| Hotline: 0983.970.780

'Nóng mặt' chợ tạm, người dân xã nông thôn mới rủ nhau đi kiện

Thứ Ba 19/05/2020 , 11:01 (GMT+7)

Cho rằng chợ nông thôn mới đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả, hàng chục người dân ở Hải Dương rủ nhau đi kiện.

Chợ Cháy được xây dựng, cải tạo với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Ảnh: Kế Toại. 

Chợ Cháy được xây dựng, cải tạo với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Ảnh: Kế Toại. 

Sự việc lùm xùm kể trên dẫn tới việc tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự nhiều ngày tại chợ Cháy, xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà (Hải Dương).

Lác đác chợ tiền tỷ

Chợ Cháy ngày nay được cải tạo, xây mới từ năm 2017 với số vốn hơn 3 tỷ đồng, trước thời điểm xã Cẩm Chế đạt chuẩn NTM một năm.

Đây vốn là chợ truyền thống, hình thành từ những năm 1150, là trung tâm kinh doanh sầm uất nhất nhì huyện Thanh Hà.

Ông Phạm Đình Tám, tiểu thương tại chợ Cháy cho biết, từ khi xây dựng, cải tạo tới nay, dù đã được đấu giá, cho thuê ki ốt nhưng hoạt động kinh doanh tại đây khá èo uột.

Dù là chợ tiền tỷ, khang trang nhưng chỉ hoạt động được 2 – 3 tiếng buổi sáng. Từ hơn 8h sáng, nhiều tiểu thương bắt đầu dọn dẹp đồ, chuyển sang bán hàng tại khu vực chợ tạm thôn Nhân Lư (cùng xã Cẩm Chế).

Theo ông Tám, do chợ tạm nằm sát mép QL 39B, lưu lượng giao thông lớn nên hay xảy ra tình trạng ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Bên cạnh đó, do không được xây dựng, chợ tạm khá lụp xụp, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Nhiều lần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, tuy nhiên hiện trạng không thay đổi nhiều.

Khung cảnh buôn bán đìu hiu bên trong chợ Cháy. Ảnh: Kế Toại. 

Khung cảnh buôn bán đìu hiu bên trong chợ Cháy. Ảnh: Kế Toại. 

Với những bức xúc này, từ cuối tháng 4 vừa qua, hàng chục tiểu thương tại chợ Cháy đồng loạt ký đơn kiến nghị chính quyền địa phương phải xóa chợ tạm, dồn các hộ buôn bán về chợ Cháy.

Sau những lá đơn, UBND huyện Thanh Hà đã ra kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn giao thông trên địa bàn xã Cẩm Chế.

Khi chúng tôi về ghi nhận thực trạng, khu vực chợ tạm Nhân Lư đã không còn lấn ra sát QL 39B. Chính quyền xã Cẩm Chế đã đổ bê tông là “ranh giới, đảm bảo hành lang giao thông rộng 5 mét.

Cái lý của chợ tạm

Để tìm hiểu đa chiều câu chuyện lùm xùm tại xã Cẩm Chế, phóng viên đã tiếp xúc nhiều người dân và lãnh đạo thôn Nhân Lư.

Bà Nguyễn Thị Thau cho biết, chợ tạm Nhân Lư thực chất đã tồn tại khoảng 30 năm nay. Việc buôn bán chủ yếu là các mặt hàng tự sản xuất, cung cấp cho người dân trong vùng. Dù là chợ tạm nhưng vẫn được chia các ki ốt, có diện tích đàng hàng.

Sau kế hoạch giải tỏa, người bán hàng ở chợ tạm đã lui hàng quán theo yêu cầu. Ảnh: Kế Toại. 

Sau kế hoạch giải tỏa, người bán hàng ở chợ tạm đã lui hàng quán theo yêu cầu. Ảnh: Kế Toại. 

“Chợ tồn tại bao nhiêu năm nay, chúng tôi vẫn được chính quyền địa phương cho phép bán hàng. Nói về lấn chiếm hàng lang, sau khi chính quyền yêu cầu lui vào phía trong hơn 1 mét, chúng tôi đã tự nguyện tháo dỡ. Từ đó đến nay, chúng tôi không ai lấn ra đường để bán hàng nữa”, bà Thau khẳng định.

Ông Phí Ngọc Bình, trưởng thôn Nhân Lư cho biết, dù là chợ tạm nhưng bao năm qua, mọi hoạt động vẫn tuân thủ quy định do UBND xã đề ra. Cụ thể, từ tháng 6/2010, chính quyền xã Cẩm Chế đã có biên bản bàn giao chợ cho thôn Nhân Lư quản lý.

Theo đó, giao trực tiếp cho ông Bình đứng ra quản lý, đảm bảo an ninh trật tự tại khu chợ. Đảm bảo sắp xếp nơi bán hàng, không cho người dân bày bán hàng dưới lòng đường. Đảm bảo công tác vệ sinh hằng ngày, cử người dọn rác thải và chuyển về bãi rác của xã.

Đồng thời, thôn Nhân Lư được phép thu lệ phí của từng hộ, từng mặt hàng không quá 1% giá trị hàng hóa bán tại chợ. Tuy nhiên, thôn không được tự ý xây hàng quán hay tu sửa trong khu vực chợ khi chưa có ý kiến của UBND xã.

Dựa vào biên bản trên, khoảng tháng 3/2011, thôn Nhân Lư bắt đầu thiết kế, cải tạo lại chợ tạm dưới sự chấp thuận của Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế. Chợ gồm 2 dãy bán hàng với khoảng 20 ki ốt, áp sát vào tường nhà văn hóa thôn. Mặt trước bám dọc theo trục QL 39B với khoảng cách 4 mét.

Trưởng thôn Nhân Lư, ông Phí Ngọc Bình giới thiệu bản đồ quy hoạch chợ tạm được sự chấp thuận của lãnh đạo xã Cẩm Chế. Ảnh: Kế Toại. 

Trưởng thôn Nhân Lư, ông Phí Ngọc Bình giới thiệu bản đồ quy hoạch chợ tạm được sự chấp thuận của lãnh đạo xã Cẩm Chế. Ảnh: Kế Toại. 

Theo ông Bình, kinh phí xây dựng, cải tạo chợ khi đó khoảng hơn 100 triệu đồng từ nguồn đóng góp tự nguyện của các hộ dân trong thôn. Khoảng 3 năm trở lại đây, thôn mới bắt đầu thu phí sử dụng ki ốt của các hộ dân với số tiền 200 nghìn đồng/năm.

Cũng theo trưởng thôn Nhân Lư, việc thu phí đều có phiếu thu, đưa về quỹ của thôn, nhưng vẫn có những hộ không đóng hoặc đóng thiếu. Nhiều năm qua, chợ tạm hoạt động ổn định, không hề gây xáo trộn giao thông như tiểu thương chợ Cháy phản ánh.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế, ông Lê Văn Phương xác nhận vụ việc lùm xùm giữa các tiểu thương với người dân thôn Nhân Lư. Ông Phương cho biết, sau khi có kiến nghị của các tiểu thương, Đảng ủy xã đã có chủ trương dồn toàn bộ chợ tạm về tập trung tại chợ Cháy.

Tuy nhiên, chủ trương này vấp phải phản ứng dữ dội của hơn 4 nghìn người dân thôn Nhân Lư. Trong các ngày 29 và 30/4, đông đảo người dân thôn này kéo về trụ sở xã Cẩm Chế để phản đối chủ trương dẹp chợ tạm.

Ông Phương không ngần ngại thừa nhận, chủ trương của Đảng ủy xã không sai nhưng chưa thấu tình, đạt lý. UBND xã đã nhanh chóng “chữa cháy” bằng cách giải tỏa hành lang giao thông khu vực chợ tạm, yêu cầu các hộ dân lui vào hơn 1 mét.

Cũng theo ông Phương, tthực tế trên quy hoạch, khu vực thôn Nhân Lư không hề được xây dựng chợ. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế cộng với lịch sử để lại, nên chợ tạm cứ thế tồn tại 30 năm qua.

“Hiện nay, tình hình an ninh trật tự đã tương đối ổn định. Các hộ dân ở chợ tạm đã chấp hành, không còn lấn sát ra mặt QL 39B. Còn về chủ trương xóa hay không xóa chợ tạm, việc này tới đây phải bàn bạc kỹ, xin ý kiến của người dân”, ông Phương cho biết thêm.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất