Đáng chú ý, đơn vị này còn tự ý in thêm sách của dự án và ghi giá bán khoảng 10 đầu sách để kinh doanh trên thị trường. Toàn bộ lợi nhuận từ việc phát hành những cuốn sách có giá được chuyển vào tài khoản của NXB Hà Nội.
Phát hành sách khi chưa lưu chiểu?
Sau 15 ngày kể từ khi PV Báo NNVN liên hệ công tác với NXB Hà Nội để làm việc về dự án Tủ sách Thăng Long (bằng cả giấy giới thiệu và công văn của Báo NNVN), cuối cùng chúng tôi cũng có buổi làm việc chính thức với ông Lê Tiến Dũng (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc NXB Hà Nội) và Phạm Quốc Tuấn (Chánh văn phòng dự án).
Chỉ có cuốn Khâm định An Nam kỷ lược bìa cứng (thuộc diện sách không bán) được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia.
Trả lời về vấn đề nhiều cuốn sách của dự án Tủ sách Thăng Long được in giá và bán trên thị trường như: Tuyển tập văn kiện lịch sử; Hà Nội danh thắng và di tích (2 tập); Địa chí Hà Tây; Di sản Văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám; Hà Nội địa chất địa mạo và tài nguyên liên quan; Thế giới biểu tượng trong di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội; Nghệ thuật múa Hà Nội, truyền thống và hiện đại, Khâm định An Nam kỷ lược..., ông Phạm Quốc Tuấn thừa nhận: Đây đều là sách do NXB Hà Nội phát hành để làm dịch vụ (sau khi đã hoàn thành số lượng sách của dự án Tủ sách Thăng Long do UBND thành phố đặt hàng).
Hai vị này cũng cho biết, trước khi phát hành những cuốn sách (có in giá) trên, “NXB không cần xin phép UBND thành phố Hà Nội” bởi NXB chính là chủ đầu tư dự án và luật không cấm (?!).
Riêng cuốn sách Khâm định An Nam kỷ lược, NXB Hà Nội cho “ra lò” hai phiên bản. Cuốn bìa cứng 1.080 trang (giá 330.000 đồng) và cuốn bìa mềm 624 trang (giá 185.000 đồng). Người trực tiếp ký quyết định xuất bản hai xuất bản phẩm này là ông Lê Tiến Dũng. Hiện tại, cả hai “phiên bản” đều được in giá và bán công khai tại các con phố Đinh Lễ, Láng Thượng... Theo ông Phạm Quốc Tuấn, do hai cuốn sách có sự khác nhau về mặt nội dung, vì thế NXB đã nộp lưu chiểu cả hai cuốn (loại bìa cứng và bìa mềm) tại Thư viện Quốc gia trước khi phát hành.
Để kiểm chứng thông tin, PV đã liên hệ với Thư viện Quốc gia để tra cứu trên phần mềm tìm kiếm, thậm chí vào tận kho trữ sách cạnh phòng đọc tại tầng 4 của thư viện này để mục sở thị. Kết quả, thư viện này chỉ lưu giữ 2 cuốn sách Khâm định An Nam kỷ lược bìa cứng có chỉ số ISBN:9786045520390. Phía sau bìa sách ghi rõ thông tin: “Sách không bán”. Nhân viên phụ trách phòng đọc này cho biết: “Ngoài cuốn sách bìa cứng, thư viện không lưu chiểu cuốn sách An Nam kỷ lược bìa mềm nào. Thư viện cũng không lưu sách in giá của dự án Tủ sách Thăng Long. Nếu có thì nó đã có ở đây rồi”.
Khi tác giả bài viết thông báo rằng, sách Khâm định An Nam kỷ lược loại bìa mềm của NXB Hà Nội không được lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia, ông Tuấn nói: “Anh không trực tiếp làm thủ tục lưu chiểu, có gì sáng mai anh trả lời lại”.
“Sách không bán” có thể do NXB tuồn ra
Cũng theo xác nhận của ông Tuấn, toàn bộ các cuốn sách của dự án Tủ sách Thăng Long được NXB tự in giá và bán ra thị trường ở giai đoạn 1 (gần 10 đầu sách) đều không được lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia (chỉ lưu sách không in giá bán). Hỏi lý do, ông Tuấn nói: NXB không có nghĩa vụ phải khai báo các cuốn sách kinh doanh với Thư viện Quốc gia. Việc lưu chiểu chỉ để phục vụ quản lý về nội dung cuốn sách.
Vậy ngoài sách có in giá, tại sao lại có rất nhiều cửa hiệu bán sách không in giá (không kinh doanh) của dự án Tủ sách Thăng Long do NXB Hà Nội phát hành?, chúng tôi hỏi.
Ông Tuấn trả lời: Có hai giả thiết, một là các đơn vị được tặng không có nhu cầu tìm hiểu nên họ bán ra ngoài. Hai là do nhà kho của NXB tuồn ra ngoài theo con đường không chính thống, chứ NXB Hà Nội không chủ trương bán sách không in giá.
Vì sao những cuốn sách do Nhà nước đầu tư ở các hạng mục (điều tra, sưu tầm, biên soạn, nghiệm thu, xuất bản) lại được NXB Hà Nội tự ý in thêm và ghi giá mà không cần xin phép UBND thành phố Hà Nội? Điều này là đúng hay sai, cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng quả thực, nếu có quy định như vậy, thì luật pháp đang có kẽ hở, tạo điều kiện để doanh nghiệp “sống ký sinh” trên lưng dự án nhà nước.
"Không hoàn toàn đúng” là thế nào?
Theo dự toán chi tiết Dự án Tủ sách Thăng Long, 100% trang phụ bản ảnh màu được in bằng giấy couche 100g/m2. Tuy nhiên, khảo sát cuốn sách Khâm định An Nam kỷ lược có khoảng 16 trang in 4 màu thì tất cả đều được in bằng chất liệu giấy offsset 80g/m2 (có giá thấp hơn nhiều so với giấy couche 100g/m2) dẫn đến hình ảnh mờ và tức mắt. Hầu hết các cuốn sách khác của dự án Tủ sách cũng bị đánh tráo chất liệu như vậy.
Do các trang có ảnh trong cuốn sách Du lịch Thăng Long - Hà Nội được in bằng giấy offsset 80g/m2 (thay vì giấy couche 100g/m2 như dự toán) nên rất mờ, tức mắt
Thậm chí, cuốn sách “Du lịch Thăng Long - Hà Nội” được in hàng trăm bức ảnh khác nhau, nhưng chất lượng rất tồi tệ. Một phần nguyên nhân là do ảnh được in trên nền giấy không đảm bảo tiêu chuẩn. Gần như toàn bộ ảnh đều mờ mịt, như được phủ một lớp sương mù đặc quánh.
Sách được in kém chất lượng; nội dung sách để xảy ra sai sót, thậm chí nhiều cuốn sách thuộc giai đoạn 1 đến nay chưa được in. Tuy nhiên, NXB Hà Nội vẫn giải ngân toàn bộ số tiền của dự án giai đoạn 1 (gần 61 tỷ đồng) vào năm 2011. Trả lời về sự lạ đời này, ông Phạm Quốc Tuấn – Chánh văn phòng dự án cho biết: “Việc lập hồ sơ quyết toán như vậy là không hoàn toàn đúng”. Phát ngôn của ông Tuấn khó có thể khiến người dân Hà Nội chấp nhận. Bởi, pháp luật chỉ thừa nhận các việc làm đúng hoặc sai.