| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Thanh Hóa lo mất trắng vì không kịp thu hoạch lúa chạy bão

Thứ Sáu 06/09/2024 , 23:25 (GMT+7)

Thanh Hóa còn hàng chục nghìn ha lúa đang độ chín chưa kịp thu hoạch, nguy cơ ngập úng và thiệt hại do bão số 3 là rất lớn.

Chạy đôn chạy đáo tìm máy gặt

Mấy hôm nay, chị Mai Thị Huế (xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) chạy đôn, chạy đáo thuê máy gặt, thu hoạch nốt hơn 1 mẫu ruộng còn lại trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền. Khổ nỗi, xã Xuân Minh chỉ có 4 máy gặt, trong khi diện tích lúa hè thu toàn xã lên tới hơn 200ha, nhưng ai cũng có nhu cầu gặt chạy bão nên việc thuê máy khó như… lên trời.

Ruộng lúa của gia đình chị Huế nằm ở cánh đồng trũng, hễ mưa lớn là ngập. Do đó, nếu không gặt sớm thì nguy cơ mất trắng do bão số 3 là điều có thể xảy ra. 

“Giờ ai cũng có nhu cầu gặt lúa, nên thuê máy khó lắm! Trong khi đó, nếu làm thủ công phải mất cả tuần mới xong. Bây giờ, gia đình chỉ mong thuê được máy gặt để thu hoạch nốt số diện tích còn lại, nếu không thì thất thu”, chị Huế sụt sùi.

Máy gặt hoạt động hết công suất, giúp dân gặt lúa chạy bão. Ảnh: Quốc Toản.

Máy gặt hoạt động hết công suất, giúp dân gặt lúa chạy bão. Ảnh: Quốc Toản.

Theo kinh nghiệm nhà nông, mỗi khi bão đổ bộ vào đất liền sẽ gây mưa to, làm tăng khả năng ngập úng, gây thiệt hại mùa màng. Bởi vậy, khi chính quyền xã khuyến cáo bà con cần thu hoạch lúa sớm, nhiều gia đình đã tranh thủ ra đồng gặt hết lúa trong điều kiện thời tiết khô ráo. Với quan niệm “xanh nhà hơn già đồng”, nhiều ruộng lúa dù mới đạt độ chín hơn 60% vẫn được người dân thu hoạch sớm, đưa về nhà, hoặc nhập cho thương lái.

Ông Nguyễn Văn Niên thu gom rơm rạ sau khi gặt xong 8 sào lúa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Văn Niên thu gom rơm rạ sau khi gặt xong 8 sào lúa. Ảnh: Quốc Toản.

Ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Niên (thôn Hoa Lộc, xã Xuân Minh) đang độ chín. Chỉ vì chuyện gặt sớm hay muộn mà vợ chồng ông đau đầu mấy hôm nay. Theo ông Minh, nếu gặt sớm, năng suất và chất lượng gạo thành phẩm sẽ không cao, giá bán thấp. Nếu gặt muộn thì phó mặc cho trời, thậm chí mất trắng. Sau khi đắn đo hết nhẽ, ông quyết định thuê máy gặt để thu hoạch toàn bộ 8 sào lúa sớm hơn lịch thời vụ. 

“Nếu mưa bão tới, máy rất khó gặt khi lúa đổ, ngã, thậm chí nông dân còn tốn thêm công dựng lúa. Thôi thì xanh nhà còn hơn già đồng. Lúa mới chín được 60-70% cũng phải thu hoạch, còn hơn mất trắng nếu bão đổ bộ. May mà gia đình tôi nhanh chân thuê được máy gặt chứ không thì đành phó mặc cho ông trời”, ông Niên chia sẻ.

Bà Trịnh Thị Thủy chấp nhận thu hoạch 'lúa non' để chạy bão. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Trịnh Thị Thủy chấp nhận thu hoạch "lúa non" để chạy bão. Ảnh: Quốc Toản.

Giống như nhiều hộ gia đình trong xã, bà Trịnh Thị Thủy (thôn Vinh Quang, xã Xuân Minh) có 3 sào lúa phải gặt vội để chạy bão. Năm ngoái, sau khi thu hoạch xong, bà Thủy nhập phần lớn sản lượng cho thương lái để lấy tiền trang trải sinh hoạt phí. Tuy nhiên, do vu hè thu năm nay năng suất lúa không như kỳ vọng, bởi vậy bà Thủy quyết định để lại toàn bộ số lúa đã thu để dự trữ, đề phòng lúc giáp hạt.

“Công chăm trồng mấy tháng trời mong có mùa màng bội thu. Giờ lúa sắp chín, nhưng bão sắp đổ bộ nên gia đình nào cũng phải hối hả xuống đồng thu hoạch sớm hơn dự kiến. Gặt lúa xanh phải chấp nhận năng suất và sản lượng lúa không bằng so với việc thu hoạch đúng lịch thời vụ. Tiếc vì lúa đang vào độ chín nhưng người dân không còn lựa chọn nào khác”, bà Thủy cho biết. 

Chấp nhận thiệt hại

Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh hiện có 2 máy gặt đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thu hoạch của người dân. Mấy ngày nay, Hợp tác xã huy động toàn lực lượng để phụ giúp người dân thu hoạch lúa cả ngày lẫn đêm, giúp dân chạy bão.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Xuân Minh đã thu hoạch được 180ha lúa (tổng số 205ha). Riêng đêm 5/9, hợp tác xã đã huy động tới 20 nhân lực bao gồm công nhân lái máy, lái xe, bốc vác để phụ giúp bà con thu hoạch 40ha lúa. Lúa thu hoạch đến đâu được đưa ngay về xưởng chế biến để sấy và đóng gói, vận chuyển đến nơi tiêu thụ. 

Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Xuân Minh thu mua lúa của bà con để nhập cho đơn vị bao tiêu. Ảnh: Quốc Toản.

Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Xuân Minh thu mua lúa của bà con để nhập cho đơn vị bao tiêu. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Lê Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh cho biết, hiện nay, doanh nghiệp đã thu mua khoảng 500 tấn lúa cho bà con. Tuy nhiên, do lúa gặt sớm, nên chất lượng gạo thành phẩm không cao. Tỷ lệ gạo thu hồi sau xay xát hơn 50% gạo nguyên, bởi vậy đơn vị bao tiêu sản phẩm trả giá thấp hơn so với mọi năm.

“Năm ngoái, lúa tươi thu mua tại ruộng có giá 7,2 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay hợp tác xã chỉ dám thu mua với mức giá 6,7 nghìn đồng/kg do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Vụ mùa năm 2023, lúa thu hoạch đến đâu, thương lái mua đến đó, thậm chí cháy hàng, nhưng năm nay lượng tiêu thụ chậm hơn rất nhiều”, bà Hoa cho biết.

Cũng theo bà Hoa, vụ hè thu 2024 Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh trồng 80ha lúa giống, thế nhưng do ảnh hưởng của bão nên 8ha lúa giống không đạt chất lượng. Bởi vậy, nguồn cung giống cho các cơ sở giống cây trồng có khả năng thiếu hụt nghiêm trọng.

Lúa thu hoạch sớm nên chất lượng không như kỳ vọng. Ảnh: Quốc Toản.

Lúa thu hoạch sớm nên chất lượng không như kỳ vọng. Ảnh: Quốc Toản.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, tính đến ngày 6/9, toàn tỉnh thanh Hóa đã thu hoạch 24,3 nghìn ha lúa (trong tổng số 112,4 nghìn ha, đạt hơn 21%). Diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên chưa thu hoạch khoảng 22 nghìn ha; diện tích có nguy cơ ngập lụt hơn 9,8 nghìn ha.

Để ứng phó với bão số 3, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các địa phương trong tỉnh huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, tranh thủ thời tiết chưa có mưa, tập trung thu hoạch triệt để diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên và các cây trồng khác đã đến thời điểm thu hoạch.

Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để linh hoạt điều chuyển máy thu hoạch lúa từ các huyện, xã chưa có lúa chín hoặc diện tích lúa chín còn ít sang nơi có diện tích lúa chín nhiều.

Chỉ đạo lực lượng thuỷ nông, các Hợp tác xã Dịch vụ thuỷ lợi, tiêu kiệt nước mặt ruộng và nước đệm trên các hệ thống kênh mương; rà soát, kiểm tra các công trình thủy lợi và máy móc, có phương án sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Khơi thông hệ thống kênh, mương nhất là kênh mương tiêu để có kế hoạch khi xảy ra mưa bão, ngập úng.

Khẩn trương đấu mối với các đơn vị đã ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm lúa và các cây trồng khác vụ mùa, lên phương án thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy, thu mua sản phẩm trên diện tích đã được bao tiêu, tổ chức thu mua lúa tươi. Đồng thời cho rà soát, tu sửa hệ thống lò sấy điện, sấy thủ công trên địa bàn để sẵn sàng thực hiện sấy lúa dịch vụ cho nông dân…

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Bộ giống chất lượng là tiền đề đưa lâm nghiệp Nghệ An bay cao

Muốn vươn tầm thành thủ phủ lâm nghiệp của cả nước, bên cạnh công tác thu hút đầu tư, Nghệ An phải nâng cấp bộ giống cây lâm nghiệp đang trên đà suy thoái.