Thu nhập gấp 50 lần trồng lúa
Hợp tác xã dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (HTX Đông Tiến), thuộc xã Đông Tiến huyện Đông Sơn, Thanh Hóa được thành lập năm 2012, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nông nghiệp như máy gặt, máy làm đất, máy cấy, mạ khay. Năm 2015, HTX Đông Tiến chuyển đổi hoạt động sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất dưa chuột baby, dưa Kim Hoàng Hậu và sản xuất rau ăn lá.
Ông Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc HTX Đông Tiến cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ, VietGAP giúp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
“Tín hiệu của thị trường cho thấy, xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp sử dụng hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (hay còn gọi là nông nghiệp sạch từ tâm) ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật là tất yếu. Nông nghiệp sạch giúp tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường xung quanh”, ông Thiên chia sẻ.
Sau khi hoàn thành tích tụ đất đai, ông Thiên mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quá trình kiểm nghiệm, phân tích mẫu đất, mẫu nước, quy trình xây dựng và vận hành trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Quá trình thực hiện, ông Thiện nhận được sự hỗ trợ từ tiến sĩ Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm trong việc xây dựng nhà lưới, nhà màng, kỹ thuật canh tác.
Tháng 5/2015, HTX hoàn thành việc lắp đặt nhà màng và trồng 1.000 gốc dưa Kim Hoàng Hậu trên diện tích khoảng 500m2. Vụ dưa đầu tiên đạt sản lượng 1,5 tấn. Với giá bán 45 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, HTX thu nhập từ 25-30 triệu đồng/vụ.
Từ thành công bước đầu, HTX Đông Tiến tiếp tục nhân rộng mô hình sản nông nghiệp sạch theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX phối hợp với các cơ quan chuyên môn (Viện rau quả Trung ương, Phòng Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đông Sơn, Hội làm vườn Thanh Hóa) tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho các thành viên hợp tác xã.
Dự án bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực và góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.
“Thay vì canh tác nông nghiệp truyền thống, chúng tôi hướng dẫn bà con sản xuất nông nghiệp an toàn, có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và tiêu chuẩn đã đăng ký (VietGAP, hữu cơ). Sản phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc, bao bì tem nhãn rõ ràng. Hợp tác xã mong muốn lan tỏa mô hình nông nghiệp sạch từ tâm, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của Thanh Hóa và hướng tới xuất khẩu", ông Thiên chia sẻ.
Ngoài ra, hợp tác xã đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất, lắp đặt nhà màng để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cho khoảng 20 đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, khu vực sản xuất của hợp tác xã đã được mở rộng lên 4,4ha trong đó có 2,2ha trồng dưa chuột baby, Kim Hoàng Hậu và trồng hoa lan Hồ Điệp. Mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 120 tấn dưa kim hoàng hậu, 70 tấn dưa chuột, rau ăn lá, 60 tấn cà chua và 4 vạn cây lan Hồ Điệp (dự kiến thu hoạch lan Hồ Điệp cuối năm nay).
Tất cả sản phẩm của doanh nghiệp đều được bao tiêu sau khi thu hoạch. sau khi trừ chi phí, các mặt hàng rau, quả cho lãi hơn 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Theo ông Thiên, sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập gấp 50 lần so với trồng lúa, 30 lần so với trồng rau màu truyền thống.
Ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong sản xuất
Vài năm trở lại đây, nhận thấy xu hướng phát triển của hoa lan Hồ Điệp, năm 2024, hợp tác xã đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trồng 4 vạn cây trên diện tích 2.000m2. Theo ông Thiên, hướng đi này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho hợp tác xã trong năm nay.
Theo ông Thiên, hiện nay nguồn cung lan Hồ Điệp chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Loại cây cảnh này vẫn phải nhập khoảng 70% từ nước ngoài để phục vụ thị trường trong nước. Dự kiến, năm nay, hợp tác xã thu về khoảng 4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí sẽ cho lãi hơn 1 tỷ đồng.
Không chỉ vườn lan Hồ Điệp mà các sản phẩm nông nghiệp tại trang trại đều được vận hành tự động hóa từ khâu chăm sóc đến thu hoạch. Đặc biệt, để giảm chi phí sản xuất, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất khép kín.
“Đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tốn kém một lần nhưng dùng được cả chục năm. So với dùng điện thông thường, thì sử dụng điện năng lượng mặt trời giúp giảm một nửa chi phí, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm trên thị trường”, ông Thiên chia sẻ.
Ngoài ra, các loại cây trồng trong nhà màng đều được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được nước tưới, giảm lượng công nhân làm việc thủ công, đồng thời có thể canh tác quanh năm mà không sợ ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh.
“Nhà màng giúp che chắn mưa, nắng, hạn chế côn trùng và các loại sâu ăn lá gây hại. Ngoài ra hệ thống tưới nhỏ giọt không chỉ cung cấp nước một cách tiết kiệm cho cây mà cùng với công nghệ tưới nước và phân bón qua đường ống nhỏ giọt, giúp cung cấp đồng đều và chính xác lượng phân bón cho cây trồng.
"Công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước tưới so với phương pháp truyền thống từ 30-40%, tăng năng suất và thu nhập từ 10-20%, giảm chi phí công chăm sóc. Trong quá trình canh tác hữu cơ, người trồng sử dụng thuốc và phân bón có nguồn gốc sinh học nên sản phẩm an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho công nhân lẫn người tiêu dùng", ông Thiên cho biết.
Năm 2016, sản phẩm dưa Kim Hoàng Hậu, dưa chuột, cà chua, rau ăn lá họ cải của HTX Đông Tiến đạt tiêu chuẩn VietGAP; năm 2019 sản phẩm dưa Kim Hoàng Hậu và dưa chuột baby đạt tiêu chuẩn hữu cơ; năm 2020, 2021 cả hai sản phẩm trên lần lượt được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.
Ông Thiên cho biết: “Việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn, thân thiện với môi trường và liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP giúp hợp tác xã ít phải cạnh tranh về giá thành sản phẩm, nông dân không còn lo cảnh được mùa mất giá. Đây là tiền đề quan trọng để hợp tác xã tập trung đầu tư công nghệ mới, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng và hướng tới xuất khẩu".