Theo dữ liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 4, đã có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 13.940 tỷ đồng. Trong đó, ở các đợt phát hành riêng lẻ, số trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chỉ chiếm 7,5% giá trị.
Tổng hợp lại, lũy kế từ đầu năm đến nay, có 31 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 29.050 tỷ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng được ghi nhận.
Ghi nhận cụ thể, 13 giao dịch trên tới từ 6 doanh nghiệp và ngân hàng, tăng 29,1% so với tháng trước và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, Tập đoàn Vingroup (VIC) phát hành 2 lô trái phiếu tổng giá trị 4.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12,5%. "Người anh em" với VIC là Vinhomes (VHM) cũng phát hành 1 lô trái phiếu giá trị 2.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12%.
Trong nhóm ngân hàng, Techcombank (TCB) đã phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3.000 tỷ VNĐ, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.800 tỷ VNĐ, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%.
Cuối cùng là MBBank (MBB) phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.000 tỷ đồng, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2% đến 6,8%.
Trong tháng 4, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Những tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 183.484 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Đáng chú ý, phần lớn trong số này là trái phiếu bất động sản với 73.784 tỷ đồng, tương đương 40,2%.
Theo nhận định của FiinRatings, trong tháng 4, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản đã bớt dư thừa trong hệ thống. Việc các ngân hàng cũng tích cực phát hành trái phiếu mới để bù đắp lượng trái phiếu mua lại sẽ đáo hạn vào năm sau, qua đó tái cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng các quy định.
"Áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành là doanh nghiệp BĐS trong năm 2024 và 2025 là khá lớn, đặc biệt là đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023. Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ" - nhóm nghiên cứu của FiinRatings đánh giá.
Các ông lớn ngân hàng, bất động sản tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Trong bối cảnh trên, một số doanh nghiệp và ngân hàng vẫn đang tiếp tục có kế hoạch phát hành trái phiếu với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Bao gồm: Ngân hàng HDBank, BIDV và ba doanh nghiệp trong ngành bất động sản bao gồm Vingroup, Vinhomes và Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG).
Trong đó, HĐQT Ngân hàng HDBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.
HĐQT Ngân hàng BIDV cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có TSĐB, mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Với nhóm bất động sản, 2 trong 3 doanh nghiệp dự kiến sẽ phát hành trái phiếu thời gian tới có liên quan đến Vingroup. Trong đó, hơn 8.400 tỷ đồng là giá trị phát hành dự kiến của Vingroup, với Vinhomes là 10.000 tỷ đồng; có kỳ hạn từ 2-5 năm, lãi suất dự kiến 10%.
Cuối cùng là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - doanh nghiệp này dự kiến phát hành 2.100 tỷ đồng trái phiếu vào cuối năm, với kỳ hạn 3 năm và lãi suất chưa được cập nhật.