| Hotline: 0983.970.780

Nông dân mua nước… cứu lúa

Thứ Năm 25/02/2010 , 10:01 (GMT+7)

Gần chục năm nay, người nông dân của xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội) kêu trời vì ruộng đồng không được bơm nước, nguy cơ tái đói nghèo rình rập khi có ruộng mà không cày cấy được...

Chị Nguyễn Thị Tính bên cánh đồng bỏ hoang vì không có nước cày cấy

Gần chục năm nay, người nông dân của xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội) kêu trời vì ruộng đồng không được bơm nước, nguy cơ tái đói nghèo rình rập khi có ruộng mà không cày cấy được. Hàng chục hecta ruộng có nguy cơ phải bỏ hoang.

 “Trộm nước” để…cứu lúa

Nếu như những năm trước, vào thời điểm này người dân thôn Thọ Lão đã đổ xong ải và làm ruộng để cày cấy thì vụ này các khu cánh đồng của thôn vẫn trắng xoá, đất đai khô khốc do không có nước làm ruộng. Giọng bức xúc, chị Nguyễn Thị Tính nói: “Dân chúng tôi khổ quá, giờ không biết kêu ai để giúp đây. Mấy năm nay chúng tôi không có nước đồng để mà cấy cày, trồng trọt gì cả. Như năm trước thôi, đến khi cấy lúa được 1, 2 tháng mới đưa nước về cho dân. Trước đó chúng tôi đều phải…mua nước từ các ao hồ để mà “cứu lúa”, nhiều người lại đi bơm nước trộm cánh đồng bên. Có cảnh ở đâu dân khổ khi phải “trộm nước” để cứu lúa như chúng tôi không anh?”.

Cánh đồng khu Bể Cả của thôn Thọ Lão rộng hàng chục mẫu cũng đang rơi vào cảnh hoang hoá do thiếu nước. Lúi húi nhặt vài ngọn rau dại trên thửa ruộng nứt nẻ, khô khốc, bà Trần Thị Đông phân trần: “Các nơi khác họ cấy gần xong rồi mà dân chúng tôi chưa có nước cày bừa. Khổ quá! Cán bộ thôn bảo là sắp có nước, dân đợi mà nhiều ngày rồi mà có giọt nước nào đâu. Mấy năm nay cánh khu này phải bỏ cả cấy. Chú bảo cấy lúa mà không có nước thì lúa nào sống được. Năm ngoái nhiều nhà mất trắng”.

Tại cánh đồng khu Đồng Khoang chuyện thiếu nước rồi bỏ cả cấy lúa cũng xảy ra. “Không hiểu cán bộ ở đây làm việc thế nào mà lại không bơm nước đầy đủ cho dân. Cấy ra không có nước dân kêu cán bộ, kêu mãi mỏi mồm rồi đâu lại vào đấy”, bà Nguyễn Thị Ty, 70 tuổi thôn Thanh Điềm nói.

 Không có nước là do...trời!

 Xã Tiến Thịnh có 7 thôn, diện tích đất nông nghiệp cỡ 300ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 200ha. Thực tế những năm gần đây, diện tích đất trồng lúa không đạt con số này do không có nước cày cấy. Ông Nguyễn Văn Dương, PCT UBND xã Tiến Thịnh thừa nhận: “Mấy năm nay ở địa phương cũng có chuyện khan hiếm nước. Đây là tình hình hạn hán chung của các tỉnh phía Bắc?”.

Theo tìm hiểu, ở mỗi thôn của xã đều có 1 HTX để làm các dịch vụ như mương máng, thuỷ lợi nội đồng, công tác quản lý nhưng đều hoạt động cầm chừng và chưa hiệu quả. Chính sự làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm như vậy nên mới xảy ra chuyện gần chục năm nay nông dân…khát nước cày cấy. Ông Trần Lập, thôn Thọ Lão bức xúc: “Chúng tôi đóng sản phẩm cho HTX có thiếu cân thóc nào đâu mà sao họ lại để dân chúng khốn khổ thế nào”.

Năm 2008, huyện Mê Linh đã đầu tư hàng tỷ đồng kiên cố hoá kênh mương thôn Thọ Lão phục vụ công tác tưới tiêu. Thế mà đến thời điểm này khi nông dân đang ngóng dài cổ chờ nước thì hệ thống mương máng vẫn không hề có giọt nước nào. Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Văn Dương cho biết: “Trạm bơm cháy máy hôm kia, khoảng vài ngày nữa sửa chữa là được. Nông dân lại có nước!?”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.