| Hotline: 0983.970.780

Những nhà nông giỏi sáng chế

Thứ Ba 30/01/2024 , 09:00 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Họ là những nông dân chân đất, từ thực tế lao động tự mày mò chế tạo ra nhiều loại máy móc, nông cụ hỗ trợ sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất.

Máy trỉa hạt giống của "kỹ sư chân đất"

Những ngày gần Tết Giáp Thìn, trên những tuyến đường nông thôn mới ở Đồng Nai đủ các loài hoa, cây trái đang khoe sắc xuân, chúng tôi về đây gặp những nông dân vừa đạt giải cao nhất trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật năm 2023 do Sở KH-CN Đồng Nai tổ chức.

Cuối năm, mặc dù công việc luôn tất bật nhưng anh Nguyễn Công Chính (ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) luôn nở nụ cười phấn khởi bởi năm qua là một năm thắng lợi không chỉ với riêng cá nhân anh mà cả với bà con nông dân.

Niềm vui lúc này cũng không chỉ bởi giá lúa gạo tăng cao, nông dân có lợi nhuận lớn mà còn vì năng suất, chất lượng lúa, hoa màu ngày càng được nâng lên. “Tôi cảm thấy rất vui khi mình vừa nhận được giải nhất về chế tạo máy trỉa bắp. Công lao động thời vụ bây giờ khan hiếm cực kỳ nên khi tôi cho “ra lò” cỗ máy này bà con rất chào đón. Tôi cũng tự hào vì mình đã giúp cho bà con giảm chi phí, sức lao động trên cánh đồng và để phục vụ cho ngành nông nghiệp nước nhà”, anh Chính chia sẻ.

Theo anh Chính, trước đây nông dân vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, cây trồng cho năng suất thấp. Không những thế, vào mỗi vụ mùa còn xảy ra tình trạng tổn thất sau thu hoạch hay thương lái ép giá. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh hỗ trợ công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, người dân áp dụng đã mang lại năng suất vượt trội và thu nhập ổn định hơn trước.

Chiếc máy trỉa bắp do anh Nguyễn Công Chính chế tạo. Ảnh: Minh Sáng.

Chiếc máy trỉa bắp do anh Nguyễn Công Chính chế tạo. Ảnh: Minh Sáng.

Mặc dù chỉ là nông dân thuần túy nhưng với sự đam mê ngành kỹ thuật cơ khí, nông dân Nguyễn Công Chính đã tự tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc máy trỉa hạt giống, giúp nâng hiệu suất lao động gấp hàng chục lần so với cách làm thủ công trước kia. Để chế tạo thành công cỗ máy này, anh đã mất 3 năm trời ròng rã miệt mài trong “xưởng cơ khí” của nhà mình và tiêu tốn khoảng nửa tỉ đồng sắm sửa vật dụng. Thậm chí có nhiều bữa anh còn quên ăn quên ngủ vì mải tập trung cho một công đoạn nào đó.

Đứng bên chiếc máy trỉa hạt bắp (ngô) của mình sáng chế, “kỹ sư chân đất” Nguyễn Công Chính tự hào giới thiệu, anh đã bắt đầu nghiên cứu máy trỉa bắp từ năm 2020, đến năm 2023 chiếc máy trỉa hạt được hoàn thiện và trình làng. Ngoài phần đầu máy cày, anh đã mày mò chế tạo thêm hệ thống tạo khí nén các cơ cấu để tách hạt và tạo lỗ tra hạt. Máy hoạt động theo nguyên lý: Hạt giống được các ống hút khí qua bộ phận tách hạt, ở đây có các đĩa đóng mở để từng hạt rơi xuống lỗ, cuối cùng là thao tác lấp đất cũng do máy thực hiện.

Nguyên lý làm việc của máy là sử dụng phần cơ và khí kết hợp lại để trỉa hạt. Cụ thể là phần khí để tách hạt trong khay, khi lấy lên chỉ một hạt đưa qua hệ thống để định vị rồi thả hạt xuống vị trí lỗ mà máy vừa đi qua. Tùy theo chế độ điều chỉnh, chiếc máy này có thể gieo trỉa tất cả các loại hạt với kích cỡ khác nhau, trên các loại địa hình ruộng, rẫy.  

Chiếc máy trỉa hạt có thể gieo trỉa tất cả các loại hạt với kích cỡ khác nhau, trên các loại địa hình ruộng, rẫy. Ảnh: Minh Sáng.

Chiếc máy trỉa hạt có thể gieo trỉa tất cả các loại hạt với kích cỡ khác nhau, trên các loại địa hình ruộng, rẫy. Ảnh: Minh Sáng.

Thú vị hơn khi anh còn thiết kế ra máy trỉa hạt dạng mô đun, mỗi mô đun sẽ tạo thành hai hàng trỉa. Chiếc máy anh đang chạy thử nghiệm còn lắp tới ba mô đun, có thể cùng lúc gieo hạt thành 6 hàng, mỗi mô đun có giá ước tính khoảng 50 triệu đồng.

Anh Chính tâm sự: “Cứ mỗi khi tới mùa trỉa bắp, bản thân tôi và bà con nông dân phải khom lưng từ sáng đến tối, rất cực khổ và đau lưng khủng khiếp. Từ những trăn trở đó, tôi có ý tưởng phải tìm mọi cách để nghiên cứu, thiết kế ra máy trỉa bắp này nhằm giúp chính mình và bà con”.

Theo chủ nhân của cỗ máy, xưa nay, nông dân tỉa bắp bằng cách thủ công như chọc lỗ, dùng máy đi lăn lỗ nên khá vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức. Bây giờ, với cấu tạo tỉa 6 hàng kép, mỗi ngày chiếc máy có thể gieo trỉa được hơn 1ha, bằng cả chục công lao động thủ công làm việc trong 2 ngày với tỷ lệ chuẩn xác đạt đến gần 100%. Chiếc máy này không chỉ giúp giảm thời gian xuống giống, mà còn giảm được 1/3 chi phí tiền thuê mướn công lao động.

“Nhiều nông dân tuy trình độ văn hóa không cao nhưng đã tự mày mò cải tiến và chế tạo ra nhiều loại máy móc, dụng cụ đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân tiết kiệm được công lao động, sản xuất nhàn hơn, giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tất cả những loại máy móc này sẽ được địa phương hỗ trợ nhân rộng mô hình cũng như vốn để nông dân trang bị phục vụ sản xuất trong thời gian tới”, bà Lê Thị Xuân Trang, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc nói.

Cho cá ăn bằng máy sử dụng năng lượng gió

Dù chỉ học hết lớp 9, chưa từng trải qua bất kì lớp đào tạo cơ khí nào nhưng anh Trần Văn Chinh (ở ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cũng tự mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công máy cho cá ăn tự động bằng sức gió, không sử dụng điện.

Anh Trần Văn Chinh tự mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công máy cho cá ăn tự động bằng sức gió, không sử dụng điện. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Trần Văn Chinh tự mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công máy cho cá ăn tự động bằng sức gió, không sử dụng điện. Ảnh: Minh Sáng.

Gia đình anh Chinh có 4 ao nuôi cá koi, diện tích hơn 4ha, do số lượng cá nhiều nên việc cho cá ăn mỗi ngày hai buổi bằng phương pháp thủ công tốn rất nhiều thời gian và công sức. Qua nhiều ngày quan sát, thấy khu vực ao nuôi cá của nhà mình thường có gió lớn nên anh đã nảy ra ý tưởng tận dụng từ những vật dụng thô sơ để sáng chế ra máy cho cá ăn tự động bằng sức gió.

Tuy nhiên, thử thách khó khăn nhất của ông chủ nuôi cá này là thiếu kiến thức về cơ khí, không có bản vẽ chi tiết nên trong quá trình chế tạo anh phải vừa làm vừa tìm hiểu thêm thông tin kỹ thuật để điều chỉnh dần cỗ máy.

“Nếu là kĩ sư thực thụ thì khi sáng chế, chế tạo máy móc họ dùng công cụ máy móc về điện tử đo vẽ. Còn mình chỉ là nông dân sáng chế máy cho mình và nông dân ứng dụng thì cần phải chế những cái đơn giản để không phải tốn kém chi phí nhiều”, anh Chinh bộc bạch.

Từ mô hình nhỏ ban đầu, anh Chinh đã tự mày mò nghiên cứu để quạt hứng được gió, đẩy thức ăn chảy ra máng. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh đã chế tạo thành công chiếc máy cho cá ăn bằng sức gió rất tiện dụng.

Chiếc máy được anh đặt ở giữa ao, khi đến giờ cho cá ăn, anh chỉ cần đổ từng bao cám vào thùng phuy, cánh quạt hứng gió sẽ tự động quay và đẩy thức ăn chảy xuống ao thông qua 4 máng. Cũng từ sức gió, chiếc van xả sẽ tự điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, cám rải đều ra khắp mặt ao, đảm bảo đàn cá có thể tiếp cận thức ăn rất dễ dàng. Anh Chinh phấn khởi tâm sự: “Nhờ chiếc máy này mà tôi rất nhàn, mình có thể làm được nhiều việc khác trong thời gian cho cá ăn, chẳng cần phải xách từng xô thức ăn chạy vòng quanh ao như trước nữa”.

“Trong năm mới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu việc nuôi kết hợp giữa tôm càng xanh và cá koi nhằm tận dụng nguồn thức ăn dư thừa trong ao. Nếu mô hình này thành công thì sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ tổ chức nhân rộng”, anh Chinh hào hứng chia sẻ.

Nhiều loại máy cho tôm, cá ăn tự động được những người nông dân giỏi công nghệ sáng chế ra phục vụ cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Sáng. 

Nhiều loại máy cho tôm, cá ăn tự động được những người nông dân giỏi công nghệ sáng chế ra phục vụ cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Sáng. 

Hiện nay, mỗi năm gia đình anh Chinh xuất ra thị trường khoảng 12 tấn cá cảnh giống, lợi nhuận cả tỉ đồng. Vào những ngày cuối năm, trại nuôi cá cảnh giống chất lượng cao của gia đình anh Chinh luôn tiếp đón rất đông bạn hàng, các đoàn khách trong và ngoài tỉnh ghé tham quan và mua cá cảnh về chơi xuân.

Ông Lại Thế Thông - Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai cho biết: "Cuộc thi dành cho nông dân hay những sáng tạo kỹ thuật trong nông nghiệp sẽ giúp nông dân có thêm nhiều kiến thức mới về lĩnh vực khoa học công nghệ. Chúng tôi tổ chức nhiều cuộc thi và trao giải để tôn vinh họ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Thủ phủ hoa cúc miền Trung sẵn sàng cho thị trường Tết

Quảng Ngãi Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.