Quyết tâm chinh phục đất phèn
Vùng Tứ giác Long Xuyên ngày nay được xem là vựa lúa của vựa lúa ĐBSCL, với những cánh đồng lớn bạt ngàn, những nông dân canh tác cả chục ha đất không còn là chuyện hiếm. Nhưng diện tích sản xuất lên đến 5.000 công đất (500ha) thì có lẽ duy nhất chỉ có nông dân Nguyễn Thanh Tuấn.
![Kênh T5, nay là kênh Võ Văn Kiệt, dòng kênh mở nguồn khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên không chỉ chở nặng phù sa mà còn là tuyến giao thông huyết mạch lưu thông hàng hóa. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-9-212845_245-212846-091013.jpg)
Kênh T5, nay là kênh Võ Văn Kiệt, dòng kênh mở nguồn khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên không chỉ chở nặng phù sa mà còn là tuyến giao thông huyết mạch lưu thông hàng hóa. Ảnh: Trung Chánh.
Theo lịch hẹn, tôi chạy xe lên trang trại của anh Tuấn ở ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Chiếc phà T4 - Lung Lớn từ từ rút hai cánh tay ben thủy lực nâng mỏ bàn lên, chở những chiếc xe từ phía bờ quốc lộ 80 vượt kênh Rạch Giá – Hà Tiên để tiến vào nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên.
Chiếc xe ô tô lao tới trên con đường trải nhựa nằm cặp theo kênh T4, đã mở ra trước mắt chúng tôi một cảnh đồng quê thanh bình, đầy sức sống. Một bên là dòng sông chở nặng phù sa, một bên là cánh đồng lúa xanh mơn mởn chạy dài hết tầm mắt. Xa xa lại bắt ngặp những căn biệt thự sừng sững giữa ruộng lúa, vườn cây. Nơi đây nhà khá thưa do đa số là những nông dân đại điền, phất lên từ kinh tế nông nghiệp.
![Những căn biệt thự của những nông dân đại điền phát lên từ kinh tế nông nghiệp nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-5-212837_460-212838-091014.jpg)
Những căn biệt thự của những nông dân đại điền phát lên từ kinh tế nông nghiệp nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Trung Chánh.
Khi đi vào sâu trong nội đồng, tôi dừng xe hỏi thăm nhóm 3 nông dân đang điều khiển máy bay sạ phân cho lúa. Anh Lê Hoàng Đúng, trưởng nhóm vui vẻ giới thiệu: “Chúng tôi bây giờ là công nhân nông nghiệp rồi, vì chỉ làm việc bằng máy. Ngoài làm ruộng nhà, chúng tôi còn nhận làm dịch vụ chăm sóc lúa cho nhiều hộ nông dân khác, có lương hàng tháng đấy”. Sau một hồi trò chuyện, biết tôi đang tìm những nông dân sản xuất lớn trong vùng, anh Đúng nhiệt tình chỉ: “Đi thẳng một đoạn nữa đến cầu kênh 15 thì rẽ phải vào con đường giao thông nông thôn bằng bê tông, cuối đường sẽ gặp trang trại Tuấn Linh, nông dân nhiều đất nhất nơi này đấy”.
![Anh Nguyễn Thanh Tuấn được mệnh danh là nông dân sản xuất lúa nhiều nhất vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-10-212847_563-212848-091014.jpg)
Anh Nguyễn Thanh Tuấn được mệnh danh là nông dân sản xuất lúa nhiều nhất vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Trung Chánh.
Khi tôi vừa dừng xe bước xuống, một bày chó chạy ra sủa. Một người đàn ông trung niên ra vừa đe chó chạy vào vừa mở cổng đón khách. Nếu không giới thiệu, tôi không nghĩ một tỷ phú nông dân lại bình dân đến thế: Mặc trên mình bộ đồ thun đi đồng có logo trang trại Tuấn Linh, tính tình mộc mạc đậm chất nông dân Nam Bộ. Trong đầu tôi suy nghĩ, nông dân sản xuất lớn chắc phải có vài chục ha đất. Nhưng khi nghe anh Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ trang trại Tuấn Linh bảo: “Ở đây anh làm 5.000 công, tức là 500 ha”, tôi không khỏi giật mình, ngỡ ngàng.
Trong căn nhà xây khang trang, treo trang trọng tấm ảnh lớn, với khoảnh khắc anh Nguyễn Thanh Tuấn được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024” trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Thành tích nổi bật trong sản xuất kinh doanh của anh Tuấn khiến nhiều người phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
![Anh Nguyễn Thanh Tuấn cùng cán bộ Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đang kiểm tra ruộng lúa vụ đông xuân 2024-2025. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-8-212843_925-212844-091015.jpg)
Anh Nguyễn Thanh Tuấn cùng cán bộ Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đang kiểm tra ruộng lúa vụ đông xuân 2024-2025. Ảnh: Trung Chánh.
Nông nghiệp đại điền với tư duy làm kinh tế, trên diện tích 500ha, sản xuất lúa 2 vụ/năm, năng suất từ 7 - 7,5 tấn/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 7.500 tấn. Với giá lúa như năm 2024, chỉ riêng cây lúa đã mang lại doanh thu khoảng 68 tỷ đồng, với khoản lợi nhuận lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, trên bờ bao trang trại còn được trồng dừa, cây ăn trái, cây dược liệu. Đầu từ máy móc phục vụ sản xuất và làm dịch vụ nông nghiệp, cũng mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng để có thành tích ấy là cả hành trình dài hàng thập kỷ chinh phục, chế ngự đất phèn đầy gian nan thử thách. Anh Tuấn kể, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ba của anh từ Tân Châu, An Giang qua Kiên Giang xin thuê đất ở vùng Tứ giác Long Xuyên canh tác và được cấp khu đất có diện tích 700ha, với thời hạn thuê 50 năm. Khi ấy, có người biết chuyện đã cho đây là việc làm gàn dở, bởi đã có rất nhiều người đầu tư vào vùng đất này đều bị thua lỗ trắng tay, phải bỏ của chạy lấy người.
![Anh Nguyễn Thanh Tuấn (bên trái) được mệnh danh là nông dân sản xuất lúa nhiều nhất vùng Tứ giác Long Xuyên, với 5.000 công ruộng, mỗi năm làm ra khoảng 7.500 tấn lúa hàng hóa. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-12-212851_525-212852-091015.jpg)
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (bên trái) được mệnh danh là nông dân sản xuất lúa nhiều nhất vùng Tứ giác Long Xuyên, với 5.000 công ruộng, mỗi năm làm ra khoảng 7.500 tấn lúa hàng hóa. Ảnh: Trung Chánh.
Tứ giác Long Xuyên trước đây được xem là “vùng đất chết”, nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu về thổ nhưỡng, kể cả chuyên gia nước ngoài cũng đều lắc đầu, khẳng định là không thể cải tạo, gột rửa cho hết phèn để sản xuất nông nghiệp hiệu quả được.
Nhưng nhờ có chương trình đầu tư, khai phá vùng đất phèn của Chính phủ mà Tứ giác Long Xuyên đã thật sự đổi thay. Các con kênh T4, T5, T6… là trục xương sống được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đào vào những năm cuối của thế kỷ XX, để thoát lũ ra biển Tây, thau chua rửa phèn, tạo điều kiện khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên.
“Thời gian đầu khi mới qua đây khởi nghiệp, cha con tôi làm toàn thua lỗ, do đất hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng, rất khó để sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, cha tôi đã quyết định trả bớt lại cho Nhà nước 200ha, chứ sức người khi ấy không thể làm nổi”, anh Tuấn nhớ lại.
Trong đó, T5 là kênh có quy mô nhất, dài 48km, rộng hơn 40m, có điểm đầu nối với kênh Vĩnh Tế (thuộc địa phận xã biên giới Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang) xuyên qua vùng lõi, giao cắt với kênh Rạch Giá – Hà Tiên rồi đổ thẳng ra biển (thuộc địa bàn xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang). Người dân trong vùng vẫn quen gọi là kênh Ông Kiệt. Sau đó, tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt (năm 2009) và dựng văn bia tại công viên đầu tuyến kênh, nhằm ghi nhớ công lao to lớn của vị cố Thủ tướng hết lòng vì dân.
Hành trình hơn hai thập kỷ, với rất nhiều lần “lên bờ, xuống ruộng” vì đồng đất chua phèn này, bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra nhưng thành quả thu về chẳng đáng là bao. Cha con anh Tuấn đã chuyển đổi hết loại cây trồng này sang cây trồng khác nhưng đều không mấy kết quả. Năng suất các loại cây trồng đều rất thấp, thị trường đầu ra bấp bênh, bế tắc nên hết trồng rồi lại chặt bỏ.
Theo anh Tuấn, ban đầu là trồng rừng tràm nhưng cừ tràm rớt giá, khó tiêu thụ. Chuyển sang trồng khóm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu nhưng rồi nhà máy hoạt động không hiệu quả phải đóng cửa. Tiếp đến trồng mía bán cho nhà máy ép đường. Nhưng ngành công nghiệp mía đường tại ĐBSCL cũng chỉ phát triển nóng được thời gian ngắn rồi lụi dần, nhà máy đường của tỉnh sớm giải thể, đầu ra của cây mía lại bế tắc.
![Với 500ha đất lúa, anh Tuấn chia thành từng ô và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-7-212840_639-212841-091015.jpg)
Với 500ha đất lúa, anh Tuấn chia thành từng ô và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.
Gắn bó với cây lúa
Khi người cha lớn tuổi, anh Tuấn đã tiếp quản khu trang trại và trực tiếp đầu tư sản xuất cho đến ngày nay. Anh Tuấn bảo, nhờ chương trình khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên của Chính phủ, với hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản, đã giúp việc rửa phèn, trị thủy dần mang lại hiệu quả. Đến khoảng năm 2008, anh Tuấn quyết định chuyển hẳn sang đầu tư sản xuất lúa, vừa làm vừa mở rộng dần ra toàn bộ diện tích.
![trang-trai-tuan-linh-3-212832_996-212833.jpg Nông dân Nguyễn Thanh Tuấn đang trao đổi với cán bộ kỹ thuật của trang trại về chăm sóc, bảo vệ cây lúa trước dịch hại. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-3-212832_996-212833-091016.jpg)
Nông dân Nguyễn Thanh Tuấn đang trao đổi với cán bộ kỹ thuật của trang trại về chăm sóc, bảo vệ cây lúa trước dịch hại. Ảnh: Trung Chánh.
Trên diện tích 500ha, anh Tuấn đã cho đầu tư lại hệ thống kênh mương nội đồng và chia ra thành 16 ô đê bao sản xuất, với diện tích từ 15 đến hơn 40ha mỗi ô, để thuận tiện cho việc rửa phèn và đầu tư sản xuất. Khi việc sản xuất bắt đầu có hiệu quả, trang trại tập trung thâm canh tăng vụ, từ 2 vụ lên 3 vụ/năm.
Anh Tuấn chia sẻ: “Do diện tích lớn, phải xuống giống thành từng đợt nên gần như tháng nào tại trang trại cũng có lúa thu hoạch, với sản lượng lên đến hàng ngàn giạ. Nhiều thương lái, doanh nghiệp tìm đến ký hợp đồng thu mua vì có sản lượng nhiều, đỡ tốn chi phí đi lại”.
![Trang trại Tuấn Linh đang giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động, trong đó có 20 lao động thường xuyên với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-4-212834_254-212835-091016.jpg)
Trang trại Tuấn Linh đang giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động, trong đó có 20 lao động thường xuyên với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trung Chánh.
Tuy nhiên, anh Tuấn cũng nhận ra một điều là việc thâm canh tăng vụ, càng về sau chi phí càng tăng thêm, trong khi năng suất lại không thể tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm. Từ đó, anh Tuấn quyết định giãn vụ, cho đất có thời gian nghỉ ngơi hồi phục. Mỗi năm, chỉ sản xuất 2 vụ lúa vào thời điểm thuận lợi nhất là đông xuân và hè thu. Hiện nay, trang trại Tuấn Linh chủ yếu sản xuất lúa nguyên liệu cho các doanh nghiệp đối tác, với giống lúa chủ lực là ĐS1, áp dụng các quy trình canh tác tiến tiến đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
![Trang trại Tuấn Linh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Ảnh: Trung Chánh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/06/trang-trai-tuan-linh-13-212853_456-212854-091017.jpg)
Trang trại Tuấn Linh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Ảnh: Trung Chánh.
Ngoài ra, anh Tuấn đã chuyển đổi một phần diện tích sang quy trình canh tác hữu cơ với giống lúa cho chất lượng gạo ngon nhất thế giới ST24, ST25, để làm thương hiệu gạo cho riêng mình phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa. Để phát triển sản xuất bền vững, trang trại đang hướng tới áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, tăng trưởng xanh.
Nỗ lực chinh phục đất phèn của gia đình anh Tuấn sau hàng thập kỷ đã được đền bù xứng đáng, đưa anh trở thành tỷ phú nông dân chuyên trồng lúa. Hiện nay, trang trại Tuấn Linh đang giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động, trong đó có 20 lao động thường xuyên.
Anh Tuấn chia sẻ: “Để giữ chân lao động thì mình phải quan tâm động viên, đảm bảo mức lương từ 8-10 triệu đồng/người/tháng để họ yên tâm gắn bó lâu dài”. Ngoài phát triển kinh tế, anh Tuấn còn quan tâm, đóng góp tích cực cho các hoạt động an sinh xã hội và phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới” tại địa phương.
Vùng Tứ giác Long Xuyên có diện tích khoảng 490.000ha, thuộc phạm vi 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần thành phố Cần Thơ. Trước đây, vùng đất này chủ yếu là hoang hóa, nhiễm phèn nặng, hệ thực vật rất nghèo nàn. Nhờ được đầu tư bài, đồng bộ với hàng chục công trình thủy lợi lớn trong suốt thời gian dài, đã biến Tứ giác Long Xuyên thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú, mỗi năm đóng góp hơn 6 triệu tấn lúa, chiếm ¼ lượng lúa của ĐBSCL. Đất đai từ chỗ “cho không ai lấy” đã lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ha.