| Hotline: 0983.970.780

Nỗi đau một bác sỹ

Thứ Năm 29/11/2012 , 09:12 (GMT+7)

Chia tay những phận đời yểu mệnh, tôi tìm gặp BS.TS Phùng Tuyết Lan, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương.

BS Phùng Tuyết Lan, Phó trưởng khoa Ung bướu, BV Nhi Trung ương

Chia tay những phận đời yểu mệnh, tôi tìm gặp BS.TS Phùng Tuyết Lan, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Gặp chị, biết rằng, hơn 10 năm trong nghề, BS Lan luôn ám ảnh những ánh mắt bệnh nhi ung thư trong cơn đau hành hạ...

>> Những phận đời... yểu mệnh!

"Xin đừng hỏi tôi"

Bận rộn chóng mặt với đống hồ sơ bệnh án của bệnh nhi đang điều trị, bệnh nhi mới nhập viện trong ngày đang chờ phác đồ điều trị nhưng BS Phùng Tuyết Lan vẫn giành ít phút để nói chuyện với tôi. Chị không quên kèm lời nhắn nhủ: “Nhà báo hỏi gì cũng được, chỉ xin đừng nhắc chuyện trẻ rời xa cuộc đời".

Vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt nhỏ nhắn thanh thoát kèm giọng nói chậm rãi, nhỏ nhẹ, trông chị có nét giống một cô giáo hơn là người thầy thuốc. Là những “viên gạch” đầu tiên của bệnh viện được đào tạo chuyên sâu ung bướu nhi, BS Lan gắn bó thời gian khá lâu tại đây. Đến bây giờ BS Lan không thể đếm mình có bao nhiêu kỷ niệm với các cháu bởi mỗi bệnh nhi để lại trong lòng chị một dấu ấn đặc biệt, rất khó phai.

 Bất chợt, khóe mắt chị đỏ hoe. Nhớ lại quãng thời gian mới vào làm ở bệnh viện, chứng kiến nhiều bậc phụ huynh nghĩ con bị ung thư, nghĩa là sẽ chết và nhất quyết đưa về nhà. Bằng những kiến thức học trong và ngoài nước, chị nhẹ nhàng nói chuyện, khuyên gia đình hãy để con lại BV để điều trị. “Tôi cũng không hiểu những lúc như thế mình nói gì nữa, chỉ biết rằng, nhìn thấy đứa bé khỏi bệnh rồi ra viện khỏe mạnh vừa thoát khỏi lưỡi hái thần chết, mừng như mình sống lại” - BS Lan tâm sự.

Theo BS Lan, số lượng bệnh nhân ung thư đến viện khám mới chỉ chiếm cỡ 1/4 số ca mắc bệnh thực tế. Việc điều trị cho bệnh nhi bị ung thư thường kéo dài từ 2 đến 3 năm. Sau khi kết thúc những đợt điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục theo dõi trong 5 năm. Do vậy, có khá nhiều gia đình không đủ tiền sau khi phát hiện có bệnh đã không quay trở lại để điều trị. Thời gian điều trị dài, bệnh nhân ngày càng gia tăng nên bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nằm ghép 3-4 cháu/giường.

Bệnh nhi chủ yếu đến từ nhiều vùng, cả miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện cực kỳ khó khăn. Mặc dù đã được chi trả 80% thuốc men nhưng gia đình vẫn phải trả 20% chi phí điều trị, cộng chi phí ăn uống, sinh hoạt hàng tháng trời trong bệnh viện. “Nhiều gia đình điều kiện khó khăn phải vay nợ nhiều, thậm chí là nhịn ăn để dành tiền mua thuốc mà mình chẳng giúp được gì nhiều” - BS Lan buồn rầu.

Được chữa, tỷ lệ sống cao

BS Lan luôn ám ảnh bởi những ánh mắt ngước nhìn như cầu cứu: “BS ơi, cứu con với”. Đau lắm. Mặc dù cũng bản lĩnh lắm, dù đã làm tất cả những gì có thể nhưng căn bệnh ung thư mà y học gần như bó tay đó thì những BS như BS Lan cũng đành phải chịu thôi.

Vào những ngày lễ, tết Trung thu, tết trẻ em 1/6, chị và y, bác sĩ trong Khoa ngoài việc trực tiếp tham gia kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ để cho các gia đình có con bị ung thư có thêm điều kiện để chữa trị. Hay như việc đưa trường học vào khoa để cho các cháu bớt đi cái đau của bệnh tật.

Bác sỹ Lan phân tích, các bệnh nhi ung thư có điểm lợi thế là việc điều trị cho kết quả nhanh và tốt hơn bởi các tế bào mầm đang trong quá trình phát triển nên khả năng khỏi bệnh có thể trên 75% (trong khi bệnh nhân là người lớn tuổi tỷ lệ khỏi bệnh dưới 50%). Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư cho trẻ nhỏ được tiến hành chính tại Bệnh viện Nhi Trung ương là hóa chất, hạn chế điều trị chỉ định bằng tia xạ - trường hợp này chỉ dùng với trường hợp bị u não.

Bởi cách điều trị bằng tia xạ sẽ để lại nhiều di chứng trên cơ thể đang phát triển của trẻ. Bác sỹ Lan nhận xét, hiện việc phát hiện ung thư ở các bệnh viện tuyến dưới vẫn rất khó khăn. Một khó khăn nữa là nhiều người dân chưa nhận thức rõ dẫn đến tình trạng để ủ bệnh lâu rồi mới đến khám, khi đó bệnh của trẻ đã trở nên nghiêm trọng.

Điều trị bệnh nhi u đặc phức tạp hơn các bệnh khác bởi cần cả ê kíp đi theo như phải truyền hóa chất, phẫu thuật, xạ trị… Đông bệnh nhân là thế nhưng hiện nay, Khoa chỉ có 5 bác sĩ chính và gần 20 y tá. Nguyên nhân bởi đào tạo BS về ung thư nhi khó, cũng chẳng ai muốn học, muốn làm.

Cũng theo BS Lan, người lớn mắc ung thư đã đau rồi huống chi cái đau của trẻ nhỏ. Ở trẻ em, u não là loại u đặc hay gặp nhất và là loại u đứng hàng thứ hai sau ung thư máu. Biểu hiện hay gặp nhất ở trẻ là đau đầu, buồn nôn, nôn (buổi sáng), thay đổi tính tình, dễ bị kích thích, ngủ gà gật hay trì trệ, chậm tiếp thu, không tập trung trong lớp học. Một số trường hợp nôn nhiều và rất dễ nôn, có khi được chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa và điều trị nhiều tuần lễ trong khoa tiêu hóa. Đôi khi bị rối tuần hoàn (mạch chậm) và hô hấp.

 Khi bệnh nặng, trẻ lơ mơ, bán mê hoặc hôn mê. Bệnh nhi là trẻ nhỏ có đầu to, thóp rộng, căng, khớp sọ bị toác rộng. Trẻ đầu to quá không nhấc nổi đầu, da đầu xuất hiện nổi mạch máu như trẻ bị não úng thủy điển hình.

Để điều trị bệnh này, chủ yếu theo ba phương pháp: Phẫu thuật triệt để khối u nhưng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn khối u, kinh nghiệm phẫu thuật viên, vấn đề gây mê hồi sức và vấn đề di chứng sau mổ. Phẫu thuật lấy u não trẻ em gặp nhiều khó khăn do tư thế khó, khó cố định đầu, tắc mạch do khí nếu mổ tư thế ngồi, mất máu...

Với phương pháp này, cũng có thể thành công để điều trị não úng thủy. Với phương pháp điều trị bằng xạ trị có thể còn sót u sau phẫu thuật. Xạ trị cũng có thể ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của trẻ nên phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định xạ trị. Một số trường hợp có thể chờ đợi tới khi trẻ lớn sẽ giảm thiểu được tác dụng phụ do tia xạ.

Cuối cùng là phương pháp hóa trị, chỉ định điều trị cho những u ác tính mức độ cao ở trẻ em. Hóa chất có rất nhiều tác dụng phụ, đôi khi hóa chất còn "ác tính" hơn cả khối u não. Chính vì vậy, nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng hóa chất cho u não ở trẻ em.

Chia tay những đứa trẻ tại khoa Ung bướu, trong tâm trạng nặng nề nhưng tôi vẫn nhớ như in điều mong muốn duy nhất của BS Lan là ngày càng có nhiều trẻ em ung thư được cứu chữa, để không còn bất lực nhìn số phận một bé con ngày càng xa rời cuộc sống...

+ GS-TSKH Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Bệnh viện 103, Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội: Tôi từng đặt chân đến tất cả tỉnh, thành, thấy rằng, có từ 80-90% các loại bệnh ung thư bắt nguồn từ ăn, uống, thở. Ung thư là do các tế bào bị biến đổi ác tính nhân lên không chịu sự kiểm soát của cơ thể. Bệnh có thể điều trị khỏi với các biện pháp đơn giản, rẻ tiền nếu được phát hiện sớm. Ngược lại, bệnh rất khó chữa và chữa rất tốn kém khi đã ở giai đoạn muộn. Phần lớn bệnh nhân khi đến bệnh viện khám bệnh thì bệnh đã di căn. Chính vì vậy, việc khám bệnh để phát hiện sớm rất quan trọng, nhất là với bệnh nhi.

Tuy nhiên, GS cũng không khỏi buồn khi biết rằng, ngày càng có thêm nhiều bệnh nhi mắc ung thư mà ông không thể làm gì được.

+ GS.TS Trương Việt Dũng, Trưởng khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu sinh hóa, Bộ Y tế: Cho đến thời điểm này, tuy chưa có một cuộc điều tra tổng thể về ung thư tại Việt Nam, nhưng có một điều chắc chắn là số lượng người mắc ung thư cũng như số ca mới gia tăng rất nhanh, tỷ lệ thuận với mức độ già hóa của dân số và do những tác động của ô nhiễm không khí, hệ lụy kinh tế phát triển nóng…

Về tỷ lệ tử vong, theo bác sĩ Dũng, số người chết vì ung thư xếp thứ 2 sau nguyên nhân chấn thương do tai nạn giao thông, xếp trên nguyên nhân tim mạch. Thậm chí, ở một số vùng, ung thư còn là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tử vong.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm