Riêng đối với huyện Thuận Bắc và huyện Thuận Nam cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 4 toàn huyện.
Theo đó, UBND tỉnh giao các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao căn cứ cấp độ rủi do thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Giao Sở NN-PTNT làm cơ quan đầu mối, cùng với các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức tổ chức triển khai thực hiện, cập nhật diễn biến tình hình hạn hán và chủ động báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục đảm bảo kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Nhiều hồ chứa dưới mực nước chết
Theo Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, tính đến nay, dung tích trữ tại 21 hồ chứa trên địa bàn do Cty quản lý hiện chỉ còn trên 25 triệu m3, chiếm hơn 13% tổng dung tích thiết kế.
Đáng chú ý, hiện có 11/21 hồ chứa mực nước xấp xỉ và dưới mực nước chết gồm hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Tân Giang, CK7, Suối Lớn, Sông Biêu, Nước Ngọt, Ông Kinh, Tà Ranh, Lanh Ra và Cho Mo.
Đối với hồ Đơn Dương cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận qua hệ thống thủy lợi Đa Nhim - Lâm Cấm, hiện lượng nước đến nay chỉ còn 59,61 triệu m3, đạt hơn 36% so với dung tích thiết kế. Trong đó, lưu lượng nước về hồ trong tháng 4/2020 là 5,88 m3/s, thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) là 3,7 m3/s. Còn từ đầu tháng 5/2020 đến nay, lưu lượng nước về hồ là 2,75m3/s, thấp hơn TBNN là 15,11 m3/s; lưu lượng chạy máy bình quân của hồ là 8,73m3/s, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 năm 2019 là 15,95m3/s và TBNN 9,63m3/s.
Ông Đặng Kim Cương, GĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh ngày càng gay gắt. Bởi từ đầu năm đến nay, trên địa bàn hầu như không mưa hoặc có mưa cục bộ với lượng mưa thấp.
Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Thuận, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng trong khoảng 1-2 tháng tới. Riêng trong tháng 5/2020, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ. Còn trong tháng 6,7,8 ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN. Nhiệt độ trung bình từ tháng 5-9/2020 phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ khoảng khoảng 0,5-1,0 độ C. Trên các sông suối khu vực tỉnh trong thời kỳ từ tháng 5 đến tháng 9, chủ yếu ít biển đối xen kẽ có dao động nhỏ đến lũ nhỏ. Riêng tháng 10 khả năng có lũ xấp xỉ BĐ2-BĐ3. Lượng dòng chảy trên các sông suối phổ biến thiếu hụt từ 40-60% so với TBNN, một số dòng suối nhỏ tắt dòng vào thời kỳ này.
Không để dân thiếu nước sinh hoạt
Trước tình hình khô hạn nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh, mới đây lãnh đạo UBND tỉnh cùng với các ngành đi kiểm tra thực tế tình hình công tác ứng phó hạn hán, công tác đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân tại một số vùng khó khăn.
Theo đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.880 hộ/7.249 khẩu xảy ra tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt. Tuy nhiên các ngành, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, với mục tiêu: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh…”
Cụ thể, hiện nguồn nước suối Lồ ô đang suy giảm, Trung tâm Nước sạch-VSMTNT đã triển khai thi công lắp đặt tuyến ống đặt tại vị trí sâu nhất của đập dâng chứa nước suối này, để khai thác triệt để nguồn nước thô cung cấp cho hệ thống cấp nước sinh hoạt Đá Hang-Vĩnh Hy. Đây là hệ thống đang cung cấp nước sinh hoạt cho 830 hộ/3.279 nhân khẩu ở các thôn Cầu Gãy, Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Tuy nhiên từ nay đến ngày 25/5 nếu không có mưa, suối Lồ ô hết nước, cần có phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.
Còn tại thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn) với 180 hộ/684 khẩu sử dụng nước giếng và suối Ma Nhông để sinh hoạt. Đến ngày 6/5 do nguồn nước cạn kiệt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với địa phương chở nước sinh hoạt từ nhà máy nước Hòa Sơn cấp cho thôn này, mỗi ngày 20m3 nước (tiêu chuẩn 30 lít nước/ngày), đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.
Bên cạnh đó, nguồn nước thô từ suối Ma Nhông cung cấp cho hệ thống cấp nước sinh hoạt Ma Nới phục vụ nước sinh hoạt cho 830 hộ/3.279 khẩu thuộc các thôn Ú, Do, Hà Dài, Gia Rót cũng đã cạn kiệt từ ngày 6/5. Do đó, Trung tâm Nước sạch – VSMTNT đã chủ động đào hồ chứa nước tại suối Ma Nới để bơm nước cấp cho hệ thống cấp nước sinh hoạt Ma Nới. Đồng thời Trung tâm cũng đã phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch chở nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Đối với 71 hộ/256 khẩu thôn Bình Tiên, xã Công Hải (Thuận Bắc) thiếu nước sinh hoạt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng chính quyền địa phương nhà nhà đầu tư dự án Khu du lịch Bình Tiên chở nước đến Trạm Biên phòng Bình Tiên bơm vào 2 bồn Inox (mỗi bình 40m3). Đồng thời các đơn vị cũng đang tiến hành khảo sát, khoan giếng để bơm xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phục nhu cầu ăn uống cho nhân dân.
Phải có phương án chở nước sinh hoạt phục vụ cho nhân dân
Mới đây, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký văn bản chỉ đạo các huyện phối hợp ngành NN-PTNT, lực lượng quân đội, công an…khẩn trương rà soát, tính toán có phương án cụ thể ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi nhất, để chủ động triển khai ứng phó với mọi tình huống nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến về diễn biến tình hình hạn hán, khó khăn nước sinh hoạt, nâng cao nhận thức nhân dân trong công tác ứng phó, đặc biệt sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước và chia sẻ nguồn nước sinh hoạt. Sử dụng tiết kiệm, triệt để nguồn nước thô để cung cấp hệ thống nước sinh hoạt; tổ chức nạo vét, sửa chữa giếng cũ và đào, khoan giếng mới… kết hợp kiểm tra, xử lý nguồn nước đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để phục vụ cho nhân dân. Đồng thời có phương án chở nước sinh hoạt phục vụ nhân dân đảm bảo kịp thời, hiệu quả khi nguồn nước từ hệ thống cấp nước và giếng không đủ phục vụ cho nhân dân…