Phơi mình trong nắng lửa
Vụ sản xuất muối của diêm dân Sa Huỳnh bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán kéo dài đến khi những cơn mưa dầm dề giăng kín ruộng đồng. Những người dân quê chân chất ra đồng be bờ, tát nước, san phẳng, đầm chặt nền ruộng... trong nắng xuân hanh vàng.
Những ngày sau đó, nắng chói chang giục diêm dân ra đồng. Trưa nắng, họ múc từng ca nước nhẹ tay đổ vào ruộng, kiểm tra độ kết tinh của muối. "Nghề muối cực khổ nhưng ai cũng mong mau đến vụ sản xuất để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Công việc mệt thật, bận rộn chân tay nhưng thấy vui...", anh Trần Ngọc Tuyên tâm sự. "Nghề muối từ thời ông cha tới giờ rồi. Dẫu cực khổ nhưng cũng quen nên cứ đến vụ là làm thôi", diêm dân Trần Sơn góp chuyện.
Xế trưa, nhiều người bắt đầu thu hoạch muối sau bao ngày dang nước biển dưới nắng nóng như đổ lửa. Họ cầm trang với cán làm bằng thân trúc khá dài, gắn vào miếng gỗ mỏng hình chữ nhật được bào nhẵn. Đôi tay cầm cán gẩy nhẹ lưỡi trang xuống nền ruộng làm vỡ bề mặt muối kết tinh. Sau đó, họ đi từng bước chậm rãi xung quanh bờ đẩy muối vào giữa ruộng, lưng áo ước đẫm mồi hôi.
Tiếp đến, họ cào thành những ụ muối trắng tinh trên nền ruộng nâu xám phơi dưới nắng vàng. Họ hốt muối rồi sải những bước dài với đôi quang gánh nặng oằn vai. Muối được chuyển đến nơi cao ráo đổ thành đống lớn rồi dùng bạt nilon phủ kín trước khi bán cho thương lái.
"Phải gánh lên tận bờ đê hay những nơi cao ráo để tránh tình trạng mưa lớn làm ngập khiến muối bị hòa tan trong nước. Tôi cũng như bà con ở đây mong muối được giá để bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình chứ chất đống ngoài đồng lo lắng lắm...", anh Võ Tấn Nghi đưa áo quệt mồ hôi trên trán chậm rãi cho biết.
Những hôm nắng gắt khiến muối mau kết tinh nên nhiều người ra đồng hơn thường ngày. Họ phơi mình trong nắng thu hoạch muối rồi cho nước vào ruộng để làm đợt tiếp theo. Dân gian có câu vè ghẹo người làm muối: “Nậu nại (dân làm muối) đã dại lại quê/Mát trời thì về, nắng lại ra phơi”. Nhưng diêm dân không lấy đó làm phiền lòng, họ cần mẫn trên ruộng đồng.
Mưu sinh trong đêm tối
Những bậc cao niên nơi đây nhớ như in thuở còn mưu sinh trong đêm tối lắm nỗi hiểm nguy lẫn nhọc nhằn. Khi ấy, trước mỗi vụ muối, diêm dân thay phiên nhau đóng cọc, gánh đất đắp đê ngăn giữa đầm Nước mặn Sa Huỳnh và đồng muối cả đêm lẫn ngày. Họ cặm cụi trên ruộng muối của mình be bờ, tát nước ra ngoài, san sửa, đầm chặt nền ruộng... để vào vụ sản xuất mới.
Nhiều người chỉ dám đi làm trong đêm bởi ban ngày lính Mỹ ngồi trên máy bay trực thăng hay xả đạn bừa bãi xuống đồng muối. Cán bộ, du kích ban ngày ở núi rừng cũng trở về xóm làng và ra đồng cùng bà con láng giềng. Diêm dân tin tưởng vào cán bộ, du kích nên sẵn lòng đóng góp cho cách mạng với hi vọng mau đến ngày giải phóng quê hương để được "ngang nhiên ra đồng làm muối giữa ban ngày".
"Bây giờ nhà nước làm đê nên diêm dân không phải cực khổ gánh đất đắp như trước nữa. Lúc đó khổ nhất là lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tàn phá. Cả đồng muối kết tinh chưa kịp hốt thì chúng cho nổ mìn phá hỏng đê, nước từ đầm tràn vào hòa tan ruộng muối. "Bởi chúng cho rằng, mấy người làm muối để cung cấp cho cộng sản. Mọi người chỉ biết nhìn đồng muối ngập chìm trong biển nước, ánh mắt đầy căm hận…”, cụ Trần Ngọc Cảnh (92 tuổi) bồi hồi nhớ lại.
Ở tuổi 87, cụ Dương Thị Diện vẫn nhớ chuyện làm muối thời gian khó. Thuở ấy, quân địch thường tổ chức càn quét, bắn phá xóm làng, ngăn không cho diêm dân sản xuất vì nghi ngờ họ "gánh muối lên rừng nuôi cộng sản". Nhiều diêm dân ngã xuống, máu loang lổ trên đồng, tiếng khóc than ai oán nơi làng quê. Nhưng vì cuộc mưu sinh nên họ vẫn lén lút ra đồng trong đêm khuya thanh vắng.
Những hạt muối thu được từ bao nỗi hiểm nguy và nhọc nhằn đem lại cho họ chén cơm, manh áo và “xẻ nửa” nuôi cán bộ cách mạng. “Bọn chúng lùng sục dữ lắm, hễ thấy nhà nào còn muối thì chúng tra hỏi và bắt phải bán ngay. Nhưng tôi vẫn chôn giấu để gánh lên cho chồng và mấy ổng ở trển. Phải gánh đi ban đêm để tránh bị lính tráng phát hiện...” – cụ Diện hồi tưởng.
Nỗi lo trước mùa mưa bão
Đêm xuân ba năm trước chợt có tiếng la: "Nước tràn qua đê rồi bà con ơi!". Mọi người vội túa ra đồng, hớt hải chạy về phía bờ đê. Triều cường dâng cao, nước biển từ đầm Nước Mặn tràn qua đê bao đồng muối Sa Huỳnh. Mọi người hối hả hốt muối cho vào bao rồi chở đến nơi cao ráo để khỏi bị ngập nước.
Ông Nguyễn Thành Út (khi ấy là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã muối 1) huy động cánh đàn ông dùng bao chứa đất đắp trên mặt đê ngăn nước. Nhưng do nước lớn nên gây sạt lở gần 100m đê, cuốn trôi khoảng 500m3 đất đá sau bao ngày bồi đắp. Hơn 13 tấn muối chất đống và phủ bạt trên bờ đê của 7 hộ dân bị hòa tan trong nước.
"May là bà con tập trung hốt muối chuyển đến nơi khác kịp thời chứ không thì thiệt hại nhiều hơn nữa. Ngay sau đó, tôi gửi văn bản đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí tu bổ để tránh tình trạng vỡ đê...", ông Út nhớ lại.
Đêm đông năm 2010, trời tốt mịt mùng. Mưa như trút nước. Nhiều người đứng ngồi không yên bởi không thể đội mưa ra ngoài, chỉ biết nhìn đêm đen rồi buông tiếng thở dài. Họ lo ngại những đống muối dẫu được phủ bạt, che chắn cẩn thận nhưng sẽ bị hư hỏng khi bị ngập nước. Mưa dữ dội từ tối đến sáng và kéo dài nhiều giờ sau đó. Nước từ trên dãy núi phía tây đổ xuống ruộng đồng, tràn qua quốc lộ 1A hòa tan khoảng 330 tấn muối trôi ra biển cả.
Người bạn ở Sa Huỳnh gọi điện thoại cho tôi với giọng gấp gáp: "Cậu về Sa Huỳnh lấy tin nghen! Nước lũ lớn lắm, làm tan muối quá trời...". Tôi vội phóng xe máy đến nơi. Đồng muối chìm sâu trong biển nước. Ven những tuyến đường, khu đất trống vô số bạt nilon phủ muối, gậy, gỗ, đá để đè và chống giữ nằm chỏng chơ trên đất lạnh. Bao công sức từ những ngày nắng nóng trôi theo nước ra biển cả mênh mông. Thật là, nước lũ bạc trắng phận người.
"Mưa lớn kéo dài nên đã cuốn trôi hơn 330 tấn muối của 46 hộ diêm dân. Có nhiều hộ bị trôi hơn 20 tấn. Hầu hết số muối còn lại đều bị ướt cũng tan chảy. Nước lũ cuốn trôi gần 1.000m3 đất đê bao đồng muối. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Không chỉ cuốn trôi muối, nước lũ cũng làm xói lở, gây thiệt hại nghiêm trọng nhà cửa của nhiều diêm dân trong xã...", ông Nguyễn Duy Trinh (khi ấy là Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cho biết.
Chiều ấy tôi đi dọc con đường nằm giữa xóm làng và đồng muối, chợt gặp anh Lê Văn Duyệt đứng cạnh những tấm bạt nilon, cà tăng, cọc tre... ngổn ngang trên đất. Hơn 7 tấn muối theo nước trôi ra biển và cũng chừng ấy ngấm nước đang tan dần khiến anh tiếc ngẩn ngơ. "Thu nhập của bà con ở đây chủ yếu từ nghề làm muối. Sau khi thu hoạch, chúng tôi để dành đợi giá cao sẽ bán để sắm sửa dịp Tết, ấy vậy mà...", anh tâm sự với vẻ mặt buồn hiu.
Mùa mưa lũ năm nay đã lại cận kề. Đến bây giờ, diêm dân Sa Huỳnh vẫn luôn nhắc nhau đề phòng mưa lũ. Bao nhiêu công sức của cả vụ tan theo bọt nước vào đợt lũ năm ấy. Vậy nên giờ diêm dân cứ thấp thỏm lo lắng mỗi khi nghe dự báo mưa lũ.
Đồng muối Sa Huỳnh có diện tích 115ha với 550 hộ dân tham gia sản xuất. Sản lượng muối thu hoạch hàng năm 6.000 - 8.000 tấn nhưng giá cá bấp bênh nên cuộc sống của diêm dân gặp nhiều khó khăn.
"Chính quyền địa phương cũng như diêm dân mong dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa thủy lợi hệ thống đồng muối Sa Huỳnh sớm triển khai để muối Sa Huỳnh có cơ hội phát triển, diêm dân yên tâm gắn bó với nghề...", ông Nguyễn Viết Thanh - Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) tâm sự.