| Hotline: 0983.970.780

Nông dân 4.0 làm nông nghiệp tuần hoàn – đa tầng kêu cứu Thủ tướng

Thứ Hai 21/09/2020 , 20:02 (GMT+7)

Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến vừa tiếp tục kêu cứu Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc trong các dự án điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp.

Điện mặt trời tại trang trại Tiến Tiến. Ảnh: Thương Công.

Điện mặt trời tại trang trại Tiến Tiến. Ảnh: Thương Công.

Cụ thể, trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (gọi tắt trang trại Tiên Tiến) ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản lần 2 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc trang trại này vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến trả lời của cơ quan chức năng về hướng giải quyết cho 10 dự án điện mặt trời lắp đặt tại trang trại sau một năm đưa vào vận hành.

Hồi sinh vùng đất khó

Là trang trại nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận đạt chuẩn Organic, không chỉ thu hút gần 100 lao động địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm đến làm việc với thu nhập ổn định đạt 8 triệu đồng/lao động/tháng, mà trang trại Tiên Tiến còn là đầu mối hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và thu mua nông sản cho gần 200 hộ nông dân của hai HTX Tuấn Tú (xã An Hải) và HTX Châu Rế (xã Phước Hải) huyện Ninh Phước, giúp bà con sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, giúp các hộ dân này phát triển kinh tế hộ gia đình trên chính mảnh đất đầy nắng, gió và cát.

Hiện tại, các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh Châu Âu (EU) cấp chứng nhận đạt chuẩn Organic từ năm 2019, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã giúp cho trang trại mang về nguồn doanh thu gần 10 tỷ đồng trong năm 2019.

Sản phẩm măng tây của trang trại Tiên Tiến. Ảnh: Thương Công.

Sản phẩm măng tây của trang trại Tiên Tiến. Ảnh: Thương Công.

“Năm 2018 khi xây dựng trang trại này thì nơi đây là những “thôn trắng” về điện. Để có đủ nguồn điện sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời trên các nhà khung thép tiền chế với độ cao của cột từ 4-5m. Những dự án điện mặt trời đã giúp trang trại có đủ điện canh tác, giúp cây trồng giảm tác động của bức xạ mặt trời, cây sinh trưởng và đạt năng suất cao”, ông Nguyễn Văn Tiến - chủ trang trại Tiên Tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, nguồn điện mặt trời do trang trại Tiên Tiến sản xuất ra đã hỗ trợ cho những người dân tại địa phương có điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. “Có điện là có nước, nhờ đó mà các hộ dân tại thôn Tuấn Tú đã không phải rời bỏ quê hương đi tìm kiếm việc làm. Hiện, các hộ nông dân ở đây ai cũng vui mừng vì có thể canh tác trên chính mảnh đất quê hương mình. Vùng đất khó đầy nắng và gió đã được hồi sinh, đường làng, ngõ xóm đã có hệ thống chiếu sáng công cộng do Tiên Tiến hỗ trợ, góp phần vào hoàn thành tiêu chí số 4 về nông thôn mới của thôn Tuấn Tú chúng tôi”, ông Hùng Ky - Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Tú cho biết.

Chọn điện hay cả điện và Nông nghiệp?

Ông Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư thăm trang trại Tiên Tiến. Ảnh: NNVN.

Ông Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư thăm trang trại Tiên Tiến. Ảnh: NNVN.

Ban đầu khi xây dựng, trang trại Tiên Tiến mới chỉ đầu tư hệ thống tấm quang năng gắn trực tiếp với mô-tơ điện vận hành, phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu của trang trại. “Thấy mô hình điện mặt trời hiệu quả cùng với lời kêu gọi khuyến khích đầu tư điện mặt trời vào sản xuất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước thông qua Quyết định 11/2017-QĐ-TTg (gọi tắt Quyết định 11) ngày 11/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, tháng 5/2018 chúng tôi đã quyết định đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời áp mái. Tuy nhiên đến nay 10/12 dự án điện mặt trời chỉ được ký Biên bản ghi nhận sản lượng chứ chưa có hợp đồng mua bán. Ước tính số tiền điện đã phát lên lưới là trên 20 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết.

“Khi Bộ Công Thương và EVN thiếu điện kêu gọi bằng các cơ chế chính sách khuyến khích mọi nguồn lực xã hội tham gia, chúng tôi đã hưởng ứng và tham gia, sản lượng điện của chúng tôi EVN đã bán và thu tiền, tuy nhiên nếu chưa có hướng dẫn theo Quyết định 13 thì tiền điện EVN phải tạm tính theo Quyết định 11 và chuyển vào ngân hàng và sau này có hướng dẫn thì ngân hàng sẽ thanh toán, thừa thì trả lại EVN. Nếu EVN không trả tiền cho nhà đầu tư ngay mà sau khi có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thuộc đối tượng nào thì EVN thanh toán tiền nợ và tiền lãi theo lãi suất vay trung hạn của ngân hàng cho nhà đầu tư. Vấn đề này cũng đã được chúng tôi ghi vào trong Biên bản làm việc với Điện lực Ninh Phước thuộc Công ty Điện lực Ninh Thuận ngày 23/7/2020. Việc chậm trả này khác nào EVN đang chiếm dụng vốn của doanh nghiệp trong khi chúng tôi vẫn phải trả lãi vay ngân hàng”, ông Tiến bức xúc.

Cũng theo ông Tiến, khi đầu tư là theo Quyết định 11, sau khi thi công, vận hành đưa vào sử dụng thì áp dụng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (gọi tắt là quyết định 13), trong đó có quy định: Điện mặt trời mái nhà thì các tấm pin phải được lắp trên mái của một công trình xây dựng.

Theo ông Tiến, cách hiểu này chưa đúng bởi trên thế giới khi triển khai các dự án năng lượng mặt trời mái nhà chỉ là định tính để phân biệt với các loại hình năng lượng mặt trời trên mặt đất, trên mặt nước… Bên cạnh đó, các hệ thống năng lượng mặt trời được lắp phía trên cao của các công trình xây dựng dân dụng, nông nghiệp, công nghiệp… đều được xem như là các hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường  thăm trang trại Tiên Tiến. Ảnh: Thương Công.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường  thăm trang trại Tiên Tiến. Ảnh: Thương Công.

Ông Tiến khẳng định, nếu ông thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Công Thương trong việc lợp mái Tole dưới những tấm quang năng theo Quyết định số 13, sẽ dẫn đến hàng chục ha canh tác nông nghiệp hư hại do cây trồng thiếu ánh sáng, nhiệt độ môi trường tăng; vào mùa mưa lượng nước mưa không được phân bổ đồng đều mà tập trung một chỗ dẫn đến tình trạng cây trồng bị ngập, úng… Dự án nông nghiệp hữu cơ của chúng tôi tại địa phương sẽ bị “chết”. Hàng trăm lao động trực tiếp và gián tiếp là đồng bào dân tộc Chăm sẽ mất việc, đời sống bà con bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi lắp thêm tấm Tole nhiệt độ bên dưới tấm Tole có thể lên trên 45-500C không những ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng mà còn làm giảm tuổi thọ của tấm quang năng và giảm công suất phát của hệ thống điện mặt trời.

“Nếu Bộ Công Thương chọn điện thì chúng tôi sẵn sàng lắp thêm tấm Tole, còn nếu vừa có điện vừa đảm bảo sinh kế bền vững cho người nông dân thông qua phát triển nông nghiệp thì việc lắp thêm tấm tole là không cần thiết và không đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Chính phủ đã và đang đề ra”, ông Tiến cho biết.

Trang trại Tiên Tiến đang mong sớm nhận được hướng giải quyết từ Chính phủ cùng các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư làm nông nghiệp thực sự có kết hợp mô hình điện mặt trời như trang trại Tiên Tiến. “Sau hai đợt dịch Covid-19, doanh nghiệp đã gặp quá nhiều khó khăn rồi, với việc tồn đọng tiền vốn tại EVN như vậy không biết liệu chúng tôi có thể trụ vững được trong thời gian tới hay không”, ông Tiến cho biết.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.