| Hotline: 0983.970.780

Những người kể chuyện tại 'điểm nóng' Làng Nủ

Thứ Bảy 14/09/2024 , 19:28 (GMT+7)

Tại Làng Nủ, hàng trăm phóng viên chấp nhận đối mặt hiểm nguy không chỉ để đưa tin mà còn đồng cảm, truyền tải nỗi đau và sẻ chia nỗi đau cùng đồng bào.

Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vốn là một vùng quê yên bình, bỗng chốc trở thành điểm nóng khi trận sạt lở kinh hoàng xảy ra. Những phóng viên lập tức lên đường, vượt qua hàng trăm cây số đến hiện trường. Hành trình không chỉ là vượt qua khoảng cách địa lý mà còn là sự chuẩn bị về tinh thần, bởi họ biết mình sắp đối mặt với những cảnh tượng đầy đau thương.

Nhiều nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại hiện trường thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: T.T.

Nhiều nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại hiện trường thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: T.T.

Đoạn đường vào Làng Nủ sau trận sạt lở trở nên hiểm trở hơn bao giờ hết. Đất đá, cây cối đổ ngổn ngang. Nhiều phóng viên phải đi nhờ xe của đoàn tiếp tế lương lực, đi nhờ xe máy người dân hoặc bộ hành một quãng dài, băng qua những khu vực sạt lở.

Khi đến nơi, điều đầu tiên các phóng viên cảm nhận được là không khí tang thương bao trùm. Những ngôi nhà bị cuốn trôi, những mảnh đời bị mất đi, nỗi đau hiển hiện trong ánh mắt của từng người dân còn sống sót. Nhiệm vụ của họ là ghi lại những hình ảnh, câu chuyện chân thật nhất, nhưng cũng chính điều đó đặt ra thách thức lớn về mặt cảm xúc. Không ít người đã rơi nước mắt sau ống kính, khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ mất cha mẹ, những người vợ mất chồng, hay những cháu nhỏ không còn ông bà hay ngược lại. Những mảnh đời ấy như vết thương chảy máu, không thể lành, và những người ở lại gánh trên vai nỗi đau mất mát.

Hàng trăm người cùng tham gia vào cuộc chiến giành lại từng sinh mạng.

Hàng trăm người cùng tham gia vào cuộc chiến giành lại từng sinh mạng.

Có những khoảnh khắc mà các phóng viên phải dừng lại, hít một hơi thật sâu để giữ vững tinh thần. Như khi họ phải ghi lại hình ảnh của lực lượng cứu nạn, cứu hộ tìm thấy thi thể giữa đống đổ nát, hoặc khi họ phỏng vấn những người vừa mất đi tất cả. Đối mặt với nỗi đau của người khác, những người làm báo cũng cảm thấy sự trĩu nặng trong lòng, bởi họ không chỉ là người quan sát mà còn là người đồng cảm.

Anh Vũ Thịnh, phóng viên của Báo Dân trí, đã rong ruổi từ Nam ra Bắc suốt một tuần để tác nghiệp tại các “điểm nóng” như Quảng Ninh, Thái Nguyên, và giờ là Làng Nủ (Lào Cai). Đối với anh, nơi đây không chỉ là một điểm đến trong hành trình tác nghiệp mà còn là nơi để lại những cảm xúc mà có lẽ cả cuộc đời anh sẽ khó mà quên được.

Khi mới đặt chân đến Làng Nủ, anh Thịnh cũng như nhiều đồng nghiệp khác không tránh khỏi cảm giác sợ hãi trước khung cảnh hoang tàn, đổ nát. Anh chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng khi thi thể của một số nạn nhân được tìm thấy, nhưng không còn ai trong gia đình họ sống sót để nhận dạng. Những người họ hàng ở xa khi hay tin mới tìm về để tìm những người mất tích, và lo hậu sự cho ai đã mãi mãi ra đi.

“Những hình ảnh ấy thật sự khiến tôi không thể nào quên được,” anh Thịnh chia sẻ, mắt nhìn xa xăm như đang hồi tưởng lại những giây phút tang thương đã chứng kiến.

Đau xót nhất là khi tìm thấy một thi thể, nhưng trong gia đình cũng không còn ai sống sót để nhận dạng.

Đau xót nhất là khi tìm thấy một thi thể, nhưng trong gia đình cũng không còn ai sống sót để nhận dạng.

Đặc biệt, có một lần trong lúc đang tác nghiệp, tiếng kẻng báo động vang lên khiến cả anh và những đồng nghiệp đều sợ hãi. Anh lo lắng không biết liệu lũ có tiếp tục đổ về, đất đá có tiếp tục trôi xuống nữa không. “Trong suốt quá trình làm nghề, chưa bao giờ tôi phải tác nghiệp trong một hoàn cảnh tang thương, đau xót như thế này,” anh Thịnh nghẹn ngào nói.

Không phải lần đầu tác nghiệp thiên tai nhưng khi nghe tin vụ sạt lở nghiêm trọng “xóa xổ” cả một ngôi làng nhỏ bé khiến nhiều người thương vong và mất tích, phóng viên Thành Lâm, Báo điện tử VTC News và các đồng nghiệp muốn nhanh nhất có thể tiếp cận được hiện trường mặc dù thời điểm đó, hầu hết các tỉnh ở miền núi phía Bắc đang mưa lớn nhiều ngày, nhiều tuyến đường hướng về Làng Nủ bị ngập và sạt lở. 

Tiếp cận được hiện trường cũng là lúc mọi người tách thành nhiều hướng, theo sát từng diễn biến, đưa tin kịp thời và chính xác về tình hình tại Làng Nủ. Những hình ảnh, bài viết được thực hiện không chỉ là những con chữ hay bức ảnh đơn thuần, mà còn chứa đựng những câu chuyện, cảm xúc chân thật về con người, về nỗi đau mà bà con nơi đây đang phải gánh chịu.

Tác nghiệp trong điều kiện mưa bão, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của phóng viên trở nên vô cùng quan trọng, giúp đảm bảo an toàn và kịp thời đưa tin về cho tòa soạn, đặc biệt hơn, khu vực Làng Nủ sóng điện thoại chập chờn cũng khiến việc gửi tin bài, tư liệu về tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn.

Mỗi phóng viên đều mang theo mình một câu chuyện riêng. Ảnh: NVCC.

Mỗi phóng viên đều mang theo mình một câu chuyện riêng. Ảnh: NVCC.

Phóng viên Đình Huy của Báo Thanh Niên, sau khi nhận nhiệm vụ tác nghiệp tại Làng Nủ, đã không ngần ngại dấn thân vào hiện trường tích cực tìm hiểu, cập nhật thông tin kịp thời về vụ sạt lở. Nhưng hơn cả việc đưa tin, anh cùng đồng nghiệp còn cố gắng khắc họa những câu chuyện xúc động của những người may mắn thoát chết, hay những cảnh tượng đầy bi thương mà anh tận mắt chứng kiến.

Trong quá trình tác nghiệp, anh Đình Huy không may bị dẫm phải đinh, phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng y tế để sát khuẩn và tiêm phòng. Dù gặp sự cố nhưng anh không cho phép mình nghỉ ngơi lâu. Cùng với sự hỗ trợ của ekip, đồng nghiệp và nhận được động viên kịp thời từ Ban Biên tập, lãnh đạo Tòa soạn, anh lập tức quay trở lại hiện trường để tiếp tục công việc.

Phóng viên Đình Huy (Báo Thanh Niên) tác nghiệp tại Làng Nủ. Ảnh: NVCC.

Phóng viên Đình Huy (Báo Thanh Niên) tác nghiệp tại Làng Nủ. Ảnh: NVCC.

Trong ánh mắt kiên định, anh Đình Huy chia sẻ: “Cùng với nhiều nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí khác có mặt tại Làng Nủ, chúng tôi có mặt tại đây không phải chỉ để đưa tin, mà còn để chứng minh rằng chúng tôi luôn ở bên người dân trong những lúc khó khăn nhất”.

Thật vậy, những phóng viên tác nghiệp tại Làng Nủ đã trở thành những người kể chuyện thầm lặng. Họ đến để đưa tin, nhưng rồi lại bị cuốn vào những câu chuyện, những cảm xúc và sự tang thương mà họ chứng kiến. Họ không chỉ ghi lại những hình ảnh, những dòng tin mà còn mang trong mình sứ mệnh truyền tải sự thật, chia sẻ nỗi đau và kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ từ cộng đồng.

Họ mong rằng, qua những gì được kể lại, sẽ có thêm nhiều bàn tay giang ra, nhiều tấm lòng mở rộng, để cùng nhau xây dựng lại một Làng Nủ mới, giúp thắp lên những tia hy vọng giữa đống tro tàn, để nỗi đau không trở nên vô nghĩa.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trở lại Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc

Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc hôm nay vẫn còn gian khó nhưng thấm đẫm tình đất, tình người, tình đoàn kết của đồng bào miền xuôi và miền ngược.