Tính đến ngày 30/3/2020, mực nước tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 41,22 triệu m3, đạt 22,5% so với dung tích thiết kế (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 là 2,4%, năm 2016 là 1,9% và cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 9,4%).
Một số hồ chứa như Ông Kinh, Phước Trung, Phước Nhơn, Tân Giang, Suối Lớn, Sông Biêu, Nước Ngọt, Cho Mo, Tà Ranh, Lanh Ra…dung tích trữ đã xuống dưới hoặc xấp xỉ mực nước chết. Dòng chảy một số sông suối nhỏ giảm nhanh lưu lượng.
Bên cạnh đó, mực nước hồ Đơn Dương còn 89 triệu m3, đạt 55% so với dung tích thiết kế (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 là 18,9%, năm 2016 là 8,4% và năm 2016 là 11,7%), lưu lượng nước vào hồ là 3,76% và đang xả nước với lưu lượng là 12,64m3/s.
Ngành NN-PTNT Ninh Thuận xây dựng kịch bản sản xuất vụ Hè Thu năm 2020 theo 03 phương án, cụ thể như sau:
Phương án 1: Trong điều kiện thời tiết đến tháng 4/2020 trên địa bàn tỉnh không mưa, các hồ không có nước đến bổ sung; hồ Đơn Dương dung tích đạt khoảng 70 triệu m3 nước: dừng sản xuất lúa tại khu tưới của 21 hồ chứa; bố trí sản xuất các khu tưới của hệ thống Sông Pha, Lâm Cấm, vùng đầu kênh Nam, kênh Chàm, kênh Bắc của đập Nha Trinh và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với tổng diện tích vụ là 17.159 ha. Diện tích dừng sản xuất là 15.360 ha, trong đó lúa 10.837 ha, màu 4.523 ha.
Phương án 2: Trong điều kiện thời tiết đến tháng 4/2020 trên địa bàn tỉnh không mưa, các hồ không có nước đến bổ sung; hồ Đơn Dương dung tích đạt khoảng 90 triệu m3 nước: dừng sản xuất lúa tại khu tưới của 21 hồ chứa; bố trí sản xuất các khu tưới của hệ thống Sông Pha, Lâm Cấm, vùng đầu kênh Nam, kênh Chàm, kênh Bắc của đập Nha Trinh và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với tổng diện tích vụ là 21.390 ha. Diện tích dừng sản xuất là 11.189 ha, trong đó lúa 6.742 ha, màu 4.447 ha.
Phương án 3: Trong điều kiện có mưa trên diện rộng, dung tích các hồ chứa trên địa bàn đạt trên 65% dung tích thiết kế, dung tích hồ Đơn Dương đạt trên 120 triệu m3 nước: Diện tích sản xuất dự kiến là 25.918 ha.
Ngoài ra, việc làm trước mắt là nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất, tránh lãng phí nguồn nước.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ thực vật và vệ sinh thú y cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn nông dân kịp thời xử lý khi ở phạm vi nhỏ, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.