| Hotline: 0983.970.780

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Thứ Bảy 14/09/2024 , 14:10 (GMT+7)

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.

Bà Trần Thị Thu - Trưởng ban MTTQ thôn Làng Nủ. Ảnh: Kiên Trung.

Bà Trần Thị Thu - Trưởng ban MTTQ thôn Làng Nủ. Ảnh: Kiên Trung.

Bà là Trần Thị Thu, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc thôn Làng Nủ, (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) - người tiếp nhận, phân phối từng suất ăn cho người dân, cán bộ chiến sỹ… đang làm nhiệm vụ dưới hiện trường. Bà cùng những chị em trong thôn đang là "hậu phương" của vùng lũ quét.

Cái này đang rất cần, cứ để tôi quyết!

10h30’ sáng 13/9, hai thanh niên chạy xe máy chở một thùng đồ lặc lè từ Phố Ràng vào tới điểm trường Làng Nủ. Quãng đường từ trung tâm huyện vào đến thôn gần 30km, nhưng di chuyển mất gần 1 giờ đồng hồ bởi những đoạn sạt lở vẫn chưa được dọn dẹp, và do tắc tuyến lộ độc đạo liên xã bình thường đã nhỏ hẹp, mấy ngày nay nườm nượp các phương tiện đổ về.

Hai thanh niên cho biết, có một “mạnh thường quân” nhờ chở hàng cứu trợ vào trước, gồm thuốc, găng tay, giấy vệ sinh, ủng…

Bà Thu đang ngụp lặn trong đống hàng cứu trợ, nghe thấy vậy chạy vội ra: “Tốt quá, đúng những thứ mà chúng tôi đang cần. Qua nay đang thiếu găng tay cho bộ đội”.

Thùng hàng cứu trợ có nhiều găng tay y tế, bà Thu quyết đoán: 'Tôi quyết cứ mang xuống trước, bộ đội đang cần. Tôi sẽ vào sổ, sẽ trao nhận sau'. Ảnh: Kiên Trung.

Thùng hàng cứu trợ có nhiều găng tay y tế, bà Thu quyết đoán: "Tôi quyết cứ mang xuống trước, bộ đội đang cần. Tôi sẽ vào sổ, sẽ trao nhận sau". Ảnh: Kiên Trung.

Anh thanh niên mang hàng vào, ngập ngừng: “Nhưng cô đợi một lúc, anh chị nhờ chúng cháu chở hàng nói muốn trao tận tay. Anh chị ấy đang chạy vào sau”.

Giọng quyết đoán, bà Thu nói: “Cứ để tôi quyết, lát nữa vào sổ rồi trao nhận sau. Găng tay bộ đội đang cần. Mấy ngày hôm nay, bộ đội thăm tìm người mất tích dưới suối, cần rất nhiều găng tay”.

Rồi, ngay lập tức, bà Thu gọi điện cho một tình nguyện viên là người địa phương, mấy hôm nay túc trực 24/24 ở điểm trường Làng Nủ và là “chân chạy” mang cơm, nước uống… cho “điểm nóng” ngoài hiện trường: “Có găng tay rồi, cháu chạy lên đây mang ra ngoài cho bộ đội”.

Không khí khẩn trương, đầy vội vã. Một chiếc xe máy khệ nệ chở thùng hàng chất đầy, nặng nề vượt con dốc tiến vào trong sân điểm trường cấp 1 Làng Nủ. Hai thanh niên khỏe mạnh chạy ra đỡ hai bên, giúp anh thanh niên dựng chân chống giữa.

Hoàng Thị Nư - cô giám mầm non cắm bản Làng Nủ.

Hoàng Thị Nư - cô giám mầm non cắm bản Làng Nủ.

Những tình nguyện viên kết nối những tấm lòng nhân dân cả nước với người dân vùng lũ Làng Nủ. Ảnh: Kiên Trung.

Những tình nguyện viên kết nối những tấm lòng nhân dân cả nước với người dân vùng lũ Làng Nủ. Ảnh: Kiên Trung.

“Vợ chồng em nhà ở ngã ba Lương Sơn (điểm đầu xã Lương Sơn để vào Làng Nủ, cách thôn bị sạt lở 17km - PV), có anh chị ở trên TP Lào Cai nhờ em chở giúp 500 suất ăn đã nấu sẵn” - anh nói.

Bà Thu lại mặt sấp mặt ngửa, mang cuốn vở mà qua nay nó đã mở ra, đóng vào quá nhiều, để làm nhiệm vụ kế toán, đấy là “vào sổ” số lượng hàng hóa, vật dụng… mà các mạnh thường quân gửi tới cho rốn lũ.

“Giúp việc” cho bà Thu là chục chị phụ nữ cùng xã nhưng khác thôn, mỗi người một việc. Một nhóm ngụp lặn trong hàng cứu trợ là quần áo, chăn màn, phải mở các bao tải, phân loại quần áo để người dân mất nhà, trắng tay sau lũ, ai thiếu thì đến lấy quần áo mặc; nhóm khác hỗ trợ khuân vác hàng cứu trợ; nhóm nước, gạo, mì tôm, đồ khô... Khu vực nhận suất cơm có hai chị em đảm trách, chia sẵn vào các túi ni-lon để đợi đến giờ, sẽ có người chở xe máy “tăng bo” tới khu vực Nhà văn hóa thôn Nủ - nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương, lực lượng chỉ huy tìm kiếm người mất tích, và rất nhiều phóng viên báo chí trực tin…

“Lũ quét trắng cả làng, người còn bị vùi lấp nói gì tới việc chạy đồ đạc. Cho nên bà con trắng tay, chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người thôi” - một chị trung niên nói với tôi, rồi thật thà: “Mấy chị em tôi cũng đang mặc quần áo viện trợ đây. Quần áo bà con tặng còn tốt hơn cả quần áo cũ”.

Những liên lạc viên làng Nủ

Gần 11h, một chiếc xe tải chở đầy hàng hóa dừng trước cổng trường Tiểu học điểm trường Làng Nủ. Anh lái xe loay hoay tìm chỗ đỗ nép vào lề đường, vì còn dành đường cho các xe khác vẫn nối đuôi nhau tìm về Làng Nủ.

 
Hoàng Thị Thắm cùng nhóm bạn tình nguyện làm liên lạc viên, kết nối hàng hóa cứu trợ của các mạnh thường quân đến với người dân vùng lũ. Ảnh: Kiên Trung.

Hoàng Thị Thắm cùng nhóm bạn tình nguyện làm liên lạc viên, kết nối hàng hóa cứu trợ của các mạnh thường quân đến với người dân vùng lũ. Ảnh: Kiên Trung.

Cánh cửa xe bật mở. Một cô gái nhỏ nhắn, trùm áo chống nắng nhanh nhẹn nhảy xuống. Bỏ chiếc mũ vải rộng vành trên đầu, gặp bà Thu, cô giới thiệu: Toàn bộ xe hàng này là hàng cứu trợ, gồm gạo, nước uống, dụng cụ lao động cuốc, xẻng, nồi niêu xoong chảo, chăn màn..., và cả thuốc uống.

Đó là Hoàng Thị Thắm, cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, cùng một nhóm bạn bè ngoài Phố Ràng, đã lập một nhóm ứng cứu hỗ trợ các mạnh thường quân chở hàng cứu trợ đến các vùng khó khăn, sạt lở. Công việc này, gần một tuần nay các cô vẫn làm.

“Các anh chị ở xa không trực tiếp mang hàng tới được, chúng em người Bảo Yên tổ chức những chuyến xe “0 đồng” mang hàng hóa vào trao cho bà con. Giúp đỡ bà con được việc gì, chúng em chia sẻ việc đó” - Thắm chia sẻ.

Điểm trường mầm non và Điểm trường Tiểu học Làng Nủ ở trên đầu dốc, đi xuôi xuống dốc khoảng 500m là một ngã 3, rẽ trái là vào Làng Nủ - nơi vừa bị nhấn chìm; đi thẳng dẫn tới một đập tràn cũng vẫn dẫn vào thôn Nủ. Sở chỉ huy tiền phương tại hiện trường đặt ở nhà văn hóa, nhìn ra mênh mông bùn đất ngập, tổng diện tích bãi sạt lở lên tới 24ha.

 
2 Điểm trường Tiểu học và Mầm non Làng Nủ trở thành địa điểm tiếp nhận hàng cứu trợ của đồng bào tới vùng lũ Làng Nủ. 

2 Điểm trường Tiểu học và Mầm non Làng Nủ trở thành địa điểm tiếp nhận hàng cứu trợ của đồng bào tới vùng lũ Làng Nủ. 

Toàn bộ 35 ngôi nhà đã bị xóa sổ. 2 ngôi nhà còn lại của anh Nguyễn Văn Cai, Nguyễn Tiến An vẫn còn hình dạng, nhưng méo mó, xô xệch trên đống bùn đất, đều không an toàn. Chính quyền đã yêu cầu gia đình hai anh phải sơ tán.

Trong tổng số 158 nhân khẩu làng Nủ, có 17 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện; 57 người an toàn; số người chết và mất tích đến 9h sáng ngày 14/9 là 84 người, hiện vẫn còn 33 người chưa tìm thấy. Để ứng cứu bà con vùng lũ, lực lượng chức năng đang có mặt tại hiện trường 650 cán bộ chiến sỹ, và hàng chục phóng viên báo chí trung ương – địa phương trực tin.

Chưa hết, lực lượng ứng cứu từ các xã lân cận sang giúp Làng Nủ cũng lên tới cả trăm người, gồm các ban ngành, đoàn thể. Trưa ngày 13/9, một đoàn dân quân tự vệ từ ngoài Phố Ràng hành quân vào Làng Nủ, tiếp tục tăng cường cho công tác tìm kiếm…

Bà Trần Thị Thu...

Bà Trần Thị Thu...

Nơi tập kết quần áo từ thiện cho người dân mất nhà do lũ quét tại Làng Nủ.

Nơi tập kết quần áo từ thiện cho người dân mất nhà do lũ quét tại Làng Nủ.

Như vậy, số lượng có mặt tại làng Nủ thời điểm hiện tại lên tới cả nghìn con người. Nhóm tiếp nhận của bà Thu đảm đương nhiệm vụ đó, chia các phần ăn cho vào các túi, đưa tới các khu vực, vị trí của các lực lượng làm nhiệm vụ.

Nhóm phóng viên, báo chí chúng tôi cũng được chăm sóc theo “chế độ” đó, bởi cung đường từ Phố Ràng vào Làng Nủ, chưa có bất kỳ hàng quán ăn nào mở cửa, ai cũng còn lo dọn dẹp đồ đạc, thau rửa nhà cửa bị nước, bùn… ngập.

Hoàng Thị Nự - cô giáo của điểm trường mầm non Làng Nủ - người có mặt 24/24 những ngày qua. Điểm trường của cô Nự hiện đang thành khu tiếp nhận hàng cứu trợ; là chỗ dừng chân nghỉ vội của các chú bộ đội, phóng viên báo chí, và là nơi tá túc của những người mất nhà trong lũ.

“Nhà bà Thu nước cũng ngập, thế nhưng bà ấy vẫn chưa được về để dọn dẹp nhà mình” – chị Nự nói chuyện trong lúc bà Thu vẫn đang cắt đặt người mang cơm xuống dưới hiện trường cho anh em chiến sỹ, vì đã tới giờ ăn trưa.

Xem thêm
Có những thông tin giả gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng

Nói về hệ lụy của tin giả, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vùng hoang vu Quảng Trị: [Bài 2] Bóng tối vây quanh bản làng

Tục đi sim, ảnh hưởng của mạng xã hội, bố mẹ quản lý lỏng lẻo, nhiều bé gái mang bầu bỏ cuộc chơi. Thực tế đau lòng này không hiếm ở các bản làng.