| Hotline: 0983.970.780

Những mái ấm kiên cố, an toàn bảo vệ người dân nghèo trước thiên tai

Thứ Tư 15/12/2021 , 15:27 (GMT+7)

Tầm quan trọng và vai trò của các tổ chức quốc tế đã được thể hiện nổi bật trong việc hỗ trợ các dự án xây dựng nhà chống chịu bão, lụt.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi gặp mặt các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi gặp mặt các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dự báo một năm 2022 thiên tai khốc liệt

Ngày 15/12, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức gặp mặt các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai với chủ đề “Nhà ở an toàn đón Tết 2022”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năm 2021, Việt Nam chưa xuất hiện trận thiên tai khốc liệt nào như năm 2020 nhưng với cũng đã xảy ra tới 18/22 loại hình thiên tai.

Cụ thể bao gồm 8 cơn bão, 3 cơn áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 132 trận động đất, 326 trận mưa đá, dông, lốc và sét, 168 trận mưa lớn, lũ cục bộ, 9 trận lũ ống, lũ quét, 162 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không khí lạnh...

Hậu quả là 107 người chết, 95 người bị thương, hơn 300 nhà bị sập đổ hoàn toàn, gần 10.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái… Năm 2021, ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 5.000 tỷ đồng.

“Năm 2021 đã chứng kiến những loại hình thiên tai mang tính đột biến, bất thường. Với kinh nghiệm của những người làm công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam, nếu năm nay thiên tai giảm nhẹ thì năm tiếp theo sẽ là một năm khủng khiếp. Và năm 2022 được dự báo sẽ phải đón nhận những đợt thiên tai rất khốc liệt”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu vấn đề.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết năm 2022 được dự báo sẽ là một năm thiên tai khốc liệt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết năm 2022 được dự báo sẽ là một năm thiên tai khốc liệt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, trong đó có sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả của người dân.

Bên cạnh đó là sự tăng cường, phối hợp, tiếp nhận hiệu quả hỗ trợ cộng đồng từ các tổ chức, cá nhân quốc tế. Năm 2021, dự án giảm nhẹ rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai, lấy trẻ em làm trung tâm giai đoạn 2017 - 2021 đã hỗ trợ những phần quà ý nghĩa đến người dân Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chia sẻ tại chương trình: “Thiên tai Việt Nam ngày càng dữ dội, nhiệm vụ của chúng tôi ngày càng nặng nề hơn trước một xã hội có quy mô về dân số, giá trị nền kinh tế ngày càng lớn mạnh. Để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục một cách hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, nhân dân Việt Nam, chúng tôi rất cần sự chung sức của các tổ chức quốc tế.

Ông Trần Quang Hoài cho rằng nhiệm vụ của những người làm công tác phòng, chống thiên tai ngày càng nặng nề hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Quang Hoài cho rằng nhiệm vụ của những người làm công tác phòng, chống thiên tai ngày càng nặng nề hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chúng tôi kì vọng trong năm 2022 và những năm tiếp theo, sự giúp đỡ này sẽ ngày càng lớn hơn, hiệu quả, thiết thực hơn, qua đó đóng góp một phần quan trọng vào công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam”.

Xây dựng mái ấm kiên cố, an toàn cho người dân nghèo

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tầm quan trọng và vai trò của các tổ chức quốc tế đã được thể hiện nổi bật trong việc hỗ trợ các dự án xây dựng nhà chống chịu bão, lụt. Xây dựng nhà chống chịu bão, lụt sẽ mang đến những mái ấm an toàn, kiên cố cho những hộ nghèo không có nhà ở hoặc nhà xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng cải thiện; các hộ dân tộc thiểu số; người tàn tật, già cả, neo đơn; các xã ven biển và cận ven biển thường xuyên phải chịu sự tàn phá của thiên tai, bão lụt, xâm nhập mặn…

Các dự án nhà chống lũ tại miền Trung đã làm giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là giảm số người chết, bị thương, qua đó được người dân đánh giá rất cao.

Đại diện cho một trong những hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tại chương trình, bà Lê Thị Ngân sẽ không bao giờ có thể quên được trận mưa lũ lịch sử năm 2020 đã làm thiệt hại nặng nề tới gia đình người nông dân nghèo. Việc phải chăm sóc người mẹ già tàn tật và 2 đứa cháu nhỏ làm cho gánh nặng trên vai người phụ nữ càng thêm phần nặng nề hơn.

Bà Lê Thị Ngân là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Lê Thị Ngân là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Trương Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, những tháng ngày thiên tai, mưa lũ khốc liệt của năm 2020 đã làm ngập lụt 733 hộ, trong đó 542 hộ bị ngập sâu từ 1 - 9 mét; làm thiệt hại nặng nề kinh tế, đời sống của người dân; làm nhà cửa, tài sản hư hỏng.

“Trong hoàn cảnh khốn khổ vì ảnh hưởng của thiên tai, nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, những người dân địa phương như bà Lê Thị Ngân đã có những ngôi nhà vừa chống được bão, vừa chống được lũ, qua đó sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai”, ông Trương Văn Minh bày tỏ.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) gồm 3 hợp phần.

Trong đó, Hợp phần 1 về “Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt” do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản là Chủ Dự án) được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ 4.000 hộ dân xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt. Dự án triển khai từ năm 2017 đến năm 2021 tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Hợp phần của dự án được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ 4.000 hộ dân xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt.

Hợp phần của dự án được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ 4.000 hộ dân xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt.

Nhờ có sự quan tâm của Chính phủ, xã hội cùng các tổ chức quốc tế, cá nhân và cộng đồng, sau 4 năm triển khai thực hiện, Dự án đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 3.852/4.000 hộ nghèo khu vực ven biển và đang tiếp tục hoàn thành mục tiêu đề ra (tính đến thời điểm 15/10/2021).

Các căn nhà ở được Dự án hỗ trợ xây dựng đã đáp ứng được yêu cầu và phát huy rất hiệu quả về khả năng chống chịu bão lụt, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho chủ hộ cũng như người dân xung quanh. Thành công của Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm cuộc sống các hộ dân thay đổi tích cực hơn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương tham gia Dự án.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm