| Hotline: 0983.970.780

Những lỗ hổng gây hại nền kinh tế

Thứ Sáu 25/05/2018 , 06:25 (GMT+7)

Tình trạng các doanh nghiệp, tổng công ty (TCT) có vốn Nhà nước nộp thuế, kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến. 

13-54-10_d_ti_hinh_nh_xuong_messenger_lite
Thực hiện Dự án Công viên nước Thái Bình, tỉnh đã giao thẳng 10 ngàn m2 đất công cho doanh nghiệp không qua đấu giá

Ví dụ, Sabeco 2.668 tỷ đồng; Habeco 1.852 tỷ đồng; TCT Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng... Qua kiểm tra tổng số tiền mà khối doanh nghiệp này cần phải nộp thêm vào ngân sách nhà nước là 19.109 tỷ đồng.
 

Hầu hết các dự án BT đều chỉ định thầu gây thất thoát

Việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công.

Qua kiểm toán các dự án BT trong năm 2017 cho thấy hầu hết đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư; thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Luật Đất đai và là kẽ hở do định giá thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của nhà nước hoặc là vốn của nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chưa có quy định về thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn chủ sở hữu dẫn đến nhà đầu tư không bắt buộc phải góp đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tối thiểu tại mọi thời điểm nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.

Nhà đầu tư được giao thực hiện dự án từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát cho thấy vai trò quản lý nhà nước bị buông lỏng dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát lớn trong quá trình thực hiện dự án. Qua kiểm toán 30 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án.
 

Tập đoàn, TCT nhà nước chuyển đổi đất công không qua đấu giá

Hầu hết đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, TCT Thuốc lá Việt Nam và TCT Lương thực miền Nam…

Công tác lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn đều theo hình thức chỉ định, không có tiêu chí, chào giá công khai, minh bạch nên làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro trong việc chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất theo phương thức tự thực hiện dựa trên đàm phán, thỏa thuận giữa các bên, một số trường hợp có thuê các đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng chưa có đầy đủ cơ sở về tính hợp lý của định giá dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Một số đơn vị bàn giao đất cho pháp nhân khác khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền; chuyển đổi chủ đầu tư dự án đối với các cơ sở nhà, đất do Trung ương quản lý khi chưa được Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ngoài ra, trong năm 2017, qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, các cơ quan chức năng đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản 9.638,7 tỷ đồng.
 

Xây dựng và quản lý vốn đầu tư bừa bãi

Tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng, không thuộc giai đoạn 2016-2020 hoặc trùng lắp với dự án khác đã được phê duyệt, có trường hợp phê duyệt vượt định mức; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn, cá biệt Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng).

Một số dự án thực hiện đầu tư khi còn thiếu thủ tục, công tác đấu thầu không đúng quy định, quản lý chất lượng công trình thiếu chặt chẽ. Công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót; còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công hoặc không đúng thực tế... Qua kiểm toán 1.497 dự án, đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng.
 

Công tác quản lý và thu tiền sử dụng đất

Phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất không sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế; điều chỉnh quy hoạch chi tiết không đúng thẩm quyền dẫn tới phá vỡ quy hoạch đang diễn ra phổ biến tại các địa phương. Việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của các dự án đa số theo xu hướng tăng số tầng, vượt quá số tầng và chiều cao theo quy định, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích công cộng, cây xanh đã làm cho mật độ và số lượng dân số tăng. Đây là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, công tác giao đất tại các địa phương đa số không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền SDĐ mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư. Hành vi này vi phạm Luật Đấu thầu nhưng đặc biệt phổ biến ở những dự án cấp tỉnh. Qua kiểm toán, đối chiếu 329 dự án Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.