| Hotline: 0983.970.780

Những 'chiến binh' giữa đại ngàn Trường Sơn: Biệt đội giải cứu thú rừng

Thứ Bảy 08/02/2025 , 14:06 (GMT+7)

Hà Tĩnh Mỗi năm, hàng ngàn cá thể động vật hoang dã được VQG Vũ Quang cứu hộ, tái thả về rừng. Trong đó có rất nhiều loài nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn.

Cứu hộ từ đồng bằng lên rừng

Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đang quản lý, bảo vệ trên 57.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam và được xếp hạng là Vườn di sản Asian. Chính vì độ giàu có, đa dạng hệ động thực bậc nhất như vậy nên vào thời gian qua, đặc biệt là dịp tết, nhiều loài thú rừng nguy cấp, quý hiếm nơi đây trở thành “con mồi” của các nhóm thợ săn.

Tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng được VQG thành lập nhằm 'giải cứu' động vật hoang dã trên rừng. Ảnh: Hưng Phúc.

Tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng được VQG thành lập nhằm "giải cứu" động vật hoang dã trên rừng. Ảnh: Hưng Phúc.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang chia sẻ, để muông thú dưới những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn không còn gặp bất trắc từ những chiếc bẫy được giăng mắc khắp các lối đi và cây rừng không còn đổ xuống bởi sự tàn phá của thợ săn, lâm tặc, VQG Vũ Quang đã thành lập Tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng. “Biệt đội” này không chỉ có nhiệm vụ tuần tra, tháo gỡ bẫy mà còn có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như công tác bảo vệ động vật hoang dã đến với người dân.

“Tổ kiểm lâm cơ động liên tục thực hiện những chuyến tuần tra dài ngày xuyên rừng, tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú và giải cứu động vật hoang dã. Ngoài mục tiêu giảm thiểu mối đe dọa đa dạng sinh học từ bẫy, nỗ lực tuần tra dựa vào cộng đồng còn giải quyết được thực trạng thiếu nhân lực kiểm lâm của Vườn trong công tác tuần tra bảo vệ rừng tại gốc. Cùng với đó tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư vùng đệm, cũng như tuyên truyền phổ biến ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học tới cộng đồng”,  ông Hùng nhấn mạnh.

Những ngày cuối đông giá rét, việc tuần tra trên rừng gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Hưng Phúc.

Những ngày cuối đông giá rét, việc tuần tra trên rừng gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Hưng Phúc.

Chiều cuối đông, ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, giữa núi rừng âm u, cái lạnh 4 – 5 độ C như cắt vào da thịt. Những “chiến binh” trong “biệt đội” lưng vác ba lô, chân mang dép quai, trèo đèo, lội suối cắt rừng tìm dấu chân thú.

Anh Đinh Hữu Chức (SN 1989), thành viên của tổ kiểm lâm cơ động là một trong những người tham gia gỡ bẫy săn động vật hoang dã nhiều nhất nhì trong tổ cho hay, anh thông thuộc từng địa hình, vị trí của các dãy núi trùng điệp nhưng khi thực hiện nhiệm vụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là thời tiết mưa nắng thất thường, đường trơn trượt, đèo dốc; rắn rết rình rập; sau nữa thiết bị liên lạc lúc có lúc không; ăn uống cơm đùm cơm nắm không đủ no…

“Điều kiện sinh hoạt, làm việc thiếu thốn, vất vả trong khi đãi ngộ thấp nhưng chúng tôi xác định đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành. Vì vậy hơn 2 năm qua, kể từ khi thành lập đội tuần tra và tháo gỡ bẫy, tôi cùng các thành viên trong nhóm đã thực hiện hàng trăm chuyến vào rừng, tháo gỡ hơn 1.500 bẫy, phá được gần 30 lán trại xây dựng trái phép”, anh Chức nói.

Thông qua sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức nước ngoài, VQG Vũ Quang được bảo vệ thành trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Hưng Phúc.

Thông qua sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức nước ngoài, VQG Vũ Quang được bảo vệ thành trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Hưng Phúc.

Theo anh, bẫy thú có nhiều loại nhưng thường gặp ở đây là bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy kẹp… Trong đó, phổ biến nhất là bẫy dây rút vì loại này đơn giản, dễ lắp đặt trong rừng. Các bẫy này không chỉ gây tổn thương và chết các động vật hoang dã, mà còn làm giảm đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của khu vực. Hành trình tìm kiếm bẫy thú rừng không chỉ khó khăn về địa hình mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho cán bộ bảo vệ rừng. Chỉ cần sơ suất, không có kinh nghiệm, người bảo vệ rừng có thể mắc bẫy bất cứ lúc nào.

Hi sinh thầm lặng

Nhắc đến những chuyến vào rừng sâu, anh Đinh Hữu Chức trải lòng: “Giờ tình hình đã ổn, người dân ý thức hơn, biết giữ rừng. Còn trước đây vất vả, nguy hiểm hơn nhiều. Khi bị phát hiện, cả nhóm thợ săn mang dao ra chống trả lực lượng kiểm lâm của vườn”.

Mỗi chuyến đi săn bẫy thú, “biệt đội” giải cứu thú rừng thường có 4 - 5 người, kéo dài từ 10 - 15 ngày. Hành trang các anh mang theo là gạo, cá khô, thịt, nồi, võng, tăng, thuốc men…

Mỗi năm, hàng trăm cá thể động vật hoang dã được VQG Vũ Quang cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Hưng Phúc.

Mỗi năm, hàng trăm cá thể động vật hoang dã được VQG Vũ Quang cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Hưng Phúc.

“Dù trên lưng gùi những bao tải nặng chừng 15 - 20kg, nhưng trên mỗi chuyến vào rừng tìm dấu chân thú, hành trình nào cũng mang nhiều trăn trở và những kỳ vọng. Anh em trong đội hiểu rõ những phần việc mình làm, nhiệm vụ đề ra nên luôn mang theo kỳ vọng lớn. Có những chuyến đi ngoài thu về hình ảnh các loài động vật quý hiếm thì còn thu mẫu vắt, nước để phục vụ tìm kiếm thông tin những loài động vật đang nằm trong danh sách nguy cơ bị tuyệt chủng”, anh Chức chia sẻ.

Dưới cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, thợ săn hay đặt bẫy ở vị trí hồ nước, sông suối, bởi đây là những vị trí con vật thường di chuyển đi uống nước. Nhiều năm trước, khi người dân địa phương còn sống ven lòng hồ Ngàn Trươi, kinh tế chủ yếu phụ thuộc từ rừng, công tác bảo vệ rừng vì thế khó khăn hơn. Để cứu thú rừng, cán bộ bảo vệ không ít lần giáp mặt với nhóm lâm tặc hung hãn, manh động.

“Chúng tôi thực hiện tuần tra thường xuyên, nhưng để phát hiện, tháo gỡ được hết bẫy thú rừng ở đây là rất khó, mất nhiều thời gian. Bởi lẽ, không chỉ người dân địa phương, mà còn có rất nhiều thợ săn là người dân ở các địa phương khác cũng ngày đêm lén lút, xâm nhập vào rừng này để săn bắn, bẫy bắt thú rừng trái phép”, một thành viên khác trong tổ tháo gỡ bẫy thú dựa vào cộng đồng nói.

Hệ thống bẫy ảnh đã phát hiện, bảo tồn được nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Ảnh: Hưng Phúc.

Hệ thống bẫy ảnh đã phát hiện, bảo tồn được nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Ảnh: Hưng Phúc.

Song hành gỡ bẫy, cứu hộ muông thú, những năm qua, thông qua việc đặt bẫy ảnh, VQG Vũ Quang phát hiện, bảo tồn được nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm như: Mang lớn; mang Trường Sơn; thỏ vằn; cầy vằn; sơn dương; gà lôi trắng; mèo gấm; voi; khỉ mốc; khỉ đuôi lợn; khỉ mặt đỏ…

“Bẫy ảnh là “cánh tay nối dài” cho kiểm lâm viên cũng là bằng chứng chân thực sinh động cung cấp dữ liệu cho khảo sát nghiên cứu, đánh giá, lan truyền đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang”, anh Trần Hữu Hà, Phó trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Sao La, VQG Vũ Quang thông tin.

Trời ngớt mưa, ánh nắng vàng hiếm hoi của những ngày cuối năm len lỏi từng kẽ lá chiếu xuống khu rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sơn nổi lên màu xanh rực rỡ. Anh Đinh Trọng Hoàng (SN 1993), cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang, người có hơn 10 năm công tác với nhiệm vụ đặt bẫy ảnh, tìm dấu chân thú chia sẻ, mùa này anh em đi rừng vất vả hơn gấp bội. Mưa lũ bất thường, thời tiết lạnh căm mà thú rừng, rắn, rết ở rừng nguyên sinh nhiều vô kể.

Theo chân anh Hoàng, vòng qua con đường ngoằn nghèo, dốc đứng, những dãy núi hùng vỹ hiện lên như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy hoà lẫn vào nhau tạo nên thứ âm thanh trong trẻo đầy mê hoặc ở nơi được ví như “viên ngọc xanh” của Hà Tĩnh.

VQG Vũ Quang trở thành 'ngôi nhà' bình yên của muông thú. Ảnh: Hưng Phúc.

VQG Vũ Quang trở thành "ngôi nhà" bình yên của muông thú. Ảnh: Hưng Phúc.

Cầm trên tay chiếc bẫy ảnh, anh Hoàng nói: “Mỗi chuyến đi rừng ít nhất 9 ngày, nhiều thì 15 ngày mới về đơn vị. Giữa rừng sâu hoang vu, xác định không có giấc ngủ nào trọn vẹn. Chưa kể, nhiều hôm không có nước, ban đêm các thành viên phải dùng bao ni lông mang theo hứng nước sương từ thân cây lớn có rêu mọc để dùng. Hay những đợt mưa phùn ẩm ướt, củi chẻ nhỏ như tăm nhưng cũng phải mất cả tiếng đồng lửa mới được nhóm lên”.

Người đàn ông dày dặn kinh nghiệm đi rừng cho biết thêm, không ít lần các thành viên trong đoàn bị rắn, rết cắn. Những lần tai nạn như vậy, mọi người trong đoàn hỗ trợ, thay nhau cõng, cắt đường rừng về đơn vị để cứu chữa.

"Bệnh viện" của thú rừng

1. Trụ sở VQG Vũ Quang nằm dưới chân núi Trường Sơn hùng vĩ. Nơi đây, hàng chục cán bộ, người lao động từ nhiều huyện, thành phố, thị xã, thậm chí ở Nghệ An ngược ngàn “đóng đô” bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực rừng hơn 57.000 ha trải dài trên địa bàn huyện Vũ Quang, Hương Sơn.

Khu đất chỉ rộng chừng 70m2 nhưng là 'ngôi nhà' an toàn của hàng chục loài động vật hoang dã. Ảnh: Hưng Phúc.

Khu đất chỉ rộng chừng 70m2 nhưng là “ngôi nhà” an toàn của hàng chục loài động vật hoang dã. Ảnh: Hưng Phúc.

Mỗi người một việc, theo sự phân công, hàng chục năm nay họ cần mẫn trèo đèo, lội suối tuần tra bảo vệ rừng; “giải cứu” động vật hoang dã “dính” bẫy; điều tra, thu thập thông tin nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học…

Những cán bộ ở nhà, họ tiếp nhận, cứu hộ vô số động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân để chăm sóc, chữa trị trước khi thả chúng về môi trường tự nhiên. Khu vực ấy chỉ là khoảng đất rộng chưa đầy 70m2 nhưng là “ngôi nhà” an toàn của hàng chục loài động vật như trăn, rùa, vượn, khỉ… Nhiều người khi đến đây ví von, trụ sở VQG Vũ Quang không khác gì “bệnh viện” của thú rừng.

Sáng sớm ngày cận Tết, như bao ngày, chị Trần Thị Hồng (SN 1986), nhân viên VQG Vũ Quang có mặt tại vườn chuẩn bị thức ăn (các loại củ, quả, lá rừng) cho các loài động vật người dân giao nộp hoặc bị thương khi vướng bẫy của thợ săn đang được chăm sóc tại đây.

Suốt 2 năm qua, chị Trần Thị Hồng trở thành 'bác sĩ' không chuyên chăm sóc, điều trị cho hàng trăm cá thể động vật hoang dã. Ảnh: Hưng Phúc.

Suốt 2 năm qua, chị Trần Thị Hồng trở thành "bác sĩ" không chuyên chăm sóc, điều trị cho hàng trăm cá thể động vật hoang dã. Ảnh: Hưng Phúc.

Theo chị, những năm qua chị cùng 6 đồng nghiệp khác ở Phòng khoa học và hợp tác quốc tế - VQG Vũ Quang được xem như “bác sĩ thú y”, ngày ngày cần mẫn cho động vật ăn, kiểm tra biểu hiện bị bệnh của chúng để bôi thuốc, băng bó vết thương… 

Hành trình làm “bác sĩ thú y” cũng như công tác bảo tồn động vật hoang dã hiện nay đang còn nhiều gian truân. Bởi, trang thiết bị ít, nhân sự vừa thiếu, vừa không được đào tạo chuyên sâu. Trong khi nhiều loài vật không chỉ bị thương nặng mà còn bị nuôi nhốt dài ngày, mất hết khả năng sinh tồn trong tự nhiên.

2. Vừa chỉ tay vào con vượn đen má trắng đang nhốt trong lồng sắt, chị Hồng xót xa: “Như con vượn này, được người dân giao nộp khoảng hơn 1 năm nay, nhưng loài này nếu thả về tự nhiên rất khó vì nó đã mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên do người dân nuôi nhốt trong thời gian dài, ăn các thực phẩm như cơm, bánh, trái... Thấy người nó nhảy nhót, vui thế thôi nhưng thương lắm”.

Bên cạnh, con khỉ mặt đỏ đang được chăm sóc tại đây cũng quen thân với con người đến mức thấy bất cứ ai cũng chạy đến ôm chầm lấy chân, ăn hầu hết các loại thức ăn dành cho con người. Vì thế, giờ thả về môi trường tự nhiên cũng khó sống, hoặc có thể lại tìm về vị trí này để kiếm thức ăn.

Nhiều cá thể khỉ do nuôi nhốt quá lâu nên phải học lại cách sinh tồn trong rừng. Ảnh: Hưng Phúc.

Nhiều cá thể khỉ do nuôi nhốt quá lâu nên phải học lại cách sinh tồn trong rừng. Ảnh: Hưng Phúc.

“Bác sĩ” Hồng chia sẻ, con khỉ mặt đỏ này trước đó bị thương, mắc bệnh, nhân viên phải vượt 70km đưa khỉ tới trung tâm chữa bệnh cho động vật ở thành phố Hà Tĩnh để chữa trị. Sau 2 tháng điều trị, giờ sức khoẻ đã ổn định nhưng chưa thể thả về môi trường tự nhiên. Cũng sau lần giải cứu này, khỉ mặt đỏ trở nên thân thiết, thi thoảng chạy đến ôm người cán bộ vườn như bày tỏ lòng cảm ơn.

Trong quá trình cứu hộ, do lượng động vật quá lớn, trong khi đó không có đội ngũ chuyên nghiệp nuôi dưỡng, chăm sóc; không có trung tâm chuyên trách để cứu chữa, huấn luyện cho thú rừng. Vì vậy, để giải quyết công việc phát sinh, VQG Vũ Quang giao nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc động vật cho nhóm 7 người thuộc Phòng khoa học và hợp tác quốc tế. Dù là những “bác sĩ” không chuyên nhưng nhóm cứu hộ này đã làm việc hiệu quả hơn cả mong đợi khi 6 năm qua đã “hồi sinh” cho hàng nghìn động vật để thả về tự nhiên.

Rùa được chăm sóc, chữa trị trước khi thả về rừng. Ảnh: Hưng Phúc.

Rùa được chăm sóc, chữa trị trước khi thả về rừng. Ảnh: Hưng Phúc.

“Ngoài chữa trị vết thương, các “bác sĩ” còn phải huấn luyện lại khả năng sinh tồn cho chúng. Với những loài có nguồn gốc đánh bắt từ rừng đang thích nghi được môi trường tự nhiên, khi đã hồi phục hoàn toàn, sẽ được thả về khu vực có phân bố loài của nó. Tuy nhiên, những con bị nuôi nhốt quá lâu, không thể tự kiếm được thức ăn thì “bác sĩ” phải mất rất nhiều thời gian để khơi lại khả năng sinh tồn vốn có của chúng”, ông Kỳ nói.

3. Riêng năm 2024, VQG Vũ Quang đã tiếp nhận gần 180 cá thể động vật hoang dã nhưng không phải tất cả cá thể ấy đều may mắn được trở về ngôi nhà thiên nhiên. Có những con bị bệnh nặng, mất khả năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên nên phải chịu cảnh “giam cầm” suốt đời. Mục tiêu cuối cùng của việc tiếp nhận các loài động vật là chăm sóc chúng có sức khỏe ổn định để tái thả về môi trường tự nhiên sớm nhất.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, các nhân viên được học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc, đặc biệt có tình yêu với động vật. Nhiều năm qua, dù không được đào tạo bài bản nhưng những “bác sĩ” bất đắc dĩ ở Phòng khoa học và hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang cho hay, những năm gần đây, vườn tiếp nhận số lượng động vật tăng đột biến do công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã được đẩy mạnh, nhận thức của người dân đã thay đổi nhiều. Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc động vật sau tiếp nhận, cần phải thành lập một trung tâm ứng cứu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua việc này vẫn chưa thực hiện được nên có thời điểm, khu vực nuôi nhốt động vật ở vườn gần như quá tải.

Về lâu dài, rất cần các cấp có thẩm quyền quan tâm, đầu tư đúng mức để nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Ảnh: Hưng Phúc.

Về lâu dài, rất cần các cấp có thẩm quyền quan tâm, đầu tư đúng mức để nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Ảnh: Hưng Phúc.

“Việc cứu hộ và tái thả các loài động vật thời gian qua được VQG Vũ Quang thực hiện hết sức hiệu quả, góp phần rất lớn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hiện tại kinh phí đơn vị hạn hẹp, trang thiết bị phục vụ còn thiếu, nhân lực cứu hộ động vật hoang dã chưa được đào tạo chuyên sâu nên rất cần các cấp có thẩm quyền quan tâm, đầu tư đúng mức để nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh

Ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang thông tin, trong vòng 4 năm trở lại đây, vườn đã tiếp nhận, chăm sóc 657 cá thể động vật, tiến hành tái thả về rừng 645 cá thể với 20 loài. Trong đó, có gần 100 cá thể là động vật nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, như: Khỉ đuôi lợn; khỉ mặt đỏ; khỉ mốc; vượn đen má trắng; cầy vòi mốc, cầy vòi hương, rùa hộp trán vàng, rùa núi viền… Tất cả đều được đưa về “bệnh viện” và được các “bác sĩ” ở vườn chăm sóc, theo dõi trước khi thả về rừng.

Xem thêm
Thủ tướng dâng hương tri ân các liệt sỹ và Mẹ Việt Nam anh hùng

Sáng 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Quảng Nam và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.

Xử lý nghiêm vi phạm hạ thấp lớp đất mặt sản xuất nông nghiệp

Đồng Tháp UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc sử dụng đất không đúng mục đích, san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Vụ lật xe khách ở Phú Yên: Xác định danh tính 3 người tử vong

Cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã xác định được danh tính 3 người tử vong vụ lật xe khách trên QL1 qua tỉnh Phú Yên.

Bình luận mới nhất