| Hotline: 0983.970.780

Sa Huỳnh muối mặn ngàn năm

Những con đường muối xa xưa...

Thứ Sáu 16/08/2024 , 09:03 (GMT+7)

Quảng Ngãi Lùm cây phát ra tiếng thì thào lúc tờ mờ sáng. Người bán vội vã đong muối vào thúng người mua rồi chia tay nhau khi chưa tỏ mặt người...

Từng là vựa muối xuất khẩu

Các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học cho rằng, trong bản đồ phân bổ di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, những địa điểm quan trọng đều gắn liền với cửa sông ra biển và cánh đồng muối. Trên địa bàn Quảng Ngãi đúng như thế, nơi cư trú của người Sa Huỳnh cổ nằm cạnh cửa sông ra biển và cánh đồng muối. Đó là di tích Sa Huỳnh - cửa biển Sa Huỳnh - đồng muối Sa Huỳnh; di tích Bình Châu - cửa biển Sa Kỳ - đồng muối Diêm Điền (đã mất); di tích Gò Quê - cửa biển Sa Cần - đồng muối Tuyết Diêm (đã mất).

Ngày nay phương tiện giao thông đã rất thuận tiện nhưng nghề bán muối dạo của diêm dân Sa Huỳnh vẫn còn lắm cơ cực. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Ngày nay phương tiện giao thông đã rất thuận tiện nhưng nghề bán muối dạo của diêm dân Sa Huỳnh vẫn còn lắm cơ cực. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Bài liên quan

Đây là bằng chứng khảo cổ phản ánh hoạt động sản xuất muối của cư dân Sa Huỳnh cổ xưa. Những nơi này trở thành đầu mối giao thương trên biển và vận chuyển theo đường sông lên các điểm miền ngược rồi lan tỏa theo đường rừng đến các bản làng vùng cao nguyên xa xôi.

Muối của cư dân Sa Huỳnh là phương tiện tương tác xã hội và là động lực giao lưu đôi miền xuôi - ngược. Những mặt hàng chính yếu trong buôn bán, trao đổi là muối và lâm thổ sản. Đấy chính là sự tiếp nối truyền thống giao thương xuôi - ngược từ cư dân Sa Huỳnh đến người Chăm Pa và người Đại Việt.

Riêng đồng muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) có hai con đường muối cùng hàng hóa giao thương nối với các vùng miền. Đó là từ Sa Huỳnh - An Lão - La Vuông rồi lên vùng người Chăm Hroi; từ Sa Huỳnh - Chợ Cung - Ba Khâm - Ba Trang - đèo Vi Ô Lắc rồi lên vùng người Mơ Nâm.

Giờ, tiểu thương vẫn chuyển muối đi bán trên con đường người xưa đã qua: Chợ Cung - Ba Khâm - Ba Trang - chân đèo Vi Ô Lắc. Và, cư dân bên chân đèo Vi Ô Lắc mua muối rồi chuyển lên vùng người Mơ Nâm nơi cao nguyên xa xôi.

"Ở vùng cao Ba Khâm, Ba Trang (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) bà con chỉ dùng muối nêm nếm thức ăn nên lượng tiêu thụ ít. Mỗi năm tụi tui lên đó bán vài lần...", chị Nguyễn Thị Kim Nhung (ở phường Phổ Thạnh) cho biết.

Những con đường tiêu thụ muối từ Sa Huỳnh tới tận các vùng miền núi phía tây xa xôi ngày nay vẫn còn duy trì. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Những con đường tiêu thụ muối từ Sa Huỳnh tới tận các vùng miền núi phía tây xa xôi ngày nay vẫn còn duy trì. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Sa Huỳnh là nơi có lượng muối xuất khẩu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó cho thấy trước đây nghề muối ở đây phát triển rất phồn thịnh. "Nghe ông bà kể lại hồi trước người Pháp quản lý chặt chẽ việc làm muối. Làm được bao nhiêu họ thu hết, bắt gánh đổ vào kho ở ngay ngã ba Cây Xoài bây giờ (nằm cạnh quốc lộ 1A, phường Phổ Thạnh). Ai giấu nắm muối vào túi áo mà bị họ phát hiện thì no đòn "vì lấy muối để nuôi bọn phản loạn". Vậy nên làm ra nhiều muối xuất cảng bán với giá cao nhưng diêm dân khổ lắm vì người Pháp trả công rẻ mạt...", bà Bùi Thị Vân kể lại.

Bao hiểm nguy...

Bài liên quan

Thuở trước chưa có phương tiện vận chuyển nên việc tiêu thụ muối lắm nỗi gian truân. Sự gian nan được kể cho cháu con, nhắc nhớ thời cơ cực của bao người. Người Sa Huỳnh lội bộ hàng trăm cây số cả đêm lẫn ngày với gánh muối nặng oằn vai đến nơi xa để bán hay đổi lấy nông lâm sản ở đôi miền xuôi ngược.

Vài ba người kết thành nhóm cùng rong ruổi mưu sinh. Họ thường xuất phát vào ban đêm để bớt phần mỏi mệt bởi ánh nắng chói chang đổ tràn trên những nẻo đường vào ban ngày. Ra khỏi làng, họ men theo bờ biển lầm lũi bước đi trong đêm tối. Rồi họ rẽ vào làng, hướng về vùng núi phía tây Quảng Ngãi, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Ca Dong, Cor cư trú lâu đời.

Họ đi chân trần hay mang dép làm từ bẹ chuối khô hoặc mo nang rơi rụng từ những thân tre mọc quanh vườn nhà. Họ không ngại gian nan, chỉ sợ thú dữ hại người trên chặng đường mưu sinh. Thuở ấy, núi rừng âm u, mãnh thú mò xuống ruộng đồng và vào cả xóm làng tìm kiếm thức ăn. Họ thường đi vòng qua núi đồi hay rừng cây rậm rạp, dẫu tốn nhiều thời gian và công sức.

Diêm dân Sa Huỳnh chuyển muối lên xe tải đi tiêu thụ. Tới các điểm tiêu thụ, mối sẽ được bốc dỡ xuống để bán lẻ tận các thôn làng. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Diêm dân Sa Huỳnh chuyển muối lên xe tải đi tiêu thụ. Tới các điểm tiêu thụ, mối sẽ được bốc dỡ xuống để bán lẻ tận các thôn làng. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Bài liên quan

Khi không thể đi vòng, họ ngồi đợi những người buôn bán các loại hàng hóa khác đến nơi rồi cùng vượt qua chốn hiểm nguy. Đôi khi mãnh hổ lao ra tha một người trong đoàn chạy vào rừng. Mọi người liền vứt đôi thúng, miệng la hét inh ỏi và vác đòn gánh liều chết rượt theo cứu bạn đồng hành.

14 tuổi, bà Bùi Thị Vân theo mẹ cùng người làng gánh muối đi bán nhiều nơi. Nửa đêm, mẹ con bà lặng lẽ rời nhà, bóng tối vây quanh. Đến ngã ba đầu làng có vài người đứng đợi rồi cùng cất bước đi. Họ đi về phía tây, qua những xóm làng im lìm trong đêm tối. Qua chợ Cung (xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), họ rẽ về hướng nam khi lũ gà cất tiếng gáy.

Họ băng qua đường ray tàu lửa khi bình minh ló dạng phía trời xa. Phía trước có những bóng người ẩn hiện khiến ai nấy chột dạ. Nhưng rồi họ nhận ra nhau, kẻ bán - người mua muối đã gặp nhau bao lần. Họ cùng nhau bước đến những lùm cây cao che khuất đầu người. Hai bên ngã giá bán mua. Người bán vội vã dùng lon đong muối vào thúng người mua rồi chia tay nhau khi chưa tỏ mặt người...

Họ đi vòng né tránh các đồn bót của lính Việt Nam Cộng hòa để khỏi bị tra hỏi, bắt bớ... "Hồi chiến tranh đi bán muối nguy hiểm lắm. Có bữa lên gần tới chỗ bệnh xá Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường bây giờ) thì gặp người chết vì bị vướng mìn. Sợ lắm nhưng vẫn đi, phải tránh lính tráng chứ không thì bị tịch thu và bị đánh vì mấy ổng nghi ngờ "đem muối cho Cộng sản". Có bữa mua giạ gạo gánh về nhà để nấu cơm cũng bị mấy ổng chặn lại hỏi lung tung rồi thu mất, xin cả buổi cũng không cho. Vậy nên khi bán xong thì phải giấu tiền thiệt kỹ chứ dễ bị thu lắm. Khi đến nơi bán muối mà nghe tin lính đi càn là lật đật trở về...", bà Vân nhớ lại.      

Lắm nhọc nhằn...

14 tuổi, bà Nguyễn Thị Gá gánh muối theo mẹ đến xóm làng xa lắc. Bom đạn chiến tranh không còn ác liệt nhưng nỗi sợ hãi vẫn ám ảnh trong tâm trí của bà và những người dân quê hiền lành. Đôi vai mỏng đau đớn vì gánh nặng, chân yếu nên không theo kịp mọi người, bà tụt lại phía sau. Bà khóc bởi sợ hãi bóng tối vây quanh và "tủi phận mình cực khổ quá chừng".

Có lẽ trong nhiều nghề gắn với biển, nghề muối đến nay vẫn còn cơ cực hơn cả. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Có lẽ trong nhiều nghề gắn với biển, nghề muối đến nay vẫn còn cơ cực hơn cả. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Mẹ bà sải bước thật nhanh, vượt lên trước người làng rồi đặt gánh muối xuống bên đường để quay lại đón con. Được mẹ gánh giúp, bà lẽo đẽo theo sau đến nơi mọi người đang ngồi đợi. "Hồi đó buôn muối khổ lắm nhưng nhiều người đi để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Gánh muối đổi lúa, củ lang hay củ mì khô đem về dự trữ ăn quanh năm. Hết mẹ rồi tới con, tới cháu...", bà tâm sự.

Quê hương giải phóng khiến bao người mừng vui khôn xiết. Họ không còn sợ cảnh bom đạn gây bao đau thương, lính tráng hiếp đáp dân lành. Họ ngang nhiên gánh muối đi bán hay đổi chác cả ngày lẫn đêm. Sướng nhất là họ được đi nhờ xe của mấy chú bộ đội chạy trên đường gập ghềnh sỏi đá. Họ ngoái nhìn phía sau rồi đưa tay vẫy vẫy khi thấy xe ba lua (xe tải có đóng thùng phía sau) chạy tới. Xe dừng bánh cho người và muối vào thùng rồi tiếp tục hành trình. "Hồi đó xe cộ ít lắm chứ không nhiều như bây giờ đâu, chủ yếu là xe ba lua của mấy chú bộ đội. Hễ thấy xe là tụi tui vẫy tay xin đi nhờ...", bà Vân nhớ lại.

Trời yên biển lặng, vài người chất muối lên ghe nan, che chắn cẩn thận rồi thay nhau chèo dọc bờ biển. Điểm đến gần nhất là bến Đò Mốc (giáp ranh Phổ Quang và Phổ Văn, thị xã Đức Phổ). Từ biển, ghe rẽ vào cửa Mỹ Á rồi ngược sông Thoa, hướng về phía thượng nguồn. Đến nơi, họ hốt muối vào thúng rồi gánh dọc đường làng với tiếng rao: "Muối đây! Ai mua muối hông...?".

Nhiều bữa, họ chèo ghe dọc bờ biển khá xa rồi tấp vào bãi cát mịn. Họ cùng nhau kéo ghe vào giấu trong rặng phi lao trước khi gánh muối vào làng. "Bán ở những làng ven biển thì thường đi ghe, còn nơi xa biển thì gánh đi bộ", bà Gá kể. "Giờ tụi tui thuê xe tải chở đến nơi rồi mượn xe đạp đẩy muối đi bán dạo. Tuy đỡ vất vả hơn trước nhưng cũng cực khổ lắm...", chị Nguyễn Thị Kim Nhung tâm sự.

Thuở trước, muối ở Quảng Ngãi xuất cảng theo đường biển rất mạnh. Sách Quảng Ngãi tỉnh chí (của Nguyễn Bá Trác và cộng sự) cho biết: Lượng muối ở Quảng Ngãi xuất khẩu qua 3 Sở Thương chính. Trong đó, Sở Thương chính Sa Huỳnh năm 1929 xuất khẩu hơn 1.094 tấn, năm 1930 trên 7.634 tấn và năm 1931 hơn 2.636 tấn.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.