| Hotline: 0983.970.780

Trang trại nông nghiệp sạch kết hợp điện mặt trời:

Mô hình hay nhưng gặp khó vì cơ chế

Thứ Hai 03/08/2020 , 11:00 (GMT+7)

Ở vùng “chảo lửa” Ninh Thuận đã hình thành một mô hình nông nghiệp sạch kết hợp điện mặt trời mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đang gặp khó vì cơ chế.

Mô hình đa lợi ích và niềm vui một nửa

Từ “trăn trở” với cái đói, cái nghèo đeo đẳng bao đời của người dân miền Trung cùng lời kêu gọi đầu tư của Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2020, năm 2018, ông Nguyễn Văn Tiến đã cùng một số hộ dân hợp tác cùng nhau lập nên Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước trên nền tảng những cánh đồng VietGAP vốn có.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thăm Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến. Ảnh: ĐD.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thăm Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến. Ảnh: ĐD.

Với ý định làm nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị, nên ngay từ ban đầu, trang trại đã được ông Tiến quy hoạch, thiết kế rất khoa học, bài bản theo mô hình khép kín, vừa đạt tính thẩm mỹ cũng như công năng sử dụng với nhiều khu vực như: Khu trồng cây nông nghiệp như măng tây, đậu phộng (lạc), tỏi, một số cây thảo mộc; Khu vực chăn nuôi trùn quế, nuôi bò; Khu vực sản xuất phân và thuốc sinh học phục vụ canh tác hữu cơ; Khu vực nhà sơ chế, chế biến, đóng gói, kho lạnh bảo quản các sản phẩm của trang trại.

Nhiệt huyết là vậy, song khi bắt tay vào làm mới thấy có nhiều cái khó phát sinh. Ở thời điểm đó, trang trại không có điện lưới để sản xuất dù đã nhiều lần đơn vị kiến nghị với chính quyền và ngành điện địa phương xin cấp điện song không được ủng hộ. Vườn ươm, cây cối bị khô cằn; sản phẩm làm ra không thể lưu trữ và đã nhiều lần phải bỏ đi.

Đầu tư vào nông nghiệp vốn đã rủi ro, không có điện lại càng rủi ro hơn vì thế ông Tiến đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng đường dây 35kV kéo nguồn sáng trang trại. Thế rồi, hưởng ứng chủ trương phát triển điện mặt trời của Chính phủ, ông Tiến cùng nhiều hộ nông dân làm chung đã đầu tư lắp những tấm quang điện trên mái nhà kho, xưởng, trên các khoảng sân và lối đi nội bộ với mục đích vừa làm tấm che cho cây trồng, vật nuôi; vừa có thêm nguồn điện để sản xuất, góp phần tiết kiệm điện, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến. Ảnh: KS

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến. Ảnh: KS

Chia sẻ về ý tưởng kết hợp nông nghiệp với điện mặt trời, ông Tiến cho biết, tài nguyên đất đai dù có khô cằn vẫn là hữu hạn, còn nguồn bức xạ có vô tận nhưng không tận dụng cũng coi như bỏ phí. Khi làm mô hình hỗn hợp này, chúng tôi vừa canh tác, sản xuất để đưa ra những sản phẩm tốt cho thị trường, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên mặt trời mà không ảnh hưởng gì đến lưới điện, ngoài những lợi ích như trên, mô hình đã  tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, đóng góp cho kinh tế địa phương.

Theo ông Tiến, sản xuất theo mô hình nông nghiệp khép kín sẽ tận dụng được toàn bộ sản phẩm trong trang trại. Những phế phẩm của cây măng tây, đậu phộng sẽ dùng làm nguồn thức ăn cho đàn bò hơn 300 con; Nguồn phân bò sẽ dùng để nuôi trùn quế; nguồn phân trùn quế làm phân bón lại cho cây măng tây, đậu phộng và một số loại thảo mộc, rau ăn lá. Riêng thịt trùn quế được dùng làm nguồn thức ăn cho cá, gà….Hiện nay, trang trại còn sản xuất thêm hai sản phẩm đặc trưng đó là: Chế phẩm thảo mộc Neem NNT – 18 được chiết xuất từ cây Neem và sản phẩm Chế phẩm sinh học CNT- 18 được sản xuất từ nguồn cá biển đánh bắt gần bờ của bà con trong khu vực.

Sự thành công của mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao từ đầu vào cho đến đầu ra, trang trại Tiên Tiến và các sản phẩm đã được Tổ chức Control Union của Hoa Kỳ cấp chứng nhận là sản phẩm hữu cơ – Organic.

Thưc tế, hơn 2 năm sản xuất, sản phẩm măng tây tươi hay dầu lạc nguyên chất của trang trại Tiên Tiến sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường. Măng tây còn được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng khác như Trà Măng tây được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.

Sản phẩm hữu cơ của Trang trại Tiên Tiến (Ninh Thuận). Ảnh: Dũng Đình.

Sản phẩm hữu cơ của Trang trại Tiên Tiến (Ninh Thuận). Ảnh: Dũng Đình.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, mô hình trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến được kết hợp với những sản phẩm từ năng lượng, đến canh tác gồm giống cây trồng, vật nuôi tạo giá trị cao. Trang trại này là đầu mối để hỗ trợ cho các HTX và các hộ dân khác trên địa bàn tạo ra chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ (Organic). Nó đã làm thay đổi vùng đất bán sa mạc 3 không: không hạ tầng, không nước, không điện từng bước thoát nghèo và trở nên thịnh vượng.

Đánh giá về hướng đi và thành công củaTrang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là mô hình kinh tế tuần hoàn không có thứ gì bỏ đi, triệt để khai thác để tạo ra chuỗi giá trị với hệ thống điện mặt trời ở trên còn bên dưới là sản xuất nông nghiệp. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha đất mà còn tạo ra những giá trị to lớn ở vùng đất khó khăn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá, bền vững.

Thành công và lợi ích là vậy, song niềm vui của ông Tiến chưa trọn vẹn, khi 12 dự án điện mặt trời được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mới chỉ có 2 dự án được ký hợp đồng, 10 dự án còn lại mới được công ty điện lực địa phương ghi nhận sản lượng và chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết dù đã nhiều lần kiến nghị.

Cần cơ chế khuyến khích

Tổ chức Control Union của Hoa Kỳ chứng nhận cho sản phẩm của Trang trại Tiên Tiến. Ảnh: Dũng Đình.

Tổ chức Control Union của Hoa Kỳ chứng nhận cho sản phẩm của Trang trại Tiên Tiến. Ảnh: Dũng Đình.

Căn cứ theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác như Luật Xây dựng 2014, Nghị Định 46/2015/NĐ - CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Thông tư số 63/2012/TT - BNNPTNT ngày 14/12/2012 của Bộ NN-PTNT thì 10 dự án điện mặt trời tại trang trại Tiên Tiến đều được lắp đặt trên mái công trình giao thông nội bộ và công trình nhà lưới hở, đáp ứng yêu cầu về điện mặt trời mái nhà và được hưởng theo khung giá quy định.

Thực tế hoạt động của cả 12 dự án điện mặt trời đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và không gây hại gì cho lưới điện phân phối và đã góp phần cung cấp 1 sản lượng điện đáng kể cho địa phương.

Trang trại Tiên Tiến nhìn từ trên cao. Ảnh: Dũng Đình.

Trang trại Tiên Tiến nhìn từ trên cao. Ảnh: Dũng Đình.

“Nếu dự án chỉ làm điện mặt trời không thì không canh tác được, người dân mất đất. Ngược lại, dự án chỉ làm nông nghiệp không thì bỏ phí nguồn tài nguyên vô tận. Trong khi sự kết hợp tạo ra lợi ích to lớn ai cũng nhìn thấy và đã được chứng minh tính hiệu qủa lại không được khuyến khích. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, Các hộ dân đã bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư điện mặt trời nhưng không được ký hợp đồng. Điều này gây khó khăn về tài chính cho chủ đầu tư nếu không sớm có giải pháp giải xử lý triệt để” – ông Tiến bộc bạch.

Nhiều ý kiến cho rằng, từ hiệu quả ở mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mà trang trại Tiên Tiến là một điển hình, thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm đưa ra những cơ chế khuyến khích và những hướng dẫn cụ thể để sớm giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân đầu tư mô hình này. Từ đó mới tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư cùng chung tay xây dựng và lan toả một nền nông nghiệp sạch có giá trị cao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm