| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận tăng tốc xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 30/10/2023 , 17:44 (GMT+7)

Từ sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận được vận hành suôn sẻ.

Tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận sẽ có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh đã có 2 huyện đạt chuẩn. Cũng với mốc 2025, Ninh Thuận sẽ phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đường vào xã nông thôn mới Phước Hải, huyện Ninh Phước. Ảnh: TL.

Đường vào xã nông thôn mới Phước Hải, huyện Ninh Phước. Ảnh: TL.

Tính đến tháng 9/2023, Ninh Thuận đã có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 sẽ tăng lên 38 xã và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Số thôn đạt chuẩn nông thôn mới hiện có 38 thôn và có 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để có được kết quả trên, Sở NN-PTNT Ninh Thuận phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành 5 Nghị quyết, 9 quyết định và 15 Kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đồng bộ yêu cầu quản lý, điều hành thực hiện chương trình.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Kế hoạch truyền thông phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng được UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành cụ thể, chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ngành, địa phương chủ động tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ví như tuyên truyền miệng cho đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền thông qua pa-nô, áp-phích; tuyên truyền các cuộc thi, phong trào và các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; các phong trào “Dân vận khéo”, “Phụ nữ xách giỏ đi chợ”; “Ngày Chủ nhật xanh”, “Mô hình Thắp sáng đường quê”, “Mô hình Camera an ninh”, “Chuyển đổi số phục vụ xây dựng nông thôn mới hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.

Làng gốm Bàu Trúc thu hút du khách đến tham qua, trải nghiệm. Ảnh: TL.

Làng gốm Bàu Trúc thu hút du khách đến tham qua, trải nghiệm. Ảnh: TL.

“Để tăng quyền chủ động cho cơ sở và hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành các Quyết định quy định phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh và phân công các Sở, ban, ngành; các hội, đoàn thể phụ trách tiêu chí và hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới đến năm 2025”, ông Đặng Kim Cương cho biết.

Nâng cao đời sống người dân nông thôn

Cũng theo ông Đặng Kim Cương, Ninh Thuận xác định nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống kinh tế-xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn.

Tuy nhiên hiện nay, tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Ninh Thuận vẫn còn một số vướng mắc. Ví như hiện nay trên địa bàn Ninh Thuận chỉ có một vài địa phương đã lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2021-2025, hầu hết những địa phương còn lại đang vướng về quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới do đã hết thời hạn, không đáp ứng theo yêu cầu của tiêu chí quy hoạch giai đoạn 2021-2025.

Làng quê nông thôn huyện Ninh Hải. Ảnh: TL.

Làng quê nông thôn huyện Ninh Hải. Ảnh: TL.

Để khắc phục thực trạng trên, đáp ứng yêu cầu theo tiêu chí quy hoạch, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Thuận đã phân bổ 26,8 tỷ đồng cho các huyện, xã để lập mới; hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết trung tâm hành chính xã hoặc điểm dân cư nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chí và yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến hết năm 2023, toàn bộ các huyện, xã trên địa bàn Ninh Thuận sẽ hoàn thành công tác quy hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch.

Cũng từ nguồn vốn ngân sách do Trung ương phân bổ, các địa phương trên địa bàn Ninh Thuận đã đầu tư 66 dự án theo lộ trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn với đô thị và kết nối các vùng miền. Kinh phí phân bổ năm 2022 là hơn 69,2 tỷ đồng, năm 2023 hơn 93 tỷ đồng để thực hiện 43 dự án. Trong đó, có 15 dự án khởi công mới và 28 dự án chuyển tiếp của năm 2022. Đến nay, toàn bộ 15 dự án khởi công mới đã được phân khai chi tiết kế hoạch vốn và đang triển khai thi công.

“Ngoài nguồn vốn Trung ương phân bổ, tỉnh Ninh Thuận cũng đã bố trí ngân sách địa phương đối ứng và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; huy động người dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất... để xây dựng. Trong năm 2023, Ninh Thuận cũng đã triển khai thí điểm xây dựng Trung tâm thu mua, cung ứng nông sản an toàn cấp huyện tại huyện Ninh Sơn”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.