| Hotline: 0983.970.780

Nơi hội tụ tư duy kinh tế và công nghệ nông nghiệp

Thứ Ba 16/07/2024 , 09:00 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Với phương châm 'Liên kết - Liên minh - Phát triển', CLB Nông dân tỷ phú Bình Phước là địa chỉ đỏ chia sẻ, lan tỏa tư duy kinh tế và công nghệ nông nghiệp.

Nơi tụ hội "5 nhà"

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm gần đây, Bình Phước nổi lên là một trong địa phương dẫn đầu khu vực về phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, bền vững.

Ấn tượng nhất là năm 2023, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh thuộc top đầu cả nước. Từ đó, xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Vườn mít ruột đỏ của anh Nguyễn Viết Vị trên đất biên giới Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Vườn mít ruột đỏ của anh Nguyễn Viết Vị trên đất biên giới Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Đến Bình Phước rất nhiều người làm nông nghiệp biết tới anh Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện ấp (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp). Với tư duy mở, anh Vị là người tiên phong nghiên cứu, tìm tòi ra các giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao gắn với chuỗi liên kết sản xuất, có bảo hộ giống như mít ruột đỏ, vú sữa hoàng kim, nhãn tím, ổi rubi ruột đỏ... 

HTX Phước Thiện là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh Bình Phước ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chế biến sản phẩm cây ăn trái, hướng đến chuỗi khép kín từ canh tác, thu hoạch đến chế biến theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Định hướng của HTX là kinh tế tuần hoàn – kinh tế chia sẻ - kinh tế xanh. Mới đây, HTX Phước Thiện đã được tỉnh Bình Phước chọn là một trong 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện nhằm tạo sức lan tỏa.

Anh Nguyễn Viết Vị (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Viết Vị (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và HTX, anh Vị còn không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong và ngoài tỉnh, giúp nhiều bà con đổi đời. Dưới sự truyền cảm hứng từ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về tư duy kinh tế nông nghiệp, “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, anh Nguyễn Viết Vị cùng các cộng sự đã thành lập Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú Bình Phước và được các thành viên tín nhiệm cử làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB).

Với 44 thành viên, bên cạnh những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, CLB còn quy tụ lãnh đạo các sở, ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp và cả các ngân hàng. Với sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và cả nhà băng, dù chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm, CLB đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nền nông nghiệp địa phương phát triển đúng hướng. Định hướng của CLB là sẽ liên kết cùng các hiệp hội như hiệp hội điều, mít, sầu riêng để chia sẻ kiến thức và học hỏi kinh nghiệm.

“Trong thời buổi hiện nay không thể tự bơi như trước, làm nông nghiệp muốn thành công thì phải áp dụng khoa học kỹ thuật, có sự liên kết giữa các bên. Phải áp dụng công nghệ, hội tụ những người có tâm huyết trong ngành nông nghiệp đi theo một hướng mới, thay đổi cả nền nông nghiệp để cạnh tranh với các nước. CLB sẽ là nơi ươm mầm cho nhiều nông dân trong tỉnh trở thành tỷ phú trong nay mai”, anh Vị chia sẻ.

Hệ thống cửa hàng S’tiêng farm do anh Vị sáng lập là nơi hội tụ, thương mại sản phẩm OCOP các vùng miền. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống cửa hàng S’tiêng farm do anh Vị sáng lập là nơi hội tụ, thương mại sản phẩm OCOP các vùng miền. Ảnh: Trần Trung.

Liên kết nông dân ở nhiều lĩnh vực như trang trại, các hiệp hội, đơn vị trong lĩnh vực du lịch..., anh Nguyễn Viết Vị mong muốn Hội Nông dân tỉnh nghiên cứu thành lập các tổ hội, chi hội nông dân triệu phú để dần vươn lên thành tỷ phú. Ngoài ra, cần chú trọng kết nạp chi hội học sinh, sinh viên là con em nhà nông để định hướng tương lai, xây dựng giai cấp nông dân có đầy đủ trình độ, tiếp cận khoa học công nghệ, biết làm kinh tế nông nghiệp.

Những nhân tố điển hình

Bên cạnh những lão nông dày dặn kinh nghiệm, điểm nhấn của CLB là trong khi nhiều người tìm cách “ly nông” tìm cơ hội tại các thành phố lớn thì CLB hiện có nhiều bạn trẻ tích cực quay về với nông nghiệp - nông thôn. Khởi nghiệp ở nhiều độ tuổi khác nhau, với tư duy tiến bộ, điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nhiều thành viên của CLB đã bước đầu gặt hái thành công.

Trang trại sầu riêng Queen Farm thu hút nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đến tham quan học tập. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại sầu riêng Queen Farm thu hút nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đến tham quan học tập. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại Queen Farm ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) đang trồng gần 10.000 cây sầu riêng trên diện tích 55ha theo chuẩn châu Âu của anh Nguyễn Thế Tùng (sinh năm 1983, từng học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Vương quốc Anh) làm chủ là một trong những điển hình của CLB. Từ thành công của mình, anh Tùng được xem là diễn giả không chuyên thường xuyên góp mặt tại các diễn đàn do CLB tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

Đến thăm trang trại của anh Tùng, trước mắt chúng tôi hiện ra một vùng đất đỏ mênh mông với bạt ngàn cây sầu riêng được tạo tán rất đẹp. Sầu riêng được trồng theo lô có đánh số, khoảng cách giữa các cây đều tăm tắp. Đáng chú ý, trên mỗi cây đều có một mã QR - "căn cước" để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của từng cây.

Nhờ đó, từng gốc sầu riêng đều được kiểm soát chặt chẽ để kịp thời có giải pháp khắc phục khi gặp điều kiện bất thuận. Đơn cử như trong đợt nắng hạn khốc liệt kéo dài thời gian qua, chỉ có 4 cây sầu riêng bị chết trên tổng số gần 10.000 cây.

"Để chuẩn bị cho tiêu thụ sầu riêng trong 2 năm tới, tôi đang bắt tay vào xây dựng mã số vùng trồng, chuẩn bị xây dựng kho lạnh, mời gọi các doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu trái cây về tận nơi thăm vườn…”, anh Tùng nói.

Trang trại sầu riêng Gia Bảo Ecofarm của anh Nguyễn Minh Hiếu ở thị xã Phước Long. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại sầu riêng Gia Bảo Ecofarm của anh Nguyễn Minh Hiếu ở thị xã Phước Long. Ảnh: Trần Trung.

Sinh năm 1988, anh Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ nhiệm CLB cũng là một trong những nhân tố tích cực trong việc lan tỏa nông nghiệp công nghệ cao.

Đến thăm Gia Bảo Ecofarm của anh Hiếu ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long (Bình Phước), điều đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là màu xanh ngút ngàn của vườn sầu riêng đang thời kỳ tái thiết sau thu hoạch. Những hàng sầu riêng thẳng tắp được tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Cỏ dại trong vườn được xử lý bằng xe cắt cỏ. Việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vườn được thực hiện hoàn toàn bằng máy bay không người lái và máy phun thuốc tự động hiện đại được nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Vẫn chưa bằng lòng với những tiến bộ kỹ thuật hiện có, dưới sự tương trợ, chia sẻ giữa các thành viên CLB, anh Hiếu đã lắp đặt thêm “Trạm dự báo thời tiết cá nhân” trên vườn sầu riêng. Thông qua trạm dự báo thời tiết kết nối với điện thoại thông minh, dù không có mặt tại vườn cây nhưng anh Hiếu vẫn biết được tình hình nắng, mưa trên vườn để lên kế hoạch phun thuốc, bón phân, tưới nước... phù hợp, hiệu quả nhất cho vườn. 

Anh Hiếu cho biết: “Trạm dự báo thời tiết không chỉ phục vụ vườn của Gia Bảo Ecofarm mà dữ liệu hàng ngày trạm thu được sẽ được đồng bộ lên một số nền tảng thời tiết uy tín của nước ngoài để phục vụ nhu cầu chung của nông dân trong khu vực”.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ 2 từ trái sang) ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của CLB Nông dân tỷ phú Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ 2 từ trái sang) ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của CLB Nông dân tỷ phú Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Các anh Nguyễn Viết Vị, Nguyễn Thế Tùng, Nguyễn Minh Hiếu từ các địa phương Bù Đốp, Bù Đăng, Phú Riềng đã thành công trên con đường khởi nghiệp xanh. Họ là những người trẻ sinh ra từ làng quê, quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp, góp sức vẽ nên bức tranh kinh tế nông nghiệp Bình Phước ngày càng tươi sáng, hấp dẫn hơn. Đặc biệt, sự thành công của những mô hình này chính là hướng đi trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Sở hữu 500 chồn hương, chủ nuôi ngủ dậy là có tiền

Mô hình nuôi chồn hương sinh sản và bán thương phẩm đang được nông dân Nghệ An xây dựng, dù mới mẻ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.   

Hàng chục hổ, sư tử chết do cúm A/H5N1, cần cấm khu du lịch đón khách

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã gây tử vong hàng loạt con hổ, sư tử tại các vườn thú ở Long An, Đồng Nai, đe dọa sức khỏe cộng đồng và ngành chăn nuôi.

Thận trọng xuống giống lúa đông xuân sớm

Sóc Trăng Vụ lúa đông xuân sớm thường được gieo trồng ngay sau khi vụ lúa hè thu kết thúc, thời gian chuẩn bị cho vụ mới ngắn, nông dân cần thận trọng các khâu canh tác.

Bình luận mới nhất