Giảm đáng kể chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận
Nằm trong khuôn khổ Dự án “Áp dụng dự báo khí hậu thời hạn mùa và các giải pháp bảo hiểm tiên tiến vào quản lý rủi ro khí hậu trong ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á” (gọi tắt là dự án DeRISK SE Asia). Tại Việt Nam, từ năm 2020, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đã triển khai bản tin thời tiết nông vụ thí điểm tại tỉnh Tiền Giang và nhân rộng ra thêm 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Bản tin với mục đích hướng đến hỗ trợ nông dân trồng lúa có những thông tin dự báo về khí tượng thủy văn và các khuyến cáo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV), trước những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sản xuất.
Qua thời gian triển khai, bản tin thời tiết nông vụ đã thật sự lan tỏa, nhân rộng và nhận được sự đồng thuận cao của bà con nông dân. Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt tại Hội thảo “Đánh giá kết quả nhân rộng Bản tin thời tiết nông vụ ở ĐBSCL”, diễn ra ngày 28/10 tại TP Cần Thơ.
Phân tích về chi phí sản xuất lúa của nông dân khi áp dụng bản tin thời tiết nông vụ tại tỉnh Tiền Giang, bà Lê Thị Tầm, điều phối viên dự án DeRISK SE Asia tại Việt Nam cho biết, nông dân tiếp cận và áp dụng bản tin thời tiết nông vụ giảm được nhiều chi phí thuốc BVTV, phân bón.
Để đưa ra kết luận này, dự án đã thực hiện một khảo sát với 111 nông dân đang áp dụng bản tin thời tiết nông vụ tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phước của tỉnh Tiền Giang. Kết quả khả quan, khi gần 40% nông dân cho biết giảm hơn 1,3 triệu đồng/ha chi phí thuốc BVTV sau khi áp dụng bản tin. Việc áp dụng bản tin cũng góp phần giúp bà con tăng năng suất lúa bình quân khoảng 266 kg/ha và tăng lợi nhuận ròng trung bình khoảng 2,7 triệu đồng/ha, cao hơn đáng kể so với nhóm không áp dụng.
Cần xem xét nhân rộng bản tin thời tiết nông vụ
Năm 2022 là thời điểm kết thúc Dự án DeRISK SE Asia. Ông Lê Thanh Tùng cho rằng, sự kết thúc của dự án không có nghĩa là bản tin thời tiết nông vụ kết thúc theo. Từ những hiệu quả bước đầu mà bản tin thời tiết nông vụ mang lại, bản tin cần được duy trì trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, bản tin cần cập nhật thêm một số thông tin về thủy sản, nước sạch nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… từ đó cải tiến bản tin sinh động và gần gũi hơn với bà con nông dân.
Ông Tùng mong muốn, thời gian tới bản tin thời tiết nông vụ có thể nhân rộng ra 13 tỉnh thành ĐBSCL. Cục Trồng trọt sẽ xây dựng kế hoạch trình Bộ NN-PTNT để triển khai bản tin trên diện rộng. Thông qua, các nguồn lực, các chương trình, dự án quốc tế thích ứng với BĐKH đã và đang triển khai tại vùng ĐBSCL, tạo tiền đề để mở rộng bản tin này.
Ông Tùng cho biết định hướng sắp tới, ngành trồng trọt sẽ nghiên cứu, tích hợp bản tin thời tiết nông vụ thành một ứng dụng trên điện thoại di động với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Đài Khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn như Cục Bảo vệ thực vật, Tổng Cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi…
“Những thông tin đưa vào bản tin thiết thực cho từng địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao. Trong hoạt động tổ chức sản xuất, đây là giải pháp, cánh tay nối dài trong sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT gần gũi hơn với bà con nông dân”, ông Tùng đánh giá.
Tiến sĩ Kees Swaans, Trưởng dự án DeRISK SE Asia, Liên minh Tổ chức đa dạng sinh học quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế CIAT nhìn nhận, BĐKH hiện nay đang ảnh hưởng lớn tới những nông dân sản xuất nhỏ. Một trong những ví dụ điển hình, năm 2016, hạn hán xâm nhập mặn diễn ra trầm trọng ở ĐBSCL gây ảnh hưởng đến 400.000 ha đất trồng trọt ở 11/13 tỉnh thành của vùng, gây thiệt hại kinh tế lên đến 200 triệu USD, thu nhập của nông dân đã giảm tới 75%.
Trước thách thức của BĐKH, Tiến sĩ Kees Swaans cho rằng, bản tin dự báo thời tiết nông vụ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất của nông dân. Qua đó giúp nông dân chủ động điều chỉnh sản xuất dựa trên dự báo của địa phương và ngành chuyên môn.
Hiện nay, bản tin thời tiết nông vụ đã được thực hiện tại 342 xã, với nhiều bản tin đa dạng được đưa ra như bản tin mùa, bản tin tháng, bản tin 10 ngày bằng nhiều hình thức tuyên truyền. Quan trọng nhất là các bản tin có giá trị thiết thực với nông dân. Các bản tin này không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn quản lý nguồn nước.
Tiếp nối Dự án DeRISK SE Asia, một kế hoạch mới đã được hình thành trong năm 2022 và sẽ triển khai sâu rộng trong những năm tới là sáng kiến CGIAR (2022-2030) về Bảo vệ hệ thống lương thực tại các vùng đồng bằng lớn của Châu Á để đảm bảo sinh kế và thích ứng với khí hậu (AMD).
Trong giai đoạn 2022 – 2024, dự án sẽ tập trung vào các hoạt động giúp nông dân xây dựng khả năng chống chịu trước ảnh hưởng của BĐKH. Đặc biệt là các dịch vụ số, chuỗi giá trị, kết nối dịch vụ tư vấn nông nghiệp. Và bản tin thời tiết nông vụ sẽ được lồng ghép trong các chương trình của cấp cao hơn. Tiến sĩ Kees Swaans cũng định hướng mở rộng bản tin thời tiết nông vụ trên đối tượng sản xuất khác như: tôm, trái cây…