| Hotline: 0983.970.780

Lùm xùm xã nông thôn mới ở Ninh Bình

Thứ Năm 13/02/2020 , 13:15 (GMT+7)

Mang danh hiệu xã nông thôn mới (NTM) từ cuối 2016, nhưng nhiều người dân xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh vẫn “ôm” đơn khắp nơi tố cáo Chủ tịch UBND xã.

Ông Lê Công Uẩn - người phát giác sự việc khai khống diện tích hỗ trợ trồng khoai tây.

Ông Lê Công Uẩn - người phát giác sự việc khai khống diện tích hỗ trợ trồng khoai tây.

Họ tố người đứng đầu địa phương, lợi dụng chính sách xây dựng NTM để chi khống, rút ruột tiền ngân sách Nhà nước.

Nhập nhèm tiền hỗ trợ sản xuất

Vụ việc thứ nhất, người dân đồng loạt đứng lên tố cáo ông Đỗ Quang An, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng có hành vi tham nhũng. Cụ thể, vụ đông năm 2017, ông An chỉ đạo lập biên bản, nghiệm thu khống hơn 27 nghìn mét vuông cây khoai tây, rút ruột ngân sách hơn 30 triệu đồng.

Ông Đào Công Chức, người dân xóm 12 cho biết, dù số tiền không nhiều, nhưng gây ra dư luận không tốt, bức xúc trong quần chúng nhân dân và cán bộ thôn, xã.

Ông Chức khẳng định, trong danh sách 48 hộ dân được hỗ trợ đợt 2, có nhiều điểm nhập nhèm, không thể lý giải. Trong số này, rất nhiều hộ có trong danh sách nhận được tiền, nhưng thực tế không hề trồng cây khoai nào. Nhiều hộ là cán bộ thôn, xóm khác chỉ trồng rau cũng được “gửi” vào để hưởng tiền hỗ trợ.

Điển hình như tại xóm 11, 13 là hộ Lê Việt Bắc, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Xuân… dù không tham gia trồng khoai nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận hỗ trợ. Đặc biệt, trường hợp bà Nguyễn Thị Xuân, đã tạm vắng tại địa phương 5 – 6 năm nay nhưng vẫn được liệt vào hộ trồng 675 m2 khoai tây, nhận 749 nghìn đồng tiền hỗ trợ.

Khi có người gọi điện, bà Xuân ú ớ, không hiểu chuyện gì xảy ra vì từ lâu lắm không còn tham gia sản xuất ở địa phương. Duy có mảnh vườn giao lại cho người thân trông coi, nhưng cũng không trồng khoai tây.

Ông Lê Xuân Thành - người bỗng

Ông Lê Xuân Thành - người bỗng "được" tiền hỗ trợ nhưng không nhận được đồng nào.

Hay như trường hợp ông Lê Xuân Thành (xóm 13), nằm trong danh sách nhận 999 nghìn đồng cho 900 m2 khoai tây. Trao đổi với phóng viên, ông Thành khẳng định, không hề đăng ký cũng như nhận được một đồng hỗ trợ nào từ chính quyền xã. Không hiểu vì sao, xã lại “nhét” ông vào danh sách, với mục đích gì.

Người dân cho biết, các hộ nhận hỗ trợ đợt 2 xuống giống khoai tây dịp tháng 3,4/2018, không thể nói là cây vụ đông được. Theo quy định, Nhà nước chỉ hỗ trợ sản xuất cây vụ đông. Họ cho rằng, lãnh đạo xã Khánh Hồng cố tình lập lờ kê hỗ trợ vụ đông để rút tiền ngân sách.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trước nay chỉ trồng rau, bỗng dưng được kê vào danh sách nhận tiền hỗ trợ trồng cây khoai tây. Trong đó có hộ ông Chu Hải Dương, xóm trưởng xóm 8. Ngoài ra, nhiều hộ như Đoàn Văn Phi, Chu Văn Châu, Chu Văn Đạt (xóm 8, xóm 10) xưa nay chỉ trồng rau, nay được “gửi” sang xóm 11 để nhận tiền hỗ trợ.

Theo tìm hiểu, sự việc được phát giác bởi ông Lê Công Uẩn – người có nhiệm vụ trông coi thuê cánh đồng sản xuất vụ đông. Ông Uẩn cho biết, vụ đông 2017, thực tế diện tích trồng khoai của các hộ này chỉ hơn 2 mẫu ruộng. Số tiền ông được trả công bảo vệ là hơn 200 nghìn đồng.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với danh sách hỗ trợ, diện tích này bị khống lên nhiều lần. Theo kê khai của UBND xã Khánh Hồng, diện tích khoai tây người dân nhận hỗ trợ là 27.315 m2 (tương đương 7,5 mẫu). Ông Uẩn khẳng định, diện tích hỗ trợ đã bị ông Đỗ Quang An, Chủ tịch UBND xã chỉ đạo khai khống nhằm rút tiền ngân sách.

Sau đó, ông Uẩn làm đơn yêu cầu lãnh đạo xã Khánh Hồng trả lời, làm rõ những khuất tất này. Tới ngày 23/5/2018, Chủ tịch UBND xã Đỗ Quang An đã ký văn bản trả lời. Ông An cho rằng, không có chuyện lập danh sách trồng khoai tây vụ xuân 2018 để nhận tiền hỗ trợ cây vụ đông 2018.

Về các hộ dân không trồng nhưng vẫn trong danh sách nhận tiền, ông An giải thích “Họ đã chuyển người khác trồng!?”. Một dẫn chứng là ông Lê Xuân Thành (xóm 13) được cho đăng ký nhưng chuyển bà Nguyễn Thị Nắng trồng. Nhưng theo xác minh của chúng tôi, cả ông Thành và bà Nắng đều không nhận được một đồng hỗ trợ.

Khiếu kiện kéo dài

Không bằng lòng với những giải thích của ông Đỗ Quang An, nhiều người dân tiếp tục gửi đơn tố cáo lên UBND huyện Yên Khánh. Bên cạnh việc yêu cầu làm rõ số tiền hỗ trợ sản xuất, các lá đơn cũng chỉ ra nhiều khoản chi khống trong quá trình tu sửa, chỉnh trang cơ sở hạ tầng để đón NTM.

Từng mảng tường nham nhở của trụ sở UBND xã Khánh Hồng.

Từng mảng tường nham nhở của trụ sở UBND xã Khánh Hồng.

Cụ thể, người dân chỉ ra 21 hạng mục sửa chữa có dấu hiệu bị khai khống với số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong đó, nhìn rõ nhất, theo người dân, việc UBND xã Khánh Hồng chi tiền phá lớp vữa trát tường với số tiền 30 triệu đồng là không thực tế. Từ khi xây dựng, đi vào sử dụng cho tới khi đạt chuẩn NTM (2016), trụ sở UBND xã chưa một lần được trát lại lớp vữa mới.

Theo kê khai, móng nhà trụ sở cũng được sửa lại, ốp đá granit tự nhiên với số tiền gần 173 triệu đồng. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là những mảnh đá vụn được sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, 45,5 m3 tấm đan làm rãnh thoát nước cũng được kê khai trị giá hơn 160 triệu đồng nhưng thực tế không có…

Trước những tố cáo trên, UBND huyện Yên Khánh đã ít nhất 2 lần ra thông báo kết luận kiểm tra. Trong đó, cho rằng, những tố cáo của người dân là không có căn cứ.

173 triệu đồng chi ốp đá granit tự nhiên thực tế lại là mảnh đá vụn, sản xuất công nghiệp.

173 triệu đồng chi ốp đá granit tự nhiên thực tế lại là mảnh đá vụn, sản xuất công nghiệp.

Ông Đào Công Chức khẳng định, kết luận kiểm tra của UBND huyện Yên Khánh là sự ngụy biện, bao che cho sai phạm của đội ngũ lãnh đạo xã Khánh Hồng – đặc biệt là ông Đỗ Quang An, Chủ tịch.

Chiều 11/2, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND huyện Yên Khánh xác nhận việc khiếu kiện kéo dài tại xã Khánh Hồng. Ông Cường cho biết, hiện tại những người liên quan là ông Đỗ Quang An và bà Đinh Thị Sâm (cán bộ công chức địa chính – xây dựng) đều được thuyên chuyển công tác.

Trong đó, ông An được điều về làm viên chức tại Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện Yên Khánh.

Không đồng tình với quan điểm của huyện Yên Khánh, người dân Khánh Hồng đã tiếp tục gửi đơn tố cáo tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, người dân vẫn chưa nhận được sự hồi âm chính thức!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.