| Hotline: 0983.970.780

Những sản phẩm OCOP làm rạng danh nông sản, làng nghề Ứng Hòa

Thứ Bảy 23/11/2024 , 14:49 (GMT+7)

Tại những hội chợ, triển lãm ở huyện cũng như thành phố nhiều mặt hàng OCOP của Ứng Hòa đã gây được sự chú ý, từ lương thực, thực phẩm đến thủ công mỹ nghệ.

Trong số những chủ cơ sở sản xuất hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội thì Nguyễn Thu Phương - chủ thương hiệu Từ Bi Hương được đánh giá là một người trẻ nhưng năng nổ, dám nghĩ khác, làm khác.

Vượt lên những lối mòn cũ cô đã sáng tạo ra những sản phẩm mới đồng thời nhanh nhạy học tiếng Anh, học marketing để có thể đem que hương bé nhỏ của quê mình xuất khẩu đi nhiều nước.

Năm 2021 cô có 4 sản phẩm hương đạt OCOP 3 sao, năm 2022 cô có 4 sản phẩm hương đạt OCOP 4 sao vì độ hoàn thiện, tinh tế của nụ trầm Từ Bi Hương, nụ trám Từ Bi Hương, nụ quế Từ Bi Hương, hương vòng lúc ấy đã cao hơn hẳn.

Phơi hương ở Quảng Phú Cầu. Ảnh: NNVN.

Phơi hương ở Quảng Phú Cầu. Ảnh: NNVN.

Từ năm 2021 đến quý I năm 2024, UBND huyện Ứng Hòa đã hỗ trợ hơn 400 triệu đồng thực hiện tư vấn hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho các chủ thể và hỗ trợ điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Thời gian đầu, huyện đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, công nhận 44 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao (gồm sản phẩm gạo Japonica giống Nhật JO2 (gạo chất lượng Khu Cháy) của HTX Sản xuất Kinh doanh Nông nghiệp Đoàn Kết; sản phẩm bưởi Diễn của HTX Nông nghiệp Hòa Xá; sản phẩm nụ trầm Từ Bi Hương, nụ trám Từ Bi Hương, nụ quế Từ Bi Hương, hương vòng của hộ kinh doanh Nguyễn Thu Phương, xã Quảng Phú Cầu; sản phẩm đàn tì bà gỗ hương khảm trai, đàn bầu gỗ mun khảm trai, đàn nguyệt gỗ mun khảm trai, đàn tranh gỗ mun khảm trai, đàn nhị gỗ hương, đàn đáy gỗ hương, đàn tam gỗ hương của hộ kinh doanh sản xuất nhạc cụ Cường Anh, xã Đông Lỗ) và 31 sản phẩm 3 sao.

Năm 2023, huyện đã có 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 5 sản phẩm tiềm năng đạt 4 sao, hoàn thiện hồ sơ trình thành phố đánh giá, phân hạng, vượt 8,3% chỉ tiêu với tổng số 70 sản phẩm được công nhận OCOP (17 sản phẩm 4 sao và 53 sản phẩm 3 sao).

Đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP lần 1 năm 2024, Ứng Hòa có 23 sản phẩm tham gia đánh giá và chấm điểm trong đó có 17 sản phẩm đánh giá mới và 6 sản phẩm đánh giá. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã đánh giá 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: Áo dài cách tân, áo dài cổ phục, áo dài thêu tay, áo dài truyền thống, áo dài vẽ tay của Trạch Xá và giò lụa Thuý Mạnh.

Có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: 3 sản phẩm hương; 4 sản phẩm đèn (đèn lồng, đèn mây, đèn lá, đèn sóng); 2 sản phẩm áo dài (áo bà ba, áo chăn bông) và các sản phẩm bánh dày, patê gan vịt, vịt nướng Thuý Mạnh, giò lụa, chả Hoa Long, chả cá, trứng vịt.

Sản xuất đàn ở xã Đông Lỗ. Ảnh: NNVN

Sản xuất đàn ở xã Đông Lỗ. Ảnh: NNVN

Ông Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, Ứng Hòa trong thực hiện chương trình OCOP sẽ tiếp tục đổi mới cách thức quảng bá, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, tạo hướng đi mới trong kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, địa phương đã và đang xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của từng vùng trên địa bàn; Phát triển chuỗi cung ứng ngắn (chuỗi trực tiếp) một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, an toàn thực phẩm như chuỗi rau an toàn, rau hữu cơ tại các xã Phù Lưu, Hồng Quang, Sơn Công, chuỗi thủy sản tại Trầm Lộng, chuỗi lợn Ứng Hòa.

Có 3 HTX tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên gồm HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết có sản phẩm gạo J02 đạt 4 sao; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Xá có sản phẩm bưởi Diễn đạt 4 sao, HTX VietGAP Đồng Tiến có sản phẩm bưởi Diễn đạt 3 sao.

Sản phẩm chả, giò Thúy Mạnh. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm chả, giò Thúy Mạnh. Ảnh: NNVN.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn mà nói, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ứng Hòa vẫn còn một số hạn chế khi tham gia chương trình OCOP,  chưa phát huy hết tiềm năng của các xã, thị trấn, các sản phẩm chưa đa dạng. Đa số các chủ thể thường sử dụng kênh bán hàng truyền thống, thị trường tiêu thụ chủ yếu tập trung trong thành phố, chưa chú trọng đến hệ thống phân phối và ít quan tâm đến hoạt động quảng bá; nhiều cơ sở sản xuất chưa có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm, chưa ghi hồ sơ lô sản xuất…

Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền chương trình OCOP tại một số xã chưa thực sự sâu rộng, quy mô sản xuất của các cơ sở sản xuất chủ yếu còn nhỏ lẻ, kiến thức về kinh doanh, tiếp cận thị trường còn yếu.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM TP Hà Nội

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.