| Hotline: 0983.970.780

Những chuyện về rắn trong đời tôi

Thứ Bảy 09/02/2013 , 14:08 (GMT+7)

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ dám sờ vào rắn nữa. Mà đâu chỉ có riêng tôi, đa phần mọi người đều sợ rắn.

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ dám sờ vào rắn nữa. Mà đâu chỉ có riêng tôi, đa phần mọi người đều sợ rắn. Ta đang đi mà bất ngờ gặp 1 con rắn bò qua đường, dù đó chỉ là con rắn nước không có nọc độc nhưng hồn vía của chúng ta cũng... lên mây!

Đã thế, tôi lại hay gặp rắn. Có nhiều kỷ niệm hú hồn.


Ảnh minh họa

Năm 1965, lúc đó tôi là sinh viên; trường đại học của chúng tôi sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên. Nhân một hôm dọn giếng cho nhà chủ, tôi xung phong xuống dưới để vét hết bùn bã đọng dưới đáy. Anh em ròng dây để tôi tụt xuống. Ngay giữa chừng giếng, trong một kẽ hở, một con rắn vàng khè khè thè lưỡi sát mặt tôi... Có lẽ, đó là kỷ niệm đầu tiên trong đời mà tôi suýt được... hôn rắn!

Lần thứ hai cũng là những kỷ niệm hú hồn. Năm 1967, tôi được phân công vào dạy ở Đại học Sư phạm Vinh. Trường sơ tán ở miền rừng núi Thạch Thành, Thanh Hóa. Thời đó, xứ này nhiều rắn lắm! Chúng tôi tự xây lán trại để ở, để làm lớp học và làm phòng thí nghiệm ngay giữa rừng. Chỗ nào rắn cũng chui vào. Buổi sáng, tôi dựng đôi ủng lên, định thò chân vào thì một chú rắn cạp nia từ trong chiếc ủng nhô đầu ra. Nó gật, gật. Chả biết nó định “chào buổi sáng” hay định mổ cho tôi một nhát?!

Một tối khác, trời ở miền núi rất rét, mấy anh em ngồi co ro trên giường để uống ấm trà nóng. Bỗng một con rắn hổ trâu to đùng rơi từ trên sà nhà xuống giữa chiếu. Bọn tôi như chết cứng, ngồi ngây mặt. Con rắn đen xì lừ lừ bò đi mà không thèm ngó nhìn những bộ mặt bạc nhược xung quanh.

Cũng thời đó, lại chuyện rắn. Hằng ngày, tôi phải đi sang quả đồi bên cạnh để dạy. Các lớp sinh viên phải sơ tán mỗi lớp một nơi để tránh bị máy bay địch phát hiện. Cây cối rậm rạp nên chỉ có những lối mòn là quang đãng. Thế nhưng, sáng nào rắn cũng ra phơi mình để tắm nắng. Nó là loài thân nhiệt nên phải lấy thêm năng lượng mặt trời để sưởi ấm cho cơ thể. Nhìn trên con đường nhỏ hẹp mà hàng chục con rắn to đùng nằm ườn ra đó thì thật là... quá ngán! Bọn tôi phải lấy cây đập đập lên mặt đất để đánh động cho chúng rúc vào hai bên. Miệng thì cố hát thật to nhưng trong lòng bọn tôi thì cứ như là đang đi ra pháp trường để cho rắn... xử trảm!

Thời chiến đã vậy, thời bình chuyện rắn vẫn đeo đuổi tôi. Nhưng đây là những chuyện của thầy và bạn tôi.

Thầy tôi là chuyên gia đầu ngành, ông say sưa với các công trình nghiên cứu chuyên sâu về rắn. Tôi chưa bao giờ thấy ông sợ rắn (nhưng sợ vợ... thì tôi thấy nhiều lần!). Có một hôm, tôi theo thầy tôi lên trại rắn. Ở đó, ông hướng dẫn người ta nuôi cả nghìn con rắn hổ mang. Con nào cũng dài như cái đòn gánh, đầu ngẩng cao, mang bạnh ra, phì phì như muốn nuốt chủng mọi người. Thầy tôi không sợ chúng. Ông đi băng băng qua các ụ mả. Rắn dạt ra hai bên. Ông bảo: “Ta đừng làm động tác nào như muốn tấn công nó thì nó sẽ không tấn công mình”. Thầy dạy vậy nhưng tôi đâu dám tin. Chưa bước vào trại mà hai chân tôi đã lạnh cóng rồi...

Tối đó, thầy bắt một con hổ mang to để đưa về phòng thí nghiệm ở Hà Nội. Thầy cho nó vào một túi bạt và buộc chặt dây kín miệng túi. Nó phải nặng ít nhất là 5 cân! Cái xe u-oát ì ạch đưa chúng tôi mãi tới 11 giờ đêm mới về tới Hà Nội. Thầy bảo tôi ngủ lại ở nhà thầy vì đã muộn. Tôi nằm ở phòng đọc sách tại tầng lửng. Thầy lên với cô ở trên gác. Túi đựng rắn được treo ở trên tường sát mép đất ở tầng 1. Sáng sớm, thầy chạy xuống không thấy con rắn đâu nữa! Thầy hốt hoảng gọi tôi dậy. Hai thầy trò lùng sục khắp nơi mà không thấy. Thấy động, cô lên tiếng. Thầy bảo tôi lên báo với cô sự cố và khuyên cô đừng xuống. Tôi chạy lên và thấy cô đã cầm sẵn 1 cây gậy (không biết để sẵn sàng đánh rắn hay định... đánh thầy tôi). Mãi tới 10 giờ vẫn không tìm được rắn. Thầy bảo tôi về nhà đi. Sáng sớm hôm sau, thầy vào nhà tôi. Thầy hồ hởi kể: “...Chuột thấy tanh nên nó cắn thủng cái túi bạt. Rắn bò ra và theo cống, bò lên sân nhà bên cạnh. Bà con bên đó hết hồn và hùa nhau đập chết được con rắn”. Biết thầy tôi là chuyên gia về rắn, họ đưa sang để hỏi đó là loài rắn gì? Thầy nhận ra đúng là con rắn của mình mà không dám nói... (chuyện đã lâu, nay kể lại, xin bà con đừng trách thầy tôi nhé).

Thầy tôi còn có những người học trò rất say sưa với rắn. Họ cũng không sợ rắn mà chỉ... sợ vợ!

Một hôm, anh bạn trẻ của tôi lên trại rắn. Khi về, anh mang theo một bọc trứng rắn hổ mang. Anh định đưa lên phòng thí nghiệm để áp dụng phương pháp ấp nhân tạo. Nhưng vừa về tới nhà thì... gặp chị. Anh bèn đút bọc trứng vào chiếc chiếu cuộn sẵn ở đầu giường để giấu vợ. Thế rồi, anh quên mất. Ít hôm sau, có khách đến chơi. Chị rải chiếu sạch để mời khách ngồi. Khi tung chiếu ra, cả đàn rắn hổ mang mới nở bò lúc nhúc khắp nơi. Chị hết hồn, bỏ về nhà mẹ đẻ suốt mấy tuần liền...

Một môn đệ khác của thầy tôi cũng là một chuyên gia về rắn. Ông rất giỏi và say sưa như thầy tôi. Ông đưa rắn con về nuôi trong phòng thí nghiệm. Đến kỳ nghỉ hè, ông theo sếp về quê một tháng. Trước khi đi, ông đưa thùng rắn về phòng ở của ông tại khu tập thể nhà 5 tầng (ông ở tầng 3). Ông cho nó ăn thật no (vì rắn có thể nhịn ăn vài tháng). Ông nghĩ, ở nhà yên tĩnh hơn phòng thí nghiệm, rắn sẽ được ngủ yên lành. Thế nhưng, lũ chuột khốn kiếp lại đến phá. Thấy mùi tanh, chúng khoét chuồng để chui vào. Thế là đàn rắn hổ mang xổ ra. Có ai biết được tình trạng khẩn cấp này đâu! Chỉ có bác hàng xóm bất ngờ thấy một con rắn hổ mang ngay ở đống củi của mình để ở hành lang tầng 3. Ông thét lên, mở đầu cho một trận huyên náo khủng khiếp khắp tòa nhà 5 tầng trong suốt cả mùa hè. Ai cũng nghĩ trong phòng mình đang ở có rắn hổ mang rình rập. Giữa tháng 6 nóng bỏng mà cả khu tập thể, từ đứa trẻ mới tập đi tới các cụ già lụ khụ, ai ai cũng phải đi ủng suốt từ sáng sớm tới tối, khi lên giường. Các bà, các chị thì rên xiết vật vã, vừa khiếp đảo, vừa la hét om sòm. Cả khoa chúng tôi bị chửi. Anh chủ nhiệm khoa già xọm đi vì đã cử nhiều đoàn đi tìm mà không gặp được anh nuôi rắn. Anh không về quê mà lại đi thăm một nơi khác! Thật là một mùa hè khốn khổ cho tất cả chúng tôi. Tuy nhiên, không ai bị rắn cắn. Rắn không ở chung với người. Nó tự tìm đường bò xuống đất để thoát thân.

Dù quá ngán về chuyện rắn nhưng tôi lại phải quay lại với nó một lần nữa. Lần này là viết về rắn.

Được tin anh nông dân Lê Hùng Minh ở tỉnh Sóc Trăng nuôi rắn ri voi rất tài, tôi động viên anh viết một tài liệu để hướng dẫn cho bà con học theo. Anh sẵn sàng và bắt tay vào viết ngay. Tuy nhiên, tài liệu anh gửi cho, tôi phải biên tập lại cho thành sách. Trong bộ sách “100 nghề cho nông dân” của chúng tôi có cuốn “Nghề nuôi rắn ri voi”.

Chuyện cũ đã qua nhưng tôi không sao quên được những kỷ niệm ấy. Chỉ có điều, những người chuyên nghiên cứu về loài rắn độc ghê gớm đó lại là những người đàn ông rất hiền lành và tốt tính. Họ lại luôn nể vợ hơn là... sợ rắn.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm