| Hotline: 0983.970.780

An toàn sinh học để hướng tới xuất khẩu: [Bài 4] Bình Phước, bến đỗ mới

Thứ Ba 11/06/2024 , 07:47 (GMT+7)

Với nhiều ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao, tập trung, an toàn sinh học… Bình Phước dần trở thành thủ phủ xuất khẩu gia cầm lớn nhất Việt Nam.

Tổ hợp nhà máy chăn nuôi, sản xuất và chế biến thịt gà xuất khẩu CPV Food tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Tổ hợp nhà máy chăn nuôi, sản xuất và chế biến thịt gà xuất khẩu CPV Food tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

“Đại bàng” về làm tổ

Bình Phước có vị trí chiến lược trọng điểm kinh tế của Đông Nam Bộ. Lợi thế giao thông, địa lý giúp Bình Phước có thế mạnh phát triển kinh tế. Bình Phước đã quy hoạch phát triển hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn, chuỗi giá trị kinh tế cao đáp ứng xu thế thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh được xem yếu tố then chốt để hút nhà đầu tư vào chăn nuôi.

Minh chứng, trong khi thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai có dấu hiệu quá tải, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tìm tới Bình Phước chọn làm bến đỗ mới. Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là một trong những nhà đầu tư có các dự án trọng điểm và nổi bật trên địa bàn. Trong đó có tổ hợp nhà máy chăn nuôi, sản xuất và chế biến thịt gà xuất khẩu CPV Food với số vốn đầu tư ban đầu lên đến 250 triệu USD.

Ông Montri Suwanposri, Phó Chủ tịch CPF (thuộc Tập đoàn CP Thái Lan) cho biết, công ty xác định chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh được xem là khâu then chốt, tạo sự đột phá cả về năng suất và chất lượng, hướng đến chăn nuôi bền vững và xuất khẩu. Vì thế, tại CPV Food Bình Phước, gà giống bố mẹ nhập khẩu đều có gen giống nổi trội để đảm bảo đàn gà con thừa hưởng được hình dáng đẹp, khung xương to, khỏe mạnh và phát triển nhanh tự nhiên.

“Trứng giống được vận chuyển bằng xe tải có điều hòa nhằm đảm bảo tất cả gà con khi nở ra đều có sức khỏe tốt và không nhiễm bệnh. Khi đến nhà máy ấp trứng, trứng giống được phun khử trùng và kiểm tra bằng máy phân loại tự động. Nhà máy ấp trứng sử dụng công nghệ tiên tiến để kiểm soát nhiệt độ, không khí, độ ẩm ở mọi giai đoạn”, ông Montri Suwanposri chia sẻ.

Đặc biệt, đây là nhà máy đầu tiên ở châu Á triển khai công nghệ tiêm vacxin trực tiếp vào quả trứng có phôi, đảm bảo 100% đàn gà thịt được bảo hộ dịch bệnh. Mỗi trang trại được phân vùng cách biệt hoàn toàn khu vực bên trong và bên ngoài, đáp ứng quy định về an toàn sinh học, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Bên trong nhà máy chế biến CPV Food Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong nhà máy chế biến CPV Food Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Tại các trại gà thịt, CPV Food Bình Phước tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn châu Âu về phúc lợi động vật. Đàn gà được chăm sóc cẩn thận, môi trường nuôi tốt nhằm đảm bảo thịt sạch, ngon. Đặc biệt, công nghệ Big Data được áp dụng trong hệ thống trang trại thông minh để thu thập các dữ liệu về lượng nước, thức ăn, trọng lượng và nhiệt độ của gà thịt trong suốt thời gian nuôi. Tất cả dữ liệu được chuyển về trung tâm phân tích theo thời gian thực để quản lý trang trại đạt hiệu quả tối đa.

“Hiện nay, 6 khu vực của tỉnh Bình Phước đã được Tổ chức thú y thế giới (WOAH/OIE) công nhận là Vùng an toàn dịch bệnh đầu tiên tại Việt Nam. Ở mỗi huyện, Công ty CPV Food đã xây dựng hệ thống chuồng trại sản xuất an toàn dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả gà theo tiêu chuẩn của tổ chức thú y thế giới”, Phó Chủ tịch CPF cho biết.

Ông Montri Suwanposri cũng kỳ vọng, có thể "cắm cờ" Việt Nam ở nhiều thị trường xuất khẩu và thị trường nước ngoài. “Ở nhiều website của đối tác, có rất nhiều sản phẩm được viết Made in Vietnam. Đây chính là niềm tự hào của C.P. Việt Nam”, ông Montri Suwanposri bày tỏ.

Bình Phước phấn đấu đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE). Qua đó, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trở thành "bếp ăn" của thế giới

Bên cạnh trang trại gà (Farm), trong siêu tổ hợp CPV Food Bình Phước còn có nhà máy thức ăn chăn nuôi (Feed) cùng nhà máy giết mổ tập trung, chế biến thực phẩm (Food). Sự kết nối giữa Feed-Farm-Food tạo thành mô hình 3 F-Plus khép kín, hiện đại nhất Đông Nam Á.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, doanh số xuất khẩu của nhà máy đã tăng hơn 3 lần so với năm 2021 và xuất khẩu đi các thị trường gồm Nhật, Hồng Kông, Lào, Campuchia… Từ năm 2024, nhà máy tại Bình Phước sẽ hướng tới mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu lên đến 200 triệu USD mỗi năm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính hơn như Trung Đông nơi có đa số người theo đạo hồi.

"Mục tiêu của C.P. Việt Nam là biến Bình Phước thành thủ phủ gà xuất khẩu của Việt Nam, chứ không chỉ là cây điều, cao su… Bình Phước sẽ là địa phương có quy mô xuất khẩu gà lớn nhất khu vực Đông Nam Á", ông Wirat Wongpornpakdee, nhấn mạnh.

Các sản phẩm chăn nuôi được CPV Food Bình Phước chế biến sẵn, phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Trung.

Các sản phẩm chăn nuôi được CPV Food Bình Phước chế biến sẵn, phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước đánh giá, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, CPV Food Bình Phước đã được đánh giá cao khi xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh.

Công ty đã thực hiện truy xuất nguồn gốc 100% chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến sản phẩm và triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh gia cầm, gắn với giám sát chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm. Điều này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phúc lợi động vật, vệ sinh thú y với cơ sở giết mổ và sản xuất an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu.

“Cho đến thời điểm này, CPV Food Bình Phước là nhà máy hiện đại nhất của C.P tại Việt Nam. Sau 4 năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp này đang chinh phục được các thị trường khó tính, đưa Việt Nam lên bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm ra thế giới.

Chúng tôi kỳ vọng, CPV Food Bình Phước sẽ tiếp tục tăng cường năng lực sản xuất, tạo ra bước đột phá, mở rộng thị trường và cung cấp sản phẩm chất lượng cao tới nhiều quốc gia hơn”, ông Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Bình Phước cũng là bến đỗ mà Tập đoàn De Heus (Hà Lan) tìm kiếm đối tác và triển khai mô hình liên kết chuỗi chăn nuôi thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tại Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024 vừa qua, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus Toàn cầu cũng tiết lộ, De Heus tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Trong đó, vùng nguyên liệu tập trung chính tại các tỉnh Tây Nguyên và sẽ mở rộng đến một số tỉnh có thế mạnh như Bình Phước. 

Bình Phước được kỳ vọng trở thành địa phương có quy mô xuất khẩu gà lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong vài năm tới. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước được kỳ vọng trở thành địa phương có quy mô xuất khẩu gà lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong vài năm tới. Ảnh: Trần Trung.

“Với mong muốn phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi gà trắng xuất khẩu, Tập đoàn De Heus mong muốn tỉnh Bình Phước phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Khi các điều kiện phù hợp, Tập đoàn De Heus sẽ đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi theo chuỗi và đầu tư phát triển thêm lĩnh vực giống gia cầm tại tỉnh Bình Phước”, ông Gabor Fluit chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, địa phương xác định, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu là hết sức cần thiết. 

Bình Phước đã, đang và sẽ luôn ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, đảm bảo môi trường. Việc thu hút các nhà đầu tư về chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

“Bình Phước đã và đang thực hiện nền tảng 4 tốt gồm "hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt". Hy vọng chuỗi liên kết từ De Heus sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô, xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn, con giống, nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, làm tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh”, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Xem thêm
Chất lượng bò thịt Bình Định ngày càng được nâng cao

Với tỷ lệ bò lai đạt trên 93%, chất lượng bò thịt ở Bình Định ngày càng nâng cao, góp phần phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2021-2025.

Đất trũng nở hoa sen

Những vùng đầm lầy hoang hóa giờ đây đã biến thành các đầm sen lộng lẫy, không chỉ làm đẹp cho Thành phố mà còn đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.