| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng thúc thủ sau nắng hạn

Chủ Nhật 09/06/2024 , 10:15 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Trái nhỏ, cháy múi, khô cành, thậm chí chết cây là những gì đang diễn ra tại nhiều vườn sầu riêng ở Bình Phước do nắng hạn và sâu bệnh khiến nông dân thất thu.

Vụ sầu riêng kém vui

Những ngày này, người trồng sầu riêng tại Bình Phước đang vào cuối chu kỳ thu hoạch. Trái với không khí phấn khởi như mọi năm, người trồng sầu riêng cho biết năm nay thời tiết cực đoan, nắng hạn kéo dài khiến nhiều nơi thiếu nước tưới. Đây cũng là điều kiện lý tưởng để nhện đỏ phát triển và gây hại sầu riêng. Nhiều nhà vườn không kịp trở tay khiến năng suất, chất lượng trái sầu riêng giảm, giá sầu riêng lại thấp hơn cùng kỳ khiến vụ mùa năm nay kém vui.

Nhiều diện tích sầu riêng tại Bình Phước bị cháy lá do ảnh hưởng sâu bệnh và mùa hạn lịch sử vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều diện tích sầu riêng tại Bình Phước bị cháy lá do ảnh hưởng sâu bệnh và mùa hạn lịch sử vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

Xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú, Bình Phước) được coi là "chảo lửa" trong mùa khô vừa qua. Để cứu vườn cây, nhiều bà con không ngần ngại đào ao, lót bạt trữ nước, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm... nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại.

Vụ năm trước, vườn sầu riêng Ri6 gần 10 năm tuổi rộng hơn 3ha của gia đình anh Lê Minh Kính ở xã Tân Lợi cho năng suất bình quân gần 2 tạ/cây thì năm nay do thời tiết thay đổi bất thường, có ngày nhiệt độ lên đến 36 - 37 độ C và ban đêm trở lạnh đột ngột đã ảnh hưởng đến quá trình ra bông, đậu trái của cây. Những ngày gần đây, dịch nhện đỏ lại bùng phát, dù đã dùng nhiều loại thuốc đặc trị nhưng do mật độ nhện quá dày, thuốc chưa phát huy được hiệu quả mong muốn.

Đứng cạnh cây sầu riêng trơ trụi lá do nắng hạn và sâu bệnh tấn công, anh Lê Minh Kính rầu rĩ cho biết, nếu như năm ngoái, toàn bộ vườn cây cho sản lượng hơn 40 tấn thì tới thời điểm này dù đã cuối vụ nhưng gia đình chỉ thu hoạch được chưa đầy chục tấn.

“Năng suất giảm là một chuyện nhưng điều đáng lo nhất là sâu bệnh tấn công khiến nhiều cây sầu riêng có biểu hiện vàng lá, một số cây đã chết đứng, tôi mong các nhà khoa học có giải pháp hướng dẫn người dân phòng trị bệnh”, anh Kính nói.

Nắng hạn khốc liệt kéo dài khiến nhiều vườn sầu riêng ở Bình Phước cho trái nhỏ, cháy múi, khô cành, thậm chí chết cây. Ảnh: Trần Trung.

Nắng hạn khốc liệt kéo dài khiến nhiều vườn sầu riêng ở Bình Phước cho trái nhỏ, cháy múi, khô cành, thậm chí chết cây. Ảnh: Trần Trung.

Tại huyện Phú Riềng - nơi được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Bình Phước, tình cảnh cũng không mấy khả quan. Đơn cử tại HTX sầu riêng Long Phú có 14 thành viên với tổng diện tích gần 40ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Do ảnh hưởng của nắng hạn, năng suất sầu riêng của HTX giảm từ 30 - 40%. 

Ông Nguyễn Hữu Năm, Giám đốc HTX sầu riêng Long Phú cho biết, để đảm bảo nguồn nước tưới cho 7ha sầu riêng của gia đình, ông đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để đào ao trữ nước tưới nhưng vẫn thúc thủ trước mùa khô năm nay.

“Nguồn nước trong ao gần như trơ đáy khiến năng suất vườn giảm hơn 20%. Tỷ lệ trái bị thiếu hộc, méo mó tăng cao khiến chất lượng giảm so với vụ năm trước”, ông Năm nói.

Ông Năm cho biết thêm, bên cạnh năng suất, chất lượng giảm, người trồng sầu riêng tại Bình Phước, thậm chí những nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng cũng đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh chưa từng có.  

Theo đó, đầu mùa năm ngoái, nhờ có mã số vùng trồng, các thành viên HTX bán đợt đầu với giá 90.000 đồng/kg. Thế nhưng vụ năm nay, giá sầu riêng nhiều biến động, có thời điểm thương lái chỉ mua với giá 65.000 đồng/kg, không phân biệt sầu riêng có mã số hay không có mã số vùng trồng.

Do chất lượng suy giảm, giá sầu riêng năm nay cũng không cao như dự đoán. Ảnh: Trần Trung.

Do chất lượng suy giảm, giá sầu riêng năm nay cũng không cao như dự đoán. Ảnh: Trần Trung.

“Từ đầu vụ đến nay, người mua sầu riêng có nói gì đến mã số đâu. Họ đến xem vườn cây, tùy chất lượng, mẫu mã trái thế nào thì mua thế đó. Thuận mua vừa bán, không thì thôi. Thậm chí vườn nhà tôi giá còn thấp hơn năm ngoái do ảnh hưởng nắng hạn nên trái nhỏ, lép, cháy múi…”, ông Năm chia sẻ.

Nông dân cần tuân thủ, duy trì mã số vùng trồng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, tính đến giữa tháng 5/2024, toàn tỉnh có khoảng 30% diện tích cây sầu riêng bị ảnh hưởng do hạn hán (327,4ha), tập trung ở thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập. Toàn tỉnh có 89ha sầu riêng bị nhiễm bệnh xì mủ ở mức độ nhẹ đến trung bình, 0,9ha cây bị chết. Tình trạng nhiễm bệnh phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh.

Tính đến giữa tháng 5/2024, Bình Phước ghi nhận 89ha sầu riêng nhiễm bệnh và chiều hướng tiếp tục gia tăng. Ảnh: Trần Trung.

Tính đến giữa tháng 5/2024, Bình Phước ghi nhận 89ha sầu riêng nhiễm bệnh và chiều hướng tiếp tục gia tăng. Ảnh: Trần Trung.

Vừa qua, Chi cục đã ban hành một số giải pháp chống hạn cho cây trồng trong giai đoạn mùa khô. Đồng thời hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật để phòng trị, hạn chế sâu bệnh lây lan ra diện rộng.

“Sầu riêng là cây trồng khó tính, nhạy cảm với thời tiết, mưa hay nắng nhiều vào thời điểm cây đậu trái đều sẽ ảnh hưởng xấu đến cây. Giai đoạn này vừa thu hoạch xong, nhà nông cần thường xuyên thăm vườn, tăng cường bón phân hữu cơ, tưới nước thường xuyên để cây phục hồi hiệu quả…”, ông Lê Xuân Trí - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT Bình Phước, sầu riêng là một trong những cây trồng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng trên 5.300ha, chủ yếu là 2 giống Ri 6 và Dona. Bình Phước đã có 65 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp với tổng diện tích hơn 2.412ha. Để có được mã số vùng trồng như hiện nay, ngành nông nghiệp và người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực canh tác cây sầu riêng đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Bình Phước đang tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước đang tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

“Mã số vùng trồng vừa là giấy thông hành để đưa nông sản ra thị trường quốc tế, vừa bảo đảm quyền lợi cho những nhà nông làm ăn chân chính, góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp minh bạch thông tin, đảm bảo tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế để phát triển bền vững chuỗi ngành hàng sầu riêng, các nhà vườn cần tuân thủ quy trình. Tỉnh đang tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, góp phần tăng chuỗi giá trị, nông dân sẽ hưởng lợi", ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.

Theo đó, Ttỉnh Bình Phước đang định hướng phát triển diện tích trồng cây sầu riêng lên 8.000 - 10.000ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi, cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ mới có 9 trang trại đáp ứng 100% điều kiện chăn nuôi

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có 1.093 trang trại chăn nuôi và 233.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 145.000 con trâu, bò; 749.000 con lợn và trên 15,7 triệu gia cầm.

Triển khai chứng nhận an toàn dịch bệnh các cơ sở chăn nuôi

QUẢNG BÌNH Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn triển khai chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm