LTS: Năm 1943, nhà phê bình Lê Thanh (1913 - 1944) có phỏng vấn 8 nhà văn, nhà nghiên cứu vào thời điểm đó, là Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện. Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long, Tú Mỡ và Đào Duy Anh. Sau ông in thành cuốn sách có tựa đề “Cuộc phỏng vấn các nhà văn” do Nhà xuất bản Đời Mới, Hà Nội, ấn hành năm 1943.
Đây là cuốn sách không chỉ thể hiện phong cách phỏng vấn hiện đại, chiều sâu của Lê Thanh mà là nguồn tư liệu quý cung cấp những thông tin rất chuẩn xác về cuộc đời, sự nghiệp cũng như nhận định của các nhà văn được phỏng vấn về thế cuộc và văn chương, lịch sử lúc bấy giờ. Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu những nét chính của cuốn sách đó trong bài phỏng vấn với ba nhân vật Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố và Vũ Đình Long.
Vào thời điểm Lê Thanh phỏng vấn, Lệ Thần Trần Trọng Kim vừa tròn 60 tuổi, lúc đó “tóc đã bạc, nhưng trong cặp mắt sáng, cả đến trong những nét nhãn chạy dài trên trán, tiềm tàng bao nhiêu nghị lực, tỏ cho ta biết rằng, tiên sinh còn có thể làm cho văn học ta được nhiều lắm.”.
Cũng theo Lê Thanh, Trần Trọng Kim đang “cố gắng làm những công việc nặng nề nhất trong sự trùng tu cái lâu đài văn hóa Việt Nam đang đổ nát”.
Soạn sách giáo khoa tiểu học chỉ trong 2 năm?
Như Lê Thanh thuật lại, Lệ Thần Trần Trọng Kim có một tiểu sử về học hành thật đáng nể, xin không phải nhắc lại vì sử đã chép đầy đủ.
Năm 1921 Trần Trọng Kim được bổ làm thanh tra các trường Tiểu học. Ông kể: “Trong thời kì làm thanh tra, vào khoảng 1924, 1926, tôi được cử vào Hội đồng làm sách giáo khoa. Non hai năm, mấy người chúng tôi làm xong các bộ sách để cho học sinh các lớp sơ cấp tiểu học dùng.
Năm 1931, cái ngạch thanh tra ấy không còn ngạch học quan thành lập, tôi không nhập vào ngạch này, trở lại dạy trường Sư phạm thực hành Hàng Than, đến năm 1933, tôi đứng giám đốc các trường tiểu học con trai Hà Nội cho đến ngày nay (tức năm 1943 - thời điểm phỏng vấn)”.
Như vậy, chỉ trong thời gian “non hai năm”, khoảng 1924, 1926 “mấy người” soạn sách giáo khoa đó (gồm Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận) đã soạn xong bộ sách cho học sinh lớp sơ cấp tiểu học dùng. Một thời gian ngắn mà soạn xong bộ sách chất lượng như vậy quả là điều mà ngày nay chúng ta phải kính nể và cũng đang mong mỏi.
Người nhận “làm việc cho tiếng mẹ đẻ”
Dù là người học thông ngôn chữ Pháp, có thời gian 5 năm học tập, làm việc tại Pháp nhưng Trần Trọng Kim lại hướng những sở trường của mình vào nghiên cứu quốc văn, sử học nước nhà và viết bằng chữ quốc ngữ. Những trước tác của Trần Trọng Kim ngày nay được in ấn, tái bản nhiều lần như: Việt Nam sử lược (cuốn lịch sử đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ), Luân lí giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư, Việt Nam văn phạm, Phật lục, Truyện Thúy Kiều chú giải...
Có lẽ tinh thần dân tộc, tinh thần gìn giữ quốc văn của Lệ Thần Trần Trọng Kim là kim chỉ nam cho hành động của ông trong lĩnh vực chữ nghĩa. “Từ trước, và nhất là khi ở bên Pháp, nhận thấy rằng mỗi nước đều có một văn tự riêng, cái văn tự ấy tức là tinh thần của nước, mà mình thì từ cổ chí kim, hết thời đại ấy đến thời đại khác chỉ đi học tiếng người; chúng tôi mang cái hoài niệm là gây thế nào cho tiếng nước mình thành “quốc ngữ” chính thức có giá trị ngang với tiếng những nước văn minh.
Khi ông Vĩnh làm tờ Đông Dương tạp chí, tôi bắt đầu viết văn đăng báo, gặp gì viết nấy, bàn về những vấn đề xã hội, văn học... nhưng viết gì cũng không quên cái mục đích trên - làm việc cho tiếng mẹ đẻ”.
Một người An Nam thuộc vào hạng học thức là một môn đồ của Nho giáo. Tứ thư, Ngũ kinh thuộc lầu lầu nhưng thuộc chưa chắc là hiểu, nhất là cái tinh thần của Nho giáo thì ít người chịu đi sâu vào nó để hiểu biết một cách tinh tường. Thành ra, một nhà Nho có khi chỉ nho ở cái áo khoác ngoài. Đến khi thấy một cái áo khoác có cái hình thể khác mới mẻ hơn, cứ việc cởi cái cũ của mình để khoác cho cái áo mới vào, không do dự, không nhớ tiếc. Tiếc gì một chiếc áo, khi chiếc áo ấy chỉ có công dụng mặc cho đủ ấm cái thân trong một thời mà thôi!.
Trần Trọng Kim
Thái độ đối với văn hóa và soạn sách lịch sử
Lệ Thần Trần Trọng Kim đã từng viết, đại ý: “Một ngôi nhà cổ rất đẹp, lâu ngày không ai sửa sang để đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống. Ngày nay dẫu có muốn dựng lại cũng không được vì người không có mà của cũng không...”, nay tiếp tục câu hỏi của Lê Thanh về Nho giáo, ông nói thêm: “Cái nhà cổ ấy tự nó không là một cái bảo vật vô giá, không lẽ để nó đổ nát đi mà không tìm cách giữ lấy cái di tích.
Kể từ đầu thế kỉ, ở nước ta cũng như các nước khác ở Á đông, có cuộc xung đột lớn của hai nền văn hóa cũ mà nền tảng là Nho giáo và văn hóa mới từ Âu châu đưa vào. Kết cục của sự xung đột ấy, văn hóa của mình sụp đôt tan tác rã rời. Người mình tựa như ngồi trên con thuyền không lái, về đời tinh thần không biết bấu víu vào đâu. Như vậy, một phần là do sự lầm lạc trong học vấn của mình".
Thực tế, ngay từ 1916, Trần Trọng Kim đã bắt tay vào viết Việt Nam sử lược, ban đầu viết từng đoạn, “đoạn nào có đủ tư liệu thì viết trước”, sau mới in thành sách.
Nói về việc thực trạng sử sách, Trần Trọng Kim có nhiều điểm giống Nguyễn Văn Tố, là “sử của ta chép theo lối biên niên của Tàu, ngày nào năm nào có việc gì thì ghi lấy một cách vắn tắt không tìm đến cái gốc ngọn và sự liên can đến việc. Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên việc chép sử không được tự do, phải chiều nhà vua, chép việc nhà vua ít khi để ý đến những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước... Thành ra đọc sử thấy tẻ và không giúp được học vấn mấy.
Sử của ta thì thế, mà người mình thì lại quá lãnh đạm với nó. Quy lỗi cho dân tộc mình có lẽ không đúng, vì từ trước đến nay, cái học vấn đã bắt buộc ta phải thuộc sử Tàu hơn là sử của mình”.
Và ông kết luận: Người trong nước mà không hiểu sự tích nước mình có khác nào trong gia đình mình không biết ông cha mình. Không biết thì yêu nước, yêu nhà thế nào được...
Trong đoạn kết cuối cùng bài phỏng vấn, Lê Thanh nhấn mạnh vào ý của Trần Trọng Kim về việc giữ gìn gốc văn hóa dân tộc: “Cứ gây lấy cái gốc ấy đã. Biết đâu sau này chúng ta lại không được hái những bông hoa rất đẹp. Công việc của chúng ta chỉ có thế, và cũng chỉ còn có thế”.