| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới Ninh Thuận ngọt ngào nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Thứ Ba 18/07/2023 , 06:54 (GMT+7)

Bằng việc huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn, 3 năm nay Ninh Thuận đã huy động hơn 1.505 tỷ đồng để thực hiện đồng bộ 11 nội dung trong xây dựng nông thôn mới.

Nhiều kết quả nổi bật

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành  4 Nghị quyết, 9 quyết định và 14 kế hoạch phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Bộ mặt làng quê và đời sống người dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam nhờ đạt chuẩn nông thôn nâng cao. Ảnh: M.P.

Bộ mặt làng quê và đời sống người dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam nhờ đạt chuẩn nông thôn nâng cao. Ảnh: M.P.

Các hội, đoàn thể; các sở, ngành, địa phương các cấp ở Ninh Thuận đã triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần thực hiện tốt các nội dung, tiêu chí NTM. Công tác kiểm tra, giám sát được các ngành, địa phương chủ động phối hợp thực hiện, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở.

“Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp tham gia xây dựng NTM; các ngành, địa phương đã tổ chức 27 lớp tập huấn cho gần 1.200 lượt cán bộ, công chức theo các chuyên đề khung của chương trình; đồng thời, Văn phòng điều phối NTM tỉnh Ninh Thuận đã ban hành, cấp phát 2.500 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh cung cấp cho các Sở, ngành, địa phương tham khảo thực hiện”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho hay.

Cũng theo ông Cương, bằng việc huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn, giai đoạn này, Ninh Thuận đã huy động hơn 1.505 tỷ đồng để thực hiện đồng bộ 11 nội dung thành phần của chương trình. Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh; sản xuất đã từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các ngành y tế, văn hóa, giáo dục và môi trường đều được quan tâm phát triển với nhiều chương trình, kế hoạch được tiếp tục triển khai theo hướng nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị và an ninh, quốc phòng được củng cố, phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới.

Diện mạo nông thôn của Ninh Thuận ngày càng rạng rỡ, khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp.

Bức bích họa được vẽ trên tuyến đường ven biển huyện Ninh Hải góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới xanh, sạch đẹp. Ảnh: M.N.

Bức bích họa được vẽ trên tuyến đường ven biển huyện Ninh Hải góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới xanh, sạch đẹp. Ảnh: M.N.

“Kết quả đến nay, ngoài việc tiếp tục duy trì 2 huyện đạt chuẩn NTM, Ninh Thuận đã có 31/47 xã đạt chuẩn NTM, bình quân tiêu chí đạt 16,6 tiêu chí/xã; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 38 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sẽ có 4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 38 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 216 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 13 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Còn đó những khó khăn

Theo ông Đặng Kim Cương, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM của địa phương đã bộc lộ một số tồn tại, khó khăn, hạn chế mà Ninh Thuận  cần phải tập trung tháo gỡ, để nâng cao chất lượng và đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Đó là sự chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền ở Ninh Thuận được thấy rất rõ. Ví như huyện Bác Ái vẫn là “huyện trắng” về xây dựng NTM, bởi chưa có xã đạt chuẩn NTM. Các huyện Bác Ái, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chưa có thôn đạt chuẩn NTM. Các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ở Ninh Thuận vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Chất lượng tiêu chí vẫn còn ở mức thấp, nhiều xã đạt chuẩn giai đoạn trước không duy trì được 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.

Sự chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền ở Ninh Thuận ngày càng rõ. Ảnh: M.P.

Sự chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền ở Ninh Thuận ngày càng rõ. Ảnh: M.P.

Vướng mắc mới phát sinh là bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu mới; mức đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước nên khó thực hiện. Thời gian ban hành bộ tiêu chí chậm gây lúng túng cho các địa phương trong việc rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cho từng tiêu chí. Một số nội dung tiêu chí ban hành chưa phù hợp với thực tế nên khó thực hiện, đánh giá.

Ông Đặng Kim Cương đơn cử: Ví như bộ tiêu chí NTM cấp xã không đảm bảo tính liên thông trong việc đánh giá từ chuẩn NTM lên chuẩn NTM nâng cao đối với tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Hoặc như tiêu chí thu nhập thay đổi phương pháp đánh giá, rất khó để cấp xã thực hiện do không có chuyên môn, kinh phí. Chưa có sự thống nhất về xác định qui mô thành viên và xếp loại đánh giá  HTX Nông nghiệp theo Thông tư hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch-Đầu tư.

Các tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm bổ sung thêm rất nhiều nội dung mới như: Tổ khuyến nông cộng đồng, mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm OCOP 3 sao; phân loại chất thải tại nguồn, hỏa táng... trước đây chưa thực hiện. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí NTM cấp huyện cũng có 1 số chỉ tiêu rất khó thực hiện.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở N-PTNT Ninh Thuận cho hay, các chương trình chuyên đề gắn với xây dựng NTM trên địa bàn đều triển khai chậm, chưa có hướng dẫn cụ thể; chưa được phân bổ vốn bổ sung để triển khai thực hiện.

Bộ NN-PTNT mới phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc 4 chương trình chuyên đề gồm: Chương trình OCOP, chương trình chuyển đổi số, chương trình phát triển du lịch nông thôn và chương trình khoa học - công nghệ.

Để triển khai cần phải tiến hành lập dự án chi tiết, cụ thể trình phê duyệt mới triển khai thực hiện được. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các địa phương và qua làm việc trực tiếp với một số xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023, cho thấy các Sở, ngành được phân công phụ trách chưa thật sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.