COPA-COGECA cho rằng lũ lụt làm "Nhiễu loạn các hoạt động kinh tế trong toàn bộ ngành nông nghiệp".
Bỉ và Đức bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, do đây là hai quốc gia gánh chịu những trận mưa lớn liên tiếp, dẫn đến mùa màng bị ngập lụt và xói mòn đất.
"Điều này đã loại trừ mọi dấu hiệu về kỳ vọng có một vụ thu hoạch thành công", COPA-COGECA cảnh báo trong một tuyên bố phát đi hôm 19/7.
Hiệp hội nông dân nhấn mạnh tầm quan trọng trong “hành động nhanh chóng của Ủy ban châu Âu nhằm giúp đỡ và hỗ trợ tất cả công dân, nông dân cũng như các khu vực bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu trong tuần qua”.
Tuyên bố của Hiệp hội nông dân có đoạn: “Tác động khí hậu gần đây của lũ lụt trên khắp Tây Âu không chỉ nêu bật nhu cầu hỗ trợ tốt hơn mà còn kêu gọi các nguồn lực cần thiết để giải quyết vấn đề, vì lũ lụt tàn phá […] đã gây ra những thiệt hại bất lợi trên nhiều vùng đất, ảnh hưởng đến cây nông nghiệp, và các gia đình”.
Tuyên bố nói thêm rằng nông dân và hợp tác xã nông nghiệp sẵn sàng hành động để giúp đỡ cộng đồng của họ. Điều này được thể hiện khi nông dân trên khắp châu Âu nỗ lực huy động máy kéo, xe bồn và các thiết bị nông nghiệp khác.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 19/7, Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski bày tỏ sự “đoàn kết hoàn toàn” với các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi thiên tai và lũ lụt.
Chia buồn với các nạn nhân, ông cho biết đã thảo luận với các Bộ trưởng EU tại Hội đồng AGRIFISH tuần này về những gì có thể làm để giúp đỡ nông dân và các cộng đồng nông thôn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tự nhiên này.
“May mắn thay, trong Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP), có các công cụ và biện pháp hỗ trợ để khôi phục và tái thiết những thiệt hại do thiên tai gây ra”, Ủy viên Nông nghiệp Janusz Wojciechowski nói và chỉ cụ thể đến các biện pháp số 5 và biện pháp số 7 nằm trong trụ cột thứ hai của CAP.
“Chúng tôi tuyên bố ủng hộ hoàn toàn đối với các thủ tục suôn sẻ và sự hợp tác của các quốc gia thành viên với hình thức hỗ trợ này”, ông Wojciechowski chia sẻ và bổ sung thêm rằng các lựa chọn viện trợ nhà nước cũng có thể thực hiện được với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu.
Các biện pháp hỗ trợ khác có thể bao gồm các khoản tạm ứng về thanh toán cũng như miễn trừ một số nghĩa vụ cho nông dân bị ảnh hưởng.
Khi được hỏi thêm chi tiết, Ủy viên Nông nghiệp Janusz Wojciechowski nói rằng hiện tại còn quá sớm để biết quy mô thiệt hại và Ủy ban châu Âu đang chờ sự dẫn dắt của các quốc gia thành viên, nhưng sẵn sàng chấp nhận các đề xuất dựa trên đánh giá về thiệt hại của từng quốc gia riêng biệt.
“Chúng tôi đang liên hệ với các quốc gia thành viên để có thể có những hỗ trợ cụ thể cho những người nông dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa này.", ông Wojciechowski kết luận.
Tuần qua đã chứng kiến tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo và Luxembourg, tàn phá toàn bộ cộng đồng, dẫn đến gần 200 người chết.
Cảnh sát cho biết, ít nhất 157 người đã chết kể từ ngày 14/7 trong trận lũ lụt tồi tệ nhất ở Đức. Riêng tại bang Rhineland-Palatinate, nhà chức trách báo cáo có 110 người chết và 670 người bị thương.
Ít nhất 27 người mất mạng ở nước láng giềng Bỉ.
Các đội cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân và những người sống sót trong đống đổ nát. Cảnh sát cũng triển khai tàu cao tốc và thợ lặn để vớt các thi thể bị cuốn trôi trong dòng nước xoáy.
Lượng mưa lớn trong lịch sử còn ảnh hưởng đến Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan.
Khi nước bắt đầu rút đi ở Rhineland-Palatinate và vùng lân cận North-Rhine Westphalia (NRW), mối quan tâm chuyển xuống phía nam đến vùng Thượng Bavaria của Đức, nơi những trận mưa xối xả làm ngập các tầng hầm và khiến các con sông và lạch bị vỡ bờ vào cuối ngày 17/7.
Ở phía đông bang Sachsen, các nhà chức trách báo cáo một "tình huống rủi ro đáng kể" ở một số ngôi làng.
Tại Áo, các nhân viên khẩn cấp ở các vùng Salzburg và Tyrol đã cảnh giác cao độ về lũ lụt. Thị trấn xinh đẹp Hallein bị thiệt hại nặng nề sau khi đường phố bị nhấn chìm.
Trước tình trạng này, hôm 18/7, Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà rất kinh hoàng trước sự tàn phá “siêu thực” ở khu vực bị lũ lụt tàn phá của Đức.