảo vệ cây khỏi tuyệt chủng.

“Từ nhỏ đến giờ, tôi đi rừng tìm sâm, trực tiếp trồng sâm Ngọc Linh nhiều năm nay nên chỉ cần nhìn là biết ngay đâu là giả, đâu là thật. Nếu thời điểm trước tết sâm còn nguyên lá thì chắc chắn không phải rồi.

Vì sâm Ngọc Linh lúc ấy đi ngủ đông (lá rụng, thân cũng khô rồi dứt ra khỏi phần củ) rồi. Khi mùa xuân đến cây mới đâm trồi mới. Từ khi trồng sâm cho công ty, tôi học được nhiều lắm. Muốn mua sâm Ngọc Linh thật phải vào tận làng, gặp người trồng mới có sâm thật, mà bây giờ không phải lúc mua đâu. Mà cây thuốc giấu chỉ có ở núi này mới tốt thôi, mang đi trồng nơi khác không chữa bệnh được đâu”, già A Veng nói.

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông cho biết, hiện nay trên địa bàn không có cơ sở nào bán các sản phẩm từ sâm ngọc linh. Ai cần mua phải vào tận các thôn làng rồi nhờ chủ vườn bán cho một vài củ, muốn mua nhiều họ cũng không bán. Ngoài thị trường đều là hàng giả. Để khẳng định một củ sâm là sâm Ngọc Linh, trước tiên củ sâm phải còn đủ lá và phải được đưa đến Viện dược liệu làm kiểm nghiệm.

“Nếu là củ đã ngâm rượu, ngâm mật ong hoặc phơi khô, hoặc không còn lá thì không thể nào biết được. Đừng tin vào cam kết của người bán. Người nào bán cũng cam kết người mua có thể mang đi xét nghiệm thoải mái, nếu không phải Ngọc Linh, đền tiền 10 lần giá trị mua, dù người bán có cam kết nếu không phải sâm Ngọc Linh thật sẽ hoàn tiền hay gì gì đó, cũng chớ nên tin", ông Mười chia sẻ.

Tại TP Kon Tum, rất nhiều địa chỉ rao bán sâm Ngọc Linh trồng với giá từ 60-70 triệu đồng/kg, còn loại thiên nhiên có giá gấp đôi trở lên. Tất cả những nơi bán đều cam kết sâm Ngọc Linh thật, có giấy kiểm định hẳn hoi.

Hiện nay, việc tìm được một củ sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên là cực kỳ khó, ngay cả với những người Xê Đăng bản địa. Ảnh: Phúc Lập.

Hiện nay, việc tìm được một củ sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên là cực kỳ khó, ngay cả với những người Xê Đăng bản địa. Ảnh: Phúc Lập.

“Hồi đó tôi mua một củ sâm nặng gần 2 lạng, người bán cũng quen biết, anh ta khẳng định là sâm Ngọc Linh thiên nhiên, có giấy chứng nhận kiểm định, dấu đỏ hẳn hoi. Tôi xem giấy kiểm định, thấy ghi: Căn cứ kết quả kiểm định bằng phương pháp hóa học và sắc ký lớp mỏng cho thấy có sự hiện diện của các chuẩn M-R2, G-Rg1, G-Rb1 đặc trưng của sâm Ngọc Linh. Hàm lượng saponin ghi trên giấy kiểm định chỉ dưới 10%. Tôi đâu có rành, cứ thấy có chữ saponin thì nghĩ đó là sâm Ngọc Linh.

Đến khi một người bạn đến chơi, thấy bình sâm tôi ngâm, lại nhìn kỹ, rồi hỏi tôi mua bao nhiêu, tôi nói 30 triệu. Ổng nói tôi bị lừa, đây là tam thất hoang. Trên sâm Ngọc Linh thật, hàm lượng Saponin MR2 là thành phần chủ yếu, phải từ 30 - 50% còn nếu dưới 10% thì chắc chắn không phải Ngọc Linh. Anh bạn tôi nói, trong tam thất có hàm lượng saponin nhưng thấp hơn Ngọc Linh nhiều lần”, anh T. - một người chúng tôi tình cờ làm quen ở TP.Kon Tum kể.

Làm sao phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả?

Khi hỏi về sâm Ngọc Linh, Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, học trò của cố GS.TS Đỗ Tất Lợi kể, ông từng một lần được tham gia đoàn gần 60 người, đi khảo sát thực địa để quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh. Đoàn khảo sát đi ròng rã nhiều ngày liền nhưng không tìm thấy củ sâm Ngọc Linh nào.

"Điều đó chứng minh, hiện nay, sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên vô cùng hiếm, nếu không muốn nói nguy cơ tuyệt chủng. Cho nên, tôi khẳng định 99% sâm Ngọc Linh rao bán tràn lan trên mạng xã hội, là giả".

Anh Trần Đức An, Giám đốc công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông: 'Nhận biết sâm Ngọc Linh thật giả vô cùng khó, ngay cả với những người gắn bó với sâm hơn chục năm như chúng tôi'. Ảnh: Phước Vinh.

Anh Trần Đức An, Giám đốc công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông: "Nhận biết sâm Ngọc Linh thật giả vô cùng khó, ngay cả với những người gắn bó với sâm hơn chục năm như chúng tôi". Ảnh: Phước Vinh.

Lương y Nghĩa cho biết, sâm Ngọc Linh có vị đắng, không độc, thân, rễ, lá, hoa đều có thể dùng, có tác dụng bảo vệ tế bào, tăng nội tiết số sinh dục, kháng viêm, điều hòa hoạt động của tim, hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch, kháng khuẩn, bồi bổ, tăng lực, chống suy nhược và hồi phục sức khỏe, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan. Ở liều thấp, sâm Ngọc Linh giúp tăng vận động, tăng trí nhớ. Ở liều cao loại sâm quý này giúp tăng sinh lực, chống lại sự mệt mỏi, tăng thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của môi trường sống.

Sâm Ngọc Linh là một trong bốn loại sâm tốt nhất thế giới, có giá trị dược liệu cao, quý hiếm nên có giá hàng chục triệu đồng/kg cũng là chuyện bình thường. Cũng vì giá trị cao mà loài sâm này bị làm giả tràn lan.

“Có 3 loại giả sâm Ngọc Linh. Loại thứ nhất cũng là một giống sâm, cùng thuộc chi nhân sâm, có hoạt chất tương đối cao, nhưng không bằng sâm Ngọc Linh. Loại này hiện chưa có định danh chính thức nên tạm gọi là sâm 1A. Loại thứ 2 là tam thất hoang. Và loại cuối cùng, là củ ráy (hay còn gọi củ gáy).

Nếu mua phải sâm Ngọc Linh giả từ loại thứ nhất thì không nói làm gì, chỉ hơi đắt hơn giá trị thật chút thôi. Hoặc từ tam thất hoang thì cũng đỡ, vì tam thất cũng là một loại sâm, chỉ có điều hàm lượng saponin thấp hơn sâm Ngọc Linh nhiều.

Còn nếu mua phải củ ráy giả sâm Ngọc Linh thì không chỉ tiền mất tật mang, mà củ này còn có độc tố. Cây ráy phân bố khắp núi rừng Việt Nam, có lá hình trái tim thuôn dài, thân mềm, rễ phát triển thành củ dài có nhiều đốt ngắn, nhìn khá giống củ sâm Ngọc Linh. Cây ráy có độc, độc đến độ khi cần đào làm thuốc, người ta phải đeo găng tay vì sợ mủ từ loại cây thuốc có độc tính này dính vào người sẽ gây phồng rộp, ngứa ngáy”, lương y Nghĩa cho biết.

Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum bắt giữ một vụ vận chuyển tam thất từ phía Bắc vào Kon Tum giả sâm Ngọc Linh. Ảnh: Tư liệu.

Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum bắt giữ một vụ vận chuyển tam thất từ phía Bắc vào Kon Tum giả sâm Ngọc Linh. Ảnh: Tư liệu.

Để tìm hiểu về cách nhận biết sâm Ngọc Linh thật, giả, chúng tôi gặp “chuyên gia” sâm Ngọc Linh, anh Trần Đức An, Giám đốc công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông. Anh cho biết: “Nhận biết sâm Ngọc Linh thật giả vô cùng khó. Nhất là hiện nay, công nghệ làm giả vô cùng tinh vi. Ngay cả chúng tôi, những người đã gắn bó với sâm Ngọc Linh cả chục năm nay, còn phải săm soi kỹ trước khi khẳng định”.

Theo anh An, sâm thật và sâm giả nhìn như anh em song sinh, nhưng vẫn có nhiều cách nhận biết. “Thứ nhất, sâm Ngọc Linh tự nhiên mỗi năm chỉ mọc 1 thân, củ sâm có rất nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào trong và có vị trí so le với nhau. Nếu dùng dao cắt thành lát mỏng thì có thể thấy phần bên trong củ có màu vàng nhạt, còn phần thân hơi tím hoặc có màu xám nhạt. Trong khi đó, củ tam thất sẽ có mắt hình tròn, nông, lõm mắt và mắt mọc thẳng, dài ngoằng.

Thứ hai, sâm Ngọc Linh thật có u cục ở gốc, vỏ sâm sần sùi, lõi sâm có màu vàng hoặc tím đậm, tím sẫm. So với sâm giả từ củ tam thất hoang, khi sờ sẽ thấy vỏ nhẵn nhụi, ít u và có màu trắng".

"Sâm Ngọc Linh thật có mùi thơm nồng rất đặc trưng, dễ nhận biết. Xét về vị, sâm Ngọc Linh có vị đắng gắt, dư vị ngọt, thanh, giòn và không có xơ. Ngược lại, củ tam thất khi ăn sẽ thấy sồn sột, dai, vị ngái, nóng rát ở cổ. Sâm Ngọc Linh lâu năm sẽ có điểm thắt, mọc không đều, củ hơi gầy. Nếu là sâm giả, củ sẽ đồng đều hơn, có điểm thắt, màu nhạt, mờ và nhẵn. Điểm khác biệt thứ sáu là lá của cây sâm Ngọc Linh mỏng, có răng cưa và đều, mỗi tán gồm 5 lá. Cuối cùng, cành sâm nhỏ và vươn cao, rất dai và cứng, khó bị đứt", anh Trần Đức An.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất