| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên từ ‘khó - khô - khổ’

Chủ Nhật 28/04/2024 , 14:13 (GMT+7)

Đến 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với 12 đô thị hiện đại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: MP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: MP.

Phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân 10-11%/năm

Sáng 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023. Theo đó, tỉnh này đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10-11%/năm giai đoạn 2021-2030.

Đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng. Đến 2050, tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.

Tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ quy hoạch bố trí không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Theo ông Trần Quốc Nam, tỉnh sẽ tập trung triển khai theo hướng thu hút đa dạng các nguồn lực vào 5 trụ cột chính có tính cạnh tranh cao gồm: phát triển năng lượng và năng lượng tái tạo (chiếm 12% GRDP); du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng (chiếm 15% GRDP; công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 40% GRDP); nông nghiệp công nghệ cao chiếm 7 - 8% GRDP và phát triển thị trường bất động sản nhanh, bền vững (chiếm 19 - 20% GRDP).

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: MP.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: MP.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực và 3 hành lang phát triển.

Cụ thể, 4 vùng lãnh thổ gồm vùng trung tâm (TP. Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận), vùng phía Bắc (huyện Thuận Bắc và Ninh Hải), vùng phía Tây (huyện Ninh Sơn và Bác Ái) và vùng phía Nam (huyện Ninh Phước và Thuận Nam).

Ba vùng động lực gồm vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm để phát triển các dịch vụ trung tâm; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với quy mô dự kiến khoảng 43.900 ha để phát triển công nghiệp - cảng biển - năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch; vùng phát triển phía Tây để phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch.

Ba hành lang kinh tế phát triển tại các trục tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam Quốc lộ 1, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; trục Đông - Tây, Quốc lộ 27, 27B và không gian sinh thái dọc sông Dinh, Vườn quốc gia Phước Bình và hành lang phát triển ven biển để phát triển.

Chuyển mình vươn lên từ khó - khô - khổ

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ninh Thuận là địa phương còn nhiều khó khăn, thế nhưng những năm qua tỉnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên từ khó - khô - khổ. Từ đó đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: MP.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: MP.

Đối với định hướng quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng đánh giá cao. Tuy nhiên để hiện thực hóa Quy hoạch này ông đề nghị tỉnh phải bám sát các chủ trương của Đảng, quy hoạch tổng thể của Quốc gia nói chung và của khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng.

Đồng thời tập trung huy động các nguồn lực, lấy con người làm trung tâm để phát triển, đảm bảo quy hoạch có tính tổng thể, thực hiện có phân kỳ, tập trung, hiệu quả. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực tự cường, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để phát huy tối đa những tiềm năng lợi thế sẵn có để phát triển hài hòa, hợp lý, mang tính tổng thể.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế hiện nay nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng là nâng cao mức sống của người dân.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận trao quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.800 tỉ đồng; đồng thời ký bản ghi nhớ với 7 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỉ đồng.

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 12 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là TP. Phan Rang - Tháp Chàm; 4 đô thị loại IV; 7 đô thị loại V. Đồng thời phát triển 6 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) thuộc dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị - du lịch.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.