| Hotline: 0983.970.780

Những cựu binh tỷ phú

Chủ Nhật 01/05/2016 , 07:10 (GMT+7)

Những vùng đất hoang hóa, bạc màu bỗng chốc biến thành những vườn cà phê, hồ tiêu, rừng cao su bạt ngàn, xanh mướt cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm; những câu chuyện làm ăn, những kinh nghiệm sản xuất được chia sẻ với mọi người...

Những vùng đất hoang hóa, bạc màu bỗng chốc biến thành những vườn cà phê, hồ tiêu, rừng cao su bạt ngàn, xanh mướt cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm; những câu chuyện làm ăn, những kinh nghiệm sản xuất được chia sẻ với mọi người; những sự giúp đỡ, hỗ trợ đối với các hộ nghèo, hộ thiếu kinh nghiệm sản xuất... Đó là những gì đang có ở những cựu binh ở huyện Chư Prông (Gia Lai).

Không khó khi hỏi thăm nhà ông Phạm Hữu Đường (thôn Hoàng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông), để chẳng bao lâu, chúng tôi đã đứng trước căn nhà của ông - căn nhà nằm khiêm tốn ngay giữa vườn hồ tiêu mướt xanh.

Ông Đường năm nay đã sáu mươi chín tuổi, nhưng trông còn khỏe lắm, cứ nhanh nhẹn, thoăn thoắt ở mọi ngóc ngách trong trang trại của mình. Trông dáng vẻ của ông, khó ai biết ông lại là một thương binh hạng ba.

Là một thương binh, nhưng ông Đường khiến không ít người lành lặn phải ngưỡng mộ khi mà bằng chính sức lao động của mình, ông đang sở hữu một gia sản không nhỏ gồm 5ha cà phê, 1ha cao su, 1ha mắc ca, 2 sào hồ tiêu. Chưa hết, trang trại của ông còn có khu vực nuôi 30 con heo rừng... Tổng thu nhập hàng năm của ông khoảng 1,3 tỷ đồng.

Hồi tưởng lại cách đây hai mươi năm, ông kể: Ở quê đất chật người đông, khó làm ăn. Nghe nói Tây Nguyên hồi đó đất đai bạt ngàn và màu mỡ nên ông quyết định vác ba lô lên đường. Phải thừa nhận lúc mới vào, đất thì nhiều và tốt thật, nhưng do không có vốn và kinh nghiệm nên ông chỉ trồng được mỳ và bắp, thu nhập không cao.

"Để thoát nghèo, tôi phải vác ba lô sang tỉnh bạn học hỏi mô hình làm kinh tế. Thấy người ta trồng cà phê, hồ tiêu cho thu nhập cao nên tôi mạnh dạn mua giống trồng thử. Thành công, tôi dần mở rộng diện tích, mở thêm trang trại nuôi heo rừng cho đến hôm nay...", ông Đường nói.

Chia tay ông thương binh tỷ phú Phạm Hữu Đường, chúng tôi tìm đến nhà cựu binh Nguyễn Tá Tuệ ở thôn Bản Tân, xã Ia Phìn (cách nhà ông Đường khoảng năm cây số). Ông Tuệ đi vắng, người nhà cho biết: Không biết ông ấy đi đâu, có thể đang ở trong vườn của ai đó để hướng dẫn bà con làm cà phê, hồ tiêu.

Quả như vậy. Ông Tuệ đang tất bật trong vườn hồ tiêu của ông Nguyễn Văn Nam (thôn Hoàng Tiến, xã Ia Phìn). Đưa tay hái chùm tiêu làm mẫu, ông Tuệ giải thích: "Hái tiêu phải biết chịu khó nhẫn nại, phải hái gọn từng chùm. Muốn nhanh, đưa tay vơ cả cành mà bứt thì dây tiêu sẽ rất nhanh xuống sức".

Giải lao, ngồi uống nước chuyện trò, ông Tuệ cho biết: "Rời quân ngũ, tôi đưa gia đình vào lập nghiệp ở đây đã được hai mươi tám năm, với hành trang mang theo chỉ là... sức khỏe. Ban đầu gặp nhiều khó khăn như hay ốm vặt do lạ khí hậu, chưa quen canh tác, chưa thông hiểu tập tục của bà con nơi đây... Thấy cây cà phê, hồ tiêu phù hợp với vùng này, cho thu nhập cao nên một thời gian sau, tôi quyết định chuyển đổi bằng cách vay thêm tiền, học hỏi và mua cây giống về trồng...".

Từ những kết quả ban đầu, ông Tuệ dành dụm mua thêm đất, mở rộng diện tích để hôm nay, ông đã có 5ha cà phê, 5 sào hồ tiêu, tổng thu nhập trên 900 triệu đồng mỗi năm.

Huyện Chư Prông có Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi với 55 hội viên mà theo chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mai Khắc Tuấn, hộ thu nhập thấp nhất mỗi năm cũng được không dưới 500 triệu đồng. Thu nhập trên 1 tỷ đồng năm vừa rồi có 27 hộ. Cá biệt có 7 hộ thu nhập từ 3 - 5 tỷ đồng/năm như hộ cựu binh Nguyễn Văn Gác (xã Ia Phìn) 5 tỷ đồng, hộ cựu binh Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Đ'răng) 3 tỷ đồng...

10-36-03_cuu-binh-phm-huu-duong-o-trng-thu-nhp-moi-nm-tren-1-ty-dong
Cựu binh Phạm Hữu Đường (áo trắng) thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng

Nhận xét về những cựu binh tỷ phú này, ông Mai Khắc Tuấn cho biết: Điểm chung của những hộ cựu binh này họ cùng là những người đều rời khỏi quân ngũ, có người còn là thương binh, từ xa đến đây lập nghiệp. Có nhiều hộ trước đây còn thuộc diện đói nghèo. Tuy nhiên phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết vượt qua khó khăn nên họ đã nhanh chóng nhập cuộc để đến bây giờ, họ đã trở thành những nông dân - cựu binh tỷ phú thực thụ.

Chính xuất phát từ anh Bộ đội Cụ Hồ với những đặc điểm quý báu trên nên ngoài làm giàu cho gia đình mình, những cựu binh - thương binh này còn tích cực chia sẻ, giúp đỡ đồng đội và người dân trong vùng cùng phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông - ông Mai Khắc Tuấn, cho biết: "Phát huy truyền thống của người lính, truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc nên ở đây, những cựu binh sản xuất giỏi luôn sẵn sàng động viên chia sẻ kinh nghiệm, kể cả vật chất cho đồng đội, cho bà con trong vùng, cùng nhau phát triển sản xuất, cùng nhau thoát khỏi đói nghèo đi lên khấm khá...".

Có thể kể tên như cựu binh Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Đ'răng) bỏ tiền túi xây dựng 500m đường bê tông liên thôn, cho 7 hộ dân trong vùng vay vốn trên 700 triệu đồng không tính lãi. Chưa hết, người cựu binh này còn bỏ ra gần 150 triệu đồng, đưa điện lưới về cho 3 hộ nghèo sử dụng...

Còn cựu binh Nguyễn Văn Gác thì tự bỏ tiền túi, xây dựng 3 trạm biến áp, cung cấp điện miễn phí phục vụ sản xuất cho 30 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Gang 2 (xã Ia Phìn); hỗ trợ cho 50 hộ nghèo trong xã mua phân bón trả chậm không lấy lãi; bỏ kinh phí sửa chữa Hội trường thôn; Tết đến ông còn hỗ trợ cho các hộ nghèo trong vùng 1 tấn gạo và 100kg thịt lợn...

"Rất nhiều hộ nông dân nghèo trong vùng nhờ sự giúp đỡ của các cựu binh này, đã dần thoát khỏi đói nghèo, vươn lên khấm khá. Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh người thương binh "tàn nhưng không phế" luôn là hình ảnh đẹp với người dân nơi đây", ông Tuấn khẳng định.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm