Xã nháo nhác
Tôi gặp Lê Xuân Quý - Trưởng thôn Kim Lũ, xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm - Hà Nam), lúc anh đang tất bật chở cát sỏi phục vụ cho mấy căn nhà đang xây trong xóm.
Trưởng thôn Lê Xuân Quý đang đổ vật liệu nợ cho người dân |
Thôn có 292 hộ thì chỉ có 22 hộ không liên quan gì đến chuyện cho dự án trang trại bò sữa Vinamilk thuê đất ruộng: “Nhà tôi có 6,9 sào trong vùng dự án, 2 đứa con, thằng làm ở TP Hồ Chí Minh phải bay về 2 lần tiền vé mất trên 10 triệu, đứa làm ở tỉnh Thái Bình cũng bị gọi về 2 lần chi phí mất cả triệu bạc để ký xác nhận diện tích rồi ủy quyền sổ đỏ. Hợp đồng đã ký rồi gửi lên trên, nghĩ đã chắc ăn nên ngoài số tiền sẵn có tôi vay mượn thêm 180 triệu lãi ngoài với mức 1%/tháng để chia cho chúng tiền thuê đất mỗi đứa 1,8 sào là 74 triệu rồi lại xây sửa tầng hai của nhà mất 120 triệu. Khoảng 50% dân trong xóm cũng đã vay tiền để mua sắm đồ đạc, sửa sang nhà cửa, chia cho con cái như vậy”.
Từ khi có dự án bò sữa tốc độ xây dựng của thôn Kim Lũ tăng vù vù như diều gặp gió. Trước trưởng thôn chạy 35-40 chuyến xe một tháng thì sau đó chở tới 70-80 chuyến. Nợ nần cũng vì thế mà tăng lên, hiện đã trên 1 tỉ: “Trên địa bàn xã có khoảng 20 đầu xe công nông như tôi, người ít bị nợ cỡ 1 tỉ, người nhiều bị nợ đến vài tỉ. Ai khi nợ cũng bảo khi nào bò sữa về tôi sẽ trả”.
Phạm Hồng Thanh - Phó thôn Kim Lũ là một trong những con nợ của trưởng thôn Quý khi vừa mới xây xong công trình phụ. Ngoài khoản 60 triệu tiết kiệm anh còn phải vay thêm 100 triệu đồng. Ngong ngóng trông chờ vào tiền thuê đất từ 5 sào ruộng nhưng đến nay anh không thể trả được. Nhà ông Đinh Quang Sáng - Bí thư thôn cũng trở nên bí bách khi ngắm vào 6,8 sào đất sẽ cho thuê ấy để vay mượn 300 triệu gộp thêm với 100 triệu tự có nữa làm nhà cho người con.
Phó thôn Phạm Hồng Thanh vì tin vào hợp đồng thuê đất mà vay 100 triệu xây công trình phụ |
Những nhà khá đã thế còn nhiều nhà khó thì sống dở, chết dở. Ông Đinh Văn Cứ năm nay 81 tuổi vẫn còn ở trong ngôi nhà rêu lên xanh, sắp sập than: “Giờ chúng tôi già không lao động được nữa mới cho người ta cấy được trả công 10 kg thóc/sào/vụ thì lại phải trả tiền dịch vụ 5 kg/sào rồi nên chỉ sống bằng chưa đầy 20 kg thóc/vụ. Chúng tôi rất muốn cho dự án thuê đất nhưng cứ như thế này không biết lúc ra đồng rồi (chết) có được nhìn thấy đồng tiền không?”.
Cặp vợ chồng Lê Văn Hiếu - Đinh Thị Vũ vì vay mượn tiền để sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ đạc giờ đây chồng phải đi làm bảo vệ trên Hà Nội còn vợ đi làm Ô Sin bế cháu người trong khi chính cháu ruột của mình ở nhà lại nheo nhóc không ai đưa đón. “Dự án bò sữa đã thành dự án… bò điên”. Dân làng bảo thế. Vụ mùa năm 2017 dù cấy tiếp trên cánh đồng quy hoạch nhưng bà con đã có tâm lý bỏ bê ruộng đồng, ít thăm đồng, ít chăm sóc nên mất mùa, năng suất bình quân không nổi 1,5 tạ/sào.
Anh Đào Quyết Tiến - Chủ tịch xã Thanh Nguyên kể chuyện vận động tích tụ ruộng đất của địa phương với hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ. Lúc đầu Đảng bộ họp rồi đến các ban, ngành họp xong thôn đội mới họp. Họp phổ biến chung rồi lại phân nhóm hộ đồng ý và nhóm hộ phản đối để họp chi tiết. 5 thường vụ của xã đi họp cả ngày lẫn đêm, riêng bản thân Chủ tịch dự cỡ 40 cuộc: “Nếu để doanh nghiệp đến từng hộ dân để thỏa thuận thuê đất thì không bao giờ tích tụ được bởi mỗi người sẽ đòi một giá. Bởi thế, giá thuê được thống nhất là 150kg ngô/sào/năm trong 40 năm tương đương với 42 triệu, so với giá thu hồi vĩnh viễn của các dự án khác khoảng 62 triệu/sào cũng không chênh là mấy nên có khoảng 95% dân đồng thuận. 5% do dự là bởi không hiểu giữa cho thuê đất và thu hồi đất khác nhau như thế nào”.
150 ha đất liên quan đến 850 sổ đỏ của 592 hộ. Có những chủ hộ cao tuổi nhưng chưa từng làm chứng minh thư nên xã phải tổ chức 2 chuyến xe ô tô 16 chỗ để chở lên công an huyện. Hợp đồng soạn thảo, xã in cho trưởng thôn phát cho từng hộ để ký rồi chuyển ngược lại để chính quyền chứng thực, đóng dấu. Đến phần của doanh nghiệp, họ chỉ việc về huyện rà soát từng trường hợp, đủ điều kiện thì mang đi, chưa đủ điều kiện thì yêu cầu bổ sung.
Ngày 18/7/2017 khi đã xong hết thủ tục bỗng không thấy doanh nghiệp về nữa mà cũng chẳng có thông báo nào. Anh Tiến dò hỏi thì được biết do yếu tố vốn nước ngoài chiếm chi phối nên luật không cho phép Vinamilk được ký hợp đồng thuê đất của dân. 500 triệu đồng chi phí cho việc chỉ đạo tích tụ đất chủ yếu là phụ cấp cho cán bộ thôn, xã được tỉnh trả xong rồi đợi đấy. Anh Tiến thừa nhận: “Dân mất niềm tin vào chính quyền vì chúng tôi chưa trả lời được cho họ là dự án có đầu tư nữa hay không”.
Dùng hạt nhân để kích thích sản xuất
Hà Nam là một tỉnh tiên phong trong việc tích tụ, tập trung đất đai ở phía Bắc bởi diện tích ruộng hoang hiện đang ở mức kỷ lục 225 ha. Tỉnh bắt đầu chương trình thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao vào cuối năm 2014 khi giao cho Sở NN-PTNT xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phù Vân, TP Phủ Lý với quy mô 2 ha. Tháng 10/2014 tỉnh lại triển khai xây dựng mô hình ở xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân với diện tích 23,4 ha (doanh nghiệp An Phú Hưng) theo hình thức Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện đứng ra thuê đất của dân 20 năm sau đó cho doanh nghiệp thuê lại bằng đúng giá, chỉ phải trả trước 10 năm còn tỉnh ứng ra 10 năm. Hiện tại Cty An Phú Hưng đã chuyển giao toàn bộ đất cho Cty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nam trực thuộc Tập đoàn Vinaseed.
Tập đoàn Vingroup vào cuộc hồi giữa năm 2015. Vẫn theo mô hình tương tự như ở Nhân Khang, Hà Nam lựa chọn ra hai xã Nhân Bình và Xuân Khê của huyện Lý Nhân để định chung khung giá cho thuê 150kg ngô/sào/năm, mức ông Ngô Mạnh Ngọc - Trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam đánh giá là cao hơn so với thu nhập bình quân của các hộ dân tự sản xuất: “Lúc đó tôi còn làm Phó chủ tịch huyện Lý Nhân đã lên một phương án hoạch toán giá trị sản xuất. Người dân sản xuất trên đất lúa chỉ lãi được 595-605 nghìn đồng/sào/năm, bình quân chưa được 2.000đ/ngày trong khi đó cho thuê 150kg/sào/năm quy ra tiền là được 3.000đ/ngày. Bài toán đặt ra đa số dân đồng thuận còn một số do vẫn có lao động, vẫn cần đất đai để sản xuất thì chúng tôi thực hiện bố trí một quỹ đất để dồn đổi ra ngoài với cơ sở hạ tầng được đảm bảo tương đồng hoặc tốt hơn khu cũ. Một số cố tình chống đối gồm các thành phần gồm những kẻ chuyên kiện tụng, yêu cầu chính quyền địa phương phải giải quyết nguyện vọng ở một việc khác xin đất ở, xin đấu thầu hay các đại lý làm dịch vụ nông nghiệp…”.
Người dân Kim Lũ không yên tâm sản xuất |
Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam thành lập tháng 5/2016 với biên chế 7 người do Phó Giám Sở NN-PTNT kiêm Trưởng ban. Lý giải chuyện chính quyền đứng ra thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê là sai luật, ông Ngọc giãi bầy: “Trước đây không ai cấm cả, tỉnh làm rồi báo cáo lên trên nhưng sau khi có nhiều ý kiến phản đối loại hình thuê đất này bị kết thúc vào giữa năm 2017 (sau khi các trường hợp An Phú Hưng, VinEco, Phúc Thành đã thuê xong)”.
Hà Nam sau đó chuyển hướng sang doanh nghiệp đứng ra ký thuê đất của dân như kiểu Vinamilk thực hiện ở xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm. 150 ha của 592 hộ dân được áp giá thuê 150 kg ngô/sào/năm, doanh nghiệp sẽ trả tiền tất 1 lần chứ không cần Nhà nước ứng ra trả tiền trước. Song vì lúc đàm phán Cty Vinamilk vẫn là doanh nghiệp Việt Nam nhưng đến thời điểm đặt bút ký hợp đồng thuê lại có vốn đầu tư nước ngoài chi phối nên theo Luật thì không được trực tiếp ký hợp đồng thuê đất với các hộ dân”.
Thấy bí Tỉnh ủy liền xây dựng đề án trình Chính phủ xin thí điểm tích tụ tập trung đất đai bằng cách cho phép chính quyền được đứng ra thuê đất của dân, cho phép doanh nghiệp có vốn nước ngoài chi phối được ký thuê đất của dân. Đề án đã trình từ cuối năm 2017 nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp. Mọi việc bị đình lại, khiến cho kế hoạch hình thành hơn 670 ha nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh vào năm 2020 có nguy cơ không thành hiện thực.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, ông Vũ Hữu Song nhận định cấy lúa lúc lụt bão, lúc mất mùa nên nhiều nông dân muốn bán ruộng 1 lần cho xong, lấy tiền để làm việc khác. Thế nhưng quan điểm của tỉnh là không để người dân mất ruộng, vẫn phải giữ đất cho người dân bằng cách cho thuê đất. Dân vẫn có bìa đỏ, hai tay xỏ túi quần vẫn được hưởng năng suất bình thường mà không lo mất mùa với mức 150kg/sào/năm. Tuy nhiên tích tụ đất đai hiện đang vướng mắc ở góc độ thỏa thuận: “Nếu dân đồng tình 50-60% thì không ổn còn nếu đồng tình 80-90% thì phải vì cái chung mà thực hiện. Số ít phần trăm còn lại phải cho họ một mức giá thỏa thuận không quá hệ số quy định, phải được Nhà nước “cầm cương”. Hiện nay chúng ta chưa có cái cương ấy”. |