Nhân rộng giống sắn kháng khảm lá
Theo Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, khảm lá sắn là bệnh nguy hiểm và gây hại nặng, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như chất lượng củ, tăng chi phí phòng trừ bệnh dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế của người trồng sắn ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai.
Trước thực trạng đó, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu nhân nhanh giống sắn HN1 và HN5 và chuyển giao cho nông dân trồng ở các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Xuân Lộc.
Qua thực tế sản xuất, giống sắn HN1 cho năng suất khoảng 42,5 tấn/ha và giống HN5 có năng suất từ 38 - 43,7 tấn/ha, cả hai giống này đều có độ tinh bột cao, thân cây thẳng, to khỏe hơn so với những giống truyền thống; đồng thời được xem là phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng canh tác và khí hậu ở Đồng Nai. Sau khi thực hiện các mô hình đạt hiệu quả cao, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các địa phương tiến hành nhân rộng mô hình và được nhiều nông dân sản xuất sắn trong tỉnh hưởng ứng.
Thạc sĩ Phạm Thị Nhạn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc cho biết: “Mô hình sản xuất giống sắn kháng bệnh khảm lá ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất còn cung cấp nguồn giống sắn sạch và kháng bệnh khảm lá, đạt năng suất củ và hàm lượng tinh bột cao, giúp người dân yên tâm sản xuất và phát triển ngành trồng sắn bền vững tại Đồng Nai”.
Cũng theo bà Nhạn, hiện nay nhu cầu giống sắn kháng bệnh thảm lá của nông dân rất cao, nhưng tỉ lệ nhân và khả năng nhân nhanh của giống sắn này lại tương đối thấp. Do vậy, Trung tâm đã tiến hành các biện pháp nhân nhanh để có thể sớm chuyển giao và phổ biến ra sản xuất. Tuy nhiên, rất cần có sự chung tay của Hiệp hội Sắn cũng như các nhà máy chế biến và các tổ chức quản lý, tổ chức nông dân.
Những năm gần đây, nông dân trồng sắn trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do bệnh khảm lá lan rộng. Để kiểm soát, các địa phương cần quan tâm công tác kiểm tra, điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích sắn nhiễm bệnh để khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng và tiêu hủy nguồn bệnh... Trong đó, giải pháp căn cơ hiệu quả nhất vẫn là nghiên cứu tạo ra những giống sắn kháng bệnh khảm lá.
Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã nhập hàng chục nguồn gen và hàng ngàn dòng lai mới từ các nước về để lai tạo ra giống sắn hoàn toàn kháng bệnh khảm lá. Bà Nhạn chia sẻ: “Tổ chức CIAT đã hỗ trợ thực hiện khảo nghiệm bộ giống sắn TMEB419 có gen kháng bệnh khảm lá nhập khẩu từ châu Phi. Kết quả sau 3 vụ trồng khảo nghiệm giống sắn này, chúng tôi đã tìm được một số dòng triển vọng đáp ứng được năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao”.
Giống sắn mới này có những ưu điểm vượt trội như năng suất trồng thử nghiệm đạt 42,5 tấn/ha (trong khi năng suất bình quân của cây sắn trong nước hiện đạt trên 20 tấn/ha); hàm lượng tinh bột cao, giống sinh trưởng tốt với điều kiện khí hậu miền Nam. Hiện, Trung tâm đang đẩy mạnh việc nhân nhanh và hoàn thiện thủ tục tự công bố lưu hành cho giống TMEB419 để có thể chuyển giao cho bà con trồng sắn trong khu vực vào vụ tới. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang khảo nghiệm nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá mới để góp phần đa dạng nguồn giống cung cấp cho nông dân.
Hợp tác quốc tế lai tạo giống sắn kháng khảm
Trước sự lây lan rộng của bệnh khảm lá sắn, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương đẩy mạnh việc nhập nội các dòng sắn có khả năng kháng khảm từ Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT). Đồng thời, giao cho các đơn vị nghiên cứu lại tạo, nhân nhanh những giống sắn này để chuyển giao cho nông dân trồng sắn.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc Phạm Thị Nhạn cho biết: Do đặc thù cây sắn chỉ nở hoa ở môi trường độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển và điều kiện thời tiết khí hậu mát mẻ nên Trung tâm đã thành lập vườn lai tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng để thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu lại tạo các dòng/giống sắn bố mẹ được hiệu quả.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, kỹ thuật viên lai tạo giống sắn (Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc) cho biết: “Hiện chúng tôi đang lai tạo những bộ giống của địa phương, là những giống đã phổ biến tại các vùng trồng sắn trong nước với bộ giống nhập nội từ CIAT về. Đây là bộ giống có những dòng gen kháng một số bệnh như chổi rồng và một số bệnh mới trên thế giới”.
Theo ông Hùng, mục đích tiến hành lai hai bộ giống này với nhau nhằm đưa những tính kháng bệnh, năng suất và độ bột cao của những dòng nhập nội vào những dòng phổ biến ở Việt Nam. Đồng thời, từ những tổ hợp lai tại vườn lai sẽ chọn tạo ra những dòng có kiểu hình và năng suất cao để tiếp tục khảo nghiệm ở khu vực Đông Nam bộ, chọn tạo ra được giống có triển vọng.
Sau hơn 4 năm hợp tác, Trung tâm phối hợp cùng với CIAT đã khảo nghiệm thành công 2 giống sắn kháng bệnh khảm lá đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh, đó là giống HN3, HN5, tiếp đó đến các giống HN1, HN36, HN80, HN97 có khả năng kháng bệnh khảm lá tuyệt đối và đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Đây cũng là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển các giải pháp bền vững giải quyết bệnh hại cây sắn tại khu vực Đông Nam Á”.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, TS Jonathan Newby, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu cây sắn của CIAT cho biết: “Cây sắn trên toàn cầu đóng vai trò rất là quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, nhưng hiện tại cây sắn cũng đang phải đối mặt với dịch bệnh hại, trong đó có bệnh khảm lá, bệnh chổi rồng. Hiện tại ở Việt Nam chúng tôi đang tập trung vào công việc chọn tạo để tạo ra những giống có khả năng kháng bệnh và đảm bảo năng suất và chất lượng tinh bột để chuyển giao cho nông dân”.
Theo TS Jonathan Newby, Đồng Nai là một trong những địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất Việt Nam, vì thế CIAT muốn tập trung vào công tác chọn tạo giống để tăng tính cạnh tranh của cây sắn Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, đối với việc chọn tạo giống sắn cần rất nhiều thời gian và tốn nhiều tài nguyên. Vì thế, để thúc đẩy hiệu quả chương trình chọn tạo giống sắn rất cần sự chung tay của Nhà nước và các công ty chế biến sắn. Ngoài ra cũng cần sự hỗ trợ từ các nhà khoa học tham gia vào dự án để tiếp tục duy trì việc chọn tạo những giống mới liên tục, có năng suất cao.