| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ khó khăn để phát huy hết tiềm năng, lợi thế nuôi biển

Thứ Bảy 25/11/2023 , 07:30 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức (đã nhận diện được) thì những tiềm năng, lợi thế nuôi biển sẽ không thể phát huy hết được.

Hội nghị 'Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam' diễn ra sáng 25/11/2023.

Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” diễn ra sáng 25/11/2023.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Mặc dù vậy, phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế.

Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường…) chưa phát triển đồng bộ. Nguồn lực (tài chính và nhân lực) còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…

Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ NN-PTNT đặt ra.

Hệ thống lồng HDPE phục vụ phát triển nuôi biển ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Tùng Đinh.

Hệ thống lồng HDPE phục vụ phát triển nuôi biển ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Tùng Đinh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngày 25/11/2023, tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa, các đơn vị Cục Thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Văn phòng Bộ NN-PTNT cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì. Ngoài ra, còn có sự tham gia của đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT; các bộ, ngành, địa phương; các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc tế; doanh nghiệp, bà con nuôi trồng thủy sản; và sự có mặt của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

Tháo gỡ khó khăn để phát huy hết tiềm năng, lợi thế nuôi biển

nuoi-bien

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển. Trong kế hoạch, từ nay đến 2030, chúng ta phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức (đã nhận diện được) thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết được.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức vươn ra tất cả các thị trường trên thế giới; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, nhất là với thị trường lớn, khó tính như Trung Quốc;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức đầy đủ, thực hiện theo các quy hoạch quốc gia, ngành, tỉnh. Trong đó, các cơ quan quản lý địa phương, tổ chức đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt, tiên phong đi đầu.

Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và nuôi biển (số hóa việc cấp mã số vùng nuôi, giải quyết thủ tục cấp phép, giám sát hoạt động…).

10 giờ 30 phút

Kết hợp mô hình nuôi tôm hùm với du lịch trải nghiệm

ba hai binh

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn STP Group – Super Trường Phát, đề xuất triển khai mô hình thí điểm nuôi tôm hùm với công nghệ hiện đại kết hợp với du lịch trải nghiệm tại khu vực Đồng Bấy, Nha Trang.

Chia sẻ với các ý kiến trước đó, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn STP Group – Super Trường Phát cho rằng, nếu xác định mục tiêu nuôi tôm hùm tại Việt Nam nói chung hay Khánh Hòa, Phú Yên nói riêng là mục tiêu đặc biệt thì tất cả các bên cần chung tay giải quyết, “chấp nhận khoảng thời gian đang chạm đáy này để có thể phát triển về sau”. Tập đoàn duy trì đồng hành cùng Bộ và địa phương, tuy nhiên bà Bình cho rằng giải pháp nào cũng cần thống nhất về quy trình và từng bước.

STP Group cho rằng, việc đưa vào mô hình nuôi tôm hùm lồng HDPE, tuy giá trị cao, đắt nhưng đây là giải pháp thông minh quan trọng, là xu hướng chung của thế giới. Bà Bình kêu gọi người nuôi cần chấp nhận và xác định đây là sản phẩm của khoa học công nghệ đã chứng minh. Bà Bình đề xuất triển khai mô hình thí điểm nuôi tôm hùm với công nghệ hiện đại kết hợp với du lịch trải nghiệm tại khu vực Đồng Bấy, Nha Trang. "Với mô hình mới, giá trị tăng lên, người nông dân sẽ dễ chấp nhận được sự thay đổi từ giá trị thu về", bà Bình nói.

10 giờ 15 phút

Cần xây dựng các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển

ong le ben

Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, ông Lê Bền cho rằng ách tắc của lĩnh vực nuôi biển đang nằm ở vấn đề giao diện tích mặt nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, ông Lê Bền chia sẻ, ách tắc đang nằm ở vấn đề giao diện tích mặt nước, điểm xuất phát đầu tiên trong phát triển chuỗi. Với các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, trong đó có bảng kê khai carbon yêu cầu các doanh nghiệp phải hoạt động một cách có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường.

Điều này đặt ra vấn đề cân đối giữa sinh kế và bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các hộ nuôi nhỏ lẻ. Giải pháp mà ông Bền đưa ra là phải xây dựng được các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển, tạo tiền đề cho nuôi biển xa bờ, giải quyết được vấn đề môi trường, về đầu tư ban đầu cho các hộ nuôi nhỏ lẻ.

“Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần xử lý được vấn đề gốc rễ là giao diện tích mặt nước”, ông Lê Bền nhấn mạnh một lần nữa.

10 giờ 05 phút

Chung tay gỡ khó cho nghề nuôi tôm hùm

Bà Nguyễn Thị Ánh Quyên, hộ nuôi trồng thủy sản, tôm hùm tại Nha Trang, Khánh Hòa nêu các vấn đề liên quan đến khó khăn trong nuôi tôm hùm hiện nay.

tom hum3

Nghề nuôi tôm hùm đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa).

Theo đó, bà Quyên mong muốn Cục Thú y xem xét về vấn đề kiểm dịch, tránh kéo dài thời gian kiểm dịch khiến tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông do thay đổi môi trường nước tôm giống sẽ khó phát triển, gây ảnh hưởng tới quá trình nuôi trồng của hộ dân. Bà Quyên cũng kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc giúp khơi thông thị trường cho tôm hùm bông. Ngoài ra, vấn đề giao mặt nước biển, quy hoạch vùng nuôi hiện cũng đang là mối quan tâm chung của người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa.

Phản hồi ý kiến của bà Quyên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, việc giao mặt nước biển cần ổn định, đúng đối tượng. Vấn đề thị trường cũng là vấn đề mà các bên cần “xắn tay vào” để gỡ rối. Thứ trưởng yêu cầu Cục Thú y xem xét thời gian cách ly, cơ sở thực tiễn khoa học liên quan đến vấn đề kiểm dịch, tránh gây ảnh hưởng tới quá trình nuôi trồng của người dân.

10 giờ 00 phút

Ngành thủy sản dự báo gặp khó khăn đến năm 2024

xk tom

Chế biến tôm xuất khẩu.

Bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Bức tranh của ngành thuỷ sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024.

Cụ thể, trong nửa cuối năm 2023, tổng sản lượng toàn cầu trong nửa cuối năm có thể sẽ không tăng do nhu cầu từ thị trường chưa có tăng trưởng lớn.Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục là thị trường có tăng trưởng trong nửa cuối năm. Các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu dịp cuối năm khi tồn kho giảm và các ngày lễ lớn đến gần.

Việt Nam sẽ tiếp tục là nhà cung cấp tiềm năng cho các thị trường trên. Tuy nhiên, cạnh tranh vẫn sẽ gia tăng với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc cho sản phẩm chế biến và với Ecuador cho sản phẩm thường.

Về cơ hội của thủy sản Việt Nam, bà Oanh cho rằng, trong nhiều năm qua, sản phẩm thủy sản Việt Nam cạnh tranh bằng năng lực chế biến. Điều này đã giúp chúng ta tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển. Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế với sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… và duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ nhiều thị trường chủ lực có khả năng phục hồi tốt dịp cuối năm. Sản lượng sản xuất trong nước vẫn đang được duy trì ở mức tốt.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin: Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường Trung Quốc cần lưu ý: Khoản 4 trong Quy định 248, doanh nghiệp phải tuân thủ các thỏa thuận do Hải quan Trung Quốc với cơ quan thẩm quyền quốc gia. Trong Quy định 249, ngoài những quy định về nhãn mác, tên hàng hóa, tên khoa học phải cung cấp thêm thông tin về phương thức sản xuất (đánh bắt hoặc nuôi); khu vực sản xuất, địa chỉ cụ thể vùng nuôi.

9 giờ 50 phút

ong thai htx

Ông Võ Văn Thái (ảnh), Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản - Du lịch Vân Phong với 32 xã viên cho biết, HTX đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất khẩu do chưa đáp ứng được giấy tờ, điều này tạo khó khăn cho xã viên trong thanh toán tiền đầu tư. Qua diễn đàn, ông Võ Văn Thái đề xuất các đơn vị liên quan làm việc với phía Trung Quốc để có thể sớm hoàn thiện được giấy tờ thủ tục.

9 giờ 45 phút

Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất con giống tôm hùm bông trắng

ong nha

Ông Võ Văn Nha, Viện phó Viện Nuôi trồng thủy sản 3 cho biết Viện đang nghiên cứu sản xuất con giống tôm hùm bông trắng.

“Tính tới tháng 11 năm nay, nhóm nghiên cứu của Viện đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 9, sau hơn 120 ngày nuôi. Theo các tài liệu từ trước đến nay, ngay cả của Australia, ấu trùng này cũng cần đến ngày thứ 150 mới thành tôm hùm bông trắng”, ông Võ Văn Nha, Viện phó Viện Nuôi trồng thủy sản 3, cho biết.

Đây là đề tài cấp Nhà nước giao cho Viện. Tỷ lệ sống hiện tại của ấu trùng là 0,5%, trong khi điều kiện đề tài là 0,001%. Ông Nha nói tỷ lệ này cho thấy đó là tín hiệu đáng mừng, trong khi trên thế giới “chưa có nước nào sản xuất thành công giống tôm hùm bông thương phẩm”.

Về nguyên nhân chưa đi được tới giai đoạn 10, có nhiều ấu trùng chết, ông Nha nói nguyên nhân đầu tiên là “nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt” khi ấu trùng lột xác. Nguyên nhân thứ 2, có thể do chất lượng nước, môi trường bể nuôi sau 120 ngày có thể gây tác động.

Theo ông Nha, để trở thành con giống tôm hùm bông thương phẩm, ấu trùng sẽ phải đến giai đoạn 12. “Chúng tôi hy vọng trong một năm tới, xử lý được các vấn đề thức ăn, môi trường, chúng ta sẽ thành công”.

Nhập chú thích ảnh

Hiện giống tôm hùm chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Indonesia, Philippines, Myanmar.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi mở cho Viện nên quan trắc môi trường ở nơi tôm hùm bông trắng sống ngoài tự nhiên. Bộ NN-PTNT cũng sẽ chủ trì hội thảo với các nhà khoa học để cùng Viện giải quyết rốt ráo vấn đề.

9 giờ 30 phút

Xây dựng 4 vùng không gian ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản

dai dien bo tnmt

Ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT), kiến nghị xây dựng 4 vùng không gian ven biển cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) cho biết, đến hết năm 2018, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (NTTS) cơ bản được thực hiện theo quy định về giao đất có mặt nước ven biển, giao mặt nước biển để NTTS của Luật Thủy sản năm 2003 và Luật Đất đai năm 2003, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng mã số vùng nuôi cho lĩnh vực thủy sản.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Sở TN-MT các địa phương có biển, đến hết tháng 12/2022, việc giao khu vực biển để NTTS vẫn còn chậm, hầu như các địa phương chưa giao được khu vực biển nào để NTTS.

"Nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao khu vực biển để NTTS như tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467 tổ chức/cá nhân, tỉnh Ninh Thuận có 105 tổ chức/cá nhân đã sử dụng khu vực biển nhưng chưa được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về thủy sản và pháp luật về giao khu vực biển”, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thông tin.

avt

Đến hết tháng 12/2022, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản vẫn còn chậm (Ảnh minh họa).

Theo ông Huyên, điều này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nuôi biển, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về biển, hải đảo.

Đề cập đến các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Thanh Huyên đưa ra 7 vấn đề tổng thể, tham mưu cho Quốc hội phê duyệt “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đầu tiên là tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.

Giải pháp thứ ba là phát triển NTTS trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển NTTS quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, phát triển nuôi trồng vi tảo, rong biển phục vụ nhu cầu thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác (mỹ phẩm, dược phẩm,...). Nuôi trồng thủy sinh vật làm cảnh, giải trí, đồ mỹ nghệ, dược phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước.

Giải pháp thứ 5 là khuyến khích phát triển các mô hình NTTS áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành NTTS tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Tiếp theo, nâng cao năng lực quản lý và sản xuất NTTS theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh NTTS.

Cuối cùng là giải pháp phát triển sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân gắn với NTTS, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí, giảm dần cường lực khai thác bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

z4913047295052_cc1a5f6a4d54f38a4836a388193c5c16

Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến là một trong các giải pháp giúp nuôi biển phát triển bền vững (Ảnh minh họa).

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra kiến nghị xây dựng 4 vùng không gian ven biển cho hoạt động NTTS.

Cụ thể bao gồm: Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Hồng; Vùng ven biển và biển khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (Vùng biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ); Vùng ven biển và biển khu vực Đông Nam bộ; Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Vùng biển Tây Nam bộ).

Bên cạnh đó, ông Huyên kiến nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần xác định rõ khu vực NTTS ven biển, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biển sớm tổ chức việc phân định ranh giới hành chính trên biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một kiến nghị được Cục Biển và Hải đảo Việt Nam gửi đến Chính phủ là sớm phê duyệt Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để NTTS; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để NTTS vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đang NTTS trên biển nhưng chưa được giao khu vực biển thực hiện thủ tục.

Thêm 2 kiến nghị nữa mà ông Nguyễn Thanh Huyên đưa ra là cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng khu vực biển và xem xét, ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính cho các hoạt động phục vụ công tác giao, quản lý sử dụng khu vực biển, trong đó có NTTS trên biển.

Lắng nghe ý kiến từ phía đại diện Bộ TN-MT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị xem xét về công tác xây dựng quy hoạch và tổ chức thực thi tại các địa phương. Qua đó, Thứ trưởng đề xuất Bộ TN-MT phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan để giảm bớt thủ tục hành chính cũng như đưa các quy định đến được với nhân dân.

Đóng góp thêm tại diễn đàn, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng cần phát triển đa mục đích trên cùng một diện tích mặt nước, bên cạnh đó tăng cường xử lý, xử phạt các vi phạm về khai thác, sử dụng mặt nước và xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả hơn.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nuôi biển của Khánh Hòa có nhiều thuận lợi và đóng góp nhiều vào phát triển chung của tỉnh và đang mong muốn sẽ phát triển theo hướng nuôi trồng công nghệ cao.

Tuy nhiên, Khánh Hòa cũng đang gặp một số vấn đề, ví dụ hạn chế về diện tích mới để thu hút đầu tư và phải đẩy ra xa bờ, điều này sẽ đòi hỏi về chi phí và công nghệ. Bên cạnh đó là khó khăn trong sắp xếp lại vùng nuôi tôm hùm, làm sao để có được sự đồng thuận giữa người dân với chính quyền để giảm mật độ hay đăng ký vị trí nuôi.

9 giờ 00 phút

Nhiều quy định mới của Trung Quốc về xuất khẩu tôm hùm bông

ong le ba anh 1

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), thông tin các yêu cầu cần phải đảm bảo khi xuất khẩu tôm hùm vào thị trường Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) thông tin: tôm hùm bông nằm trong nhóm II, Danh mục loài thủy sản nguy cấp, qúy hiếm của Việt Nam (theo phụ lục II, Nghị định 26/2019/NĐ-CP). Hiện nay, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các đối tượng tôm hùm xuất khẩu chính. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98-99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan chiếm 1-2%.

Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc). Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD (giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022).

Để tôm hùm có thể đi vào thị trường Trung Quốc cần đảm bảo các yêu cầu: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương. Sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống).

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi. Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư; danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu…

Theo ông Lê Bá Anh, những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc đối với tôm hùm bông, gồm: Từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống Hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

tom hum1

Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 98-99%.

Đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Ngoài ra, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản số 1388, 1389/CCPT-ATTP ngày 23/11/2023 để hướng dẫn thống kê, đăng ký). Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.

8 giờ 50 phút

Tôm hùm nuôi phải bắt nguồn từ con giống F2

z4913050084554_f05ce6a645e8ecdddd6c01fa6fdec97c

“Những thông tin được nêu trong báo cáo hôm nay của Cục Thú y là thông báo chính thức của phía Trung Quốc. Biện pháp quản lý tôm hùm được Trung Quốc thay đổi năm 2023, định nghĩa tôm hùm nuôi là phải bắt nguồn từ con giống F2”, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết.

Hằng năm, các địa phương đều tham mưu cho Sở NN-PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng, chống và điều trị bệnh cho tôm hùm, ngao nghêu và thủy sản nuôi biển. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao về sản lượng nên người nuôi đã không tuân thủ các quy định, hướng dẫn chuyên môn, thường nuôi với mật độ cao, dày đặc, sử dụng thức ăn tươi sống nên các khu vực nuôi ô nhiễm trầm trọng, sức đề kháng tôm giảm, tôm bị stress và dễ bị nhiễm các loại tác nhân gây bệnh luôn có sẵn trong môi trường; sử dụng kháng sinh dùng trong ngành y tế để trị bệnh nên không rõ hiệu quả điều trị.

Kết quả giám sát, xét nghiệm trên tôm hùm giống và thương phẩm (Cơ quan Trung ương, địa phương và doanh nghiệp) cho thấy qua các năm, năm 2021: 103/332 mẫu tôm hùm tại Phú Yên, Khánh Hòa; năm 2022: 14/19 mẫu tôm hùm tại Phú Yên và Quảng Nam và năm 2023: 16/20 mẫu tôm hùm tại Phú Yên dương tính với Ricketsia-like (tác nhân gây bệnh sữa). Ngoài ra, năm 2023 phát hiện 03/03 mẫu tôm hùm dương tính với virus đốm trắng (WSSV) tại Bình Thuận, 02/02 mẫu dương tính với EHP trên tại Phú Yên, tác nhân khác như bệnh hoại tử gan tụy dưới vỏ trên tôm hùm nhưng đều âm tính.

Sau phần phát biểu của Cục Thú y, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận xét: “Phải khẳng định bản lĩnh, vị thế người Việt Nam. Cứ ra biển là biết bơi, không gì là không thể. Không có việc gì khó nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Đối với các yếu tố hạn chế như chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu thông tin..., Thứ trưởng cho rằng từ người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần chung tay, quyết liệt khắc phục.

Đối với khó khăn, thực trạng được nêu ra trong hội nghị về tôm hùm và thủy sản, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nêu lên câu chuyện Việt Nam làm được vacxin dịch tả lợn châu Phi, trong khi hơn 100 năm nay thế giới chưa làm được. Thứ trưởng nhấn mạnh, phải khắc phục bằng hết trở ngại để hội nhập, mang lại nguồn lợi chính đáng cho người dân.

8 giờ 40 phút

Tỷ lệ thức ăn hỗn hợp trong nuôi biển còn thấp

ong tran cong khoi

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết việc sử dụng thức ăn hỗn hợp trong nuôi biển còn thấp.

Nêu bức tranh toàn cảnh về diện tích và sản lượng nuôi biển năm 2022, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể là lớn nhất với 57.000ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn. Diện tích nuôi cá biển khoảng 11.000ha và 4 triệu m3 lồng, sản lượng 65.000 tấn. Thể tích lồng nuôi tôm hùm khoảng 4 triệu m3 lồng, sản lượng 2.500 tấn. Tổng số cơ sở nuôi biển thống kê chưa đầy đủ tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè.

Về phục vụ nuôi biển, có 764 cơ sở sản xuất thức ăn cho nuôi biển, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp, chiếm hơn 20%. Tổng sản lượng thức ăn hỗn hợp là khoảng 35.000 tấn trong khi thức ăn tươi sống khoảng 46.000 tấn.

Theo ông Khôi, việc sử dụng thức ăn hỗn hợp còn khá ít. Ông Khôi cũng chỉ ra một số tồn tại như văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, nhận thức của người sản xuất về thức ăn hỗn hợp/tươi sống, điều kiện sản xuất; chất lượng thức ăn còn hạn chế.

Đối với tôm hùm, ông Khôi thông tin, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm liên tục tăng giá, có thời điểm tăng gấp đôi, lên mức 1,7 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các quốc gia tăng, đặc biệt là tại thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa để phòng chống Covid-19.

tom hum

Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD.

Tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore. Năm 2022, số lượng con giống nhập về là 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, con số này là 59 triệu. Tuy nhiên, ngành tôm hùm gặp một số khó khăn như một số nước cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định; tháng 7/2023, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng gây ra do virus - WSSV.

Thức ăn cho tôm hùm hoàn toàn là đồ tươi sống, gồm các loài cá tạp, ốc bươu vàng, nhuyễn thể, cua ghẹ… đối với lồng nuôi sử dụng, điều này gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn cung thức ăn cho tôm hùm cũng không ổn định, khó kiểm soát nguồn cung cấp. Trong khi đó, thức ăn công nghiệp chỉ phục vụ nuôi tôm trong bể; chưa phù hợp nuôi lồng biển. Dù thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát được dịch bệnh, môi trường song mới chỉ có thể triển khai được ở quy mô nhỏ.

8 giờ 30 phút

Nuôi biển là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng

thu truong phuc duc tien

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh nuôi biển là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói mặc dù có nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, nhưng có thể nói ngành thủy sản vẫn đứng vững. Hết tháng 10/2023, sản lượng đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, trong khi đó năm 2022 lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, trở thành một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (với tỷ trọng gần 30%).

Về nuôi biển, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

“Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664 đặt mục tiêu sản lượng nuôi biển đến năm 2025 đạt 800.000 tấn nhưng hết năm 2022, chúng ta đã đạt được 740.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng thông tin thêm, hiện nay nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống cũng phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, cụ thể làm giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu ra một số vấn đề của nuôi biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị giá tăng lớn.

Riêng với tôm hùm, Thứ trưởng đề cập đến các yêu cầu sắp tới của Trung Quốc về con giống và đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.

Nhắc lại Chiến lược phát triển kinh tế biển, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh yêu cầu chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... mục tiêu đưa nghề cá trở nên bền bỉ trong phấn đấu, hiện đại trong sản xuất, nâng tầm trong hội nhập và tăng tốc trong xuất khẩu.

Tại hội nghị hôm nay, Thứ trưởng yêu cầu cần cung cấp được nhiều thông tin, các báo cáo và phát biểu phải ngắn gọn, súc tích, cụ thể là nên dưới 5 phút.

8 giờ 15 phút

Kiểm soát tôm hùm giống, giống nuôi biển nhập khẩu

ong Nam PCT Khanh Hoa

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phát biểu mở đầu Hội nghị.

“Các đối tượng nuôi chính trên biển tại Khánh Hòa là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm…trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích”, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phát biểu mở đầu Hội nghị.

Khánh Hòa có chiều dài đường bờ biển 385 km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho phát triển thủy sản trong đó có nuôi trồng thủy sản. Theo nghiên cứu đánh giá của Viện Nuôi trồng Thủy sản – Trường Đại học Nha Trang thì Khánh Hòa cùng với Quảng Ninh và Kiên Giang là 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển ở Việt Nam.

Nghề nuôi trồng thủy sản trong đó có nuôi biển đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa. Diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt 85.000ha với 8,9 triệu m³ lồng với tổng sản lượng gần nuôi 750 nghìn tấn/năm góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 11 tỷ USD.

Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn đã tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản...

Hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao; Công tác quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả đặc biệt là đối với con giống tôm hùm và giống nuôi biển nhập khẩu dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

avt

Nghề nuôi trồng thủy sản trong đó có nuôi biển đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa.

Tại diễn đàn này, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa mong muốn nhận được các ý kiến tham luận, phát biểu và đóng góp ý kiến của các cơ quan quản lý ở Trung ương, các sở, ban ngành, địa phương ven biển; các doanh nghiệp trong Hiệp hội cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để chúng ta cùng nhau tìm ra các giải pháp để quản lý, kiểm soát con giống tôm hùm giống cũng như con giống nuôi biển nhập khẩu, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững, truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nuôi biển nói chung và đối với con tôm hùm nói riêng, tháo gỡ khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

Đồng thời giúp tỉnh Khánh Hoà có những định hướng nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.