Ngày 14/8, Tổng cục Hải quan Nigeria thông báo về việc hạ thuế nhập khẩu 6 loại mặt hàng lương thực xuống 0%, đồng thời miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho một số sản phẩm khác.
Trong nhóm 6 sản phẩm được hưởng lợi về thuế nhập khẩu có gạo lứt (mã HS 1006.20.00.00). Ngoài ra, còn lúa miến, kê, ngô, lúa mì và đậu.
Chính sách mới của quốc gia Tây Phi bắt đầu được thực hiện từ ngày 15/7 đến ngày 31/12/2024.
Có giá khá cao nhưng gạo lứt không nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực của ngành hàng lúa gạo. Bù lại, Việt Nam có một số loại được đánh giá cao. Tiêu biểu có sản phẩm gạo lứt Japonica được các thị trường châu Á ưa chuộng.
Thương vụ Việt Nam tại Nigeria cho biết, doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi về nhập khẩu hàng hóa theo chính sách mới cần thỏa mãn: Có đăng ký kinh doanh tại Nigeria và đã hoạt động ít nhất 5 năm; Có đầy đủ báo cáo doanh thu và báo cáo tài chính hàng năm, đóng đầy đủ các loại thuế theo quy định trong 5 năm gần nhất.
Riêng đối với các công ty nhập khẩu gạo lứt và kê cần sở hữu nhà máy xay xát, với năng lực khoảng 100 tấn mỗi ngày, và hoạt động trong 4 năm. Đồng thời, có đủ đất nông nghiệp cho hoạt động canh tác.
Phía Nigeria cũng khuyến cáo các công ty nhập khẩu phải giữ ghi chép cho tất cả hoạt động liên quan đến chính sách mới, phục vụ yêu cầu kiểm tra, xác minh việc tuân thủ. Trường hợp không đáp ứng, công ty sẽ mất ưu đãi miễn thuế và phải trả các loại thuế theo quy định như thuế nhập khẩu, thuế phụ thu và thuế VAT.
Bộ Tài chính Nigeria sẽ cung cấp cho Tổng cục Hải quan nước này danh sách các nhà nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu được cấp phép theo quy định mới.
Nigeria là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi, theo Bộ Công thương. Dù vậy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước không duy trì được sự tăng trưởng hàng năm. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nigeria đều chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam (chưa tới 0,1%).
Tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, ông Abubakar Abdullahi, Tổng cục trưởng Kỹ thuật và Cơ giới hóa - Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nigeria, cho biết, nước này có sản lượng gạo xay xát khoảng 5,56 triệu tấn (năm 2023) nhưng nhu cầu của hơn 200 triệu dân lên tới 7,83 triệu. Khoảng 2,3 triệu tấn gạo còn lại, nước này phải nhập khẩu.
Chính phủ Nigeria nhận định, chính sách mới nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt mà không ảnh hưởng tới chiến lược lâu dài để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Song song với việc điều tiết giá cả hàng hóa lương thực tại thị trường Nigeria theo hướng giúp người dân Nigeria có thể mua được hàng hóa thiết yếu với giá thành rẻ hơn, nước này đặt mục tiêu giải quyết những thách thức về an ninh lương thực có thể xảy ra.