| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

'Những điều mới mẻ ở Báo Nông nghiệp Việt Nam làm tôi xúc động'

Thứ Tư 19/06/2024 , 19:02 (GMT+7)

'Qua những trang báo, ấn phẩm và các bộ phim, tôi nhận thấy niềm vui trong công việc của từng cán bộ, phóng viên Báo. Những điều mới mẻ ấy làm tôi xúc động'.

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 19/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã tới làm việc và chúc mừng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng đã trải lòng về nhiều ý tưởng, cảm xúc liên quan tới hoạt động truyền thông, báo chí trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn.

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng ghi lại những chia sẻ của Bộ trưởng:

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Những điều mới mẻ ở Báo Nông nghiệp Việt Nam làm tôi xúc động. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Những điều mới mẻ ở Báo Nông nghiệp Việt Nam làm tôi xúc động. Ảnh: Tùng Đinh.

"Là người đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam hàng ngày, tôi cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của Báo thời gian qua. Có lẽ đó là khát vọng của Báo, với mong muốn cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn nước nhà. Thông qua những trang báo, ấn phẩm và các bộ phim, tôi nhận thấy niềm vui trong công việc của từng cán bộ, phóng viên Báo. Những điều mới mẻ ấy làm tôi xúc động.

Đặc biệt, một số đoạn clip mà Báo thực hiện, tôi thấy không hề thua kém các đài truyền hình được đầu tư hiện đại, hàng đầu hiện nay.

Trong số báo đặc biệt 21/6, tôi đã trải lòng với bài viết “Câu chuyện về một bước chân”. Tôi tâm niệm, rằng mỗi tình tiết nhỏ đều có một câu chuyện, một bài báo dù ở thể loại nào cũng là một sản phẩm cần chăm chút. Và, rằng đời thay đổi khi ta thay đổi. Ta thay đổi thì thế giới sẽ đổi thay.

Báo chí có lẽ cũng không nằm ngoài điều ấy.

Vừa qua, tôi công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc, dự hội nghị khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo. Tại đó, tôi bắt gặp một khẩu hiệu và thấy rất ấn tượng: “Lập thân, lập nghiệp”. Tôi tự hỏi, tại sao lại đặt như vậy mà không phải là "Lập nghiệp, lập thân". Tại sao không đặt “lập nghiệp” đứng trước "lập thân"?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trải lòng về câu chuyện làm báo, về những khó khăn vất vả của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trải lòng về câu chuyện làm báo, về những khó khăn vất vả của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Ảnh: Tùng Đinh.

Tôi đặt ra câu hỏi và bắt đầu tìm hiểu, rồi chiêm nghiệm thấy, bất cứ vấn đề nào có lẽ đều xuất phát từ con người. Nhiều quốc gia trên thế giới đều thấu cảm với điều này. Ở nước ngoài, người ta rất chú trọng vào đào tạo con người, coi đó là cội rễ. Phải chăng vì một nghề nghiệp cụ thể chỉ giải quyết một vấn đề cụ thể, biết đâu sau vài năm, hoặc hàng chục năm nữa, ngành nghề ấy sẽ thay đổi, sang một dạng mới, hoặc thậm chí không còn.

Chỉ có con người là vẫn còn ở đó.

Tôi nói như vậy là vì, nếu không có một, hay một vài ngành nghề, thì những lớp người từng làm công việc ấy vẫn phải tồn tại. Trong thời đại công nghệ 4.0, sự thay đổi về công nghệ, kỹ thuật diễn ra chóng mặt, đến mức cái mới vừa sinh ra đã trở nên cũ vì một cái mới hơn sắp sửa ra đời. 

Con người khó có thể bắt kịp tốc độ ấy, nhưng ở một góc độ khác, lại linh hoạt hơn. Hôm nay tôi đọc một cuốn sách có tựa đề về khởi nghiệp cho thanh niên, trong đấy có 1 dòng: “Vốn liếng cơ bản là bản thân bạn”. Suy rộng ra, vốn liếng của những người làm nghề là chính mình, chứ không phải là cơ ngơi, tài sản. Vốn liếng của con người là sự trải nghiệm, là kiến thức của bản thân đúc rút qua nhiều năm.

Hay nói một cách khác, giá trị của con người nằm ở sự vô hình, ở những điều không thể nhìn thấy.

Là người làm trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn có liên quan mật thiết đến ẩm thực, tôi bị tò mò bởi cuốn sách "Thức ăn, gen và văn hóa". Tôi nghĩ "Ủa, sao tác giả lại liên kết như vậy?" 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Lật giở những trang sách đầu tiên, tôi nhận ra, thông qua sự hòa quyện giữa kiến thức khoa học và văn hóa ẩm thực, sức khỏe con người cũng như các giá trị văn hóa được nâng lên. Mà điều ấy có thể bắt nguồn từ những điều giản đơn, như chế độ ăn uống phù hợp. 

Từ cách đặt những vấn đề tưởng chừng không liên quan lắm đến nhau, là thức ăn, gen và văn hóa, tác giả đã khai phóng ra những giá trị mới. Đằng sau một món ăn bình dân là một nét văn hóa, mà ẩn sâu trong văn hóa ấy lại xuất phát từ nguồn gốc di truyền (gen).

Có lẽ nào hình ảnh nông sản Việt thấp thoáng trong đấy? Phải chăng khi tiếp cận vấn đề nông sản, chúng ta vẫn còn dè dặt với câu hỏi “Làm thế nào để mở rộng hơn nữa, tích hợp nhiều hơn nữa các giá trị?” 

Như tôi nói ở trên về câu chuyện con người, có lẽ chính cái vô hình mới tạo ra nhiều cảm xúc hơn. Nó khiến con người ta chìm đắm, tư duy và tìm tòi nhiều hơn. Giống như một cô gái đẹp và một cô gái có duyên. Cô gái đẹp thì ai cũng nhận thấy, ai cũng công nhận. Nhưng rồi sao nữa? Chính cô gái có duyên mới khiến chúng ta đào sâu suy nghĩ, rằng cô ấy duyên ở đâu.

Nhiều tờ báo hiện đại, trong đó có Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chọn cách tiếp cận đề tài báo chí như vậy. Từ những câu chuyện ở Quảng Ninh, Đồng Tháp..., Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tìm đến những con người, những câu chuyện cụ thể. Quan trọng hơn, cách làm của Báo khiến cho người đọc cảm thấy rằng, chính những phóng viên, biên tập viên đang hòa vào cuộc sống của bà con nông dân, chứ không đơn thuần chỉ là quả xoài này bán được bao nhiêu, tôm vụ rồi có bị dịch bệnh hay không.

Mình làm báo để mình sướng. Mình làm báo và khám phá ra nhiều giá trị mới. Nếu không thì dù đến Tây Nguyên, hay ra đảo Cô Tô thì cũng như vậy.

Năm ngoái, tôi đến bảo tàng gốm sứ Bát Tràng và bị thu hút với câu nói của Albert Einstein được tạo hình ánh sáng đẹp mắt: “Tư duy logic chỉ đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B, nhưng trí tưởng tượng sẽ đưa ta đến muôn nơi".

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, câu nói ấy có lẽ vô cùng hữu ích với người làm báo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng sách cho Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng sách cho Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch. Ảnh: Tùng Đinh.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có lẽ là một trong những tờ báo ngành đi thực tiễn cơ sở nhiều nhất, cùng dãi nắng, dầm mưa với nông dân. Tôi tin rằng, trong quá trình ấy, từng phóng viên, biên tập viên của Báo cũng đang tự học hỏi để tư duy không bị rập khuôn, để không mang sẵn định kiến về cơ sở. Bởi nếu định hình sẵn bài báo trong đầu, chúng ta sẽ mất đi hơi thở của cuộc sống.

Tôi thường nói vui rằng "Phải làm rỗng cái đầu để tiếp thu được những kiến thức mới". Hiểu biết và kiến thức của mỗi người đều hữu hạn, có thể đúng và cũng có thể sai. Nếu bạn không thể làm rỗng cái đầu thì không thể nhìn vấn đề theo hướng ngược lại. Và nếu không tư duy ngược, thì có lẽ nhân loại sẽ không bao giờ đặt ra ước mơ làm thế nào bay được như chim, để từ đó những chiếc máy bay xuất hiện.

Mỗi sáng kiến, hoặc hẹp hơn là những ý kiến lạ, khác biệt, ngược với đám đông đều có giá trị và đáng trân trọng. Thử hình dung, nếu không có những ý kiến ấy, chúng ta chỉ tạo ra được những cô gái đẹp theo kiểu công nghiệp. Đẹp nhưng chưa chắc có duyên, thôi thúc người khác theo đuổi.

Chưa khi nào cảm xúc của con người lại quan trọng như bây giờ, hệt như cách mà toàn ngành nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Mong rằng Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ vừa đẹp vừa có duyên, mãi mãi trong lòng bạn đọc".

Đặt bút danh "Xích lô", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có rất nhiều bài viết đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Những bài viết của ông luôn đong đầy cảm xúc, mang nhiều ý tưởng mới và được xem là nguồn cảm hứng lớn cho hàng triệu người đang tham gia hoạt động trong ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Quốc hội chốt tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7

Nghị quyết của Quốc hội thông qua sáng 29/6 đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng từ 1/7/2024.

Công trình thủy lợi giúp giảm chiều sâu xâm nhập mặn

ĐBSCL Nhờ vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đã làm giảm chiều sâu xâm nhập mặn, giữ ổn định ranh mặn, bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Hôm nay (29/6), Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố điểm thi lớp 10 vào hôm nay. So với lịch dự kiến, thời gian công bố điểm thi sớm hơn 4 ngày.