| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận từng bước xây dựng khả năng thích ứng, quản lý rủi ro thiên tai

Thứ Hai 13/12/2021 , 08:55 (GMT+7)

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, tỉnh Bình Thuận sẽ từng bước xây dựng khả năng thích ứng, quản lý rủi ro thiên tai.

Nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm đe dọa

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, những năm gần đây, các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng với mức độ tàn phá ngày một ác liệt hơn. Trong đó, từ tháng 10-11 hàng năm tỉnh thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa bão hoặc ATNĐ đổ bộ vào khu vực ven biển, uy hiếp trực tiếp các khu dân cư ven biển, phá hủy các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng kinh tế, nhà cửa, kho tàng.

Những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ biển ở Bình Thuận ngày càng báo động. Ảnh: KS.

Những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ biển ở Bình Thuận ngày càng báo động. Ảnh: KS.

Đối với hạn hán hầu như năm nào tỉnh cũng xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, toàn bộ nền kinh tế và sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, trong năm 2020, tình hình hạn hán, thiếu nước xảy ra gay gắt trên địa bàn toàn tỉnh buộc phải cắt giảm sản xuất 15.430 ha/32.859 ha vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Bên cạnh đó có 43 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ, với tổng số 27.271 hộ dân/114.095 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt, nhất là ở khu vực nông thôn. UBND tỉnh Bình Thuận phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020, hạn hán thiếu nước ở Bình Thuận diễn ra nghiêm trọng. Ảnh: MH.

Năm 2020, hạn hán thiếu nước ở Bình Thuận diễn ra nghiêm trọng. Ảnh: MH.

Về tình trạng sạt lở bờ biển những năm gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra ở nhiều nơi và đang có chiều hướng ngày một gia tăng.  Trong đó, các điểm sạt lở bờ biển nhiều thuộc xã Vĩnh Tân, Phước Thể, Bình Thạnh, Liên Hương, Phan Rí Cửa (Tuy Phong); Hàm Tiến, Mũi Né, Đồi Dương, Phú Hài, Đức Long, Tiến Thành (TP. Phan Thiết); Tân Thành, Tân Thuận (Hàm Thuận Nam); Tân Tiến, Phước Lộc, Tân Phước (thị xã La Gi) và Ngũ Phụng, Long Hải, Tam Thanh (Phú Quý). Nguyên nhân việc sạt lở bờ biển này chủ yếu do quá trình thuỷ động lực, triều cường, sóng gió ven bờ gây ra…

Chủ động ứng phó, thích ứng

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, nhận định với tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp, các công trình cơ sở hạ tầng; nhất là tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh quy mô ngày càng lớn.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống các loại hình thiên tai. Ảnh: KS.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống các loại hình thiên tai. Ảnh: KS.

Cùng với tốc độ gia tăng sự phát triển về kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh cho thấy các khu dân cư tập trung, hệ thống công trình cơ sở hạ tầng phát triển nhanh phá vỡ quy hoạch và địa hình tự nhiên. Nhiều ao, bàu, hồ nhỏ bị san lấp để xây dựng công trình làm gia tăng thời gian ngập và giảm thiểu hệ thống tích trữ nước tự nhiên.

Lòng sông, bãi bồi bị lấn chiếm làm hẹp dòng chảy, rừng đầu nguồn bị chặt phá, khai thác bừa bãi làm mất thảm phủ thực vật, tạo điều kiện khi có mưa to nước tập trung nhanh hơn, lũ trên các sông với cường suất lớn, khó khăn trong việc ứng phó.

Vì vậy, định hướng chiến lược phòng, chống thiên tai trong thời tới cần phải chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu tối đa tổn thất về người, tài sản của nhân dân và nhà nước. Cùng với đó từng bước xây dựng tỉnh có khả năng thích ứng, quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Để làm tốt vấn đề này, các cấp chính quyền cần phối hợp với mặt trận, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng dân cư. Trong đó, phối hợp tổ chức tốt các lớp tập huấn về "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng".

Lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm "bốn tại chỗ". Cũng như hướng dẫn đảm bảo lịch thời vụ và điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo né tránh được lũ, bão. Tăng cường bảo vệ và đẩy mạnh tốc độ trồng mới rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn để nâng cao hiệu quả cải tạo môi sinh, môi trường và tham gia giảm lũ, chậm lũ cho hạ du…

Về lâu dài để chủ động phòng chống thiên tai, tỉnh Bình Thuận cần Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm xem xét, giải quyết sớm đầu tư dự án hồ thủy lợi La Ngà 3, nhằm đảm cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh này và cấp nước cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cùng với đó đề nghị Chính phủ, Bộ NN- PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí ghi vốn để triển khai các công trình trọng điểm, cấp bách như kè bảo sạt lở bờ biển trên địa bàn TP Phan Thiết, huyện Tuy Phong, TX La Gi…

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.