| Hotline: 0983.970.780

Sa Huỳnh muối mặn ngàn năm

Tinh hoa trên đá

Thứ Ba 13/08/2024 , 09:30 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Nắng tràn lên biển khiến nước trên nền đá nóng rát cả tay. Bàn tay diêm dân vẫn cần mẫn dùa những hạt muối trắng tinh như ngàn năm qua đã từng như thế.

TS Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi vừa phát hiện khu vực người Sa Huỳnh cổ làm muối với niên đại khoảng hơn 2.000 năm trước. Điều này có ý nghĩa lớn, là căn cứ quan trọng để so sánh khu vực làm muối của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh và các vùng làm muối của khu vực Đông Nam Á, châu Á...

Một góc Trảng Muối ở Sa Huỳnh. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Một góc Trảng Muối ở Sa Huỳnh. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Quà tặng tuyệt vời của tạo hóa

Vùng đất Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi gắn với nền văn hóa trứ danh có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Nơi đây có những ngọn núi vươn ra biển tạo nên khung cảnh thơ mộng làm say lòng người. Những bãi biển cong tựa nửa vầng trăng buông rơi từ trời xanh xuống trần thế. Bãi cát vàng bên nước biển trong xanh đẹp mê hồn. Bờ đá bên biển như thạch trận chặn những cơn sóng tiếp nối vỗ vào bờ tung bọt nước trắng xóa.

Nhìn từ biển vào đất liền thấy những bãi bờ thơ mộng cùng núi non hùng vĩ đẹp tựa tranh vẽ. Trong đó có bãi đá gần làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) nổi chìm trong nước, chứa bao điều kỳ thú. Bãi đá được gọi là Trảng Muối, rộng chừng 10ha, nằm giữa rừng xanh thẳm và biển cả bao la.

Đêm sắp tàn, đứng trên bãi đá ngắm bình minh nơi chân trời quả là tuyệt vời. Trưa, nắng vàng tràn trên biển xanh, cả trên Trảng Muối và rừng dứa tốt tươi. Bãi đá đa sắc trông thật bắt mắt. Nơi này nâu xám và chổ kia nhuốm hồng khoe sắc cùng màu trắng của muối kết tinh từ nước biển. Chiều phai nắng, biển xanh mơ màng, sóng lững lờ đưa nước biển vào bãi đá với những vũng chứa lớn nhỏ trong veo. 

Biển ven bờ nơi đây với những ghềnh đá tuyệt đẹp khiến bao người mê mẩn. Những ghềnh đá này ẩn trong nước, chạy dài theo hướng bắc - nam như vùng gò đồi, núi non trên cạn. Nơi ấy có lắm hang hốc là điểm trú ngụ, sinh sôi của nhiều loài hải sản. Những ngư dân hành nghề lặn vô cùng thích thú, khua chân múa tay diễn tả lại bao điều trông thấy dưới đáy đại dương. Hàng ngày họ đeo kính, ngậm ống hơi để thở rồi lặn xuống đáy săn hải sản.

Diêm dân dùa muối trên đá. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Diêm dân dùa muối trên đá. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Lắm lúc họ đeo súng gỗ lắp mũi tên sắt chui vào hang và vô cùng vui sướng khi bắn được cá hay bạch tuộc khá lớn. Hải sản bắt được ở vùng biển này bán giá cao vì chế biến món ăn rất thơm ngon. "Vùng biển gần bờ ở Sa Huỳnh nói chung và làng Gò Cỏ nói riêng có những ghềnh đá đẹp lắm. Đá tiếp nối nhau thành dãy như núi non ở trên cạn, xếp chồng lên nhau tạo thành hang sâu. Tôi thường lặn vào trong hang để tìm cá, mực hay bạch tuộc và cả tôm nhí...", ngư dân Trần Văn Tĩnh ở phường Phổ Châu, thị xã Đức Phổ cho biết.          

Độc đáo những ruộng muối trên đá

Sắp vào tuổi thất tuần, bà Bùi Thị Vân ở làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ vẫn khá nhanh nhẹn. Trưa nắng, bà quảy đôi thúng cuốc bộ ra Trảng Muối cách nhà hàng trăm mét. Đến nơi, bà buông đôi thúng, tay xách gàu nhựa và cầm chiếc gáo dừa bóng láng múc nước châm vào ruộng muối trên đá. Bà cẩn thận kiểm tra độ kết tinh của muối rồi ngước nhìn những đụn mây ùn lên phía chân trời báo hiệu sắp nổi giông.

Gương mặt bà hiện lên nỗi âu lo dưới nón lá giữa trưa nắng. Bà khẽ thở dài rồi bước sang ruộng muối bên cạnh đã kết tinh tựa đóa hoa sen trắng nở trên nền đá nâu xám. Bà Vân ngồi chồm hổm trên đá và đưa tay dùa muối đã kết tinh sau những ngày nắng chói chang. Bà nâng niu những hạt muối trắng như bao đời tổ tiên đã từng như thế. "Nghe ông bà kể lại thì cách làm muối trên đá ở đây có từ lâu lắm rồi. Khi tôi còn nhỏ thì bà cố tôi cũng làm, rồi đến bà nội tôi. Sau này đến mẹ tôi và rồi đến tôi...", bà cho biết.

Thu hoạch muối trên bãi đá. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Thu hoạch muối trên bãi đá. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Trảng Muối có hai khu vực: Hồ chứa nước biển khá lớn và ruộng muối trên đá. Thủy triều dâng cao và những cơn sóng vỗ ầm ào đưa nước vào hồ chứa. Nước được dang nắng nên mặn hơn bình thường. Cư dân làng Gò Cỏ múc nước này cho vào vũng dang nắng bước hai. Sau đó, họ múc nước từ vũng đổ vào túi vải lọc sạch trước khi chảy vào ruộng muối.

"Ngày công làm muối trên đá thấp lắm, chỉ vài chục ngàn thôi. Dẫu vậy, tụi tui vẫn làm để có muối ăn và cho mọi người biết ở đây có nghề làm muối độc đáo như thế này", bà Nguyễn Thị Gá góp chuyện.

Hàng ngày, họ châm nước biển vào ruộng để tăng thêm độ dày của muối. Ruộng muối là những hố trũng hay được be bờ bằng đất sét trên nền đá. Họ mang đất sét từ rìa làng ra Trảng Muối nhào nặn với nước biển rồi be bờ thành những ruộng muối be bé xinh xinh. Lần đầu, muối kết tinh sau cả tuần nắng chang chang. Do độ mặn tăng cao nên những lần sau chỉ ba ngày nắng là đã có muối trắng tinh vô cùng bắt mắt.

Muối nơi đây hạt to hơn hẳn những nơi khác, vị mặn nhưng không gắt, dùng để nêm thức ăn rất thơm ngon. Nhiều người chuộng dùng loại muối này để muối mắm và trụng cá trước khi chuyển đến những vùng xa bán cho khách hàng. Cá cơm, cá nục, ruột cá ngừ... kết hợp với muối nơi đây cho ra những mẻ mắm thơm ngon vô cùng.

Muối sản xuất trên đá có chất lượng tuyệt hảo, là một nét hết sức độc đáo ở Sa Huỳnh. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Muối sản xuất trên đá có chất lượng tuyệt hảo, là một nét hết sức độc đáo ở Sa Huỳnh. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Người dân Gò Cỏ khéo léo chế sơ chế hải sản trước khi gánh đi bộ cả trăm cây số đến bán ở những bản làng miền xuôi - ngược nhưng không bị hư hỏng. Cho muối vào nước chứa trong chiếc chảo lớn rồi đun sôi. Họ rửa sạch cá cơm hay cá nục vừa vớt lên từ biển và xếp vào rổ tre rồi cho vào chảo trụng chín trước khi nhấc ra để ráo nước. Cá ngừ lớn thì mổ bụng, xẻ làm đôi rồi rửa sạch, cho vào trụng chín.

"Làm muối trên đá năng suất không cao nhưng bù lại muối tốt lắm, để dành dùng trong gia đình, muối mắm hay trụng cá, còn dư mới bán cho khách hàng. Muối ở đây bỏ vào chảo nước sôi rồi trụng cá thì cá trắng lắm. Thời trước, trụng xong gánh đi bộ cả trăm cây số lên tận các huyện miền núi như Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi) nhưng cá vẫn không hư, bà con mua đem vô nhà kho ăn ngon lành. Muối này làm mắm cũng ngon lắm. Giờ có nhiều người mua với giá mỗi cân ba mươi ngàn nhưng không đủ muối bán...", bà Vân cho biết.

Vùng "đá nở hoa"

TS Đoàn Ngọc Khôi là người có nhiều năm nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh hào hứng khi phát hiện "vùng đá nở hoa" mà người dân nơi đây gọi là Trảng Muối. Ông sờ từng phiến đá, nếm vị mặn mòi của hạt muối trắng tinh khôi.

TS Đoàn Ngọc Khôi (ngoài cùng bên phải) khảo sát Trảng Muối. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

TS Đoàn Ngọc Khôi (ngoài cùng bên phải) khảo sát Trảng Muối. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Hầu hết các ô ruộng muối cổ có đặc điểm clorua xâm nhập với thời gian lâu dài vào lớp vỏ đá làm mòn

Bao đời, người dân Gò Cỏ cần mẫn làm muối trên bãi đá cạnh làng. Đến một ngày, họ vô cùng mừng vui khi hay tin nghề sản xuất muối ở nơi đây có từ hàng ngàn năm trước, góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của người xưa.

và có màu đen sẫm chứa bao điều huyền bí xa xưa. Sau nhiều ngày tìm hiểu, ông Khôi cho rằng, nghề sản xuất muối trên đá nơi đây có niên đại khoảng hơn 2.000 năm trước. Truyền thống làm muối ở đây liên tục, kéo dài từ cư dân Sa Huỳnh cổ đến người Chăm Pa và Đại Việt.

Đây được xem là một phát hiện quan trọng, góp phần làm rõ kỹ thuật sản xuất muối của người tiền sử. Điều này cung cấp thêm bằng chứng về ba phương pháp làm muối của cư dân Sa Huỳnh, đó là phơi nước biển trên đá tạo muối kết tinh, nấu nước biển trong các nồi gốm để thu muối và làm muối trên các cánh đồng. Sau khi phát hiện, nhiều nhà nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành ở Quảng Ngãi đã đi thực địa tại Trảng Muối giữa trời nắng chói chang.

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục thu thập mẫu hiện vật để sử dụng phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm nhằm xác định niên đại chính xác của nghề làm muối nơi đây. Việc phân tích bao gồm các mẫu sò thu thập tại Trảng Muối hoặc phân tích thạch học để hiểu rõ cấu trúc mặt nền ruộng muối, độ bào mòn của đá. Bên cạnh đó, việc phân tích thành phần hóa học của muối trên đá cũng sẽ cung cấp thông tin hữu ích về các nguyên tố chứa trong muối.

Muối bám vào đá trông thật đẹp mắt. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Muối bám vào đá trông thật đẹp mắt. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

"Việc phát hiện Trảng Muối cổ này chứng minh người tiền sử ở Việt Nam đã nắm bắt kỹ thuật làm muối từ rất sớm. Cách làm muối của người Sa Huỳnh cổ tương đồng với phương pháp làm muối bằng cách phơi nước biển trên đá tại đồng muối cổ Dương Phố (Hải Nam, Trung Quốc) có niên đại khoảng năm 800 sau Công Nguyên. Việc nghiên cứu, khảo cổ nơi làm muối, con đường cổ, nơi nghỉ ngơi của người Sa Huỳnh cổ cùng những hiện vật liên quan được phát hiện trước đó sẽ bổ sung quan trọng cho hồ sơ đề nghị công nhận Di sản Thế giới đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh...", TS Khôi tâm sự.

Xem thêm
Hướng dẫn phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn biện pháp phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão.

Hơn 2.100 tàu cá ‘3 không’ của Hà Tĩnh sẽ được đăng ký

Sau khi rà soát tại các địa phương, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố danh sách các tàu cá không đủ hồ sơ, cần hoàn thiện để được đăng ký theo quy định.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.