| Hotline: 0983.970.780

Những điều trông thấy mà... ngao ngán lòng!

Thứ Năm 04/10/2018 , 14:05 (GMT+7)

Cùng với Hà Nam, Thái Bình cũng là tỉnh đang thí điểm thực hiện việc tích tụ đất đai, với hình thức nông dân ủy quyền cho UBND xã ký hợp đồng cho DN thuê đất. Tuy nhiên...


Tiếng là tích tụ để thu hút DN vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên sau gần 3 năm triển khai, những gì đang diễn ra khiến nông dân chỉ biết lắc đầu ngao ngán...


Lúa người nó khác lúa ta!

Đầu năm 2018, NNVN từng có loạt bài phản ánh thực trạng hàng trăm ha “bờ xôi ruộng mật” ở 3 xã Song An, Nguyên Xá và Hòa Bình (huyện Vũ Thư, Thái Bình) được các DN thuê để SX nông nghiệp công nghệ cao, nhưng rồi vì nhiều nguyên nhân, đã phải bỏ hoang hơn 2 năm liền. DN đầu tiên về thuê đất tại 3 xã vào đầu năm 2016 với kế hoạch trồng ngô nguyên liệu cho chăn nuôi bò, đó là Cty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng (Cty Việt Hùng, thuộc Tập đoàn Hòa Phát). Chỉ sau một vụ trồng ngô kém hiệu quả, DN này đã phải bỏ hoang hơn 48 ha ruộng, và phải trả lại đất cho dân vào cuối năm 2017. Ngay sau đó, Tập đoàn TH đã về huyện Vũ Thư “tiếp quản”, thuê lại các diện tích của Cty Việt Hùng trước đây, đồng thời mở rộng thêm diện tích thuê đất tại 3 xã lên gần 100 ha...

>>Tiếc đứt ruột hàng trăm hecta 'bờ xôi ruộng mật' bỏ hoang 2 năm nay
>>
Rối như tơ vò khi xã đứng ra tích tụ đất cho doanh nghiệp thuê!
>>Trở lại những vướng mắc trong tích tụ ruộng đất cho DN thuê lại ở Vũ Thư

17-50-58_1
Nhiều diện tích ruộng được Tập đoàn TH thuê đến nay vẫn chỉ là bãi hoang

Trở lại 3 xã Song An, Nguyên Xá và Hòa Bình sau gần một năm, những cánh đồng được Tập đoàn TH thuê để SX nông nghiệp công nghệ cao nhưng giờ vẫn còn ngổn ngang các diện tích cỏ mọc um tùm, một số diện tích vẫn là bãi chăn thả trâu bò lí tưởng. Tuy nhiên, cũng đã có những diện tích được đơn vị thuê đất triển khai cấy lúa.

Ông Lương Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Song An, địa phương có gần 44 ha ruộng cho Tập đoàn TH thuê kể lại: Trước chỉ đạo của tỉnh về việc DN vào thuê đất thì phải triển khai SX ngay chứ không được bỏ hoang, vụ mùa 2018, Tập đoàn TH bắt đầu huy động máy móc về làm đất. Toàn máy cày cỡ lớn chạy rầm rập. Chẳng biết chiến lược lâu dài họ làm nông nghiệp công nghệ cao kiểu gì, nhưng hóa ra cũng chỉ thấy cấy lúa. Giống lúa nghe đâu là loại lúa nếp đặc biệt lắm, gieo mạ khay, cấy toàn bằng máy cấy cỡ lớn. Nhưng cách trồng lúa thì nông dân trong xã ai nhìn vào cũng thấy buồn cười.

Vụ mùa năm nay, thời tiết thuận, ít sâu bệnh nên lúa của nông dân xã Song An bội thu, ruộng nào cũng như nêm thóc. Do cấy muộn nên thời điểm này, trong khi lúa của nông dân đã thu hoạch vợi, sắp vào bồ thì các diện tích lúa của Tập đoàn TH vẫn đang còn đứng đòng, chỏng chơ như lau sậy, nhiều diện tích bị sâu đục thân trắng xóa... Lão nông Nguyễn Xuân Kha, Chi hội trưởng Nông dân thôn Lam Sơn (xã Song An) lắc đầu ngao ngán: Ruộng thì đám thưa đám dày, có chỗ cả mét mới có một khóm, có ruộng cây lúa chỉ như khóm cỏ may, cỏ mọc tốt hơn cả lúa... Trồng lúa, nông dân lấy công làm lãi, quần quật cả vụ có khi còn lỗ, nhưng lúa của Cty thì tất tần tật từ A đến Z đều phải đi thuê chính nông dân trong xã, từ cắt cỏ, đánh thuốc, bón phân... Công lao động bây giờ tới 200 nghìn đồng/người/công, cuối ngày là tiền trao cháo múc, đều như vắt chanh!

Thôn Lam Sơn có hơn 100 hộ dân thì gần như 100% có ruộng cho Tập đoàn TH thuê, trong đó khoảng 50% số hộ cho thuê 100% đất ruộng. Nhìn những cánh đồng bời bời của nông dân bên cạnh những ruộng lúa “công nghệ cao” của Tập đoàn TH, lãnh đạo thôn này cứ lo ngay ngáy. Ông Đặng Xuân Thỏa, Bí thư Chi bộ thôn Lam Sơn ái ngại: Chả hiểu Cty họ làm nông nghiệp công nghệ cao kiểu gì, nhưng cấy lúa như thế không lỗ to mới lạ! “Nói thật, bây giờ ruộng chúng tôi đã cho Cty thuê, tiền thuê đất bà con đã nhận nên Cty họ muốn làm voi làm chuột gì trên đất ấy là việc của họ, họ thuê cắt cỏ thì chúng tôi đi cắt cỏ, lấy tiền công. Thế nhưng cái kiểu làm ruộng của họ khiến cho dân chúng tôi cũng đâm lo. Lo bởi cứ làm thế thì chỉ có lỗ, mà lỗ thì có khi họ lại trả lại ruộng lần nữa, lúc ấy sẽ là rắc rối to!” – ông Thỏa lo lắng.
 

Sợ nhất DN “đứt gánh giữa đường”

Điều lo lắng của vị Bí thư chi bộ thôn Lam Sơn chẳng phải không có lí, bởi người dân nơi đây đã từng một lần bị DN thuê đất “bỏ của chạy lấy người”. Đây cũng là lo lắng chung của lãnh đạo các xã có đất cho thuê ở huyện Vũ Thư.

17-50-58_2
Bức tranh đối lập ở xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (Trong ảnh: Bên phải là ruộng của dân, bên trái vẫn là hàng chục ha của Tập đoàn TH thuê vẫn bỏ hoang)

Không có nhiều diện tích ruộng cho thuê như ở xã Song An, xã Nguyên Xá chỉ có khoảng hơn 22ha ruộng cho Tập đoàn TH thuê (các diện tích này trước năm 2018 do Cty Việt Hùng thuê). Sau nhiều năm bị bỏ hoang, vụ mùa 2018, Tập đoàn TH đã đưa khoảng 10ha vào trồng lúa, còn lại khoảng hơn 10ha tới nay vẫn đang bỏ hoang, làm bãi chăn bò cho người dân. Tình cảnh cây lúa mà Tập đoàn TH trồng ở xã Nguyên Xá cũng chẳng khá hơn ở xã Song An. Theo ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá, mới đây, Tập đoàn TH đã có thông báo gửi UBND cho biết trong vụ đông 2018, sẽ triển khai trồng khoai tây đối với 100% diện tích đất đã thuê. Vụ trồng khoai tây thường đã phải bắt đầu từ trung tuần tháng 10 hàng năm, tuy nhiên đến thời điểm này, các diện tích lúa vụ mùa của Tập đoàn TH trồng thì chỉ mới trổ đòng, còn hơn 10ha đất bỏ hoang cũng chưa thấy triển khai cày đất...

Vị lãnh đạo đứng đầu UBND xã Nguyên Xá thú thực: Tích tụ đất đai sẽ là tất yếu, bởi ở Vũ Thư hiện các khu công nghiệp mọc lên như nấm, lao động còn sức khỏe đi làm công nghiệp nên khi triển khai cho thuê đất, tỉ lệ nông dân đồng tình cho thuê rất cao. Một mặt, giá thuê đất mà Tập đoàn TH trả cho dân ở mức gần 800 nghìn đồng/sào/năm thực tế mà nói là cao, nên nhìn chung dư luận trong dân không có nhiều ì xèo thắc mắc. Tuy nhiên, việc DN thuê đất rồi bỏ hoang, nhất là mang tiếng là SX nông nghiệp công nghệ cao nhưng cái cách trồng lúa... rất buồn cười của DN, khiến lãnh đạo địa phương cũng đâm lo. Lo bởi vì để triển khai cho DN thuê được 22ha đất, xã này đã phải làm tới gần 400 bộ hồ sơ ủy quyền cho gần 400 hộ dân, hộ nhiều chỉ 3 sào, hộ ít có khi chỉ 200-300 m2, tốn không biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu giấy mực...

“Thực tình, chúng tôi cũng chỉ mong làm sao DN làm ăn cho có lãi để đừng bỏ cuộc giữa chừng. Mặc dù hợp đồng cho thuê đất cũng đã có điều khoản DN phải bồi thường 8% tiền thuê đất cho khoảng thời gian còn lại nếu dừng thuê đất trước thời hạn. Tuy nhiên, cái lo nhất vẫn là DN lại làm ăn thua lỗ, rồi rút lui” – ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá phân trần.

Ông Lương Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Song An băn khoăn: Theo như Tập đoàn TH cho biết, kế hoạch của họ thuê đất là để SX nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau hữu cơ nên phải có đầu tư hồ xử lí nước, chứ không thể sử dụng nguồn nước thủy nông hiện nay. Mà đã đào hồ thì tất sẽ làm thay đổi hiện trạng đất. Đó là chưa nói muốn đầu tư trồng cây gì thì cũng phải có đường giao thông, có nhà xưởng, có kho tàng, có công trình thì mới làm được. Nhưng theo hợp đồng thuê đất với dân, dân lại yêu cầu bên thuê đất không được làm biến dạng hiện trạng đất, không được chuyển mục đích sử dụng...

“Đây cũng là cái khó cho DN khi vào thuê đất mà tới đây tôi cũng chưa biết là cấp trên sẽ xử lí thế nào” – ông Đỉnh nói.

 

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

LÂM ĐỒNG VietinBank được vinh danh tại VLCA 2024 với hai giải thưởng quan trọng, khẳng định nỗ lực minh bạch thông tin và phát triển bền vững.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.