| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực chữa cháy rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Thứ Hai 06/05/2024 , 14:59 (GMT+7)

Tây Ninh Khoảng 8 ha rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát bất ngờ phát hoả nghi do người dân bất cẩn dẫn đến cháy lan, tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực dập lửa.

Ngày 6/5, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân vừa có thông tin về vụ việc cháy rừng trên diện tích lớn, xảy ra tại Khoảnh 3 và Khoảnh 6, Tiểu khu 5 (khu vực cầu 15), thuộc Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực dập lửa. Ảnh: Trần Trung.

Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực dập lửa. Ảnh: Trần Trung.

Cụ thể lực lượng chức năng phát hiện đám cháy xảy ra lúc 10 giờ 30 phút ngày 4/5, đến 4 giờ 30 ngày 5/5 thì cơ bản đã khống chế được đám cháy.

Trước đó, tỉnh Tây Ninh đã huy động 107 người tham gia chữa cháy gồm: Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát 40 người, Kiểm lâm 12 người, Biên phòng 8 người, xã Tân Lập 25 người, Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Tân Biên 3 người, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy huyện Tân biên 5 người, Ban quản lý các Khu di tích cách mạng miền Nam 4 người và Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng 10 người cùng nhiều phương tiện, công cụ chữa cháy dập lửa.

Nguyên nhân cháy bước đầu xác nhận có thể do người dân đốt thực bì làm cháy lan. Diện tích rừng bị cháy khoảng 8 ha rừng nghèo, chủ yếu dây leo, tre gai, cây ngã đổ năm 2021 do mưa dông, lốc xoáy.

Chủ tịch UBND huyện Tân Biên Nguyễn Thị Thành cho biết thêm, ghi nhận đến chiều 5/5, các lực lượng phòng cháy chữa cháy hiện vẫn đang xử lý các điểm còn ngún khói tại khu vực xảy ra cháy.

Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát cho biết, hiện tại Vườn quốc gia đang quản lý diện tích rừng khoảng 30.000 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là khoảng 23.500 ha, rừng trồng 3.900 ha, còn lại là các diện tích trảng cỏ, bàu. Dự báo năm nay thời tiết khắc nghiệt và khả năng kéo dài, ngay từ đầu mùa khô, Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các lực lượng trú đóng trên địa bàn để triển khai công tác phòng chống cháy rừng.

Bà Trần Thị Ngân Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, đa số các vụ cháy rừng đều do ý thức của người dân, nhất là nguy cơ xảy ra cháy từ việc đi bắt ong mùa khô. Hiện ngành kiểm lâm vẫn đang tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, các xã có rừng tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức về phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng đến từng hộ dân. Các đơn vị bảo vệ rừng đã nghiêm cấm việc sử dụng các vật liệu dễ cháy ở trong rừng, vì thực hiện tốt vấn đề này thì có thể kéo giảm nguy cơ cháy rừng.

Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh tuần tra bảo vệ rừng trong mùa khô. Ảnh: Trần Trung.

Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh tuần tra bảo vệ rừng trong mùa khô. Ảnh: Trần Trung.

Từ đầu năm đến nay, Tây Ninh đã xảy ra khoảng 7 vụ cháy rừng, với diện tích cháy khoảng trên 10 ha. Rất may, đơn vị chủ rừng đã kịp thời phát hiện và chủ động chữa cháy, không để cháy lan ra diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về rừng.

“Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có khoảng trên 73.000 ha rừng, trong đó diện tích có rừng là hơn 66.000 ha, đang trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp độ 5, tức cấp độ cực kỳ nguy hiểm. Để đảm bảo phòng chống cháy rừng, các huyện có rừng xây dựng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, vận hành các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy rừng tránh bị động, lúng túng khi xảy ra cháy rừng; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn”, bà Trần Thị Ngân Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.