| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng đường sắt khơi thông nông sản vùng Đông Nam bộ

Thứ Năm 09/05/2024 , 06:30 (GMT+7)

Với Quy hoạch các tuyến đường sắt vùng Đông Nam bộ vừa được Bộ Giao thông vận tải công bố, kỳ vọng sẽ khơi thông con đường nông sản, tạo động lực tăng trưởng vùng.

Điểm nhấn ga Sóng Thần

Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần. Ảnh: Trần Trung.

Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần. Ảnh: Trần Trung.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bình Dương là một trong những địa phương phát triển năng động thuộc vùng Đông Nam bộ với ga Sóng Thần là điểm đầu mối hàng hóa lớn nhất tuyến đường sắt khu vực phía Nam. Hiện ga Sóng Thần nằm trên quốc lộ 1A, vị trí ngay tại trung tâm khu công nghiệp Sóng Thần, có khả năng kết nối tốt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… và các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước.

Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên năm Giáp Thìn 2024 vận chuyển lô hàng gần 500 tấn các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đến Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Chuyến tàu đầy ắp hàng nông sản này là tín hiệu tích cực cho ngành đường sắt nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung.

Ngoài các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang vận chuyển các loại hàng thủy sản khác như cá basa, cá tra... Ngoài ra ngành đường sắt còn cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến các nước như Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga và EU (Đức, Bỉ, Hà Lan...) với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như trà, cà phê, gạo, hàng dệt may, da giày, điện tử…

Với việc tổ chức hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển tại TP.HCM và Vũng Tàu để làm thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại ga, từ đó vận chuyển bằng đường sắt sang thị trường Nga, EU, rút ngắn được thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống. Khi thời gian được rút ngắn, chi phí chắc chắn cũng sẽ giảm.

Theo đó, chi phí vận chuyển đường sắt hiện tại so với vận chuyển đường bộ sẽ rẻ hơn từ 30 - 35% và khi đến cửa khẩu hàng hóa được thông quan nhanh chóng, không bị gặp trường hợp ách tắc như cửa khẩu đường bộ vào các đợt cao điểm.

Theo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, việc xuất khẩu hàng hóa, trong đó có nông sản, bằng đường sắt từ ga Sóng Thần mở ra "cánh cửa mới" cho sản xuất không chỉ tại Bình Dương mà cả khu vực phía Nam. Cơ quan hải quan đã phối hợp với chủ đầu tư thực hiện suôn sẻ các chuyến tàu xuất khẩu đầu tiên và sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục gặp gỡ, đối thoại giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp để họ hiểu, nên ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn xuất nhập khẩu hàng hóa từ ga Sóng Thần.

Chuyến tàu liên vận quốc tế vận chuyển lô nông sản đầu tiên năm 2024 đã khởi hành. Ảnh: Trần Trung.

Chuyến tàu liên vận quốc tế vận chuyển lô nông sản đầu tiên năm 2024 đã khởi hành. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đường sắt đã trở thành một lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp trong giao thương với các thị trường Á - Âu. Sản lượng vận chuyển liên vận quốc tế liên tục tăng mạnh trong những năm qua, cao nhất là 1,33 triệu tấn/năm. Năm nay dự báo kinh tế sẽ phục hồi, lượng hàng hóa đi bằng đường sắt sẽ tiếp tục tăng mạnh.

“Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của đường sắt hiện nay là thiếu kết nối tới các kho cảng lớn, khu công nghiệp, nhà máy... để giảm được chi phí trung chuyển, giải phóng hàng nhanh, đồng thời hạn chế được ô tô chở hàng đến ga, giảm được tai nạn, ô nhiễm môi trường”, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh chia sẻ.

Bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bình Dương - Tây Ninh

Mới đây, tại hội nghị điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 3, thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, cơ quan này vừa có văn bản nêu quan điểm ủng hộ tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài.

Bộ Giao thông vận tải ủng hộ tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài. Ảnh: Trần Trung.

Bộ Giao thông vận tải ủng hộ tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài. Ảnh: Trần Trung.

Đối với việc bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài, Bộ Giao thông vận tải cho rằng mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy hoạch trên cơ sở các hành lang kinh tế lớn, quan trọng của quốc gia, có tính chất liên vùng hoặc kết nối liên vận quốc tế.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định cơ quan chủ trì tổ chức lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh căn cứ quy hoạch mạng lưới đường sắt được duyệt để quy hoạch các tuyến đường sắt kết nối các đầu mối vận tải (cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, các khu kinh tế, khu du lịch...) với đường sắt quốc gia đáp ứng nhu cầu vận tải và khả năng huy động nguồn lực đầu tư của các địa phương.

"Do vậy, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài vào quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng Đông Nam bộ làm cơ sở quản lý quỹ đất và chủ động huy động nguồn lực đầu tư tuyến đường sắt nêu trên", văn bản của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Song song đó, liên quan đến quy hoạch ga An Bình và điều chỉnh ga Dĩ An vào ga An Bình Thực, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã chỉ đạo Cục Đường sắt, đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án quy hoạch này, đồng thời đã cập nhật vào hồ sơ báo cáo giữa kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu đầu mối TPHCM.

Hiện, Cục Đường sắt đã có văn bản lấy ý kiến Sở Giao thông vận tải Bình Dương, tuy nhiên đến nay Sở chưa có văn bản tham gia ý kiến về hồ sơ quy hoạch. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải có văn bản tham gia ý kiến hồ sơ quy hoạch nêu trên; phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt tư vấn trong quá trình thỏa thuận kết nối hạ tầng và các nội dung có liên quan tại khu vực quy hoạch 2 nhà ga nêu trên để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cũng tại hội nghị điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 3, Bộ KH-ĐT thông tin về 29 dự án quan trọng, liên kết vùng. Đến nay, trong số 29 dự án giao thông quan trọng, liên kết vùng Đông Nam bộ, đã có 4 dự án khởi công, 5 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư và 20 dự án đang được nghiên cứu. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch vùng Đông Nam bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.

Bộ trưởng đề nghị tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, sớm đưa các dự án vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, như các tuyến đường bộ cao tốc, đường vành đai 3 TP.HCM, cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu…

Cùng với đó, hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án mới, như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt đô thị TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Tây Ninh.

Bộ KH-ĐT cũng đề xuất đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính trao quyết định công bố quy hoạch cho các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ. Ảnh: Trần Trung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính trao quyết định công bố quy hoạch cho các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ. Ảnh: Trần Trung.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 13 về việc tăng cường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bằng đường sắt. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành có giải pháp nâng cao năng lực đường sắt, xây đường chuyên dụng để tăng vận chuyển nông sản sang Trung Quốc. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương làm việc với phía Trung Quốc về các giải pháp tối ưu chi phí, thời gian vận chuyển nông - lâm - thủy sản…

Với những định hướng chiến lược như trên, có thể nói rằng đây chính là thời cơ mà vai trò của vận tải đường sắt trở lại và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về mục tiêu hiện đại hóa hệ thống đường sắt Việt Nam,  trong đó có vùng Đông Nam bộ có tính kết nối cao với các loại hình giao thông khác và đặc biệt tăng tính kết nối đường sắt với hệ thống đường sắt của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong hành lang xuyên Á.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường Trung Quốc còn dư địa rất lớn. Do đó để khai thông, khai thác hết thị trường 1,4 tỷ dân thì cần có cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ, đường biển các tỉnh biên giới kết nối với phía Trung Quốc.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.