| Hotline: 0983.970.780

Những mùa văn bội thu

Thứ Sáu 03/06/2011 , 14:33 (GMT+7)

Sau những tác phẩm đã từ văn bản đi ra và tham dự vào đời sống tinh thần của công chúng; với một số tác phẩm còn là tham dự trực tiếp đến tiến trình Đổi mới và hoạch định chính sách công; tôi muốn nói đến các tác phẩm còn lạ lẫm với chúng ta.

>> Những mùa văn bội thu

Người giữ đình làng của Dương Duy Ngữ ngợi ca một con người dùng cả cuộc đời mình, khi thì bằng mẹo mực lúc bằng chính sinh mệnh chính trị cá nhân bất chấp hiểm nguy để giữ cho ngôi đình – nơi lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng, được tồn tại trước họng súng của tây đồn dọa đốt để triệt hạ Việt Minh; được bảo tồn và tu sửa nâng cấp trước những tư tưởng ấu trĩ quá tả thời rầm rộ xóa tàn tích cũ thiết lập trật tự mới. Hình tượng của tiểu thuyết Ông giáo Quý chính là linh hồn của làng quê - những tiểu trí thức trong tư cách tấm gương ứng xử của cộng đồng; nó cũng cắt nghĩa vì sao, trong cả ngàn năm mù chữ người nông dân lại vẫn cứ đậm đặc văn hóa như thế.

Thủy hỏa đạo tặcĐồng sau bão của Hoàng Minh Tường viết về sản xuất hợp tác xã, tái hiện cái nhức nhối một thời với những quẩn quanh tháo gỡ của nhiều trí tuệ nhưng tháo gỡ không xong. Còn có thể đòi hỏi nhiều hơn những trang làm ánh lên một văn hóa làng vốn là một điểm mạnh của các nhà văn khi động bút vào đấy. Ví dụ như Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, người khó tính có thể chê tác phẩm còn dài, nhịp chậm nhưng cái hồn quê Quảng Bình cứ thấm đẫm các trang văn, nhiều đoạn đọc trong nước mắt. Viết về đơn vị dân quân bảo vệ một con đập nhỏ - là nguồn sống của cả làng với biết bao hy sinh trong chiến tranh. Nhưng hóa ra cái khốc liệt nhất của chiến tranh với cả núi bom ném xuống con đập nhỏ lại là đặt con người trong tình thế éo le hiểm nghèo, như thể nó đặt bom hẹn giờ hủy hoại nhân tính là thứ  vốn mong manh.

Trong tập Bến nước Kinh Cùng của Nguyễn Lập Em, các truyện đều xẩy ra ở một mom sông, một bến nước hay một cù lao giữa sông. Ở đó, tình yêu, ký ức và cả những mưu sinh của con người nằm trên thế chênh vênh, truyện Xa lắc Cồn Te còn là nằm trên quá trình biến mất do đất lở; đưa chúng ta đối diện với thất thường của khí hậu và nguy cơ của nó. Văn Nguyễn Lập Em ngậm ngùi, nhiều hoài niệm nhưng khiến người đọc bất yên vì mọi êm đềm cứ như có một Cồn Te nhân tính, Cồn Te quan hệ truyền thống và cả Cồn Te của những tập quán ngàn năm đang xói lở đang xáo trộn.

                                                           *

                                                        *     *

Trong quá trình tuyển chọn, các vị hội đồng vẫn than thở với nhau thơ về nông thôn hóa ra rất ít, ngay Phạm Công Trứ có thể gọi ông là nhà thơ của nông thôn, cũng chỉ được một phần ba tập. Nhưng có ý kiến trao đổi lại, thơ với đặc trưng tạo ám ảnh và gây bùng nổ cảm xúc của mình, nó đã “hiện diện” thật sâu rộng trong tâm hồn chúng ta. Chỉ một câu của Hữu Thỉnh: Vạt mảnh bờ con cua mất quê/ Rau đay làm lẽ buổi anh về đã đặt ra thật nhiều vấn đề của nông nghiệp, nông thôn và nông dân cả đã qua lẫn đang tới. Một câu của Phạm Công Trứ: Nhà quê khí chất tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân đã vẽ ra một bức chân dung anh nông phu (cửu vạn?) độc đáo; còn câu sau thì viết về Mùa xuân nói chung, nhưng lại hây hẩy gái quê: Tôi tin cái mây mẩy/ Của mùa xuân cũng hồng. Vâng, vì vậy, hội đồng đã yên tâm chọn như Thể lệ: Chùm ít nhất mười bài về nông thôn hoặc tương đương một chương của trường ca, trong các tập đã xuất bản từ 1981 đến hết năm 2010.

Tập thơ Cho đồng thơm gió của Nguyễn Thị Phước còn viết về Huế, về Đà Lạt, về Những đường phố mang tên Nguyễn Du nhưng phần lớn viết về một mối tình hình như không còn tồn tại; mối tình ấy được cánh đồng chứng kiến và ghi nhớ trong ký ức của nó. Ký ức cánh đồng giờ đây đã trở thành niềm an ủi:

Mình đã làm đồng thơm gió

Chẳng còn ân hận điều chi

thành niềm nâng đỡ:

Câu hát xưa giờ vẫn hãy còn

nhưng người hát thì tôi không quen biết

(…) Trái tim tôi chỉ giả vờ bé con

và đập cho một câu hát khác

hay câu hát năm xưa hồn đã theo người hát

chỉ còn lại thanh âm ở lại cánh đồng?

      Trần Quang Quý đã hơn một lần toan đưa thơ sang bên kia bờ siêu thực, nhưng chỉ khi ông đào xới ký ức làng quê, ông mới vừa gặp thơ vừa gặp bản thể mình:

Cổ tích làng tôi tắm ở bờ ao

Em cứ thả trắng ngần trăng ướt

và: Tháng ba ta về em mò cua bắt ốc

Gặp ta thẹn thùng giấu mặt

Chiếc nón vờ lật gió

Mặc dầu, cái làng quê ấy thật nghèo, đến cả những âm thanh cũng như muốn mài cho mòn thêm nữa:

Lớp gạch già lõm mặt

Cánh cổng lăn kẽo kẹt đời người

đến cả dáng hình hệ trọng nhất của mỗi con người cũng xô lệch đi:

Cổ tích làng tôi đựng trong chiếc mủng

Mẹ bưng tháng năm lệch ngõ... 

Có thể coi trường ca Trầm tích (Hoàng Trần Cương) là bức chân dung bằng thơ do đứa con xứ Nghệ vẽ tặng Mẹ mình - quê hương miền Trung của mình. Quê nghèo, toàn những đá mồ côi, vại nhút, nón mê, cá gỗ… đến chai mắm cũng bị gió Lào làm bốc hơi hết, đã theo quy luật trầm tích để thành đá đỏ, thành thơ:

Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh

Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh

(…) Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát

Tảng cháy cạy đi rồi

Còn hằn vết móng tay

Cày lên

Sưng cả đáy nồi

Ai đó đã có một minh triết: “Nông dân là phần sót lại của nhân loại (cổ điển)”, tôi cũng muốn nói, nông thôn là cố hương của con người, là cuống nhau của những thai nhi văn học.

Trước đây, dòng thơ dân tộc và miền núi đi thẳng từ cổ sơ đến hiện đại, chúng ta đã có Y Phương và giờ đây, thật đáng ăn mừng là có thêm Đỗ Thị Tấc. Tấc người Hưng Yên, lên Lai Châu từ thuở lên ba, điệu thức những bài ca cổ sơ của Tày Thái, của Hà Nhì đã vận vào để, chẳng những làm nên điệu tâm hồn, nó còn góp phần làm nên thi pháp của nhà thơ tương lai. Khác với ngôn ngữ ở hai đồng bằng lớn, ở bên sông Hồng là thêm chữ cho đẹp lòng người nghe, bên sông Cửu Long là thêm chữ cho đẹp ngữ điệu; người miền núi chỉ nói những câu tối giản. Và tối giản là đặc trưng của người hiện đại. Hãy nghe Đỗ Thị Tấc nói về thói quen bước của người miền núi, chỉ một câu, thân phận lam lũ một đời người đã hiện ra:

Đầu gối mẹ đi không thẳng

Đất bằng

bước chân nào cũng hẫng.

Chúng tôi chưa dám nói là đã đọc hết những tác phẩm hay nhất viết về nông thôn của cả nền văn học. Nhưng bằng vào hơn 150 tác phẩm được đọc khi sơ tuyển và hơn 30 cuốn vào chung khảo tuyển chọn, cảm giác mùa văn bội thu suốt 30 năm qua về nông dân, nông nghiệp và nông thôn là rất rõ. Nếu cảm giác của tôi đúng, thì cũng là điều dễ hiểu.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm